QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:48 (GMT+7)
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ - có gì mới?

Như một thông lệ, cứ bốn năm một lần, chính quyền Mỹ lại đưa ra một chiến lược an ninh quốc gia mới. Lần này cũng vậy, ngày 20-5-2010, chính quyền B.Ô-ba-ma vừa chính thức công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới (CLAN 2010). Song, so với trước, CLAN 2010 có hẳn là mới không; có làm thay đổi nước Mỹ không và nó tác động đến phần còn lại của thế giới như thế nào, là vấn đề dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Cái cũ và cái mới xen lẫn nhau trong từng chương, mục của CLAN 2010 của Mỹ là điều ai ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, về mục tiêu, đường hướng chiến lược của CLAN 2010 của Tổng thống B.Ô-ba-ma không khác nhiều so với các CLAN do các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm đưa ra. Nói cách khác, bản chất và tham vọng của nước Mỹ là không thay đổi. Qua CLAN 2010, Oa-sinh-tơn không hề giấu giếm, rằng “tiếp tục lại vai trò lãnh đạo của  nước Mỹ” đối với thế giới, đảm bảo cho nước Mỹ luôn được duy trì ở vị trí siêu cường số một. Còn cái gọi là mới thể hiện trong CLAN 2010, thực chất là sự điều chỉnh về quan điểm, chính sách của chính quyền tại nhiệm. Tuy nhiên, dù sao thì những nét gọi là mới này cũng đáng được người ta chú ý.

Biết mình, biết người, “khiêm nhường” hơn và “liệu cơm gắp mắm”.

Đó là cảm nhận về cách tiếp cận, nhìn nhận thế giới và bản thân nước Mỹ của chính quyền B.Ô-ba-ma.

Vị Tổng thống thứ 44 và là vị Tổng thống da mầu đầu tiên của nước Mỹ chấp chính ngày 20-01-2009, tiếp nhận một hậu quả rất nặng nề từ chính quyền G.W.Bu-sơ. Đó là một nước Mỹ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Nước Mỹ phải đi vay để vực lại nền kinh tế vốn bị thâm thủng ngân sách hằng năm lên tới trên 1.000 tỷ USD, và cũng là để tiếp tục chi trả cho hai “vũng lầy chiến tranh chống khủng bố” ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Đó là “di sản” của chủ nghĩa đơn phương và thái độ ngạo mạn do chính quyền G.W.Bu-sơ để lại.

Nhậm chức tổng thống, ông B.Ô-ba-ma xem ra có vẻ “biết mình, biết người”, “khiêm nhường” hơn. Tự cho mình là tác giả của toàn cầu hóa, song chính người Mỹ cũng nhận thấy những mặt trái của nó đã làm cho “nước Mỹ đang đứng trước một loạt thách thức to lớn và phức tạp đối với an ninh quốc gia” và “không một quốc gia, dân tộc nào - dù mạnh đến đâu - có thể tự mình đối phó được với các thách thức toàn cầu”. Trong bối cảnh trong nước và thế giới như vậy, để thực hiện mục tiêu bất biến của mình, chính quyền B.Ô-ba-ma xác định “phải theo đuổi một chiến lược đổi mới quốc gia và lãnh đạo toàn cầu - một chiến lược tái thiết nền tảng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ”, “chấn hưng ở trong nước, định hình ở ngoài nước”. Đó là một chiến lược, theo Mỹ, trước hết là khôi phục nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng và củng cố các nguồn lực khác tạo nên sức mạnh của an ninh nội địa, sau nữa là tạo nên “nền tảng vững chắc cho vai trò lãnh đạo của Mỹ” trên thế giới. Phương châm chiến lược này xuất phát từ lôgic: “trong có ấm thì ngoài mới êm”, có “trị được quốc” mới “bình được thiên hạ”.

 Để theo đuổi chiến lược trên, ông B.Ô-ba-ma kêu gọi người dân Mỹ và toàn thế giới “hợp tác với nhau để xây dựng một tương lai chung”, bằng cách “phát huy các mối liên hệ sâu sắc hơn giữa người dân Mỹ và những người dân trên toàn thế giới”. Chính quyền Mỹ giờ đây, ở mức độ nào đó, đã biết tôn trọng lợi ích của các nước khác, và hiểu rằng: lợi ích cũng như an ninh của Mỹ không thể tách rời lợi ích và an ninh của cộng đồng quốc tế.

Rõ ràng, CLAN 2010 của Mỹ dưới thời B.Ô-ba-ma, mặc dù việc kiểm nghiệm nó còn cần có thời gian, song dù sao đi nữa thì những gì đã công bố cũng phần nào làm cho hình ảnh nước Mỹ trở nên thân thiện hơn, bớt “đáng sợ” hơn so với chính quyền tiền nhiệm.

Cách tiếp cận về trật tự quốc tế của người Mỹ cũng có điểm khác trước, khi chính quyền B.Ô-ba-ma cho rằng thế giới đang chuyển dần từ đa cực sang đa đối tác. Điều này được thể hiện trong CLAN 2010 với đề mục “Thúc đẩy một trật tự thế giới bền vững và công bằng”, đó là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, trên nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia, một trật tự quốc tế có thể giúp ứng phó thành công trước các thách thức của thời đại. Tuy nhiên, một khi do “trách nhiệm đặc thù” và do “sứ mệnh lãnh đạo thế giới của Mỹ” thì khó có thể vô tư, càng khó có thể đảm bảo cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, công bằng và bền vững. Đó là vấn đề mà những người am tường thời cuộc không thể không thấy sự mâu thuẫn chứa đựng trong đó.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

CLAN 2010 của Mỹ cũng phản ánh quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến” về mục đích, mục tiêu nhưng Oa-sinh-tơn đã “vạn biến” về cách tiếp cận các đối thủ, đối tác, các thách thức đe dọa an ninh, các biện pháp, thủ đoạn để thực hiện mục tiêu bất biến trong một thế giới “vạn biến”.

Trong CLAN 2010 có đoạn viết: “Nước Mỹ cần phải tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới của mình thông qua việc tạo dựng và phát huy các năng lực sức mạnh và ảnh hưởng của chúng ta. An ninh quốc gia của Mỹ phụ thuộc vào khả năng phát huy những đặc tính của chúng ta, cũng như an ninh toàn cầu phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và có trách nhiệm của nước Mỹ. Chúng bao gồm sức mạnh quân sự, khả năng cạch tranh về kinh tế, lãnh đạo về mặt đạo đức, can dự toàn cầu và các nỗ lực định hình một hệ thống quốc tế phục vụ những lợi ích chung của các quốc gia và dân tộc. Vì thế giới đã thay đổi rất nhanh chóng, Mỹ phải thích ứng để thúc đẩy các lợi ích và duy trì sự lãnh đạo của chúng ta”.

Tư duy của chính quyền B.Ô-ba-ma và tư duy của các chính quyền tiền nhiệm về CLAN là giống nhau; điều đó làm cho CLAN của Mỹ luôn bị chi phối bởi tư tưởng nước lớn, bá quyền, muốn “lãnh đạo thế giới”. Mỹ muốn đảm bảo an ninh cho mình, Mỹ cũng “muốn đảm bảo an ninh cho cả thế giới”, nhưng cả hai điều “muốn” đó đều tuân thủ nguyên tắc, quan điểm, chuẩn mực và giá trị của Mỹ. Đó là cái cũ, là điều cố hữu không thay đổi.

Tính toàn diện, tổng hợp cũng luôn được đề cập trong các CLAN của Mỹ. Các CLAN năm 2002 và 2006 - những chiến lược bị ảnh hưởng sâu sắc bởi “sự kiện 11-9” và tất nhiên, cũng chịu sự áp đặt chủ quan của những người đứng đầu - nên chúng quá tập trung vào các biện pháp quân sự, sử dụng “sức mạnh cứng”, “đánh đòn phủ đầu”. Nói cách khác, CLAN 2002 của Mỹ là mồi lửa khai hỏa cho hai cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Giờ đây, CLAN 2010 được chính quyền B.Ô-ba-ma chú trọng và nhấn mạnh hơn vào việc xây dựng và sử dụng các biện pháp “sức mạnh mềm”, “quyền lực thông minh”, đoạn tuyệt với chủ nghĩa đơn phương, tăng cường ngoại giao đa phương, kết hợp sức mạnh tổng hợp của nước Mỹ với sức mạnh của cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề an ninh của Mỹ cũng như toàn cầu dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Mặc dù vẫn duy trì một ưu thế vượt trội không ai sánh kịp về quân sự, nhưng chính quyền B.Ô-ba-ma vẫn xác định “các lực lượng vũ trang sẽ luôn luôn là hòn đá tảng của an ninh” và “chúng cần phải được tăng cường, bổ sung”.

Đến đây, một lần nữa, những người lạc quan có lẽ cũng có lý do để quan ngại. Một ưu thế quân sự vốn đã vượt trội mà còn “tăng cường, bổ sung” thì ai dám đảm bảo rằng sẽ không có chuyện chạy đua vũ trang. Hơn nữa, việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ có thể dẫn đến mâu thuẫn, vì không ít người sẽ tỏ ra ngờ vực về cái gọi là Mỹ coi trọng sử dụng các biện pháp “sức mạnh mềm”, “quyền lực thông minh” kia.

Xác định các thách thức, đe doạ đối với an ninh quốc gia của Mỹ và biện pháp đối phó.

Về điểm này cũng có những cái cũ và cái mới trong CLAN 2010 của Mỹ. Các vấn đề an ninh truyền thống như phổ biến vũ khí hạt nhân, xung đột vũ trang, bạo loạn sắc tộc, hoạt động khủng bố; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, sự vi phạm các thể chế dân chủ và các giá trị phổ quát về nhân quyền... là những vấn đề trước đây đã từng đề cập, nay chúng được nhắc lại trong CLAN 2010. Ngoài ra, CLAN 2010 còn được bổ sung những thách thức xuất phát từ sự bất ổn kinh tế, tội phạm trong không gian ảo, và đặc biệt, nạn tham nhũng cũng được xem là một trong những nguy cơ đe doạ sự phát triển và an ninh toàn cầu.

Đối phó với các thách thức trên, Mỹ coi chống phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những vấn đề an ninh hàng đầu. Mỹ đang theo đuổi một nghị trình an ninh hạt nhân toàn diện dựa trên cơ sở quyền và trách nhiệm của các quốc gia, đồng thời cam kết cắt giảm 30% kho vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước START mới đã được ký kết với Nga ngày 8-4-2010. Và, Mỹ cũng tỏ ra quyết tâm đi đầu trong nỗ lực toàn cầu trong việc đảm bảo an toàn các nguyên liệu hạt nhân. 

Về chống khủng bố, nếu chính quyền G.W.Bu-sơ thiên về các biện pháp quân sự, thì chính quyền B.Ô-ba-ma sử dụng tổng hợp các biện pháp trong khi không coi nhẹ sức mạnh quân sự và sẵn sàng sử dụng nó khi cần thiết. Nói ngắn gọn, đó là chiến lược: kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”. Còn về quan niệm, nếu chính quyền tiền nhiệm có ý tuyên chiến với Thế giới Hồi Giáo, thì chính quyền B.Ô-ba-ma coi cuộc chiến chống khủng bố “không phải là cuộc chiến toàn cầu chống lại một mưu đồ như là chủ nghĩa khủng bố hay là một tôn giáo như là đạo Hồi”, mà đó là cuộc chiến đấu chống lại một mạng lưới cụ thể - “mạng lưới An Kê-đa” và những cơ sở khủng bố của nó.

Như vậy, Mỹ phần nào có sự thay đổi về “sử dụng các biện pháp”, chứ không hẳn là thay đổi biện pháp. Giới quan sát cho rằng, việc kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” thực chất vẫn là cái lõi của chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Tương tự, việc Mỹ diễn đạt về “cuộc chiến chống khủng bố” trong CLAN 2010 có thể bớt được sự thù hận của thế giới Hồi giáo đối với Mỹ, chứ Mỹ chưa thể triệt tiêu được căn nguyên cơ bản gây ra sự hận thù đó. Vì sao lực lượng An Kê-đa tập trung mũi nhọn vào Mỹ? Đó mới là vấn đề căn cốt mà Mỹ phải tìm cách trả lời. Mặt khác, trước đây, Mỹ chủ yếu tập trung vào nguy cơ an ninh từ bên ngoài, đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố quốc tế; nhưng nay, với việc thừa nhận tội phạm không gian ảo và “những kẻ khủng bố tại nhà” là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của Mỹ, khiến Mỹ còn phải tuyên chiến với các lực lượng khủng bố ngay trong lòng nước Mỹ. Ấy là chưa nói đến việc Mỹ cứ mãi nói đến cái gọi là “can dự” để “thúc đẩy dân chủ, nhân quyền” trong CLAN 2010. Đó vẫn là lối tư duy, cách tiếp cận cũ về các “giá trị” của Mỹ. Mỹ đã và sẽ vẫn muốn coi quan điểm “giá trị” của mình là mang tính “phổ quát” toàn nhân loại, để rồi “can dự”, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bất chấp tính đặc thù, tính lịch sử, cụ thể của mỗi nước. Điều đó mâu thuẫn với chính cái “giá trị tự do” mà Mỹ theo đuổi.

Tóm lại, khách quan mà nói, CLAN 2010 của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma, nhìn chung, là “khôn ngoan”, mềm dẻo, thực dụng, thực tế, mang tính xây dựng và bớt gây căng thẳng hơn. Đó là những yếu tố có lợi cho an ninh của Mỹ cũng như thế giới. Tuy nhiên, CLAN 2010 của Mỹ vẫn chưa thoát ra khỏi cái tham vọng bá chủ thế giới. Từ tham vọng này, ý muốn “can dự” toàn cầu, toàn diện, áp đặt các quan điểm, tiêu chuẩn “giá trị” của mình lên toàn thế giới của Mỹ chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được. Điều đó e rằng, khó có thể xây dựng “một thế giới hoà bình, ổn định, an ninh” hay “một trật tự quốc tế công bằng và bền vững” - như chính Mỹ đặt ra.

NGUYỄN TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)