QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:07 (GMT+7)
Chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng của một số nước châu Á hiện nay

Hiện nay, các nước châu Á đều coi việc duy trì sự phát triển kinh tế ổn định, vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước là nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự thịnh suy của quốc gia. Một mặt, các nước tập trung phát huy tối đa nguồn lực trong nước, lấy đây làm động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Mặt khác, tích cực tham gia, tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi do xu thế toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập khu vực và quốc tế tạo ra để góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, toàn cầu hóa kinh tế ngày nay đang là một “sân chơi” chứa đựng nhiều bất bình đẳng, nhất là khi nó bị một số cường quốc phương Tây Áp đặt, chi phối..., làm cho các nước đang phát triển và chậm phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ, đe dọa đến an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Hơn nữa, bối cảnh tình hình thế giới nói chung, khu vực châu Á nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, hiện hữu nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, khu vực và toàn thế giới. Bởi vậy, bên cạnh việc chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, các nước châu Á cũng hết sức coi trọng củng cố quốc phòng, tăng cường sức mạnh của quân đội, đủ khả năng đối phó với các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Phát triển kinh tế- xã hội tạo cơ sở vật chất, tinh thần để củng cố quốc phòng, nâng cao sức mạnh của quân đội. Mặt khác, tăng cường củng cố quốc phòng, nâng cao sức mạnh của quân đội là để bảo vệ môi trường thuận lợi và góp phần thiết thực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Tùy thuộc vào chiến lược an ninh quốc gia, đặc điểm tình hình đất nước về chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển khoa học-kỹ thuật..., mỗi nước châu Á có chiến lược riêng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, song nhìn tổng thể có thể thấy nổi lên một số hướng quan trọng chủ yếu:

1-Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ (KH-CN) dân sự cho nghiên cứu phát triển KH-CN quân sự, hiện đại hóa vũ khí, trang bị của quân đội.
Những thập kỷ gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng KH-CN mới, cốt lõi là tin học và công nghệ thông tin, nền KH-CN dân sự đã đạt được những bước tiến vượt bậc, nhiều lĩnh vực công nghệ dân sự đạt đến trình độ hiện đại vượt xa công nghệ quân sự và trên nhiều lĩnh vực khác, ranh giới giữa công nghệ dân sự và công nghệ quân sự ngày càng mờ nhạt, có thể chuyển hóa cho nhau. Tận dụng những phát triển mới đó, nhiều nước châu Á tích cực ứng dụng các thành tựu KH-CN dân sự, phục vụ cho nghiên cứu phát triển KH-CN quân sự, hiện đại hóa vũ khí, trang bị của quân đội, coi đây là một hướng phát triển có tầm quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, hiện đại hóa quân đội. Về mặt kinh tế, việc ứng dụng KH-CN, các sản phẩm kỹ thuật dân sự cho quân sự cho phép quân đội giảm được khoản ngân sách đáng kể chi phí cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị, tiết kiệm thời gian và hạn chế tối đa mức độ rủi ro. Do sử dụng các “chíp” điện tử và phần “mềm” máy tính của các hãng thông tin viễn thông dân sự để hiện đại hóa hệ thống thông tin, chỉ huy, kiểm soát (C3I), quân đội Ấn Độ đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đô-la mỗi năm. Quân đội Trung Quốc và một số nước ASEAN, như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po rất coi trọng sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin, công nghệ siêu dẫn, công nghệ chính xác của các ngành dân sự để hiện đại hóa hệ thống điều khiển của máy bay, tên lửa và chế tạo một số loại vũ khí, trang bị công nghệ cao. Theo tính toán, việc sử dụng các sản phẩm kỹ thuật dân sự cho phép giảm giá thành nghiên cứu, chế tạo trang bị từ 10% đến 45%, tiết kiệm được thời gian và hạn chế đáng kể mức độ rủi ro kỹ thuật. Một mặt quan trọng khác là việc chuyển giao kỹ thuật dân sự cho quân sự tạo ra sự liên kết có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kỹ thuật dân sự và quân sự cùng phát triển và cùng có lợi. Các sản phẩm kỹ thuật cao của dân sự góp phần hiện đại hóa vũ khí, trang bị của quân đội thu được kết quả tốt hơn; ngược lại, việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự lại tạo động lực thúc đẩy các ngành kỹ thuật dân sự của các nước này tiếp tục cải tiến và phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao mà quân đội đề ra.
Để ứng dụng kỹ thuật dân sự cho quân sự thu được kết quả, nhiều nước châu Á coi  vai trò quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước là nhân tố quan trọng hàng đầu, thông qua việc hoạch định chiến lược, đề ra chính sách, các chế tài quy định pháp luật, đảm bảo cho việc chuyển giao kỹ thuật giữa các ngành dân sự và quân sự được tiến hành có kế hoạch, đúng hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển của quân đội và phát triển chung của quốc gia. Chính phủ Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a đã định ra chiến lược “chuyển giao các sản phẩm, kỹ thuật và dịch vụ dân sự cho quân sự”. Theo đó, Bộ Quốc phòng thường xuyên thông báo về chương trình, kế hoạch phát triển vũ khí, trang bị, các hạng mục KH-CN, các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật quân sự mà quân đội có thể khai thác được từ thị trường dân sự, làm cơ sở để các doanh nghiệp, các nhà thầu nghiên cứu, lập đề Án, kế hoạch sản xuất và thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp các sản phẩm cho quân đội. Bộ Quốc phòng các nước này cũng thành lập các ủy ban chuyên trách về chuyển giao kỹ thuật, có trách nhiệm đánh giá tư cách pháp nhân và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, các nhà thầu; lựa chọn những doanh nghiệp, nhà thầu có đủ khả năng theo yêu cầu để quân đội đặt hàng. Sau khi đặt hàng, các ủy ban này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng và thanh lý hợp đồng đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng và thời gian. Quân đội một số nước châu Á coi trọng chuyển giao kỹ thuật dân sự theo hai hướng: Một là, chuyển giao “nhân rộng”, nghĩa là nhập các sản phẩm KH-CN cơ bản, các sản phẩm KH-CN mũi nhọn, làm cơ sở cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng rộng. Đây là cách làm chủ yếu có tầm quan trọng chiến lược, nhưng đòi hỏi quân đội phải xây dựng nền KH-CN quân sự nói chung, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) nói riêng, có trình độ hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận và nghiên cứu phát triển. Hai là, chuyển giao các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Phương pháp chuyển giao kỹ thuật dân sự được quân đội nhiều nước sử dụng là thông qua đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính công bằng trong lựa chọn những doanh nghiệp, nhà thầu có đủ năng lực đáp ứng được các yêu cầu mà quân đội đề ra. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngoài những yêu cầu  chặt chẽ về quy định tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, thời gian..., phải đặc biệt coi trọng đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Nhật Bản thực hiện chế độ “thẻ cộng điểm” để giám sát, kiểm soát và đánh giá hiệu quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu và cứ hai năm lại tiến hành thẩm định lại tư cách pháp nhân và năng lực nhà thầu để có những chỉnh lý kịp thời, đảm bảo hợp đồng được thực hiện đáp ứng chất lượng và hiệu quả theo yêu cầu đề ra.
2- Nâng cao năng lực ngành CNQP trong hiện đại hóa vũ khí, trang bị của quân đội và phát huy vai trò tích cực góp phần phát triển kinh tế quốc dân.
Đây là một yêu cầu và là một hướng phát triển có tính chiến lược đối với ngành CNQP của các nước nói chung cũng như của các nước châu Á nói riêng trong tình hình hiện nay. Quân đội nhiều nước châu Á đã có những điều chỉnh về chiến lược, về tổ chức biên chế, về đầu tư nguồn nhân lực và tài chính để ngành CNQP có thể phát huy vai trò tích cực của mình góp phần phát triển kinh tế quốc dân. Một số nước đã tổ chức các cơ sở CNQP thành ba nhóm: Nhóm một: các cơ sở CNQP nòng cốt, chuyên sản xuất hoặc sản xuất chủ yếu hàng quân sự. Nhóm hai: các cơ sở CNQP sản xuất chủ yếu hàng dân sự và các sản phẩm lưỡng dụng dùng cho quân sự và dân sự. Nhóm ba: các cơ sở CNQP chuyên sản xuất hàng dân dụng và các sản phẩm lưỡng dụng quân sự và dân sự. Do việc sản xuất hàng dân sự, hàng lưỡng dụng quân sự và dân sự là lĩnh vực hoạt động mới mẻ, chủ yếu vận hành theo cơ chế cung - cầu của thị trường luôn có nhiều biến động, phức tạp, nên quân đội các nước thực hiện việc chuyển đổi các cơ sở CNQP một cách thận trọng, tính toán kỹ lưỡng những giải pháp, bước đi cho phù hợp với năng lực và yêu cầu đề ra. Coi trọng điều chỉnh cơ chế quản lý từ bao cấp hoàn toàn vốn sang trợ cấp một phần vốn hoặc cho vay vốn, tự hoạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường, để các cơ sở CNQP có thể chủ động trong việc hoạch định chiến lươợc, tìm tòi, khai thác thị trường, đổi mới, cải tiến công nghệ, trang thiết bị..., sản xuất, chế tạo các sản phẩm hàng hóa có uy tín về chất lượng và kiểu dáng thu hút được khách hàng, từ đó tăng thu nhập, lãi suất, tạo đà để tiếp tục phát triển. Trong nghiên cứu, phát triển hàng dân sự, hàng lưỡng dụng quân sự và dân sự, thực hiện phương châm chiến lươợc là nghiên cứu rộng, nhưng sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu, phát triển công nghệ cơ bản, từ đó nghiên cứu ứng dụng trên diện rộng; kết hợp phát triển  mới với nâng cấp, hiện đại hóa các trang thiết bị hiện có, phục vụ cho mục tiêu cao nhất là hiện đại hóa quân đội; phát triển công nghệ dân sự, công nghệ lưỡng dụng để hỗ trợ, bổ sung cho công nghệ quân sự phát triển tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và phòng thủ bảo vệ an ninh quốc gia. Một hướng khác cũng đang được quân đội nhiều nước chú trọng là sáp nhập các cơ sở CNQP thành các tập đoàn, các tổ hợp CNQP nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, chế tạo và năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nươớc và quốc tế. ấn Độ được đánh giá là một trong số những nước của khu vực thành công nhất trong chiến lược này. Các tổ hợp CNQP của ấn Độ được trang bị hiện đại, sản xuất ra nhiều mặt hàng dân sự, hàng lưỡng dụng quân sự và dân sự được ưa chuộng ở thị trường trong nước và nước ngoài, thu về những khoản ngoại tệ mạnh cho quân đội và Nhà nước.
Những thập kỷ gần đây, một đặc điểm nổi bật trên thị trường công nghệ thế giới là để cạnh tranh, các nhà xuất khẩu có thể bán bất kỳ sản phẩm kỹ thuật hiện đại nào mà họ có, kèm theo đó là quyền chuyển giao công nghệ, bản quyền sản xuất và bí quyết công nghệ. Tận dụng đặc điểm mới này, nhiều nước châu Á đã định ra chiến lược “nhập khẩu”, nhằm hiện đại hóa, nâng cao năng lực ngành CNQP. Nổi lên một số hình thức trong chiến lược “nhập khẩu” được nhiều nước sử dụng là: 1-Liên doanh với các tổ hợp CNQP nước ngoài, thông qua ký kết các hiệp định để thu nhận các bí quyết công nghệ của đối tác. 2-Hợp đồng trọn gói, mua “phần cứng” là các trang thiết bị và “phần mềm” thông qua đào tạo, cung cấp tài liệu, hợp tác nghiên cứu-triển khai sản xuất ra thành phẩm. 3-Mua bản quyền sản xuất của nước ngoài. 4- Hợp tác nghiên cứu-triển khai. Vấn đề đặt ra đối với chiến lươợc “nhập khẩu” là phải xác định rõ “mục tiêu” để ngành CNQP cần đạt tới, phù hợp với khả năng kinh tế của đất nươớc, mục đích chính trị-quân sự đặt ra, nhất là không để bị phụ thuộc vào các công nghệ nhập ngoại, vì điều đó sẽ trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia. Và, vấn đề then chốt đảm bảo cho chiến lược “nhập khẩu” thành công là phải xây dựng nền CNQP của đất nươớc vững mạnh về mọi mặt, cốt lõi là xây dựng đươợc một đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đủ khả năng làm chủ và vận dụng sáng tạo, để nghiên cứu phát triển mới KH-CN quân sự hiện đại, phát huy cao nhất khả năng của vũ khí, trang bị phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Đồng Đức - Phạm Liên
 

Ý kiến bạn đọc (0)