QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:57 (GMT+7)
Cơ quan quân sự Nghệ An phát huy vai trò tham mưu về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự

Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.480 km2, số dân trên 3 triệu người với 6 dân tộc anh em. Địa hình của Tỉnh đa dạng, phức tạp, vùng rừng núi chiếm 2/3 diện tích, nhiều dãy núi cao, nhiều khe, suối, rất dễ bị chia cắt về mùa mưa lũ. Phía Tây giáp 3 tỉnh nước bạn Lào (Xiêng Khoảng, Bô-li-khăm-xay, Hủa Phăn) với 419,5 km đường biên giới; phía Đông tiếp giáp Biển Đông với 82 km bờ biển, có nhiều hải cảng (Bến Thủy, Cửa Hội, Cửa Lò, Cửa Rào) và nhiều đảo gần bờ. Nghệ An đang trong quá trình CNH, HĐH, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển tương đối đồng bộ: có sân bay Vinh, tuyến đường bộ (quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh), đường sắt Bắc-Nam chạy dọc qua địa bàn; ngoài ra còn có quốc lộ 7 thông thương với Lào (qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) và mạng đường liên huyện, liên xã qua biên giới... Với điều kiện địa lý, đặc điểm địa hình có tính đặc thù, Nghệ An có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN) của địa bàn Quân khu 4 và cả nước trong các cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) ngày nay. Chính vì vậy, các thế lực thù địch coi đây là địa bàn trọng điểm chống phá. Tình hình QP-AN trên tuyến biên giới đất liền, tuyến biển tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định. Hoạt động tôn giáo diễn biến phức tạp, buôn bán ma tuý có vũ khí, buôn lậu hàng hóa (qua biên giới đất liền, cửa biển)...đang là vấn đề bức xúc; tình trạng di, dịch cư trái pháp luật, các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông chưa được ngăn chặn triệt để. Kinh tế-xã hội (KT-XH) tuy có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung vẫn là tỉnh nghèo; cơ sở hạ tầng còn non yếu, nhất là hệ thống giao thông miền núi, ven biển. Hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều bất cập, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, biên giới. Tình hình trên đã và đang đặt ra cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP, QS) địa phương những yêu cầu và nội dung mới ngày càng cao.

Nhận thức đầy đủ điều đó, những năm qua, cơ quan Quân sự Nghệ An đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ QP,QS, đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc mà hạt nhân là khu vực phòng thủ (KVPT), xây dựng cơ sở, xây dựng cụm “an toàn, làm chủ-sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ)” vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, trình độ SSCĐ cao...Nhờ đó, bảo vệ vững chắc địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển KT-XH của Tỉnh.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã chủ động làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP,QS địa phương; trước hết là tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân khu 4 và của Tỉnh về nhiệm vụ này. Nổi bật là, Tỉnh đã tổ chức quán triệt và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 8 (khóa IX), Chỉ thị số 62-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường giáo dục QPTD trước tình hình mới”, Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) trong tình hình mới” và các văn bản pháp quy có liên quan.

Trên cơ sở đề xuất của BCHQS Tỉnh và các ngành, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh đã xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP,QS, sát với đặc điểm, tình hình địa bàn, đạt hiệu quả thiết thực. Hằng năm, các huyện (thành phố, thị xã) đều có nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Theo đó, cơ quan Quân sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhiệm vụ QP, QS địa phương, làm cho các tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác QP, QS, BVTQ trên địa bàn. Ngay sau khi có Chỉ thị số 62/ CT-TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường giáo dục QPTD trước tình hình mới”, BCHQS Tỉnh đã kịp thời làm tham mưu cho Tỉnh ủy, chính quyền Tỉnh thành lập Hội đồng giáo dục quốc phòng (nay là Hội đồng giáo dục QP-AN) tỉnh và cấp huyện (đang chỉ đạo kiện toàn Hội đồng cấp xã); đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng giáo dục GD-AN các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, từng bước đưa hoạt động của các Hội đồng vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 12-CT/TW (ngày 03-5-2007) của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, công tác giáo dục QP-AN toàn dân của Tỉnh có bước phát triển mới. Tỉnh đẩy mạnh giáo dục QP-AN và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; chú trọng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng cán bộ, triệu tập đúng thành phần, đủ chỉ tiêu kế hoạch theo phân cấp. Ngoài việc phối hợp với các cấp, các ngành cử cán bộ đối tượng 1 đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở Học viện Quốc phòng, đối tượng 2 bồi dưỡng ở Trường Quân sự Quân khu; Trường Quân sự Tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng 3, Trung tâm Chính trị cấp huyện bồi dưỡng cho đối tượng 4 và 5; Tỉnh đã mở 8 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 668 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo. Chất lượng giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên từng bước được nâng lên (Tỉnh đã chỉ đạo một số trường thực hiện học rải môn học này). Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan, các địa phương, đơn vị Tỉnh tổ chức đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã (phường, thị trấn) theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng; đến nay, đã mở được 5 khóa cho 482 học viên, trong đó có 322 học viên đã tốt nghiệp và được bố trí công tác theo mục tiêu đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng công tác QP, QS địa phương, cơ sở.

Cùng với đó, cơ quan Quân sự Tỉnh đã làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng; từng bước hoàn chỉnh cơ chế vận hành lãnh đạo nhiệm vụ QP-AN theo tinh thần Nghị quyết 02/BCT của Bộ Chính trị; chủ động làm tham mưu trong việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN từ trong các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch phát triển các chương trình, dự án trên các địa bàn, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng các lĩnh vực mà QP, QS có nhu cầu như: giao thông, bưu chính - viễn thông, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, hoặc trong các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, bố trí lại dân cư, xã hội của vùng núi, vùng xa, biên giới, ven biển. Việc khảo sát, lập quy hoạch xây dựng công trình chiến đấu ở các địa bàn trọng điểm luôn gắn liền với kế hoạch tăng cường quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự và địa hình có giá trị về quân sự. BCHQS Tỉnh cũng tích cực tham mưu đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của KVPT, tăng cường diễn tập KVPT, gắn nội dung diễn tập với tình hình thực tế địa phương; tích cực đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở, xây dựng cụm “an toàn, làm chủ-SSCĐ”; tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng lực lượng DQTV theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, nâng cao chất lượng tổng hợp, duy trì tỷ lệ 1,5% dân số; 100% xã, phường, thị trấn có trung đội dân quân cơ động; 100% cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có lực lượng tự vệ; đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của DQTV biển, vùng Công giáo, vùng dân tộc thiểu số, tuyến biên giới (đã thành lập 4 tiểu đội dân quân cơ động SSCĐ của các huyện biên giới: Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn).

Đi đôi với nâng cao năng lực làm tham mưu, BCHQS Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ, phù hợp với tình hình mới; duy trì nghiêm chế độ SSCĐ ở các cấp; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng quân sự, công an, biên phòng (theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ) trong nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để xảy ra “điểm nóng”, không để bị bất ngờ trong các tình huống; đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với nước bạn Lào, bảo đảm an ninh biên giới.

BCHQS Tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo cơ quan Quân sự cấp huyện triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ QP,QS địa phương, cơ sở; chủ động phối hợp với các ban, ngành để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ theo đúng chỉ tiêu kế hoạch hằng năm; thực hiện tốt việc đón tiếp, quản lý quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để có kế hoạch xây dựng nguồn DBĐV. Ban chỉ huy Quân sự  cấp huyện đã phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức diễn tập phòng, chống khủng bố,  phòng chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai, được Uỷ ban Quốc gia phòng chống lụt, bão Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. 

Để nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP,QS và phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, cơ quan Quân sự Tỉnh luôn chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là chất lượng chính trị, năng lực tham mưu, trình độ SSCĐ. Thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị theo quy định của cấp trên, phù hợp với thực tế địa phương; đẩy mạnh công tác giáo dục, huấn luyện, gắn với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng thường trực. Đặc biệt coi trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, gắn bổ nhiệm cán bộ chủ trì với kiện toàn cấp ủy. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được tiến hành bằng nhiều hình thức như: cử đi đào tạo tại các nhà trường trong và ngoài quân đội, bồi dưỡng tại chức, cử đi thực tế, luân chuyển cán bộ, khuyến khích cán bộ tự học tập...nhằm nâng cao năng lực toàn diện, đủ khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Cơ quan Quân sự các cấp thường xuyên tổ chức quán triệt Chỉ thị 917-CT/BQP của Bộ Quốc phòng và Chỉ thị 303-CT/TL của Tư lệnh Quân khu 4 về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ tham mưu, hiệu lực, hiệu quả chỉ huy, chỉ đạo thực hiện của cơ quan Quân sự và đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP, QS còn những hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ QP, QS chưa đầy đủ. Tiềm lực và thế trận QP-AN còn bất cập với yêu cầu đòi hỏi. Chưa phát huy đầy đủ vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở, xây dựng cụm “an toàn, làm chủ-SSCĐ”. Việc tổ chức nắm địch, dự báo tình hình có lúc chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các lực lượng trong tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh còn bị động, lúng túng. Chỉ đạo học rải môn giáo dục QP-AN trong các trường trung học phổ thông đạt kết quả thấp, tham mưu điều cán bộ các cấp tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN kết quả chưa cao (đối tượng 2 năm 2008 chỉ đạt 64%)... Đây là những vấn đề cần được quan tâm, có biện pháp khắc phục.

Phát huy kết quả và kinh nghiệm những năm qua, cơ quan Quân sự Nghệ An tiếp tục phấn đấu, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện  nhiệm vụ QP, QS, bảo vệ vững chắc  địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển KT-XH của Tỉnh trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)