QPTD -Thứ Hai, 31/10/2011, 21:43 (GMT+7)
Chiến lược mới của chính quyền Mỹ tại khu vực Trung Đông

Đầu tháng 1 vừa qua, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã công bố chiến lược mới của Mỹ tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh Chính quyền của ông đang phải đối mặt với nhiều bất lợi cả ở trong và ngoài nước. ở trong nước, nhiều chính khách, nghị sĩ Quốc hội, dư luận rộng rãi trong nhân dân đều cho rằng, Mỹ không thể chiến thắng ở I-rắc bằng quân sự; đòi Chính quyền rút quân ở I-rắc về nước. ở nước ngoài, chính sách đối ngoại cường quyền bằng ưu thế sức mạnh, nhất là sức mạnh  quân sự để áp đặt các giá trị của Mỹ bị các nước, kể cả các nước đồng minh thân cận phản đối. Quân đội Mỹ đang bị “sa lầy”, “tiến thoái lưỡng nan” ở I-rắc và lúng túng trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng; cuộc chiến chống khủng bố tuy thu được một số kết quả, nhưng an ninh của nước Mỹ và phương Tây vẫn chưa được cải thiện rõ rệt; uy tín của Chính quyền Mỹ ngày càng bị suy giảm ở trong nước và trên thế giới. Theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, trong tình cảnh bất lợi đó, chiến lược mới của Tổng thống G.W.Bu-sơ ở khu vực Trung Đông là một chiến lược khó khăn nhất, kể từ khi ông lên cầm quyền và là “canh bạc chót” quyết định đến uy tín chính trị của Chính quyền và đảng Cộng hoà của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008; đồng thời sẽ trực tiếp tác động đến các quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa Mỹ và các nước A-rập, Mỹ và các cường quốc khác, đến tình hình an ninh và cục diện của thế giới. Trọng tâm của chiến lược này là kế hoạch tăng quân ở I-rắc, với mục tiêu mà Tổng thống G.W.Bu-sơ đã đặt ra là “phải giành thắng lợi trong cuộc chiến ở I-rắc”- nơi được Mỹ coi là “chiến trường trọng yếu” trong “cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu” của họ. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ bổ sung 21.500 quân tới I-rắc, một phần lớn trong số này sẽ được điều động để bảo vệ an ninh cho thủ đô Bát-đa và một số vùng trọng điểm lân cận. Nhà Trắng cũng sẽ chi một khoản ngân sách lớn cho cái mà họ gọi là “để thúc đẩy công cuộc tái thiết I-rắc” và “để ổn định tình hình an ninh, kinh tế, xã hội” ở đất nước này. Quân đội Mỹ sẽ tăng cường trang bị và huấn luyện cho lực lượng an ninh và quân đội I-rắc để các lực lượng này có thể nhanh chóng thay thế quân đội Mỹ trong việc bảo vệ an ninh cho I-rắc; đồng thời, cùng lực lượng liên minh đẩy mạnh các chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt các lực lượng chống đối trên toàn lãnh thổ I-rắc, đặc biệt là nhóm vũ trang hùng mạnh nhất của giáo sỹ Mu-ta-da An Xa, các tổ chức “thánh chiến” của người Sun-ni có quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda và tiến hành giải giáp các tổ chức vũ trang của các giáo phái.

Cùng với các biện pháp trên, Nhà Trắng cũng tiến hành các biện pháp ngăn chặn “các lực lượng gây mất ổn định I-rắc từ bên ngoài”, trong đó, họ coi I-ran  là “nhân tố gây mất ổn định nguy hiểm ” và là “mối đe dọa lớn nhất” đến an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ ở I-rắc và toàn khu vực Trung Đông. Mỹ sẽ tăng cường thúc ép các nước đồng minh, cộng đồng quốc tế thông qua tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) để tiến hành các biện pháp trừng phạt I-ran về chương trình làm giầu u-ra-ni, bị Mỹ và phương Tây tình nghi là để phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Đồng thời, tăng cường gây sức ép trực tiếp, kể cả các hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự đe dọa chống Tê-hê-ran, nếu nước này không chịu ngừng chương trình làm giầu u-ra-ni theo yêu cầu của Mỹ và phương Tây. Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều động tầu sân bay thứ 2 tới vùng Vịnh và cho triển khai nhiều tên lửa pa-tri-ôt đánh chặn tên lửa ở các địa điểm xung quanh I-ran. Nhà Trắng cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao “dân chủ, nhân quyền” đối với các giáo phái, các nước A-rập mà Mỹ cho là theo trào lưu “ôn hoà, dân chủ mới” để lôi kéo họ hậu thuẫn cho chính sách của Mỹ ở khu vực. Trong chuyến thăm một loạt nước Trung Đông vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ C. Rai-xơ đã hứa viện trợ tài chính và giúp đỡ Chính quyền Li-băng đối phó với nhóm Héc-bô-la để ổn định tình hình chính trị ở trong nước và đứng ra làm trung gian tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao giữa Tổng thống Pa-le-xtin và Thủ tướng I-xra-en, nhằm  khởi động tiến trình hoà bình Trung Đông đã bị ngưng trệ mấy năm qua - hành động được coi là nhằm lấy lòng các nước A-rập.

Đánh giá về chiến lược mới của Chính quyền Mỹ tại khu vực Trung Đông, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, đây là một chiến lược khá toàn diện, nhằm phát huy ưu thế sức mạnh trên tất cả các mặt, lấy sức mạnh quân sự làm trung tâm để đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong tình cảnh khó khăn ở Trung Đông, nhất là ở I-rắc như hiện nay, thì chiến lược đó chưa đề ra được những giải pháp khả thi, mang tính “đột phá” để có thể làm xoay chuyển cục diện có lợi cho Mỹ ở khu vực, thậm chí còn có thể gây những hậu quả không nhỏ không chỉ đối với nước Mỹ, mà còn cho toàn khu vực Trung Đông và thế giới. Trước hết, vấn đề quan trọng, cơ bản nhất và cũng là khiếm khuyết lớn nhất của chiến lược này là nó không tạo được sự đồng thuận, thống nhất ở trong nước; trái lại, nó đang làm cho chính trường nước Mỹ, nhất là quan điểm của Quốc hội và Chính phủ trong nhiều vấn đề chiến lược cốt lõi nhất, bị chia rẽ ngày càng sâu sắc. Mới đây,  Hạ nghị viện Mỹ do đảng Dân chủ chiếm đa số đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc phản đối kế hoạch tăng quân ở I-rắc của Chính quyền Mỹ và khuyến cáo nếu Tổng thống G.W.Bu-sơ dùng quyền phủ quyết luật này thì Quốc hội sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn, kể cả không thông qua ngân sách bổ sung cho việc tăng quân, một việc làm có thể gây cản trở rất lớn cho chính sách quân sự của ông G.W.Bu-sơ tại I-rắc và Trung Đông. Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, nhiều quan chức Lầu Năm Góc còn vạch rõ rằng, việc tăng 21 nghìn quân trong khi Mỹ đã có 14 vạn quân tại I-rắc là một giải pháp mang tính “tình thế”, không thể giải quyết được tình hình an ninh đang ngày càng mất ổn định tại đây; ngược lại, sẽ làm cho mức độ thương vong đối với binh lính Mỹ ở I-rắc ngày càng lớn hơn và điều nguy hại nhất là làm lực lượng quân đội Mỹ bị dàn mỏng, khiến cho khả năng và sức chiến đấu của quân đội ở khu vực và trên thế giới sẽ bị suy giảm. Dư luận nước Mỹ cũng kiên quyết phản đối kế hoạch tăng quân của Chính quyền ở I-rắc. Những ngày qua, tại các thành phố lớn của Mỹ đã nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, đòi Chính quyền “không đổi máu lấy dầu”, đòi thay đổi chính sách, rút quân đội về nước, trả I-rắc cho người dân I-rắc... Những thăm dò dư luận do các hãng truyền thông nổi tiếng của Mỹ, như CNN, viện Ga-lớp công bố mới nhất cho thấy, trên 65% người dân Mỹ không đồng tình với kế hoạch tăng quân ở I-rắc và khoảng hơn 63% số người được hỏi cho rằng cuộc chiến ở I-rắc của Chính quyền là sai lầm; uy tín của Tổng thống G.W.Bu-sơ chỉ còn dưới 34%, mức thấp kỷ lục kể từ khi ông lên nắm quyền.

Kế hoạch tăng quân ở I-rắc của Chính quyền Mỹ cũng bị các nước Trung Đông và thế giới phản đối, cho đây là bước leo thang quân sự nguy hiểm, không ngoài mục tiêu nào khác là độc chiếm nguồn dầu lửa khổng lồ và biến nước này thành “bàn đạp” để thực hiện tham vọng bá quyền khu vực và thế giới. Chính sách quân sự đó của Chính quyền Mỹ chỉ làm cho tình hình I-rắc càng thêm mất ổn định, đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Theo chỉ huy quân đội Mỹ tại I-rắc, trong những ngày gần đây, tình trạng xung đột, bạo lực đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Ngày 4-2 vừa qua, chỉ tính riêng tại thủ đô Bát-đa đã xảy ra 13 vụ đánh bom và xung đột, làm 135 người chết và hơn 300 người bị thương, trở thành một trong những ngày đẫm máu nhất ở nước này kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Và rằng, để đối phó với quân đội Mỹ, lực lượng nổi dậy đang có chiều hướng tập hợp với nhau, sử dụng nhiều thủ đoạn tác chiến đa dạng, gây thiệt hại không nhỏ cho  binh lính Mỹ và liên quân. Tính đến cuối tháng 1- 2007 đã có hơn 3.100 lính Mỹ bị thiệt mạng tại I-rắc. Dư luận I-rắc và nhiều nước A-rập kịch liệt phản đối các hành động quân sự tàn bạo của quân đội Mỹ; đồng thời, cũng lên án Chính quyền Mỹ đang gây áp lực buộc Quốc hội I-rắc thông qua cái gọi là bộ luật “Thoả thuận phân chia sản phẩm” (PSA) dầu lửa tại I-rắc. Theo đó, các công ty dầu lửa khổng lồ của Mỹ và phương Tây, như BP, Shell, Exxon, Chevron được quyền hợp đồng khai thác dầu lửa ở I-rắc với thời hạn không dưới 30 năm  và được hưởng 75% doanh thu từ sản lượng dầu khai thác cho đến khi thu hồi hoàn toàn vốn bỏ ra; sau đó được hưởng cố định là 20% lợi nhuận. Các nước, nhất là các đối tác kinh tế truyền thống của I-rắc đã cực lực phản đối, coi PSA là hành động thực dân trắng trợn của Mỹ và phương Tây hòng đô hộ không chỉ ngành dầu mỏ mà là toàn bộ nền kinh tế của I-rắc.

Chính sách thù địch chống I-ran của Chính quyền Mỹ làm cho quan hệ giữa hai nước hết sức căng thẳng; nhất là mới đây, khi mà Chính phủ I-ran tuyên bố đã cho vận hành hàng trăm máy li tâm để đẩy nhanh tốc độ làm giầu u-ra-ni của nước này; đồng thời, tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, tiến hành thử nghiệm  các vũ khí, kỹ thuật quân sự hiện đại (mà dư luận cho là để phô trương sức mạnh và quyết tâm sẵn sàng đối đầu với bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài) đã đẩy mâu thuẫn giữa Mỹ và I-ran lên đến “đỉnh điểm”. Nhiều nghị sỹ, quan chức Chính quyền Mỹ, dư luận các nước hết sức lo ngại và cảnh báo rằng, một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ với I-ran là vô cùng nguy hiểm, gây những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với khu vực Trung Đông và thế giới. Họ cũng khẳng định, mâu thuẫn giữa Mỹ và I-ran về vấn đề hạt nhân chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoà bình; kêu gọi Chính quyền hai nước hết sức kiềm  chế, nhận thức sâu sắc lợi ích của hoà bình, ổn định, thiện chí đối thoại nhằm tìm ra một giải pháp thích hợp nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran, mà hai bên đều chấp nhận được. Dư luận cũng chỉ rõ, cách thức đối xử theo “tiêu chuẩn kép” mà Chính quyền Mỹ đang áp dụng hiện nay đối với các nước A-rập, như đứng đằng sau những xung đột nội bộ của một số nước A-rập, nhất là, bao che các hành động xâm chiếm đất đai, tàn sát dã man người Pa-le-xtin của Chính quyền I-xra-en..., là không thể chấp nhận được. Hành động đó chỉ làm cho mâu thuẫn giữa I-xra-en với các nước A-rập, các nước A-rập với Mỹ ngày càng sâu sắc, đe dọa an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Dư luận thế giới yêu cầu, là một thành viên nòng cốt của nhóm “Bộ Tứ” bảo trợ tiến trình hoà bình Trung Đông (gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ), Mỹ hãy phát huy vai trò quan trọng của mình, cùng với các thành viên liên quan khác, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ nước khác, trên nguyên tắc đổi đất lấy hoà bình, phối hợp giải quyết dứt điểm cuộc xung đột I-xra-en –Pa-le-xtin, vốn đã dai dẳng kéo dài và gây biết bao đau khổ cho nhân dân hai nước, góp phần xây dựng Trung Đông thành một khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đồng Đức

 

Ý kiến bạn đọc (0)