QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:52 (GMT+7)
Chiến lược của một số nước ở Châu Á - Thái Bình Dương và vấn đề an ninh khu vực (tổng hợp từ sách báo nước ngoài)

Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, chiếm khoảng 40% diện tích lãnh thổ và hơn 41% dân số thế giới. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ chiếm tới hơn 65% trữ lượng của toàn cầu và có nhiều tuyến giao thông huyết mạch của thế giới đi qua. Những thập kỷ gần đây, khu vực này luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, có nhiều nước đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Theo dự đoán, kinh tế khu vực này sẽ phát triển năng động bậc nhất thế giới trong thế kỷ 21. Hiện nay, CA-TBD chiếm khoảng 61% GDP thế giới; 48% thương mại quốc tế; trên 48% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thế giới... Do tầm quan trọng đó, các nước lớn đều rất chú trọng đến CA-TBD và định ra chiến lược đối với khu vực này, nhằm giành lợi thế chiến lược cho mình. Theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, nét nổi bật trong chiến lược của các nước lớn đối với khu vực CA-TBD là vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt trên các lĩnh vực, trước hết là về kinh tế; thông qua chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ để lợi dụng và kiềm chế lẫn nhau, tăng cường ảnh hưởng, quyền chi phối đối với khu vực. Đặc điểm đó đã tác động không nhỏ đến an ninh, ổn định của khu vực này.  

1- Chiến lược của Mỹ: Trong chiến lược toàn cầu, Nhà Trắng coi CA-TBD là khu vực địa -chiến lược, địa-chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã nhiều lần tuyên bố, đối với nước Mỹ hiện nay, không có khu vực nào quan trọng hơn là khu vực CA-TBD. Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ ở CA-TBD là nắm vững quyền chủ đạo, làm nền tảng để bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia ở khu vực và thực hiện chiến lược toàn cầu. Mỹ thực hiện chiến lược CA-TBD dựa trên 3 trụ cột chính: an ninh, kinh tế và đối ngoại. Về an ninh, để duy trì an ninh, ổn định ở CA-TBD, Nhà Trắng tăng cường củng cố các liên minh quân sự truyền thống với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Phi-líp-pin và Thái Lan; coi liên minh với Nhật Bản là “hòn đá tảng” và tăng cường mở rộng quan hệ quân sự, an ninh với các nước, các cơ cấu an ninh khu vực, để gây ảnh hưởng và tạo thành “các chân rết” phục vụ chiến lược của Mỹ ở khu vực. Đồng thời, tăng cường sức mạnh quân sự, hiện đại hóa các lực lượng quân đội đồn trú ở phía trước, các căn cứ quân sự, hình thành thế bố trí quân sự chiến lược, nhằm khống chế, kiểm soát toàn bộ khu vực, ngăn chặn không để các nước thách thức đến vai trò lãnh đạo của Mỹ. Về kinh tế, thời gian qua, kim ngạch buôn bán hai chiều, đầu tư của Mỹ vào khu vực tăng nhanh và cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Hiện nay, Mỹ đang tập trung vào 2 hướng: Một là, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với các nước, nhất là các nước được coi là thị trường lớn, như Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN... Hai là, phát huy vai trò chủ đạo trong các tổ chức khu vực, như Diễn đàn hợp tác kinh tế CA-TBD (APEC), để thúc đẩy mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại, đầu tư và chi phối kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường chính sách ngăn chặn, như lập hàng rào thuế quan, áp dụng luật sở hữu trí tuệ, các chế tài tài chính.., để bảo vệ thị trường trong nước và kiềm chế nước khác về kinh tế. Về đối ngoại, lấy chiêu bài “chống khủng bố”, “dân chủ”, “nhân quyền”, Mỹ thực hiện chính sách can dự vào khu vực. Trong quan hệ, coi trọng sách lược “cây gậy và củ cà rốt”, đối xử với các nước theo “tiêu chuẩn kép”, nhất là với các nước mà Mỹ cho là “bất trị”; thể hiện rõ nhất là cách giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Đánh giá về chiến lược của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng, đó là một chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng thể để đạt mục tiêu của Mỹ ở khu vực; nhưng, chiến lược đó chưa phù hợp với một CA-TBD đã có nhiều thay đổi; bởi: Thứ nhất, chiến lược đó vẫn mang tư duy của thời kỳ “chiến tranh lạnh”, là lấy sức mạnh để “ngăn chặn, kiềm chế” nước khác, nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia của mình. Điều đó làm cho mâu thuẫn giữa Mỹ với các nước, kể cả các nước đồng minh, ngày càng sâu sắc, phức tạp. Thứ hai, Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự là nhân tố thúc đẩy chạy đua vũ trang, đe dọa đến đến an ninh, ổn định của khu vực, bị dư luận phản đối.
2- Chiến lược của Trung Quốc (TQ): Trong chiến lược phát triển đất nước, TQ coi CA-TBD là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và sự phát triển của TQ. Mục tiêu và cũng là chính sách của TQ đối với CA-TBD là tăng cường hợp tác với các nước, xây dựng CA-TBD thành một khu vực hoà bình, hợp tác và phát triển. Về kinh tế, sau 15 năm liên tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới (trên dưới 10%/ năm), TQ đã trở thành một nền kinh tế quan trọng, một đối tác giàu tiềm năng đối với các nước trong khu vực và thế giới. Nhưng sự phát triển cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi TQ phải tăng cường mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế với các nước, để thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều và mở rộng thị trường ra khu vực và quốc tế. Trong quan hệ hợp tác, TQ chú trọng phát huy những thế mạnh về công nghệ, giá thành sản phẩm để tiêu thụ hàng hoá, cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Về an ninh, là quốc gia rộng lớn có hàng vạn ki-lô-mét đường biên giới tiếp giáp với hàng chục quốc gia, nên TQ rất coi trọng việc đàm phán với các nước láng giềng để phân định đường biên giới, giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ do lịch sử để lại, tăng cường mở rộng hợp tác, xây dựng biên giới quốc gia hoà bình, ổn định, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, phát triển. Mặt khác, TQ ủng hộ và tích cực tham gia vào các cơ cấu an ninh ở khu vực, nhất là Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), để tăng cường sức mạnh, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và đối phó với mưu đồ bao vây, kiềm chế TQ của một số cường quốc phương Tây. Đối với vấn đề Đài Loan, TQ nêu rõ lập trường, giải quyết hoà bình trên tinh thần thống nhất đất nước, “một nước hai chế độ”, tương tự mô hình của Hồng Công; kiên quyết phản đối nước ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Về đối ngoại, TQ chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, dựa trên 5 nguyên tắc chung sống hoà bình mà TQ đã đề ra, nhằm tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. TQ coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện với các nước láng giềng, các nước hữu nghị truyền thống, các nước trong khu vực. Thời gian qua, TQ và Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới, theo phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Hai nước quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước mãi mãi là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Trong quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, TQ chủ trương gác lại những tồn tại do lịch sử để lại; hạn chế những bất đồng, tận dụng những điểm tương đồng, những lợi ích chung để mở rộng hợp tác cùng có lợi. TQ cũng tích cực phát huy vai trò của mình trong giải quyết các vấn đề khu vực, nhất là trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thông qua đó nâng cao vị trí và vai trò quan trọng của TQ ở khu vực và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, TQ cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Thứ nhất, lo ngại về sự lớn mạnh của TQ, nhiều cường quốc phương Tây đã coi TQ là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và thực hiện chính sách kiềm chế, ngăn chặn TQ trên tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, việc tăng cường sức mạnh quân sự của TQ làm cho nhiều nước cảnh giác, lo ngại TQ đang có ý định “lấp chỗ trống quyền lực” ở CA-TBD, điều đó làm cho cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt.
3- Chiến lược của Nhật Bản (NB): Là một cường quốc kinh tế, NB đang có những điều chỉnh chính sách để khẳng định vị trí chính trị, quân sự ở khu vực và trên trường quốc tế. Về kinh tế, NB tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ở khu vực, thông qua quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là các thị trường lớn như TQ, ASEAN. Về an ninh, NB vẫn coi liên minh quân sự với Mỹ là nền tảng cho an ninh quốc gia và để tăng cường ảnh hưởng của NB ở khu vực. Vừa qua, NB đã quyết định nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng. Các nhà lãnh đạo của NB cũng công khai chủ trương sửa đổi Hiến pháp để quân đội NB có thể tham gia các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, nhất là trong xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường, mà họ cho là để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, nhất là từ CHDCND Triều Tiên. Về đối ngoại, NB ủng hộ chủ trương cải tổ Liên hợp quốc (LHQ), tích cực vận động Mỹ và các nước khác ở khu vực ủng hộ NB làm uỷ viên thường trực mới của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, việc NB ủng hộ yêu cầu của Mỹ đòi EU tiếp tục lệnh cấm vận vũ khí đối với TQ, đưa Đài Loan vào phạm vi tác chiến của quân đội NB, đã bị TQ phản đối quyết liệt, coi đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của TQ, làm phương hại đến quan hệ hai nước. Hơn nữa, chính sách quân sự mới của NB khiến cho dư luận nhiều nước lo ngại NB sẽ quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt. Theo các nhà phân tích, với chính sách như vậy, NB đang tự gây khó khăn cho mình trong việc thực hiện tham vọng khu vực và quốc tế.
4- Chiến lược của Nga: Các nhà lãnh đạo Nga cho rằng, CA-TBD là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga, nhất là hiện nay, Nga đang rất cần có “đối trọng” để đối phó với mưu đồ và các hành động tranh giành ảnh hưởng, bao vây, khống chế bằng quân sự đối với Nga của Mỹ và NATO. Hiện nay, Nga rất chú trọng tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống, như TQ, ấn Độ, các nước khu vực Trung á. Trong quan hệ với Mỹ, Nga vẫn lấy hợp tác làm chính, nhưng kiên quyết phản đối Mỹ can thiệp nội bộ của Nga. Nga chú trọng phát huy thế mạnh, trách nhiệm trong cải thiện, nâng tầm quan hệ, chất lượng hợp tác trong các tổ chức khu vực mà Nga tham gia, như SNG, SCO, đáp ứng nguyện vọng của các nước thành viên cũng như yêu cầu của tình hình mới, để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và phát huy vai trò, vị trí quan trọng của mình ở khu vực.
Khu vực CA-TBD giàu tiềm năng kinh tế và đang đứng trước những thuận lợi to lớn cho sự phát triển, song cũng còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, chủ nghĩa ly khai, khủng bố, tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân... ở đây còn có nhiều “điểm nóng” tiềm tàng, đe dọa đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Dư luận cho rằng, giữ vững môi trường an ninh, ổn định và hợp tác chính là “chìa khoá” cho sự phát triển của khu vực trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới. Điều này là phù hợp với xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển của thời đại, là nguyện vọng cấp thiết cho sự phát triển của các quốc gia-dân tộc. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các nước, nhất là các nước lớn cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, lợi ích và trách nhiệm đối với an ninh, ổn định khu vực, tăng cường mở rộng hợp tác khu vực, liên khu vực, quốc tế, trên tinh thần tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ nước khác; không đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng đàm phán hoà bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi, để cùng nhau đối phó với những thách thức, nguy cơ, xây dựng CA-TBD hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đức Thắng
 
Ý kiến bạn đọc (0)