QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:02 (GMT+7)
Công lý và đạo lý cho nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam

Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc chiến tranh hoá học nào có thể so sánh về quy mô và thời gian với cuộc chiến tranh hoá học mà quân đội Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam. Nó đã để lại hậu quả nặng nề cho hàng triệu người Việt Nam, hủy hoại môi trường sống, mà phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền của mới có thể khắc phục được.

Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin, rải xuống 24,67% diện tích tự nhiên với các mức độ khác nhau trên toàn miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam/dioxin (CĐDC/D) là một hỗn hợp; trong đó, dioxin là chất độc nhất đối với sức khỏe con người. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, các nhà khoa học Mỹ đã cảnh báo về tác hại của CĐDC/D; đồng thời, phản đối việc sử dụng chất độc đó trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thế nhưng, Chính phủ và quân đội Mỹ vẫn sử dụng một số lượng rất lớn CĐDC/D, gây ra hậu quả rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái. Đối với con người, việc rải chất độc hóa học của quân đội Mỹ đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; trong đó, khoảng 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em. Hàng vạn người đã chết, hàng triệu người bị các bệnh ung thư và bệnh nan y khác cùng con, cháu của họ bị dị dạng, dị tật đang phải sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của CĐDC/D. Không chỉ người Việt Nam, mà nhiều cựu binh các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng đã mắc các bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC/D. Đối với môi trường sinh thái, CĐDC/D tức thời đã tàn phá 3.060.000 ha rừng với nhiều mức độ khác nhau. Về lâu dài, CĐDC/D làm cho hệ sinh thái rừng bị thay đổi, đất rừng bị xói mòn; cỏ tranh, tre nứa, cỏ bụi xâm lấn và thay thế cây rừng. Môi trường rừng xấu đi, gây trở ngại cho rừng tái sinh, đã tác động mạnh lên 28 lưu vực sông miền Trung Việt Nam; làm cho tình trạng bão lũ ở khu vực miền Trung ngày càng trở nên nặng nề hơn, gây ra sự tổn thất lớn về người và tài sản.

Bởi vậy, cuộc đấu tranh vì công lý và đạo lý cho nạn nhân CĐDC/D Việt Nam đã được đông đảo các tổ chức, cá nhân ở trong nước và quốc tế tích cực tham gia. Ngày 21 và 22-2-2006, các luật gia quốc tế họp hội nghị ở Hà Nội đã nhất trí lên tiếng ủng hộ Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam tại Toà án Hoa Kỳ. Ngày 28 và 29-3-2006, Hội nghị quốc tế Nạn nhân CĐDC/D tại Hà Nội đã ra Lời kêu gọi khẳng định một số công ty hoá chất Mỹ, do chạy theo lợi nhuận đã gây nên nhiều thảm họa đối với Việt Nam và yêu cầu họ phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân. Ngày 15-5-2008, lần đầu tiên vấn đề CĐDC/D được đưa ra điều trần tại Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ với chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên - Chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)?”. Nhiều phát biểu của các nhà khoa học, nghị sĩ, luật gia và luật sư Hoa Kỳ khẳng định CĐDC/D do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả binh sĩ Mỹ và người dân Việt Nam; đồng thời, yêu cầu Chính phủ Mỹ bồi thường cho các nạn nhân. Ngày 4-6-2009, cũng tại Tiểu ban này, đã diễn ra phiên điều trần thứ 2 với chủ đề “Hoàn thành nghĩa vụ của mình, chúng ta cần làm gì để đề cập đến ảnh hưởng của CĐDC tại Việt Nam ?”. Tham luận của tiến sĩ Charles Bailey - Giám đốc Sáng kiến đặc biệt về da cam/dioxin của Quỹ Ford, nêu rõ: “Hơn 30 năm sau chiến tranh, dioxin vẫn đặt ra những nguy cơ to lớn về an toàn và sức khoẻ. Số trường hợp dị tật bẩm sinh, ung thư và các bệnh khác cao một cách đáng lo ngại đang xảy ra với cựu chiến binh Việt Nam, người dân thường, con cháu họ và những người sống ở các khu vực ô nhiễm”.

Ngày 30-1-2004, Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam và một số nguyên đơn gửi đơn kiện tại Toà án sơ thẩm quận Brooklyn - bang New York - Hoa Kỳ về việc 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hoá chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam suốt 10 năm (từ 10-8-1961 đến 30-6-1971). Ngay trước khi diễn ra phiên tranh tụng miệng tại Toà án sơ thẩm Brooklyn giữa các luật sư bên nguyên, bên bị, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu toà án bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam, do lo ngại nếu vụ kiện này được chấp nhận, nó sẽ “mở toang cánh cửa” các toà án thuộc hệ thống tư pháp Mỹ cho các quân nhân và các quốc gia từng bị Mỹ xâm lược tuyên bố rằng: họ bị quân đội Mỹ làm hại trong chiến tranh. Cho nên, thẩm phán Jack Weinstein ra phán quyết, bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam chỉ với lý do duy nhất là CĐDC/D rải ở Việt Nam đặc trưng vẫn là chất diệt cỏ, không phải chất độc (!?). Thế nhưng, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sản phẩm chất hóa học của các công ty Mỹ, được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam có hàm lượng dioxin cao gấp hàng chục lần so với ngưỡng bảo đảm an toàn. Vậy mà, ngay sau khi Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam và các nguyên đơn gửi đơn kháng cáo đến Toà án phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ, thì Toà phúc thẩm lưu động số 2 khu vực New York lại đồng ý với phán quyết của Toà sơ thẩm, rằng: việc sử dụng chất độc của Mỹ không cố ý gây thiệt hại cho con người Việt Nam (!?).

Một lần nữa, Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam và các luật sư Mỹ (bên nguyên) gửi đơn thỉnh cầu của các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam đòi các công ty hoá chất phải bồi thường thiệt hại gây ra đối với sức khoẻ bản thân và gia đình họ lên Toà án tối cao Liên bang Hoa Kỳ; nhưng bị Tòa bác bỏ ngày 3-3-2009. Cũng như hai lần trước, lập tức ở khắp mọi nơi (cả trong nước và ngoài nước), đã dấy lên những tiếng nói bất bình và những đợt đấu tranh mạnh mẽ phản đối những lập luận phi lý và phán quyết sai trái của Toà án Hoa Kỳ. Ngay ngày 3-3-2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam hết sức bất bình trước quyết định sai lầm và bất công của Toà án tối cao Hoa Kỳ… Điều hết sức đáng tiếc là Toà án tối cao Hoa Kỳ lại đưa ra quyết định phi lý này trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển và Chính phủ Hoa Kỳ đang có những nỗ lực và hợp tác hữu ích với Việt Nam để góp phần khắc phục hậu quả của CĐDC/D ở Việt Nam”. Cùng ngày, Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam họp báo tuyên bố: “Toà án Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng trong việc cho rằng, đặc trưng chất da cam là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người. Toà án Mỹ đã hoàn toàn phủ nhận thực tế khách quan về hậu quả CĐDC/D diễn ra ở Việt Nam mà nhiều nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã kết luận… Công lý phải được tôn trọng. Chúng tôi quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc đấu tranh này bằng nhiều hình thức cho đến khi công lý thắng lợi”. Ngay sau đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội1 đã ra tuyên bố phản bác quyết định của Toà án tối cao Hoa Kỳ. Bà Merle Ratner - đồng Điều phối viên chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân CĐDC/D Việt Nam (Mỹ) nói: “Vụ kiện đã được sự ủng hộ chưa từng thấy của công chúng cả ở Mỹ và trên thế giới đòi công lý và đòi bồi thường cho các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho các nạn nhân và đòi dọn sạch những “điểm nóng chất da cam” còn tồn đọng ở Việt Nam…”. Ông Len Aldis (Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt) gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barak Obama nhấn mạnh: “Ngài Tổng thống, Ngài sinh ra vào ngày 4-8-1961, vào chính tháng mà lực lượng không quân Mỹ bắt đầu rải CĐDC/D xuống miền Nam Việt Nam và tiếp tục làm việc đó thêm 10 năm nữa. Hậu quả của những cánh rừng bị huỷ hoại bởi CĐDC/D này đến nay vẫn có thể nhìn thấy. Với con người, những thương tật nghiêm trọng là chứng tích của chất độc này. Bất chấp phán quyết này, Ngài có quyền đưa ra chính sách để cung cấp các đền bù tài chính cho các nạn nhân CĐDC/D và gia đình họ…”.

Trong hai ngày 15 và 16-5-2009, tại Paris - thủ đô nước Cộng hoà Pháp - Toà án Lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân CĐDC/D Việt Nam đã được tổ chức theo sáng kiến của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL). Mặc dù phía bị đơn là Chính phủ và các công ty hoá chất Mỹ không cử người đến dự theo yêu cầu của Toà, nhưng phiên toà vẫn diễn ra theo trình tự tố tụng vắng mặt bị đơn. Toà án đã ra quyết định, khẳng định Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng CĐDC/D, các công ty hoá chất Mỹ là tòng phạm của các hành động này của Chính phủ Mỹ; Chính phủ Mỹ và các công ty hoá chất cung cấp CĐDC/D phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân CĐDC/D và gia đình họ; phải có trách nhiệm làm sạch môi trường để tẩy sạch CĐDC/D khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam, đặc biệt là tại các “điểm nóng” xung quanh các căn cứ quân sự cũ của quân đội Mỹ,…

Những thảm họa nghiêm trọng đối với con người và môi trường, sinh thái do CĐDC/D gây ra là những chứng cứ pháp lý mà chúng ta đưa ra trong vụ kiện suốt 5 năm qua, đã vạch trần mọi thủ đoạn che giấu từ hơn 30 năm nay của các công ty hoá chất Mỹ. Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC/D tại Toà án Mỹ đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa tích cực, đáng khích lệ, bước đầu đạt được một số yêu cầu đề ra. Ở trong nước, Vụ kiện đã thúc đẩy phong trào đòi công lý ở khắp các địa phương, tạo ra sự thông cảm sâu sắc và giúp đỡ mạnh mẽ đối với các nạn nhân CĐDC/D. Trên thế giới, Vụ kiện đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ, tác động tích cực đến cuộc đấu tranh đòi bồi thường của các cựu binh ở các nước, như: Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc… Chính phủ các nước này đã có một số chính sách đối với cựu binh - nạn nhân CĐDC/D của nước họ2.

Cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam phù hợp với xu thế chung hiện nay của nhân loại là đấu tranh bảo vệ quyền con người: quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong quyền của con người, các nạn nhân CĐDC/D đã bị tước đoạt cả ba yếu tố cơ bản đó. Rất nhiều người Việt Nam bị nhiễm CĐDC/D đã trở thành tàn tật vì thương tổn thần kinh, bại liệt, mù loà… Rất nhiều con, cháu của họ đã trở thành người khuyết tật ngay từ khi mới sinh ra, do di chứng CĐDC/D từ cha mẹ, ông bà. Thật mỉa mai khi chính những người đã gieo rắc thảm hoạ CĐDC/D lại đang tự nhận đi tiên phong trong việc bảo vệ và tôn trọng nhân quyền! Trước những chứng cứ khoa học của nạn nhân CĐDC/D ở Việt Nam họ lại đang cố tình ngoảnh mặt làm ngơ! Phải chăng họ đang chà đạp lên công lý?

Với đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã và đang có các chế độ, chính sách nhằm chia sẻ, xoa dịu nỗi đau đối với mọi nạn nhân CĐDC/D. Ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động với chức năng bảo vệ quyền lợi các nạn nhân CĐDC/D và là đại diện pháp lý cho nạn nhân trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Ngay sau đó, Hội đã lập đề án “Giúp đỡ nạn nhân CĐDC/D trong cuộc sống” và đã có nhiều hình thức hoạt động thiết thực, như: ra tuyên bố kêu gọi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Hội và các nạn nhân trong các hoạt động vì hòa bình, công bằng, công lý; tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ, tiến hành khởi kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất CĐDC/D để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam... Ngày 25-6-2004, đại diện 32 tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp Hội nghị “Vì các nạn nhân CĐDC/D Việt Nam”, nhất trí đề nghị lấy ngày 10 tháng 8 hằng năm3 là “Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”.

Từ năm 2004 đến nay, sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với nạn nhân CĐDC/D Việt Nam diễn ra thường xuyên hơn. Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự các cuộc gặp mặt nạn nhân, thăm hỏi các gia đình và trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC/D. Trong Thư gửi các nạn nhân CĐDC/D nhân “Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh: “Nỗi đau của nạn nhân CĐDC/D Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Tôi bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc và xin được cùng sẻ chia với anh chị em và các cháu nạn nhân CĐDC/D về sự mất mát, đau thương này. Tôi biểu dương và khen ngợi những nạn nhân đã nêu cao tinh thần “tự lực cánh sinh”, quyết tâm luyện tập, điều trị, phục hồi chức năng, hoà nhập với cộng đồng…”. Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các hội hữu nghị với Việt Nam của nhiều nước, tổ chức và cá nhân trên thế giới4, góp phần giảm bớt mặc cảm, vượt qua những đau đớn về thể xác, tinh thần do bệnh tật gây ra. Hãy đến với các nạn nhân CĐDC/D, “đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ… Đến với nạn nhân CĐDC/D là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người, nhưng cũng chính ở đây tính bản thiện của mỗi con người Việt Nam “Thương người như thể thương thân” được thể hiện rõ nhất; cũng chính ở đây lòng nhân ái, tình đồng loại của mỗi con người có lương tâm và trách nhiệm trên thế giới này được tôn vinh”5. Với tinh thần đó, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đã và đang tích cực ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/D Việt Nam; tính đến tháng 10-2009, đã có số tiền và quà tặng trị giá hơn 120 tỉ đồng từ bạn bè trong nước và 15 tỉ đồng từ bạn bè ngoài nước. Những việc làm ấy đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của các nạn nhân CĐDC/D.

Chúng ta đã giành được những thắng lợi trên mặt trận chính trị và nhân văn trong cuộc đấu tranh vì công lý và đạo lý cho nạn nhân CĐDC/D Việt Nam. Cho dù còn phải trải qua khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, cuối cùng công lý và đạo lý sẽ chiến thắng.

MAI THẾ CHÍNH

Ủy viên Thường vụ

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

__________

1- Như: Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Người cao tuổi, Hội Việt - Mỹ…

2- Mỗi năm, Chính phủ Mỹ đã phải trợ cấp cho 200 nghìn người là các cựu binh Mỹ bị bệnh liên quan đến CĐDC/D số tiền 1,52 tỉ đô la Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho các binh sĩ thương tật do chất da cam mỗi năm 130 triệu đô la Mỹ…

3- Ngày đầu tiên (10-8-1961) quân đội Mỹ rải hoá chất độc xuống miền Nam Việt Nam ở Bắc Kon Tum.

4- như: Anh, Pháp, Đức, Nga, Thụy Sĩ…, Hội đồng Hoà bình thế giới, Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Uỷ ban Thụy Điển đoàn kết với Việt Nam - Lào-  Cam-pu-chia, Uỷ ban Hoà bình Brazil, Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc, Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hoà bình…, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam: Brunei, Ireland, Venezuela, Hy Lạp… Bà Anjuska Weil (Hội Thụy Sĩ  - Việt Nam), ca sĩ Peter Yarrow (Mỹ), các nghệ sĩ Kumiko Yokoi, Masako Sakata (Nhật Bản)… nhiều lần đến thăm Việt Nam, biểu diễn âm nhạc, sản xuất phim góp tiền ủng hộ nạn nhân CĐDC…

5- Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp - cố Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/D Việt Nam, phát biểu ngày 25-7-2004.

 

Ý kiến bạn đọc (0)