QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 00:19 (GMT+7)
Chiến lược biển Việt Nam - một vấn đề trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển khoa học và công nghệ cho phép con người mở rộng khả năng khai thác tài nguyên biển vượt qua các giới hạn về độ sâu và tiến tới khả năng sinh sống ở môi trường biển. Trước sức ép ngày càng tăng về dân số và sự cạn kiện dần tài nguyên trên đất liền, tiến ra biển trở thành một hướng phát triển của loài người, một chiến lược lâu dài của nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài 3.260 km, mở ra 3 hướng: Đông, Nam và Tây; có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, diện tích vượt quá 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần lãnh thổ trên đất liền; có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, gần bờ và xa bờ, chạy suốt từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. Những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên và tiềm năng kinh tế của vùng biển nước ta có tầm quan trọng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến tiềm năng thành hiện thực; hay nói cách khác, đẩy nhanh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) trên biển, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Với tư duy đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế biển và tăng cường khả năng QP-AN, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, gắn với khả năng cứu hộ-cứu nạn, phòng, chống thiên tai. Ngày 6-5-1993, Bộ Chính trị (khóa VII) đã ra Nghị quyết số 03/NQ-TƯ về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”; tiếp đó, ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ra Chỉ thị số 20-CT/TƯ về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; và vừa qua (1-2007), Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) đã ra Nghị quyết về “Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Những nội dung đề cập trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế biển trước đây và đặc biệt là trong chiến lược phát triển kinh tế biển vừa được Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) thông qua đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta là phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị nêu trên, chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách nhìn và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Dưới đây, xin nêu một vài ý kiến nhận thức về vị trí quan trọng của vùng biển, đảo, thềm lục địa nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng một số vấn đề cần lưu tâm trong thực hiện phương hướng phát triển kinh tế biển và tăng cường sức mạnh QP-AN trên biển.

1- Nhận thức đúng vị trí cực kỳ quan trọng của vùng biển đối với nền kinh tế quốc dân cũng như trong đời sống xã hội và QP-AN của nước ta.

Vùng biển bao quanh nước ta là một bộ phận đặc biệt của Biển Đông, một biển lớn gần như khép kín, chỉ có một số eo biển tương đối hẹp thông ra Thái Bình Dương và ấn Độ Dương. Trong lúc cấu tạo bờ biển thế giới đã đi vào thế ổn định, thì bờ biển nước ta lại đang ở thế được nâng lên và được bồi tụ tích cực theo một tốc độ tương đối lớn do hiện tượng cuốn hút về phía ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương, nâng cao cả hệ thống sơn văn Hy-ma-lay-a và kéo theo cái đuôi của nó là Trường Sơn của Việt Nam. Vì vậy, vùng biển thuộc chủ quyền nước ta là một vùng biển nông (độ sâu dưới 200 mét chiếm 60%), có nguồn hải sản dồi dào, đa dạng.

Vùng biển nước ta là chỗ gặp nhau của địa tạo Tê-tít vòng quanh địa cầu và các vành đai sinh khoáng nội và ngoại Thái Bình Dương, lại nằm bên bờ đông lục địa châu á đổ xuống đại dương, nên có những vỉa quặng thiếc, tung-xten tập trung ở phía Bắc; còn ven biển lại giàu khoáng sản: than, sắt, ti-tan, thủy tinh...; ở ngoài khơi miền Trung và miền Nam, tài nguyên dầu lửa và khí đốt đang được khai thác và mở rộng thăm dò, đã cho những kết quả đáng khích lệ, báo hiệu triển vọng về trữ lượng có thể thuộc loại lớn trong khu vực Đông Nam á.

Vùng biển nước ta nằm trên đường biển quốc tế đi từ ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, là cầu nối giữa châu âu, Trung Cận Đông, sang Nhật Bản, Trung Quốc đến khu vực các nước Đông Nam á. Thời đại ngày nay, nhờ sự phát triển của các phương tiện giao thông hiện đại, biển không còn là trở ngại, mà ngược lại, còn là sự liên kết các lục địa. Điều đó càng làm cho biển có giá trị đặc biệt trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vùng biển nước ta còn có vị trí đặc biệt về quân sự đối với các nước trong khu vực và trong chiến lược của các nước lớn. Đối với nước ta, vùng biển là biên giới phía Đông, là đường tiếp cận, bàn đạp tiến công, uy hiếp, phong tỏa và phá hoại nhiều mặt của các thế lực xâm lược. Lịch sử cho thấy rằng, trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có tới 10 cuộc được bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, Biển Đông cùng các hải đảo vẫn là nơi đang diễn ra những tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia; nơi tiềm ẩn những bất trắc khó lường, thách thức, đe dọa đến sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, sự an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển.

Nêu lên vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của vùng biển, đảo, thềm lục địa để thấy rằng, đây là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển bền vững của dân tộc ta. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN), nếu ta phát huy được thế mạnh và tiềm năng của biển, thì đây sẽ là một lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện liên doanh, liên kết mở rộng sản xuất, phát triển hoạt động dịch vụ quá cảnh hàng hải, hàng không, du lịch, nghỉ mát, chữa bệnh với những lợi thế thiên nhiên nhiệt đới miền Bắc, miền Trung và cận xích đạo miền Nam, Tây Nam; đồng thời sẽ cho phép sớm khắc phục được tình trạng cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế mất cân đối, nhiều lao động thiếu việc làm, hiệu quả kinh tế thấp và tài nguyên thiên nhiên trên đất liền ngày một “cạn dần”. Mặt khác, đây cũng là sự khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển truyền thống và vùng biển, đảo đang còn tranh chấp.

2- Một số vấn đề cần lưu tâm trong thực hiện phương hướng phát triển kinh tế biển, tăng cường sức mạnh QP-AN trên biển.

Phát triển kinh tế biển, gắn lãnh hải với lãnh thổ đất liền trong tiến trình phát triển của đất nước là truyền thống làm giàu của dân tộc Việt Nam đã có từ lâu. Truyền thống đó được biểu hiện ngay từ thời xa xưa, với huyền thoại mẹ âu Cơ sinh bọc trăm trứng, 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển. Ngày nay, chúng ta đã và đang phát huy truyền thống ấy và thu được một số kết quả quan trọng. Năm 2005, GDP của kinh tế biển đóng góp 48% vào GDP của cả nước; riêng kinh tế trên biển đóng góp 22% GDP và tạo việc làm ổn định cho khoảng 9 triệu người. Kinh tế biển còn đóng góp lớn vào xuất khẩu và thu ngoại tệ. Riêng ngành Thủy sản trong năm 2005 xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD; đặc biệt, ngành Dầu khí xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 50.000 tỷ đồng. Trên địa bàn ven biển đã hình thành một số trung tâm đô thị và kinh tế có khả năng làm “bàn đạp” tiến ra biển, như Hạ Long, Hải Phòng, Vinh, Cửa Lò, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu. Chủ trương di dân đến lập nghiệp lâu dài ở một số đảo thuộc huyện đảo Cô Tô, Lý Sơn và các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Phú Quốc, Thổ Chu... đã được triển khai tích cực, rút ra được những kinh nghiệm để nghiên cứu vận dụng trong thời gian tới. Trong việc bảo đảm QP-AN, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chúng ta đã kiềm chế được xung đột, giữ được môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Biển Đông-Hải đảo của Nhà nước đã góp phần tăng cường thế phòng thủ ở những địa bàn ven biển trọng yếu và trên tuyến đảo, nhất là thế đứng ở Trường Sa và Biển Đông.

Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển kinh tế biển cũng như việc bảo đảm QP-AN trên biển vẫn còn chưa tương xứng với tầm quan trọng, thế mạnh, tiềm năng của biển và vùng biển nước ta. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến biển còn phân tán, manh mún, khó cho việc đầu tư. Kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế biển thiếu đồng bộ, lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng, hạn chế sản xuất, kinh doanh, chưa bảo đảm an toàn tính mạng cho ngư dân và bảo vệ môi trường biển. Chính sách kinh tế-xã hội và thực lực khoa học, công nghệ chưa trở thành động lực phát triển kinh tế biển. Việc xây dựng các lực lượng để quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển chưa được tăng cường đúng mức, khả năng răn đe, sẵn sàng giáng trả các hành động xâm phạm chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc còn hạn chế. Vấn đề phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên biển và từ hướng biển đang là khó khăn lớn của nước ta.

Để làm thức dậy tiềm năng kinh tế lớn của biển, hướng tới phát triển thực sự bền vững, cần quan tâm giải quyết tốt những vấn đề mấu chốt sau:

Tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu sâu và đánh giá đầy đủ, có hệ thống về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; về thực trạng tình hình an ninh trên biển và khả năng quản lý, bảo vệ vùng biển của các lực lượng chuyên trách... để có cơ sở khoa học xây dựng quy hoạch, kế hoạch và đề ra chương trình hành động phù hợp.

Nhà nước cần có chính sách hấp dẫn, thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phát triển các ngành kinh tế biển, trước mắt là thăm dò khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí; phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, kinh tế hàng hải và công nghiệp đóng tàu; khai thác đánh bắt hải sản; phát triển du lịch và kinh tế đảo. Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đánh bắt cá xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển với những giải pháp đồng bộ: đóng tàu đủ tiêu chuẩn, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm hậu cần, cứu hộ-cứu nạn cho tàu thuyền các doanh nghiệp và ngư dân khi có tình huống thiên tai, cướp biển xảy ra. Xây dựng và giải quyết tốt vấn đề quy hoạch vùng ven biển, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp, xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn tương ứng với vai trò vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” lôi kéo các vùng kinh tế khác phát triển. Bố trí lại dân cư, phân bố lại lực lượng sản xuất trên các địa bàn tỉnh, huyện ven biển, hải đảo. Riêng việc di dân ra các đảo, cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm mô hình đưa thanh niên xung phong ra xây dựng kinh tế ở các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ... trước đây và mô hình xây dựng khu kinh tế-quốc phòng trên tuyến biên giới đất liền hiện nay để vận dụng xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng trên đảo, quần đảo (do bộ đội Hải quân, bộ đội Biên phòng, bộ đội địa phương, lực lượng Thanh niên xung phong làm nòng cốt), tạo điều kiện thuận lợi thu hút ngày càng nhiều dân cư đến ở và lập nghiệp lâu dài trên các đảo, quần đảo.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, phát triển khoa học-công nghệ biển, đào tạo cán bộ và giữ gìn chủ quyền biển. Khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đặc biệt là các công ty lớn của các nước có thiện chí với Việt Nam, có trình độ khoa học-công nghệ cao về biển, dưới nhiều hình thức như liên doanh, đầu tư 100% vốn... vào phát triển kinh tế biển và hải đảo, theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Tham gia vào những công ước biển tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia khi giải quyết tranh chấp và hỗ trợ cho phát triển kinh tế biển. Tham gia vào các tổ chức quốc tế về khoa học, khai thác và quản lý biển, chủ động đảm nhiệm và có đóng góp đáng kể vào các phần hoạt động kinh tế, QP-AN liên quan đến Biển Đông. Hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước láng giềng giải quyết tốt vấn đề ranh giới vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Quán triệt và nắm vững lập trường của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến Biển Đông, hải đảo là thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, các bên có liên quan không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, cùng nhau tìm kiếm những hình thức hợp tác thích hợp để giải quyết bất đồng trên biển.

Tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, nhất là Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng và lực lượng dân quân, tự vệ biển vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Hải quân nhân dân Việt Nam - một bộ phận của lực lượng vũ trang chuyên trách hoạt động trên biển - giữ vai trò nòng cốt và gánh vác trách nhiệm nặng nề trong quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cần được ưu tiên đầu tư xây dựng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là các lực lượng thường xuyên tuần tra trên biển và chốt giữ các đảo ở khơi xa; phấn đấu trong tương lai gần, Hải quân ta có đủ các lực lượng: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ và pháo-tên lửa bờ biển..., đủ khả năng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ nhân dân ta lao động sản xuất trên biển, sẵn sàng ngăn ngừa và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược từ hướng biển. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức biên chế, tăng cường trang bị và cơ sở vật chất, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và đáp ứng cho sự phát triển trong tương lai. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cần được đầu tư bảo đảm đủ trang bị kỹ thuật, phương tiện khí tài, phương tiện cơ động..., đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ-cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên vùng biển được phân công. Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển theo phương châm “rộng khắp”, ở đâu có tàu, thuyền hoạt động trên biển, có dân định cư ở ven biển và trên đảo, ở đó có dân quân, tự vệ; lấy các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã làm nòng cốt; tổ chức biên chế phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, bảo đảm tạo thành 3 tuyến: ven bờ, lộng, khơi; coi trọng xây dựng lực lượng hoạt động trên biển, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp về biển. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật liên quan đến từng bộ, ngành, tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho sự phát triển kinh tế và quản lý, bảo vệ biển một cách có trật tự và bền vững.

Xây dựng cơ quan quản lý nhà nước về biển có năng lực, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chỉ đạo phát triển kinh tế biển và bảo đảm QP-AN trên biển. Củng cố Ban chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông và hải đảo, do một Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách, tập trung nghiên cứu vạch các chính sách chung về biển, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển; xử lý các vấn đề liên ngành và các nội dung quan trọng trong kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. ở các thành phố, tỉnh ven biển quan trọng cũng cần thành lập Ban chỉ đạo về biển và hải đảo.

Phát triển kinh tế biển và tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa là một mục tiêu chiến lược; đồng thời, là một nhiệm vụ bức bách đang đặt ra cho dân tộc ta trong tình hình mới. Chỉ có phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, mới có thể đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, có khả năng tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong điều kiện nước ta đã là thành viên của WTO.

Thượng tướng, TS. Nguyễn Huy Hiệu

Ủy viên BCHTƯ Đảng

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)