Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:44 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Chống bất ngờ, giành chủ động là nội dung quan trọng hàng đầu trong nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của nghệ thuật quân sự (NTQS) Việt Nam; là nhân tố có ý nghĩa quyết định tới việc giành thắng lợi trong các loại hình tác chiến cả ở quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giữ quyền chủ động trong tác chiến, Người nói: “Giữ quyền chủ động là khôn khéo sử khiến quân thù, muốn đánh nó chỗ nào thì đưa nó đến đó mà đánh, muốn đưa nó vào bẫy của mình có thể đưa được... Giữ được chủ động thì thế nào cũng thắng...”1. Trong tác chiến phòng không (TCPK), với đặc thù phải chống lại kẻ địch có ưu thế hơn ta nhiều lần về lực lượng, vũ khí, trang bị và phương tiện chiến tranh hiện đại; địch chủ động tiến công cả về thời gian và mục tiêu, từ nhiều hướng tới, trong không gian rộng, tình huống chiến đấu diễn ra mau lẹ, khẩn trương nên chống bất ngờ, giành chủ động để đánh địch và thắng địch càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là vấn đề cốt yếu để các lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) giành thắng lợi ngay từ ngày đầu, trận đầu; là điểm nổi bật, nét độc đáo trong nghệ thuật TCPK của Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử các cuộc chiến tranh và xung đột trên thế giới cho thấy, khi tiến công đường không (TCĐK), bên tiến công thường triệt để tận dụng yếu tố bất ngờ, giành quyền chủ động ngay từ đầu, tiến công áp đảo, tạo hiệu quả tác chiến tối đa. Điển hình như: 7 giờ 55 phút ngày 7- 12- 1941, không quân Nhật đã bất ngờ tập kích vào căn cứ Trân Châu Cảng, đánh chìm, đánh hỏng 8 tàu thiết giáp, 6 tàu tuần dương, 270 máy bay và nhiều sinh lực, làm cho quân Mỹ bị bất ngờ và chịu một tổn thất nặng nề. Hay, vào lúc 2 giờ đêm ngày 15- 4- 1986, 150 máy bay của hải quân và không quân Mỹ, xuất phát từ các căn cứ trên lãnh thổ nước Anh, được tiếp dầu và hộ tống trên hành trình 10.000 km, bất ngờ tập kích 5 mục tiêu của Li-bi, gây cho nước này nhiều thiệt hại... Gần đây, các cuộc chiến tranh: vùng Vịnh (1991), Nam Tư (1999), Irắc (2003), Mỹ và đồng minh đều chọn thời điểm bất ngờ, giành chủ động ban đầu để thực hiện TCĐK.
Đối với nước ta, vấn đề chống để xảy ra bất ngờ, bảo đảm giành và giữ quyền chủ động đánh thắng địch đã được các lực lượng PK-KQ vận dụng mưu trí, sáng tạo trên mặt trận đối không trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972) trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận. Nhờ đó, ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, buộc chúng phải ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về chống bất ngờ, giành chủ động đánh địch trong TCPK, mà trước tiên là quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “Chiến lược tiến công, luôn giành thế chủ động” vào nghệ thuật tác chiến trên mặt trận đối không. Điều đó được thể hiện rõ nét trong việc chủ động nghiên cứu, phán đoán sớm, sát, đúng âm mưu, thủ đoạn của địch cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đặc biệt là dự báo chính xác âm mưu đánh phá miền Bắc bằng TCĐK. Từ đó, chủ động làm công tác chuẩn bị đầy đủ, toàn diện, nhất là tập trung xây dựng ý chí quyết tâm, quyết đánh thắng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ; chủ động tạo lập thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, liên hoàn, vững chắc có chiều sâu trên từng khu vực, địa bàn và cả nước; xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch, kế hoạch sơ tán, phòng tránh và các kế hoạch bảo đảm. Trong đó, quan trọng nhất là nghiên cứu, xác định đúng cách đánh máy bay chiến lược B-52 của địch; sử dụng lực lượng phù hợp, chuyển hóa thế trận kịp thời, giành quyền chủ động ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến dịch. Đó còn là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy lực lượng Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt; mưu trí, sáng tạo, linh hoạt xử trí các tình huống, giữ quyền chủ động, kiên quyết đánh thắng trận đầu, trận then chốt quyết định và đánh thắng liên tục trong chiến dịch. Đó là những kinh nghiệm về công tác tổ chức bảo đảm, kết hợp phòng tránh với đánh trả có hiệu quả và giữ vững giao thông thông suốt hợp thành yếu tố quan trọng để chống bất ngờ, giành chủ động đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), TCPK sẽ có những phát triển mới cả về đối tượng, lực lượng, phương tiện và môi trường tác chiến. Đặc biệt, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, các nước đế quốc có nền công nghiệp phát triển sẽ sản xuất nhiều thế hệ mới các phương tiện, vũ khí TCĐK có trình độ công nghệ cao, làm cho cách thức TCĐK thay đổi một cách cơ bản. Đó là, tiến công từ xa, trên mọi độ cao, hướng biển..., bằng nhiều phương tiện bay hiện đại như: máy bay chiến lược, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, tên lửa “không đối đất”, “không đối không”, các loại bom, đạn có điều khiển, kết hợp với sử dụng tác chiến điện tử cường độ cao, chỉ huy báo động sớm trên không, hệ thống định vị toàn cầu GPS để vừa đánh phá chính xác các mục tiêu, vừa làm giảm khả năng phát hiện, đánh trả của ta. Hơn nữa, các loại vũ khí và phương tiện TCĐK của địch có tốc độ lớn, tầm bay xa, độ chính xác cao, do đó các trận TCĐK sẽ diễn ra rất nhanh, cường độ đánh phá lớn, ồ ạt và quyết liệt, đánh liên tục bằng nhiều thủ đoạn: bay thấp, đánh vào mọi thời điểm (đêm, ngày) và trong mọi điều kiện thời tiết nên khả năng tạo bất ngờ, giành chủ động trong TCĐK cao. Từ kinh nghiệm thực tiễn và những đặc điểm mới của TCĐK, để chống bất ngờ, giành chủ động đánh thắng địch trên mặt trận đối không, nghệ thuật TCPK cần thực hiện tốt một số nội dung chính sau:
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng chiến lược tiến công của NTQS Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vào nghệ thuật TCPK, bằng việc đẩy mạnh tác chiến của lực lượng phòng không ba thứ quân, kết hợp chặt chẽ phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của các lực lượng phòng không địa phương, dân quân, tự vệ trong các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) với phương thức tác chiến tập trung, hiệp đồng của lực lượng phòng không chủ lực.
- Làm tốt công tác nghiên cứu địch cả ở phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; kết hợp các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật và bằng nhiều phương tiện khác nhau, sớm dự báo chính xác thủ đoạn hoạt động, phương thức TCĐK của chúng. Đối với cấp chiến lược, cần nắm chắc tình hình, nghiên cứu, phân tích một cách toàn diện chiến lược chiến tranh của địch trên tất cả các mặt: quân sự, chính trị, ngoại giao, xã hội..., ngay từ thời bình. Trong đó, tập trung nghiên cứu dự báo sớm, chính xác về mục tiêu chính trị của cuộc tập kích, thời cơ, thời điểm và lực lượng chủ yếu của cuộc TCĐK; đồng thời, theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời cho các lực lượng về tình hình, xu hướng phát triển các loại vũ khí, trang bị và phương thức, thủ đoạn TCĐK cũng như các hoạt động của không quân địch ở ngoài phạm vi, khả năng của chiến dịch. Đối với cấp chiến dịch, tùy tình hình, nhiệm vụ và địa bàn tác chiến cụ thể mà tổ chức nghiên cứu về địch cho thích hợp; trong đó, chú trọng nghiên cứu, dự kiến các khu vực tập kích chủ yếu, hướng tiến công chủ yếu và cách đánh của địch trong TCĐK, làm cơ sở để tạo lập thế trận vững chắc, chuyển hóa thế trận kịp thời và sử dụng lực lượng phù hợp, giành chủ động đánh địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến dịch. Đối với cấp chiến thuật, có thể và cần phải nghiên cứu, phân tích sâu từng biện pháp kỹ thuật, từng thủ đoạn chiến đấu, nhất là các thủ đoạn chiến đấu cơ bản trên không của địch; phối hợp nghiên cứu cả kỹ thuật với chiến thuật; coi trọng những nghiên cứu, phát hiện của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị, để từ thực tiễn rút ra những điểm mạnh, yếu của chúng, qua đó xác định cách đánh phù hợp, đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, cần có biện pháp thu thập thông tin về địch từ nhiều nguồn, tiến hành phân tích, xử lý và chọn lọc những thông tin cốt lõi nhất. Tổ chức hệ thống trinh sát trên không chặt chẽ, bao gồm lực lượng ra-đa cảnh giới, dẫn đường của Quân chủng PK-KQ, của lực lượng Hải quân, Biên phòng, Hàng không dân dụng, các đài trinh sát kỹ thuật của Cục Tác chiến điện tử, các vọng quan sát mắt, kết hợp với nguồn thông báo từ trinh sát ngoại tuyến, hình thành hệ thống trinh sát, phát hiện sớm, thông báo mục tiêu từ xa cho nhân dân phòng tránh và lực lượng phòng không ba thứ quân chủ động đánh địch.
- Duy trì nghiêm mật các chế độ canh, trực, nhất là chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu từ sở chỉ huy các cấp đến các trạm ra-đa, các đài quan sát mắt, các phân đội trực ban, sẵn sàng chuyển cấp chiến đấu với thời gian ngắn nhất, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, chấp hành nghiêm các chỉ lệnh về sẵn sàng chiến đấu, địch vào là biết, địch đến là đánh, đánh thắng ngay từ trận đầu, không để sai, sót, lọt, chậm mục tiêu trong xử trí các tình huống trên không.
- Thực hiện triệt để các quy định về giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, thường xuyên làm tốt công tác ngụy trang, chống trinh sát từ trên vũ trụ, trên không, trên bộ, trên biển và tác chiến điện tử của địch. Đặc biệt, chấp hành nghiêm ngặt các quy định về ngụy trang vô tuyến, giữ bí mật tần số làm việc của các loại vũ khí, khí tài, phương tiện và các trang, thiết bị chỉ huy, điều khiển, nhất là các loại vũ khí, khí tài mới.
- Chủ động triển khai các biện pháp “phi hỏa lực” để đối phó với vũ khí công nghệ cao của địch, nhất là xây dựng hệ thống trận địa: chính, dự bị, giả, nghi binh phù hợp với tình hình, tạo ra những khu vực nhử, lừa địch vào để chủ động tiêu diệt. Tích cực cơ động xê dịch vị trí thường xuyên, không cho địch xác định, định vị đúng các trận địa của ta, tạo ra một thế trận “hư thực-thực hư”, làm cho địch bay đến đâu cũng gặp phải lưới lửa phòng không nhân dân rộng khắp.
Một vấn đề hết sức quan trọng là phải thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức địch tình, ý thức cảnh giác với âm mưu của địch, đặc biệt là các hoạt động nghi binh, đánh lừa, gây chiến tranh tâm lý, làm cho ta mất cảnh giác. Nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội từ cá nhân đến hiệp đồng kíp chiến đấu đánh các loại mục tiêu, nhất là đối với tên lửa hành trình, máy bay tàng hình, các loại tên lửa “không đối không”, “không đối đất”, các loại bom, đạn có điều khiển. Coi trọng rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ thành thạo kỹ năng, kỹ xảo, chuẩn bị và chuyển cấp chiến đấu nhanh, xử trí tình huống kịp thời, chuyển hóa linh hoạt thế trận phòng không phù hợp với sự thay đổi về địch, ta và điều kiện chiến trường. Đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo ở các cấp học, bậc học trong các học viện, nhà trường quân đội, bảo đảm học viên khi ra trường có đủ trình độ, năng lực chỉ huy chiến đấu, huấn luyện bộ đội và xử trí tình huống, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Bên cạnh đó, chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng và giáo dục quốc phòng cho toàn dân, làm cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ có hiểu biết về kiến thức quốc phòng, kiến thức phòng không để khi chiến tranh xảy ra có thể chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến kịp thời, tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Thiếu tướng, GS, TS. Trần Nam Xuân
Giám đốc Học viện Phòng không-Không quân
__________
1- Võ Nguyên Giáp – Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQG, H. 1997, tr. 209.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011