Thứ Sáu, 22/11/2024, 11:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quảng Ngãi có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với Quân khu 5 và cả nước. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh duyên hải miền Trung, phát huy lợi thế về nhân lực, tài nguyên, giao thông và địa hình (miền núi, đồng bằng và biển, đảo), những năm gần đây, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trên nhiều mặt. Kinh tế của Tỉnh tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành, vùng kinh tế, nhất là khu kinh tế Dung Quất phát triển nhanh, GDP tăng bình quân 18,53% năm, quy mô tổng sản phẩm năm 2010 tính theo giá trị thực tế ước đạt gần 27 ngàn tỷ đồng (gấp 4,1 lần năm 2005); GDP bình quân đầu người đạt 1.198 USD (gấp 3,75 lần năm 2005), đời sống của nhân dân trong Tỉnh ngày càng được cải thiện. Cùng với phát triển nhanh về kinh tế, QP-AN của Tỉnh cũng được củng cố, tăng cường; trong đó, đáng chú ý là Cơ quan quân sự Tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương.
Nắm vững quan điểm của Đảng về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò của Quảng Ngãi trong thế bố trí chiến lược chung của cả nước và Quân khu, cũng như đặc điểm, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh, Cơ quan quân sự đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác QP,QS địa phương trên địa bàn. Trước hết, Tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh và tăng cường tiềm lực cho khu vực phòng thủ (KVPT) Tỉnh. Theo đó, Quảng Ngãi chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng, nhất là đối với cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, học sinh, sinh viên và chức sắc, chức việc các tôn giáo. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về công tác giáo dục QP-AN, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh đã tiến hành củng cố, kiện toàn Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp; đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Công tác giáo dục QP-AN của Tỉnh được triển khai thực hiện theo hướng: cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiệu quả. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giáo dục QP-AN trong các trường phổ thông trung học, 5 năm qua, Tỉnh đã tổ chức đào tạo được 111 giáo viên và thực hiện tốt nền nếp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này. Việc đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục QP-AN cho các đối tượng được Tỉnh hết sức coi trọng. Trên cơ sở chương trình quy định của Bộ, Tỉnh tập trung giáo dục cho các đối tượng về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của nhân dân và LLVT địa phương; âm mưu thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta cũng như đối với địa bàn Quảng Ngãi; một số văn bản quy phạm pháp luật về biển, đảo, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ (DQTV), Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên (DBĐV)... Đến nay, 100% cán bộ đối tượng 2 đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN (do Quân khu tổ chức); Tỉnh đã mở 19 lớp bồi dưỡng cho 98% đối tượng 3 và 345 lớp bồi dưỡng cho gần 18 ngàn đối tượng 4 và 5; hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho 63.120 học sinh, sinh viên. Đáng chú ý là, Cơ quan quân sự đã tham mưu cho Tỉnh và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 138 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, 64 cán bộ Công đoàn, 185 giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp và 41 phóng viên của địa phương; phối hợp chặt chẽ với hệ thống báo, đài địa phương và Trung ương để mở các chuyên trang, chuyên mục QP-AN, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện chỉ thị của Quân khu, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh, cơ quan quân sự Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan khảo sát, đánh giá toàn diện địa bàn, làm cơ sở để xác định các nội dung xây dựng nền QPTD trên địa bàn Tỉnh, như: xây dựng thế trận và lực lượng, gắn phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN... Những nội dung này đều được thể hiện trong kế hoạch tác chiến phòng thủ Tỉnh, phù hợp với thực tiễn của các địa phương và sự phát triển của vũ khí, trang bị cũng như phương thức, thủ đoạn tác chiến của đối tượng đã được xác định. Mặt khác, trên cơ sở nắm chắc kế hoạch tổng thể phát triển KT-XH của Tỉnh và Trung ương trên địa bàn, Cơ quan quân sự đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong Tỉnh đề xuất, tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các biện pháp quản lý nhà nước về QP-AN. Chẳng hạn, đề xuất yêu cầu việc phát triển kinh tế-du lịch ở huyện đảo Lý Sơn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, phát triển mạng lưới giao thông, thông tin liên lạc, y tế trong Tỉnh vừa phải đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến về cơ động lực lượng, bảo đảm hậu cần, thông tin chỉ huy, y tế... cho KVPT khi có chiến tranh xảy ra. Để thực hiện được như vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong tình hình mới; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế dài hạn đối với các huyện ven biển gắn với tăng cường QP-AN trên biển, đảo. Các công trình chiến đấu, nhất là hệ thống công trình sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy A2 và phía trước bổ trợ, đài quan sát phòng không, hệ thống công sự được tiến hành tu bổ, sửa chữa; hầu hết các công trình được đầu tư xây dựng kiên cố. Công tác khảo sát bổ sung quyết tâm phòng thủ được tiến hành thường xuyên hằng năm theo đúng kế hoạch. Cơ quan quân sự còn tham gia thẩm định 22 dự án kinh tế-quốc phòng, 31 khu vực khai thác lâm sản, khoáng sản; phối hợp đo đạc và đề nghị cấp quyền sử dụng đất quốc phòng được 94/96 vị trí trong Tỉnh.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Tỉnh tích cực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng “thế trận lòng dân” của KVPT Tỉnh. Cơ quan quân sự Tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh và các địa phương tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; làm tốt công tác chính sách và hậu phương quân đội; tham gia “xóa đói, giảm nghèo”... qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ và chính quyền địa phương; khơi dậy truyền thống quê hương cách mạng, lòng yêu nước, tình cảm gắn bó với địa phương... Do đó, nhân dân các dân tộc trong Tỉnh càng nêu cao tinh thần cách mạng, cảnh giác trước mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tích cực thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về phát triển KT-XH và tăng cường QP-AN.
Trước yêu cầu mới, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh tập trung xây dựng LLVT vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương. Thực hiện Đề án của Bộ về tổ chức Quân đội nhân dân trong tình hình mới, Tỉnh đã kiện toàn tổ chức, biên chế các đơn vị theo các quyết định của Bộ và Quân khu; coi trọng xây dựng cả lực lượng thường trực, lực lượng DBĐV và DQTV; trong đó, tập trung vào các cơ quan, đơn vị ở các địa bàn trọng điểm về QP-AN, đặc biệt là ở miền núi và tuyến biển, đảo. Trên cơ sở nhận thức: xây dựng lực lượng DBĐV và DQTV là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài, không chỉ của Tỉnh mà còn đối với cả nước, Cơ quan quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện ngày càng có nền nếp, hiệu quả công tác này. Việc đăng ký ngạch dự bị của Tỉnh và các địa phương luôn đạt 100% quân số xuất ngũ; các đơn vị DBĐV thường xuyên được sắp xếp, kiện toàn quân số theo biên chế (các đơn vị của Bộ đạt trên 90%, Quân khu đạt 95%, Tỉnh và cấp huyện đạt 93%), sắp xếp các phương tiện kỹ thuật đạt 97,96%; công tác động viên huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên hằng năm đều đạt từ 93% trở lên. Công tác xây dựng lực lượng DQTV được thực hiện theo đúng phương châm “Vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng hợp lý, chất lượng cao, nhất là về chính trị. Tỉnh đặc biệt coi trọng nâng cao tỷ lệ đảng viên và xây dựng các chi bộ quân sự cấp xã trong sạch, vững mạnh. Đến nay, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng DQTV đạt trên 18% (tăng 6% so với năm 2005), đoàn viên đạt gần 50% (tăng trên 15% so với năm 2005). Đáng chú ý là, toàn Tỉnh hiện có 179/184 cấp xã đã xây dựng được chi bộ quân sự (đạt 97,2%) (số còn lại là tổ đảng quân sự); trong đó, 78 chi bộ có cấp ủy (đạt 43%). Quảng Ngãi hiện có 147 cán bộ xã, phường đội trưởng, 46 xã, phường đội phó được cơ cấu vào cấp ủy (tăng 33,4% so với năm 2005); ở một số xã trọng điểm về QP-AN còn xây dựng được nhà ở cho lực lượng dân quân thường trực. Nhận rõ vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ DQTV, 5 năm qua, Tỉnh đã đào tạo được 258 chỉ huy trưởng quân sự cấp xã và tổ chức tập huấn cho 510 lượt cán bộ, góp phần nâng cao trình độ, đề cao trách nhiệm, giúp họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Là địa phương có lợi thế về biển, đảo, Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng DQTV biển vững mạnh. Tỉnh đã được Bộ và Quân khu chọn làm điểm về xây dựng lực lượng DQTV biển, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để xây dựng lực lượng này ở các địa phương khác.
Quán triệt và triển khai thực hiện mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị điều chỉnh, bổ sung, luyện tập các phương án SSCĐ; duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra trên biển, đảo. Năm 2009, Tỉnh đã tổ chức diễn tập tác chiến phòng thủ, được Quân khu và Bộ đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; 5 năm qua, 100% cấp huyện, thành phố và cấp xã đều tổ chức diễn tập theo quy định. LLVT Tỉnh đã thực sự phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền QPTD; luôn phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an, Biên phòng xây dựng và thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp hoạt động, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đánh giá tình hình cả trên đất liền và trên biển, đảo; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến QP-AN. Đây là cơ sở thuận lợi để Quảng Ngãi tiếp tục phát triển, phấn đấu trở thành địa phương ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, vững mạnh về QP-AN, xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.
Đại tá NGUYỄN NGỌC ÂN
Uỷ viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011