QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 23:52 (GMT+7)
Chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng là sự gắn bó giữa “ý Đảng, lòng dân”

Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc, tôn giáo luôn luôn đoàn kết, chung tay đấu tranh với “thiên tai, địch họa”, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo và công tác dân tộc, công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xây dựng nguyên tắc của chính sách dân tộc ở Việt Nam là: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Những nguyên tắc này được quán triệt và thực hiện nhất quán, có hiệu quả trong mọi thời kỳ cách mạng.

Trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), đường lối, quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc của Đảng là đảm bảo quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Lúc này, vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân và nhiệm vụ chính sách dân tộc là “ruộng đất cho dân cày”. Đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn đó của Đảng đã thu phục được trái tim, khối óc của đông đảo đồng bào các dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, Đảng ta tiếp tục thực hiện chính sách đoàn kết các dân tộc, trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến và kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt. Đảng và Nhà nước ban hành nhiều quy định nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc, động viên được sức mạnh của đồng bào các dân tộc tham gia xây dựng chiến khu cách mạng, kháng chiến và kiến quốc. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng trong thời kỳ này đã tạo được bước biến chuyển lớn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đánh thắng các thế lực xâm lược.

Từ khi đất nước thống nhất, quá độ đi lên CNXH, nhất là quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm, nguyên tắc về chính sách dân tộc; đồng thời bổ sung, phát triển những nội dung mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của Đảng và Nhà nước qua các kỳ Đại hội Đảng, đều quan tâm sâu sắc đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa IX), Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, trong đó nêu rõ những quan điểm cơ bản, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của công tác dân tộc trong thời kỳ mới. Đến Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ…1. Quan điểm của Đảng là sự tổng kết thực tiễn nhiều năm thực hiện đường lối, chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; vừa có giá trị chỉ đạo lâu dài, vừa có ý nghĩa thực tiễn, gắn chặt với thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong những nội dung quan trọng đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh tính chiến lược, nguyên tắc và yêu cầu nhiệm vụ phát triển toàn diện địa bàn vùng dân tộc và miền núi; sự ưu tiên đầu tư phát triển KT - XH và công tác dân tộc là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng, có tác dụng to lớn đối với đồng bào dân tộc, như: Quyết định135/1998 về Chương trình phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định 134/2004 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số… các Nghị quyết về phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ... Nhờ vậy, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã ngày càng ổn định và có bước phát triển vững chắc. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo đã có những chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư phát triển hơn; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh (bình quân khoảng 3-5%/năm), tốc độ phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc được kiềm chế; nhiều tỉnh đã cơ bản giải quyết được những bức xúc về nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, việc làm…, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tính đến tháng 8 - 2008, các địa phương trong cả nước đã tạo điều kiện giải quyết về nhà ở cho 340.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo (đạt 98%), hỗ trợ đất ở cho 62.310 hộ (đạt 71%); cả nước có 1814 xã vùng dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã (chiếm 98,5%); 100% số huyện, 95% xã và 70% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có lớp mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở; 100% huyện miền núi có trường trung học phổ thông, trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa; hầu hết các xã có trạm y tế, đội ngũ y, bác sỹ được bổ sung và tăng cường; 100% xã miền núi có nhà văn hóa, điểm bưu điện - văn hóa…

Cùng với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc, Đảng và Nhà nước ta cũng thường xuyên thực hiện có hiệu quả chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo. Tư tưởng nhất quán của Đảng ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, hết sức chăm lo đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Ngay trong chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh (tháng 11-1930), Đảng ta đã nhấn mạnh: "... phải lãnh đạo từng tập thể sinh hoạt hay tập quán của nhân dân gia nhập một tổ chức cách mạng, để dần dần cách mạng hóa quần chúng, mà lại đảm bảo tự do tín ngưỡng của quần chúng..."2. Sau khi đất nước giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3 - 9 - 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Tín ngưỡng tự do và Lương  Giáo đoàn kết3. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, chỉ thị, sắc lệnh, nghị định về vấn đề tôn giáo, công tác tôn giáo; qua đó, góp phần củng cố, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đóng góp của đồng bào các tôn giáo vào thắng lợi của cách mạng.

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của Đảng có nhiều đổi mới và phát triển. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (khoá VII) về công tác tôn giáo khẳng định: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn giáo; kiên quyết khắc phục thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá CNXH, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) chỉ rõ: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo  là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”4. Ngày 18-6-2004, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo; Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, nghị định… về tôn giáo và công tác tôn giáo, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về tôn giáo, đảm bảo hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân chức sắc, tín đồ các tôn giáo theo pháp luật. 

Là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc, đồng bào các tôn giáo luôn gắn bó, đoàn kết, đồng hành với đồng bào cả nước, phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc, của cách mạng. Mong muốn của đại bộ phận tín đồ tôn giáo là xóa bỏ áp bức, bất công, xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Điều mong muốn của đồng bào có đạo cũng là mục tiêu, lý tưởng của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Bởi vậy, dù theo bất cứ tôn giáo nào, đồng bào ta luôn quan tâm đến sự nghiệp chung của dân tộc; tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hoạt động tôn giáo tự do, bình đẳng, đúng pháp luật; các tôn giáo đều có sự phát triển mạnh về tín đồ, chức sắc, chức việc. Hệ thống các trường, lớp đào tạo chức sắc của các tôn giáo được mở rộng. Tính đến 30 - 10 - 2008, Nhà nước đã công nhận tư cách pháp nhân, đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 30 tổ chức tôn giáo, trên 70 nghìn chức sắc, nhà tu hành và hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp; có hàng trăm người theo đạo đang theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước trên thế giới; hơn 22.000 cơ sở thờ tự đã được xây dựng, tu bổ và được pháp luật bảo hộ… Với phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và CNXH”, “Nước vinh, đạo sáng”, “Sống phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc”, gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào có đạo tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Các tổ chức tôn giáo đã vận động, quyên góp được hàng trăm tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ; tổ chức hàng trăm lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, người tàn tật, người bị bệnh hiểm nghèo; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân... Qua đó, góp phần cùng nhân dân cả nước khắc phục khó khăn, phát triển KT - XH, củng cố quốc phòng - an ninh, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những chuyển biến tích cực trong hoạt động của các tôn giáo khẳng định: chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đã đi vào đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo trong cả nước...

Rõ ràng, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc, tôn giáo là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Thế nhưng, hiện nay các thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo ở nước ta, nhằm phục vụ cho âm mưu thâm độc của chúng. Họ dựng lên rằng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”… Họ đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”; kích động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị” ở khu vực Tây Bắc; “nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên, với “Tin lành Đega” làm quốc đạo; thành lập “Nhà nước Khmer Campuchia Krom” ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ… Thực chất, đây là thủ đoạn nham hiểm, lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” để kích động, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội… Nhưng những luận điệu đó không đánh lừa được ai, bởi thực tế hoàn toàn bác bỏ điều đó.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tới đây chúng ta cần  thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là đối với cấp uỷ, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Hai là: làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ theo từng vùng, từng dân tộc cụ thể; có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ công tác ở vùng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn; xây dựng chính sách ưu đãi với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ thôn (bản, phum, sóc) có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước trên địa bàn.

Ba là: các ngành, các cấp cần rà soát, kịp thời bổ sung những chính sách đầu tư sát hợp đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo; tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở, đảm bảo các loại vốn đầu tư thực sự có hiệu quả, tạo điều kiện để đồng bào phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, hòa nhập với tiến trình đi lên của đất nước.

Bốn là: thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta.  

Năm là: làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, chức việc, đội ngũ cốt cán vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng, vi phạm chính sách, pháp luật Nhà nước.

Sáu là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại về dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ chính sách dân tộc, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta và thực tế tình hình cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

NGUYỄN MẠNH HÙNG

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương

______________

1- ĐCSVN - Văn kiên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006. tr 121.

2- ĐCSVN - Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 231.   

3- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 8.

4- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, khoá IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 48.

Ý kiến bạn đọc (0)