Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:47 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nước Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng về kinh tế-xã hội và chính trị cuối thế kỷ 20 với việc ngăn chặn được sự suy thoái kinh tế; đứng vững trước sự tấn công của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ly khai và khủng bố quốc tế; đẩy lùi và làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn hòng gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, khôi phục vị thế quốc tế của đất nước.
Nga thực hiện chính sách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội, phát triển đất nước, phù hợp với các điều kiện trong nước và quốc tế, nên đã tạo được những cơ sở cần thiết cho việc bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG); đặc biệt là, duy trì sự ổn định xã hội, trật tự pháp luật, giải quyết được các nhiệm vụ ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế, xã hội; bảo vệ những giá trị về lý tưởng, tinh thần có từ lâu đời, lịch sử truyền thống của dân tộc; tăng cường sự đồng thuận trong xã hội trên cơ sở những giá trị chung, như: tự do, độc lập, chủ nghĩa nhân đạo, yêu chuộng hòa bình và thống nhất các nền văn hóa, tôn trọng truyền thống gia đình, chủ nghĩa yêu nước... Nhìn chung, Nga đã tạo lập được các tiền đề cơ bản để ngăn chặn các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài đến ANQG, đảm bảo sự phát triển năng động và đưa Liên bang (LB) Nga trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về trình độ phát triển khoa học-công nghệ, về chất lượng cuộc sống của nhân dân và vị thế quan trọng đối với các vấn đề quốc tế, nhất là giải quyết các xung đột quân sự trên thế giới, giữ gìn hòa bình, ngăn chặn sự thao túng của các thế lực chính trị cường quyền, chủ nghĩa bá quyền.
Đặc điểm thế giới đương đại là quá trình toàn cầu hóa các lĩnh vực của đời sống quốc tế. Mâu thuẫn giữa các quốc gia liên quan đến trình độ phát triển không đồng đều (hậu quả từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa), sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tham vọng địa-chiến lược, địa-chính trị, địa-kinh tế..., ngày một sâu sắc, đang tạo ra những mối đe dọa và nguy cơ mới đối với an ninh và sự phát triển của các nước và thế giới. Đối với Nga, nguy cơ đối với an ninh quân sự cũng rất đa dạng. Cùng với đó, những mưu toan chèn ép không gian chiến lược đối với Nga, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ly khai và khủng bố quốc tế vẫn đang hiện hữu và là những nguy cơ đe dọa đến an ninh, ổn định và sự phát triển của Nga. Do vậy, để đảm bảo an ninh và phát triển bền vững, yêu cầu cấp thiết đặt ra là nước Nga cần phải xây dựng và thực hiện một chiến lược ANQG phù hợp. Ngày 12 tháng 5 năm 2009, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã ký Sắc lệnh số 537 thông qua Chiến lược ANQG của LB Nga đến năm 2020. Chiến lược an ninh này là hệ thống các ưu tiên chiến lược, các mục tiêu và biện pháp trong chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước, quyết định đến khả năng bảo đảm ANQG và sự phát triển bền vững của nước Nga tới năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, quan điểm bảo vệ ANQG của LB Nga được xây dựng dựa trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa Chiến lược ANQG đến 2020 và Đường lối phát triển kinh tế-xã hội đến 2020. Đây cũng là cụ thể hóa mối quan hệ tương hỗ giữa hai mặt (an ninh và phát triển): an ninh là điều kiện tiên quyết của phát triển bền vững; ngược lại, phát triển bền vững lại tạo tiền đề để tăng cường an ninh. Mục tiêu chính của Chiến lược là bằng các lực lượng đảm bảo ANQG, bao gồm lực lượng vũ trang và các lực lượng bán vũ trang, lực lượng bảo vệ luật pháp và các cơ quan nhà nước..., thiết lập và duy trì các điều kiện bên trong và bên ngoài thuận lợi cho việc thực hiện các ưu tiên chiến lược quốc gia; trong đó, bao gồm các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại quan trọng nhất, nhằm bảo đảm các quyền theo hiến pháp và tự do của công dân, phát triển đất nước bền vững, đối phó với các nguy cơ từ bên trong và bên ngoài, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đưa nước Nga trở thành một cường quốc có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới.
Việc chuyển đổi từ chính sách đối đầu quân sự sang chính sách ngoại giao đa phương, cùng với tiềm năng về tài nguyên và việc sử dụng hợp lý các nguồn lực của đất nước, cho phép Nga mở rộng vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Thời gian tới, Nga có đủ tiềm lực để củng cố vị trí của mình trong nhóm các nước dẫn đầu về kinh tế, trên cơ sở tham gia hiệu quả vào quá trình phân công lao động quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế quốc gia. Chủ trương chiến lược trong chính sách đối ngoại của Nga là, nỗ lực xây dựng các mối quan hệ quốc tế dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh vững chắc và sự ổn định chiến lược; mở rộng quan hệ đối tác, hợp tác cùng có lợi, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ ANQG. Đồng thời, góp phần củng cố, nâng cao vị thế, vai trò tích cực của Nga đối với các vấn đề an ninh, hòa bình thế giới và trong hợp tác quốc tế xây dựng trật tự thế giới đa cực. Trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Nga sẽ tiến hành chính sách đối ngoại hợp lý và thực dụng. Trong lĩnh vực an ninh quốc tế, Nga coi trọng việc sử dụng các biện pháp chính trị, pháp lý, kinh tế đối ngoại, quân sự và các biện pháp khác để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.
Nga coi Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là nhân tố trung tâm bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ quốc tế, mà nền tảng là nguyên tắc tôn trọng độc lập, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia, sử dụng những biện pháp chính trị văn minh để giải quyết các tình huống khủng hoảng khu vực và trên toàn cầu.Theo đó, Nga phải tham gia tích cực và hiệu quả vào tiến trình cải tổ Liên hợp quốc vì hòa bình, hợp tác và phát triển của cộng đồng quốc tế. Nga cũng sẽ thực thi nghiêm túc và tích cực vận động các nước tham gia các thỏa thuận và hiệp ước quốc tế về kiểm soát và cắt giảm vũ khí, nhất là vũ khí chiến lược.
Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước còn diễn biến phức tạp, một ưu tiên trong chiến lược ANQG của Nga là phải tăng cường quốc phòng, với mục tiêu ngăn chặn chiến tranh, xung đột khu vực và toàn cầu, nâng cao khả năng răn đe chiến lược, nhằm đảm bảo an ninh quân sự của đất nước. Nga xây dựng nền quốc phòng dựa trên những nguyên tắc hợp lý và hiệu quả, trong đó có những biện pháp và phương tiện phản ứng phi quân sự, cơ chế ngoại giao công khai, gìn giữ hòa bình, hợp tác quân sự quốc tế. Để xây dựng nền quốc phòng đảm bảo các mục tiêu chiến lược đề ra, Nga coi trọng hoàn thiện hệ thống các văn kiện pháp lý có tính cương lĩnh và học thuyết, kiện toàn hệ thống điều hành tổ chức quân sự của Nhà nước, các kế hoạch tổ chức và các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân trong thời bình và thời chiến; kiện toàn lực lượng và phương tiện quốc phòng toàn dân, cơ sở hạ tầng thông tin và giao thông cho nhiệm vụ quốc phòng...
Nhiệm vụ trọng yếu và cũng là nhân tố quyết định đến việc nâng cao sức mạnh quốc phòng của LB Nga là xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức đối phó với các mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài, bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước trong mọi tình huống. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, chú trọng phát triển toàn diện, coi trọng giữ gìn tiềm lực các lực lượng hạt nhân chiến lược, bằng cách hoàn thiện cơ cấu tổ chức biên chế và hệ thống bố trí lực lượng, gia tăng số lượng các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện tác chiến, nhất là chỉ huy tác chiến trong tác chiến hiệp đồng các quân chủng, binh chủng. Từ thực tiễn những năm qua, tới đây, Nga tiếp tục cắt giảm quân số một cách hợp lý, hoàn thiện biên chế tổ chức, đẩy mạnh cải tiến công tác quản lý, chỉ huy, phát triển các vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, công tác bảo đảm hậu cần theo phương pháp hiện đại; đổi mới và thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, nhằm xây dựng quân đội chuyên nghiệp, có trình độ và khả năng tác chiến hiện đại.
Cùng với đó, Nga sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo an ninh nhà nước và xã hội, coi đây là một ưu tiên chiến lược đối với ANQG. Mục tiêu của an ninh nhà nước và xã hội là nhằm bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp và pháp luật, các quyền tự do cơ bản của nhân dân, bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định chính trị, xã hội. Giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực này là hoàn thiện cơ cấu và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện các kế hoạch ứng phó với các khủng hoảng toàn cầu (khủng bố quốc tế, chủ nghĩa ly khai cực đoan, chủ nghĩa cực đoan chính trị và tôn giáo, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo...); nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Nga, trên cơ sở đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ công dân, ổn định dân số, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, cải thiện môi trường giáo dục, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế tiên tiến, v.v .
Thực hiện thành công Chiến lược ANQG đến năm 2020 là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, ANQG và trật tự pháp luật, nâng cao khả năng cạnh tranh và uy tín quốc tế của LB Nga.
LB Nga và Việt Nam có quan hệ bè bạn truyền thống. Liên Xô, sau này là LB Nga đã đoàn kết, giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh giải phóng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Ngày nay, Chính phủ, nhân dân và quân đội hai nước đang nỗ lực đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam- LB Nga phát triển vững chắc, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của mỗi nước, vì an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Đại tá A.P. PHA-LÊ-ÉP
Trưởng Tùy viên Quốc phòng LB Nga
tại CHXHCN Việt Nam
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011