Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:04 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời, phát triển đã trải qua và đứng vững trước nhiều đợt tiến công thâm hiểm của kẻ thù. Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác tiếp tục là ngọn cờ dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của chúng ta.
Trong khoảng gần 20 năm qua, trên nhiều diễn đàn và nhiều trang báo ở phương Tây, các nước Đông Âu, Liên Xô (trước đây) và trong một vài trường hợp ở nước ta đã nổi lên một chiến dịch đả kích chủ nghĩa Mác với những mức độ khác nhau. Đầu tiên là những bài phê bình "thận trọng" một số luận điểm, đưa ra một vài khiếm khuyết của chủ nghĩa Mác; sau đó, tiến tới sự phê phán những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, coi học thuyết Mác - Lê-nin đã thuộc về quá khứ, không còn phù hợp với thời đại ngày nay và cuối cùng là phủ định toàn bộ chủ nghĩa Mác.
Việc bôi nhọ CNXH và phê phán chủ nghĩa Mác đang như là cái mốt thời thượng, với lượng người tham gia có phần tăng thêm. Ngoài những kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa Mác từ trước tới nay và những người theo các khuynh hướng phi mác-xít trong phong trào công nhân quốc tế, điều đáng ngạc nhiên là có những nhân vật mới đây thôi còn tự coi mình là trung thành với chủ nghĩa Mác, thì hôm nay quay ra công kích C.Mác một cách gay gắt, gán cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin đủ các tội danh. Có người chẳng hiểu gì về C.Mác, chưa hề nghiên cứu C.Mác cũng lớn tiếng phê phán C.Mác!
Tại sao có tình trạng như thế? Phải chăng chủ nghĩa Mác đã lỗi thời?
Đúng là hiện nay, chủ nghĩa Mác đang đứng trước thử thách nghiêm trọng. Thực tiễn đã có những biểu hiện khác với những quan niệm truyền thống của chúng ta và không giống như dự đoán của C.Mác. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều có nguyên do và có thể cắt nghĩa được. Có những loại vấn đề và những nguyên nhân tác động trực tiếp, có những nhân tố sâu xa hơn, thuộc về bản thân chủ nghĩa Mác.
Nguyên nhân trực tiếp trở thành cơ hội để người ta phủ nhận chủ nghĩa Mác là những hiện tượng mới nảy sinh của chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện đại và CNXH. Một mặt, CNTB mà C.Mác tuyên bố tất yếu sẽ diệt vong thì đã chưa chết và chưa chuẩn bị chết. Mặt khác, CNXH đã được sinh ra và dường như được mô phỏng theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì lại kém hiệu quả, đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, đã sụp đổ ở các nước Đông Âu và ở nơi khởi nguồn là Liên Xô.
Trước tiên, chúng ta xem xét về CNTB hiện đại. C.Mác cho rằng, trong quá trình tồn tại và phát triển, CNTB sẽ tới một thời điểm mà trong đó mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gay gắt cực độ, cái vỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) sẽ vỡ bung ra. Tuy nhiên, C.Mác đã khẳng định là để tới đó, CNTB phải phát triển tới mức tột đỉnh. Nhưng cái đỉnh ấy ngày nay chưa xuất hiện. Chính C.Mác cũng chưa bao giờ ấn định thời gian kết thúc của CNTB.
Một điều nữa cần đề cập tới là, trong khi nghiên cứu CNTB để đưa ra những luận điểm trên, C.Mác đã trừu tượng hóa, coi phương thức sản xuất TBCN là duy nhất thống trị. Sự xuất hiện và phát triển của CNXH đã trở thành đối tượng đáng kể nhất làm cho CNTB mất đi vị trí độc tôn và bởi thế, CNTB không thể phát triển tự phát trên cơ sở của bản thân nó nữa mà buộc phải tự điều chỉnh lại mình. Trong quá trình điều chỉnh để thích nghi, CNTB đã ứng dụng thành công các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và đặc biệt đã sử dụng có hiệu quả nhiều giải pháp của CNXH. Vì thế, CNTB đã tạm thời làm dịu đi những mâu thuẫn vốn có trong lòng nó, bởi lẽ, theo quy luật không tránh khỏi, CNTB vẫn lâm vào khủng hoảng trầm trọng, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ (năm 2008) và lan ra toàn thế giới. Mặt khác, cũng cần thấy rõ là chính những thành công của CNTB hiện đại, lại một lần nữa tạo thêm những tiền đề, những yếu tố của phương thức sản xuất mới, hình thành nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng ở tầm cao mà CNXH sẽ được xây dựng trên đó. Những tiền đề ấy là việc điều hòa sản xuất, ở mức độ nhất định, trong phạm vi toàn xã hội; các cơ chế phân phối lại ngoài thu nhập quốc dân; hệ thống bảo hiểm và các quỹ phúc lợi xã hội; sự tham gia của nhân dân lao động vào công tác quản lý; sự mở rộng dân chủ hơn với các tầng lớp nhân dân. CNTB đã vô tình hoặc đã buộc phải thực hiện những vấn đề trên. Cho nên, có thể nói rằng, xã hội tư bản hiện đại, một mặt, tất nhiên đang là TBCN; nhưng mặt khác, chính nó đang chuẩn bị những nhân tố cho sự phủ định mình.
Thứ hai, về khủng hoảng của CNXH. Nguyên nhân của những khó khăn và bi kịch của CNXH là do rất nhiều yếu tố. Sự xuất hiện và xây dựng CNXH đã diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác với dự kiến của C.Mác. Trên thực tế, CNXH không phải là kết quả của sự phủ định CNTB. Nó được thực hiện ở những nước TBCN kém phát triển, ở những nơi có tình thế cho giai cấp vô sản giành chính quyền nhưng lại thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật cho CNXH. Chủ nghĩa Mác chưa dự tính đến việc CNXH tồn tại song song với CNTB và hơn thế nữa, lại ở điểm xuất phát thấp hơn các nước tư bản Tây Âu.
Ngay cả khi quan niệm về CNXH và chủ nghĩa cộng sản, những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác tỏ ra hết sức thận trọng. Ph.Ăng-ghen đã từng nhấn mạnh: cái mà người ta gọi là "xã hội xã hội chủ nghĩa" không phải là một xã hội "hoàn chỉnh ngay một lúc", mà cũng như mọi chế độ xã hội khác, nó cần phải được "xem xét trong sự biến đổi và cải tạo thường xuyên".
Như vậy, từ thực trạng của các nước XHCN, vấn đề đặt ra là: muốn theo kịp và sau đó chiến thắng được CNTB trong cuộc đua tranh, thì CNXH cần phải chủ động rất cao, tự giác rất cao, nắm thật vững những đặc điểm lịch sử cụ thể, vận dụng một cách có hiệu quả các quy luật phát triển kinh tế, xã hội để tìm ra cho được chiến lược tăng tốc. Thế nhưng, CNXH đã được xây dựng theo ý muốn chủ quan, cứng nhắc, khuôn mẫu và trái quy luật. Khi đã nhận ra những khuyết tật của CNXH và tiến hành công cuộc cải tổ, đổi mới nó, thì ở nhiều nước lại thiếu sự chuẩn bị những giải pháp tháo gỡ, củng cố hoặc xây lại, mà mới kịp làm được một công việc đầu tiên là phá bỏ những gì đã có! Vậy nên việc CNXH thua kém CNTB là do sự giáo điều hóa, thô thiển hóa chủ nghĩa Mác, chứ đâu phải do bản thân chủ nghĩa Mác. Cũng như sự sụp đổ nhanh chóng của các nước XHCN ở Đông Âu và ở Liên Xô một phần chính là do sai lầm trực tiếp của công việc cải tổ, chứ đâu phải là sai lầm của học thuyết mác-xít.
Thứ ba, về những nhân tố chủ quan, có hai cấp độ. Một là, những khiếm khuyết của bản thân chủ nghĩa Mác. Hai là, cái sai của những người kế tục và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Cũng như bất kỳ một học thuyết khoa học nào khác, do hạn chế của lịch sử, những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, không phải không có những nhận định sai. Chẳng hạn, khi nghiên cứu CNTB, C.Mác đã phát hiện quy luật vận động phát triển của nó, nhưng lại không đánh giá hết tính co dãn, khả năng tự biến đổi của xã hội tư sản. Đọc các tác phẩm của C.Mác, người ta thấy dường như mâu thuẫn của CNTB cứ ngày một tăng lên và dường như mọi tiến bộ xã hội được thực hiện trong điều kiện CNTB cũng đều chống lại CNTB, làm cho chế độ xã hội đó thêm ngắc ngoải. Thực tiễn cho thấy cách đặt vấn đề như vậy là một chiều, còn phiến diện và thậm chí xa lạ với bản thân phương pháp luận mác-xít.
Có thể nêu một ví dụ khác, như: lập trường của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và sau này của cả V.I.Lê-nin về quan hệ hàng hóa và cơ chế thị trường. Các ông đã không dành chỗ đứng cho nền sản xuất hàng hóa sau khi thủ tiêu CNTB. V.I.Lê-nin, do đã giành được chính quyền công - nông, nên có điều kiện để thực hiện theo C.Mác về quan hệ hàng hóa trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ đất nước và đã thất bại. Chính sách "cộng sản thời chiến" đã để lại di chứng nặng nề cho nền kinh tế nước Nga thời đó. V.I.Lê-nin đã nhận thấy vấn đề này và chính Người đã điều chỉnh, đổi mới, sáng tạo bằng "chính sách kinh tế mới" (NEP) nổi tiếng. NEP có một ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển quan điểm mác-xít, điều chủ yếu là việc thừa nhận "toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản"1. Thực tế chứng tỏ rằng, trong giai đoạn đầu của CNXH, cơ chế thị trường đã tự giải quyết vô vàn mối quan hệ xã hội mà những giải pháp tập trung quan liêu không thể thay thế nó được.
Nói tới nhân tố chủ quan, có lẽ điều cần nhấn mạnh nhất phải là việc tự phê phán của những người cộng sản. V.I.Lê-nin là nhà mác-xít rất mẫu mực trong việc tiếp thu chủ nghĩa Mác một cách có phê phán và cùng với nó là tự phê phán để làm giàu và hoàn thiện thêm cho học thuyết Mác. Đã là một học thuyết khoa học thì lúc nào cũng phải tự xem xét lại. Việc xem xét và tự phê phán chủ nghĩa Mác khác xa và thậm chí trái ngược với chủ nghĩa xét lại. Chủ nghĩa xét lại mưu toan từ bỏ nguyên tắc, muốn làm biến dạng chủ nghĩa Mác. Còn việc tự phê phán chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm cho chủ nghĩa Mác phong phú thêm.
Trong lịch sử phong trào công nhân quốc tế, thấy nổi rõ một điểm là những đảng công nhân chưa nắm được chính quyền lại thường có sự tự phê phán mạnh mẽ hơn những đảng cầm quyền. Đáng lý đó phải là nhiệm vụ của những người đang xây dựng CNXH, bởi chính đây là cuộc sống; là thực tiễn phong phú nhất. Một yếu tố mà không ít đảng cầm quyền thiếu mạnh dạn trong việc xem xét chủ nghĩa Mác và tự phê phán mình là tâm lý sợ xét lại hơn sợ giáo điều. Nhưng thực ra chủ nghĩa giáo điều không kém phần nguy hại vì nó cứ yên vị trong một cái vỏ ốc, nó làm cho chủ nghĩa Mác trở thành máy móc, thành khuôn mẫu.
Một số nguyên nhân quan trọng khác cũng cần phải nói tới. Đó là việc một số đảng công nhân luôn bằng lòng với chủ nghĩa Mác và bằng lòng với mình nên thường coi nhẹ công tác lý luận, đồng nhất công tác lý luận với công tác chính trị, trong khi ấy lại rất ít để ý tới hoặc rất ít tiếp thu cái mới. Tất cả những sai lầm và các nguyên nhân kể trên đã làm cho chủ nghĩa Mác mất đi tính sống động vốn có của nó. Nếu tình hình cứ như vậy, chủ nghĩa Mác sẽ thiếu hơi thở của cuộc sống và trở thành lạc hậu, không thể lý giải được những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra.
Để khắc phục các tình trạng đó, chúng ta cần đặc biệt coi trọng công tác lý luận. Chủ nghĩa Mác luôn luôn rộng mở, như một cơ thể sống phát triển không ngừng. Đó là một học thuyết khoa học gắn bó hữu cơ với thời cuộc, như cây xanh gắn bó với nắng gió và khí trời. Thực tiễn đòi hỏi phải có một sự đột phá lớn lao mới trong lý luận mác-xít. Nguyên lý mác-xít chỉ có thể được bảo tồn và làm giàu một cách sáng tạo trong điều kiện bước ngoặt của thời đại ngày nay, trên cơ sở những thành tựu mới của cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại, trên cơ sở đánh giá đúng những thay đổi lớn của thế giới, trên cơ sở phê phán có kế thừa những lý thuyết ngoài chủ nghĩa Mác, tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố sáng tạo và hợp lý của các trào lưu tiến bộ khác, không đố kỵ, không xa lánh, không đối lập.
Ngọn cờ tư tưởng và lý luận mà Đảng ta và Bác Hồ luôn giương cao là chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa Mác là vỉa tầng quý giá nhất của trí tuệ loài người, là cốt lõi tinh thần của CNXH. Chính chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã tạo điều kiện cho phong trào XHCN có những bước đi khổng lồ, đem lại cho CNXH vị trí xứng đáng trong những nấc thang phát triển của xã hội loài người. Chủ nghĩa Mác không nghĩ thay cho chúng ta. Nhưng chính chủ nghĩa Mác đã cung cấp cho chúng ta một phương pháp phân tích, một cách nhìn thích hợp, một chiến lược chính trị đúng để cải tạo xã hội, để áp dụng một cách thành công vào công cuộc đổi mới mọi mặt đời sống xã hội hiện nay và thực tiễn xây dựng XHCN lâu dài trên đất nước ta.
GS, TS. VŨ VĂN HIỀN
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
___________
1- V.I.Lê-nin - Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, Tập 45, tr. 428.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011