QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:18 (GMT+7)
Chiến lược “thúc đẩy dân chủ” của Mỹ ở khu vực châu Á và Đông Nam Á

Bước sang nhiệm kỳ hai, Chính quyền Tổng thống G.W.Bu-sơ đã đặt nhiệm vụ “thúc đẩy dân chủ” lên hàng ưu tiên trong đường lối đối ngoại, coi “dân chủ hóa thế giới” theo các tiêu chuẩn của Mỹ và phương Tây là phương thức quan trọng nhất để ngăn chặn, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và giữ vững ngôi vị bá chủ thế giới của mình. Trong “Thông điệp Liên bang” năm 2006, Tổng thống G.W. Bu-sơ đã vạch rõ, quân đội Mỹ có thể trong thời gian ngắn, triển khai tiến công và hoàn thành nhiệm vụ ở bất kỳ nơi nào, mục tiêu nào trên thế giới, nhưng sau đó phải làm một khối lượng công việc to lớn, vất vả sau chiến tranh. Nhương nếu Mỹ dùng "lực lượng phản ứng nhanh", chi viện và ủng hộ những lực lươợng chính trị nổi dậy ở đó thành lập  chính quyền "dân chủ" phù hợp với lợi ích của Mỹ thì sẽ giành được hiệu quả cao hơn nhiều, đỡ tốn công sức hơn rất nhiều...  Chính quyền Mỹ đã xây dựng và triển khai chiến lược “dân chủ hóa” ở châu Á - khu vực được họ coi là trọng tâm chiến lược trong thế kỷ XXI, lấy đây làm “đột phá khẩu” cho thúc đẩy dân chủ toàn cầu. Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, chiến lược “dân chủ hóa châu á” của Chính quyền Mỹ là một chiến lược tổng thể, kết hợp các thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, tiến công có trọng tâm, trọng điểm và được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện tình hình và từng đối tượng, để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Nổi lên một số nét chủ yếu sau:

1- Sử dụng vũ khí kinh tế làm đòn bẩy để thúc đẩy “dân chủ” ở các nước.
Giới hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng, ngày nay, các nước đều coi phát triển kinh tế là mục tiêu, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, sự “thành công” về kinh tế sẽ là động lực chủ yếu để thay đổi về chính trị. Đối với các nước, việc phát triển kinh tế tư nhân sẽ làm giảm đi sự phụ thuộc của người dân đối với chính quyền; phát triển một xã hội “cởi mở”, trong đó, thị trường được mở cửa tự do và các phương tiện truyền thông độc lập và khi tầng lớp trung lưu ra đời sẽ có những quan điểm chính trị khác nhau. Theo thời gian, được sự hậu thuẫn của “phương Tây”, tầng lớp xã hội mới này sẽ ngày càng phát triển và yêu cầu về lợi ích và quyền tự do về kinh tế, chính trị cũng tăng lên. Khi tầng lớp này đủ mạnh sẽ là lực lượng nòng cốt đưa đất nước họ hòa nhập vào “thế giới phương Tây tự do” do Mỹ lãnh đạo. Là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tổng sản phẩm trong nước hằng năm lên đến hàng chục nghìn tỷ USD, chi phối hầu như toàn bộ các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, nước Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới, các khu vực và các nước. Vì vậy, Mỹ sẽ tập trung sử dụng lợi thế này để thúc ép các nước tiến hành cải cách kinh tế theo mô hình của Mỹ, áp đặt các giá trị “tự do”, “dân chủ”, buộc các nước đi theo quỹ đạo của Mỹ. Phương thức chủ yếu của Mỹ là tận dụng xu thế toàn cầu hóa, nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế về kinh tế của các nước, để ép buộc chính phủ các nước đó tiến hành cải cách theo mô hình kinh tế thị trường, tự do hóa thương mại, tư hữu hóa nền kinh tế, giảm dần vai trò điều hành, kiểm soát của nhà nước, khuyến khích phát triển tầng lớp trung lưu, đòi hỏi các quyền “tự do cá nhân” và phương tiện truyền thông “độc lập”, lấy đó làm động lực để thay đổi về chính trị. Đối với chính quyền các nước bị coi là “cứng đầu”, Mỹ sẽ sử dụng các hình thức trừng phạt kinh tế, như bao vây, cấm vận, gây khủng hoảng kinh tế - xã hội; kết hợp với nuôi dưỡng lực lượng đối lập, khi có thời cơ sẽ tiến hành bạo loạn chính trị cướp chính quyền.
2-Kết hợp các biện pháp gián tiếp thúc đẩy “dân chủ”.
Chính quyền Mỹ cho rằng, có bốn biện pháp gián tiếp tác động đến dân chủ của các nước: Một là, hỗ trợ cải cách hệ thống luật pháp, các cơ chế quản lý của nhà nước; hai là, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan lập pháp và các nghị sỹ Quốc hội; ba là, hỗ trợ các đảng phái chính trị đối lập thân Mỹ; bốn là, mở rộng quyền lực cho chính quyền của các địa phương. Để thực hiện các biện pháp này, Chính quyền Mỹ có thể thông qua kênh quan hệ song phương, đa phương giữa các chính phủ, nhưng chủ yếu là cung cấp tài chính cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) tiến hành các hoạt động, dưới danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền” ở các nước, như các chương trình hỗ trợ giáo dục pháp luật, hội thảo về “dân chủ”, “nhân quyền”, tổ chức các cuộc thăm viếng, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý kinh tế, quản lý xã hội cho các đối tượng, nhất là quan chức chính quyền các cấp; tiến hành các hoạt động bảo vệ môi trường, trợ giúp “nhân đạo”, v.v.  Chính quyền Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để thành lập “quỹ hỗ trợ dân chủ” và thành lập các đơn vị “phản ứng nhanh”, để thúc đẩy và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các nền “dân chủ” trẻ ở châu á. Họ cũng trích từ quỹ này hơn 9 triệu USD cho việc hiện đại hóa Đài châu Á tự do (RFA), tăng thời lượng và chương trình phát sóng bằng nhiều thứ tiếng, nhằm chống phá chính phủ các nước “không thân thiện” và truyền bá các giá trị dân chủ của Mỹ và phương Tây; kích động, chia rẽ giữa các phe phái, các dân tộc, tôn giáo của các nước trong khu vực. Theo các quan chức Chính quyền Mỹ, các biện pháp gián tiếp thúc đẩy dân chủ nêu trên có sức cuốn hút rất mạnh; thời gian tới, Chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến đa dạng hóa hình thức và nội dung thực hiện để có thể thu hút được sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền và người dân các nước sở tại, nhằm lái họ đi theo con đường “dân chủ” mà Mỹ đề ra. Tuy nhiên, Mỹ cũng thừa nhận, tác động gián tiếp để thúc đẩy dân chủ ở các nước là một việc làm khó khăn, khó có thể làm thay đổi chế độ chính trị của nước khác trong “một sớm một chiều”, nhất là đối với những nước có chế độ chính trị vững vàng, ổn định, người dân được giác ngộ, có tinh thần đoàn kết, thống nhất, có ý thức chính trị và tinh thần độc lập dân tộc cao thì các biện pháp này không mấy tác dụng. Hơn nữa, bài học kinh nghiệm từ các cuộc “cách mạng mầu sắc”, “cách mạng đường phố” do Mỹ và phương Tây đạo diễn ở các nước thuộc “không gian hậu Xô-viết” khu vực Trung Á vừa qua đã làm cho chính phủ các nước đề cao cảnh giác với mưu đồ và các hoạt động của các tổ chức NGO. Hiện nay, nhiều nước đã thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức NGO. ở một số nước, người dân đã tẩy chay làm cho các tổ chức NGO của phương Tây bị vô hiệu hóa.
3-Các "biện pháp can dự trực tiếp thúc đẩy "dân chủ".
Giới chức Mỹ cho rằng, can dự trực tiếp nhằm giúp các nước “xây dựng cầu nối tới dân chủ hóa” là cách thức quan trọng nhất; nó bao gồm những biện pháp chủ yếu như: các chương trình hỗ trợ các đảng phái chính trị đối lập thân Mỹ và phương Tây; các tổ chức bầu cử “tự do” và gây sức ép với Chính phủ cho các tổ chức này độc lập về chính trị; hỗ trợ việc giám sát bầu cử; viện trợ cho các tổ chức “dân sự” để tiến hành vận động bầu cử, nhằm mua chuộc cử tri bỏ phiếu cho những ứng cử viên mà phương Tây đã lựa chọn v.v.
Quá trình “dân chủ hóa trực tiếp” có thể được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tạo môi trường “dân chủ”: thực hiện các biện pháp, như cung cấp tài chính cho các tổ chức NGO để các tổ chức này tiến hành hoạt động “nhân quyền”, “nhân đạo”, “bảo vệ môi trường”, gây dựng lòng tin và thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Sử dụng các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế gây sức ép đòi chính phủ thực hiện “dân chủ”, “nhân quyền” theo tiêu chí của phương Tây. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ và một số tổ chức của phương Tây vẫn cho công bố đánh giá tình hình nhân quyền để gây sức ép, can dự vào nội tình của các nước. Hỗ trợ để phát triển hệ thống các phương tiện thông tin, truyền thông độc lập, nhằm giảm dần sự quản lý, kiểm soát của chính phủ; đẩy mạnh  họat động truyền bá các giá trị dân chủ, lối sống phương Tây, tập trung “phương Tây hóa” những đối tượng là các nhà cải cách “dân chủ mới”, hàng ngũ thanh, thiếu niên... Giai đoạn 2, can dự trực tiếp bằng chiến lược “nội công, ngoại kích”: Một mặt sử dụng các tổ chức phản động, các lực lượng đối lập ở trong và ngoài nước tiến hành các hoạt động đòi “cải cách dân chủ”. Mặt khác, sử dụng “lực lượng phản ứng nhanh” làm hậu thuẫn, mà thực tế là tổ chức lực lượng đối lập tiến hành các cuộc “cách mạng dân chủ”; đồng thời tiến hành hoạt động gây sức ép về “ngoại giao dân chủ”, “nhân quyền”, buộc lãnh đạo các nước thực hiện tiến trình tiến tới dân chủ và tổ chức bầu cử “tự do” theo ý đồ của Mỹ và phương Tây. Với phương thức can dự trực tiếp thúc đẩy dân chủ, Mỹ có thể định ra một kế hoạch cụ thể để tiến tới “dân chủ hóa”, nhưng nó đòi hỏi Mỹ phải gây được ảnh hưởng lớn trong nội bộ của các nước, điều mà các nhà chiến lược của Mỹ cho rằng không dễ dàng và không phải lúc nào cũng làm được.
Khu vực châu Á và Đông Nam Á nói riêng có nhiều nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu thế giới là điều kiện thuận lợi để Mỹ can dự vào. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là quan niệm về dân chủ, nhân quyền của đa số các nước trong khu vực không giống với những giá trị dân chủ, nhân quyền của Mỹ và phương Tây. Hơn nữa, nền văn hóa phương Đông với đặc trưng là lòng tự trọng dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ rất cao đang là những “rào cản” việc Mỹ triển khai chiến lược ở đây. Do vậy, Mỹ sẽ vận dụng kết hợp cả 3 biện pháp kể trên một cách linh hoạt, mềm dẻo hơn. Thay vì cách thức bị phản đối là áp đặt các yêu sách về “dân chủ” như trước đây, Mỹ sẽ chọn biện pháp thúc đẩy “dân chủ” gián tiếp thông qua các quan hệ song phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế để hỗ trợ các sáng kiến, “lồng ghép” những “gợi ý”, “đề xuất” cho giới lãnh đạo và lực lượng ủng hộ “cải cách dân chủ” ở các nước. Đối với các nước Đông Nam Á có mức thu nhập thấp, Mỹ sẽ đẩy mạnh chính sách can dự “toàn diện”, thông qua hợp tác, viện trợ kinh tế, tài chính, hợp tác phát triển khoa học-công nghệ và nhiều lĩnh vực khác nữa để thúc đẩy các nước này “cải cách dân chủ” theo ý đồ của Mỹ. Mỹ cũng tăng cường chính sách “can dự mềm” thông qua hợp tác chống khủng bố, hợp tác quân sự, quốc phòng, giữ gìn an ninh để can dự sâu hơn vào ASEAN, nhằm mở rộng ảnh hưởng và dễ bề truyền bá những giá trị “dân chủ”, “nhân quyền” của mình vào các nước. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thực hiện điều chỉnh bố trí quân sự, tăng cường sự hiện diện của quân đội để khống chế, kiểm soát và hỗ trợ  cho chiến lược thúc đẩy dân chủ trong khu vực.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa lại cho công bố cái gọi là “tình hình nhân quyền thế giới năm 2005” bị dư luận ở khu vực và thế giới phản đối gay gắt. Chính khách của nhiều nước trên thế giới đã vạch rõ, Mỹ không có tư cách để rao giảng về dân chủ, nhân quyền; bởi, bản thân nước Mỹ vẫn còn vô khối vấn đề bức bối về dân chủ, nhân quyền và Mỹ cũng là nước vi phạm dân chủ, nhân quyền lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, năm 2004, nước Mỹ có khoảng 5,2 triệu vụ phạm tội bạo lực (tính ra cứ 47 người dân thì một người là nạn nhân của phạm tội bạo lực). Tình trạng trẻ em vô gia cư, trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên phạm tội, tệ nạn phân biệt chủng tộc, sự phân hóa giầu nghèo trong xã hội Mỹ cũng không ngừng tăng cao. Tỷ lệ người nghèo ở Mỹ cao nhất trong số các nước phát triển và cao hơn hai lần tỷ lệ ở phần lớn các nước công nghiệp khác. Ngày 15-3-2006, với 170 phiếu thuận và 4 phiếu chống (trong đó có Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết thành lập Hội đồng nhân quyền thay thế Uỷ ban nhân quyền LHQ. Nhiều nước đã lên án Mỹ là nước vi phạm nhân quyền nên không thể có chỗ đứng trong Hội đồng nhân quyền LHQ. Họ cũng vạch rõ, chiến lược “thúc đẩy dân chủ thế giới” của Mỹ thực chất là bước phát triển mới của chiến lược “diễn biến hòa bình”, hòng sử dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” làm phương tiện để can thiệp vào nội bộ các nước, phục vụ cho mưu đồ thống trị thế giới. Hành động đó là phản dân chủ, phản nhân quyền, vi phạm những nguyên tắc cơ bản nhất trong quan hệ quốc tế là tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; gây mâu thuẫn, xung đột, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới; tác động xấu đến  những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh cho mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình, bác ái và bình đẳng.      
 
Đồng Đức - Phạm Liên
 

Ý kiến bạn đọc (0)