QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:53 (GMT+7)
Chống địch chia cắt chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc – vấn đề và giải pháp

Chia cắt chiến lược (CCCL) và đối phó với CCCL là một biện pháp tác chiến phổ biến, có tính quy luật trong chiến tranh. Để cô lập và đánh chiếm địa bàn, mục tiêu chiến lược chủ yếu, trong tác chiến tiến công, các bên tham chiến đều vận dụng biện pháp CCCL và đối phó với CCCL. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chúng ta đã có những kinh nghiệm về CCCL và chống CCCL trong hoạt động tác chiến. Qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao trên thế giới gần đây, CCCL là biện pháp tác chiến rất được coi trọng.  

Với điều kiện địa-kinh tế, địa-chính trị của nước ta, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và sẵn sàng gây chiến tranh xâm lược khi có thời cơ. Khi tiến hành tiến công xâm lược nước ta, với ưu thế của tiềm lực quân sự, phương tiện chiến tranh hiện đại, khả năng cơ động cao và kinh nghiệm tác chiến liên hợp, hiệp đồng quân, binh chủng, cùng với việc tiến hành tiến công hỏa lực (TCHL) trên phạm vi cả nước, đổ bộ đường không (ĐBĐK), đổ bộ đường biển (ĐBĐB), địch coi trọng thực hiện CCCL trên những địa bàn trọng yếu, địa hình hiểm trở, dễ bị chia cắt. Nhằm mục đích: phá vỡ, chia cắt, cô lập mục tiêu chiến lược chủ yếu để tạo điều kiện tập trung đánh chiếm các địa bàn trọng yếu và những mục tiêu chủ yếu; tiêu diệt một bộ phận lực lượng chiến dịch- chiến lược (CD-CL) và tiềm lực quân sự, chính trị, kinh tế trên địa bàn; ngăn chặn, chia cắt và thu hút, phân tán lực lượng CD-CL của ta, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng tiến công đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, quan trọng. Do đó, CCCL được dự báo là biện pháp tác chiến phổ biến, có tính quy luật của địch khi tiến hành các chiến dịch tiến công xâm lược nước ta.

Thời cơ địch tiến hành CCCL, có thể đồng thời trong quá trình TCHL, trước khi thực hành tiến công trên bộ, hoặc đồng thời cùng lúc thực hành tiến công trên bộ. Khi tiến hành CCCL vào các địa bàn trọng yếu, địch có thể tiến công bằng đường không, đường biển từ hướng Đông (nhất là những nơi có bãi biển nước sâu và dễ đổ bộ); tiến công đường bộ từ hướng Tây sang qua các trục đường; chia cắt bằng ĐBĐK (chủ yếu là ở các sân bay và những khu vực đáp hạ máy bay thuận lợi và địa hình dễ chia cắt).

Quy mô lực lượng CCCL của địch thường tổ chức cụm lực lượng cơ động hay liên binh đoàn hỗn hợp tiến công đường bộ, kết hợp ĐBĐK, ĐBĐB với lực lượng các sư đoàn lục quân, cùng với một số lực lượng phản động nội địa. Khi TCHL, địch có thể huy động hàng trăm máy bay ném bom hiện đại, hàng nghìn tên lửa hành trình, pháo binh, tên lửa…Trường hợp CCCL bằng tiến công đường bộ trên từng địa bàn trọng yếu, có thể địch sử dụng lực lượng cỡ từ lữ đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới đến sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới cùng các lữ đoàn hải quân đánh bộ có xe tăng. Nếu CCCL bằng đường không, địch có thể sử dụng từ lữ đoàn đến sư đoàn ĐBĐK.

Phương thức tiến hành CCCL của địch chủ yếu bằng TCHL, thực hiện ĐBĐB kết hợp với ĐBĐK và tiến công đường bộ.

Để thực hiện CCCL, thời kỳ đầu chiến tranh, địch chủ yếu TCHL, thời gian có thể từ 1-2 tháng, được tổ chức thành chiến dịch, đợt hoạt động, đòn hỏa lực. Mở đầu, địch thường dùng các đòn tiến công từ xa (phi tiếp xúc), nhanh chóng làm chủ trên biển, từng bước làm chủ trên không để đưa một bộ phận lực lượng không quân vào đánh phá ở cự ly gần, tiến đến trực tiếp tiếp xúc.

Khi đã “làm mềm” chiến trường, chúng chuyển sang các hoạt động hỗ trợ cho lực lượng ĐBĐB, ĐBĐK, tiến công trên bộ, thực hành tác chiến trên các hướng lựa chọn. Tiến hành CCCL bằng tiến công trên bộ, địch sử dụng các đòn đánh của không quân, lục quân, hải quân đánh bộ để chi viện, yểm trợ hỏa lực trực tiếp cho các lực lượng để thực hiện ĐBĐB, ĐBĐK, tiến công trên bộ, đánh chiếm địa bàn trọng yếu, nhằm chia cắt thế bố trí chiến lược, ngăn chặn cơ động của ta. Lực lượng địch có thể là sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới, cụm lực lượng tác chiến phía trước; thực hiện “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Trong quá trình CCCL, địch tập trung hỏa lực đánh phá, nhằm làm tê liệt hệ thống chỉ huy, trinh sát, kiểm soát của ta và tiến công mãnh liệt vào các mục tiêu chủ yếu, địa bàn quan trọng.

Cùng với các phương thức trên, địch có thể tiến hành ĐBĐK, kết hợp với nhiều biện pháp tác chiến chiến lược khác để đánh chiếm địa bàn chiến lược, chia cắt các trọng điểm giao thông có ý nghĩa  CD- CL. Lực lượng ĐBĐK có thể là lữ đoàn đặc nhiệm, sư đoàn kỵ binh đường không hoặc sư đoàn ĐBĐK có sự chi viện hỏa lực của không quân, hải quân và các lực lượng khác để đánh chiếm địa bàn trọng yếu, tạo ra hướng tiến công mới, đánh chiếm hậu phương, hỗ trợ cho lực lượng bạo loạn lật đổ.

Thủ đoạn tác chiến của lực lượng CCCL của địch là coi trọng giành yếu tố bí mật, bất ngờ trong tiến công CCCL, tạm dừng khi cần thiết để chuyển vào phòng ngự, hình thành trận địa ngăn chặn, chia cắt thế bố trí chiến lược và cơ động lực lượng của ta; thực hiện nghi binh, đổ bộ bất ngờ, có thể vào ban đêm, mờ sáng, thời tiết xấu... Khi có thời cơ, chúng có thể chuyển thành lực lượng phối hợp với hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu để đánh vào mục tiêu chủ yếu của ta. Khi bị ta tiến công, địch có thể co cụm, rút chạy bằng đường bộ, đường biển hoặc đường không.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, âm mưu và thủ đoạn xâm lược của các thế lực thù địch; đồng thời, dự báo chính xác về mục đích, thời cơ, địa bàn, thành phần lực lượng, phương thức tiến hành, thủ đoạn tác chiến và các yếu tố khác của chúng để có giải pháp đối phó hiệu quả với CCCL của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một số giải pháp chủ yếu, nhằm đối phó với thủ đoạn CCCL của địch trong chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra). 

 Trong điều kiện thời bình, trên cơ sở quán triệt sâu sắc và thực hiện đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, BVTQ, chúng ta cần tập trung xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động trên các địa bàn trọng yếu, đủ sức đánh thắng địch CCCL.

Vấn đề quan trọng hàng đầu là xây dựng lực lượng tại chỗ của các tỉnh (thành phố) vững mạnh toàn diện, trọng tâm là xây dựng bộ đội địa phương các cấp có số lượng hợp lý, chất lượng cao, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đối với các tỉnh (thành phố) trên địa bàn trọng điểm có thể xây dựng và tổ chức trung đoàn bộ binh (sẵn sàng phát triển khi có chiến tranh); một số tiểu đoàn binh chủng chiến đấu như pháo binh, tăng thiết giáp, phòng không, công binh...Các huyện trọng điểm trên các địa bàn trọng yếu có thể xây dựng và tổ chức các tiểu đoàn bộ binh và các đại đội hỏa lực. Cùng với đó, chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) “vững mạnh, rộng khắp”. Tùy điều kiện cụ thể, xây dựng ở mỗi làng, xã chiến đấu các trung đội, đại đội DQTV; ở cấp xã và các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn có thể tổ chức cấp tiểu đoàn DQTV, có các đại đội hỏa lực như pháo binh, phòng không... Tổ chức các đại đội, tiểu đoàn DQTV cùng các đại đội, trung đội hỏa lực bộ đội địa phương để đánh địch ĐBĐK và đường bộ. Chú ý xây dựng lực lượng DQTV trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh để đảm bảo khả năng tác chiến rộng khắp trên địa bàn.

Vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng lực lượng tại chỗ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, nhất là các địa bàn trọng yếu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng địa phương phát triển về kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, vững mạnh về quốc phòng-an ninh, đủ sức đánh bại địch tiến công vào địa bàn, giữ vững mục tiêu chiến lược chủ yếu.

Đi đôi với xây dựng lực lượng tại chỗ, đẩy mạnh xây dựng lực lượng cơ động các cấp (bộ, quân khu, tỉnh) theo hướng tinh, gọn, có tính linh hoạt, cơ động cao, bố trí hợp lý để đáp ứng các tình huống chiến lược. Các lực lượng này cần được tổ chức, biên chế chặt chẽ, được huấn luyện và tổ chức diễn tập thành thục phương án tác chiến. Nghiên cứu, điều chỉnh thế bố trí lực lượng quân chủng, binh chủng chiến đấu theo từng vùng, từng miền, từng khu vực trên địa bàn để lực lượng cơ động các cấp triển khai đánh địch CCCL đúng thời cơ.

Cùng với xây dựng lực lượng, nghiên cứu xây dựng các phương án tác chiến kết hợp tổ chức huấn luyện, diễn tập đánh địch CCCL trên các địa bàn. Trên cơ sở hoàn thiện các phương án tác chiến, xây dựng nội dung, tổ chức huấn luyện và kế hoạch diễn tập mô phỏng theo phương án đánh địch sử dụng hỏa lực CCCL trên các khu vực trọng điểm, do cấp quân khu tổ chức có một phần lực lượng của Bộ đứng chân trên địa bàn tham gia; tổ chức huấn luyện và diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố); tổ chức huấn luyện và xây dựng ý định diễn tập đánh địch TCHL kết hợp ĐBĐK, đường biển, đường bộ để thực hiện CCCL (chủ yếu là lực lượng cơ động của quân khu kết hợp với các lực lượng tại chỗ trong KVPT) theo các phương án xác định.

Khi chiến tranh xảy ra, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo một số giải pháp sau:

 Một là, thường xuyên nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn CCCL của địch khi tiến công vào các địa bàn trọng yếu để xác định các biện pháp chống CCCL có hiệu quả. Tuy nhiên, phải thấy rằng, công tác nắm địch là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học, bằng nhiều hình thức, biện pháp và nhiều lực lượng tham gia. Do vậy, cần phải tổ chức mạng trinh sát rộng khắp, có chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trinh sát của các cấp, giữa chủ lực với bộ đội và nhân dân địa phương, cả trên không, trên biển, mặt đất, bằng các loại phương tiện khác nhau để nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, địa bàn, hướng và thời cơ tiến công thực hiện CCCL của địch nhằm chủ động đối phó với CCCL có hiệu quả.      

Hai là, chủ động đối phó với CCCL bằng TCHL và trực tiếp đưa quân tiến công đánh chiếm các mục tiêu để thực hiện CCCL.

Để đối phó với CCCL bằng TCHL của địch, chúng ta phải tổ chức bảo vệ các mục tiêu quan trọng, bố trí hệ thống hỏa lực phòng không nhiều tầng, nhiều hướng, từ xa đến gần bằng các lực lượng phòng không (phòng không quốc gia, địa phương, nhân dân). Tổ chức trinh sát, báo động từ xa, triển khai lực lượng phòng không ba thứ quân kết hợp với lực lượng không quân và các lực lượng khác trên địa bàn trọng điểm, hình thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Kết hợp hình thức tác chiến tại chỗ, liên tục, rộng khắp với hình thức tác chiến cơ động, phục kích, đón lõng, lấy hình thức tại chỗ trên từng địa bàn trọng yếu là cơ bản, hình thức tác chiến cơ động là quan trọng.

Sau giai đoạn “làm mềm” chiến trường, địch thường đưa quân trực tiếp đánh chiếm các vị trí, địa hình có giá trị, các đầu mối giao thông trọng yếu, lập các căn cứ chiếm giữ đất đai, thực hiện CCCL. Để đánh bại quân địch trực tiếp tiến công các mục tiêu trên địa bàn phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp, loại hình chiến dịch, hình thức chiến thuật, tổ chức các trận đánh phù hợp. Trong đó, coi trọng vận dụng cách đánh của các loại hình chiến dịch: tiến công, phản công, phòng ngự và các hình thức chiến thuật phù hợp.

Ba là, tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng đánh địch CCCL trên các địa bàn một cách khoa học, hợp lý, phát huy sức mạnh, cách đánh sở trường của từng lực lượng, tăng cường sức mạnh chiến tranh nhân dân. Trong đó, tập trung có trọng điểm vào trận then chốt, chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu, thời cơ có ý nghĩa quyết định. Tạo thế hiểm, tạo lực mạnh để các lực lượng, phương tiện chi viện và phối hợp tác chiến, tạo thế liên kết với chiến trường bạn; chuyển hóa thế trận nhanh, đánh địch kịp thời, không cho chúng thực hiện ý đồ chia cắt về chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Đồng thời, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, bảo toàn lực lượng, hạn chế tổn thất, thương vong, duy trì sức mạnh chiến đấu và đánh địch đạt hiệu quả cao; tiện chỉ huy, hiệp đồng và bảo đảm vững chắc, trong suốt quá trình chiến tranh.

Trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng đánh địch CCCL bằng lực lượng tại chỗ (LLVT quần chúng, lực lượng chính trị và nhân dân địa phương, LLVT địa phương, lực lượng của Bộ đứng chân trên địa bàn) và lực lượng cơ động (của quân khu và Bộ). Lực lượng đánh địch CCCL gồm: lực lượng phòng thủ giữ các địa bàn quan trọng (do LLVT, lực lượng chính trị và nhân dân ở các địa phương trên địa bàn tiến hành); lực lượng phòng ngự giữ các địa bàn có giá trị về CD-CL (chủ yếu là bộ đội địa phương cấp huyện, cấp tỉnh, có thể sử dụng một số lực lượng cơ động của quân khu, cùng LLVT, lực lượng chính trị và nhân dân trên địa bàn tiến hành); lực lượng đánh định ĐBĐK, đường biển (tùy quy mô để sử dụng lực lượng một cách hợp lý).

Khi mở chiến dịch để đánh địch CCCL, cần tổ chức, sử dụng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động phù hợp với nhiệm vụ, mục đích của chiến dịch. Trường hợp tổ chức chiến dịch phản công, chiến dịch tiến công với quy mô lớn, sử dụng lực lượng các sư đoàn chủ lực của quân khu kết hợp với bộ đội tỉnh, huyện trên địa bàn mở chiến dịch của 2-3 tỉnh (quy mô vừa và nhỏ có thể sử dụng một số lực lượng của quân khu kết hợp với bộ đội địa phương trên địa bàn mở chiến dịch). Thời cơ sử dụng lực lượng tùy thuộc vào hình thái địch, ta trên chiến trường. Khi địch CCCL chiếm địa hình có lợi, lực lượng lớn, chúng ta phải mở chiến dịch quy mô lớn để tiêu diệt một bộ phận lớn lực lượng của địch, phá thế CCCL; trường hợp địch mới tạm dừng để thực hiện CCCL, ta có thể mở chiến dịch quy mô vừa và nhỏ; khi địch ĐBĐK thực hành chiếm từng điểm địa hình quan trọng để CCCL, ta có thể tổ chức các trận đánh đồng thời hoặc kế tiếp bằng nhiều biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật..., nhằm tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn tác chiến của các lực lượng CCCL của địch, giữ vững địa bàn, phá thế CCCL của chúng, tạo thế trận liên hoàn, vững chắc trong cả nước, cùng cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng, TS. Đoàn Sinh Hưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)