QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 01:37 (GMT+7)
Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị – 35 năm nhìn lại
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên toàn miền Nam, chiến trường Trị-Thiên được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chọn là hướng tiến công chủ yếu. Vì vậy, trên chiến trường quan trọng này đã diễn ra cuộc đọ sức hết sức gay go, quyết liệt giữa quân và dân ta với Mỹ, ngụy. Trong đó, chiến dịch phòng ngự (CDPN) Quảng Trị là một trong những chiến dịch ác liệt nhất, trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đầu năm 1972, thế bố trí chiến lược của địch vẫn duy trì lực lượng mạnh ở 2 đầu, tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trên chiến trường Trị-Thiên, địch bố trí 2 sư đoàn tăng cường và nhiều đơn vị cảnh sát, bảo an... lấy Quảng Trị làm trọng điểm. Ngày 27-4-1972, ta bắt đầu chiến dịch tiến công vào Trị-Thiên bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng. Sau 34 ngày đêm chiến đấu, hệ thống phòng ngự của địch bị đập tan, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Phát huy thắng lợi, các lực lượng của ta tiếp tục mở đợt tiến công vào Thừa Thiên, nhưng không đạt kết quả.

Về phía địch, sau khi củng cố, bổ sung lực lượng, cuối tháng 6-1972 chúng mở cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị, với lực lượng tương đương 4 sư đoàn, được sự chi viện đắc lực của không quân, hải quân Mỹ. Hướng tiến công chủ yếu của địch theo trục đường 1A (Mỹ Chánh - thị xã Quảng Trị - ái Tử-  Đông Hà); hướng tiến công thứ yếu, theo trục đường 68 (Vân Trình- Hải Lăng - Cửa Việt - Cửa Tùng). Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương đã lệnh cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chuyển sang thực hiện "tác chiến phòng thủ khu vực". Diễn biến CDPN Quảng Trị chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ 28-6 đến 16-9, lực lượng không quân, pháo hạm địch mở nhiều đợt oanh tạc dữ dội vào thị xã Quảng Trị, Hải Lăng, Đông Hà, ái Tử, hỗ trợ cho các lực lượng khác tiến công đường bộ bằng 2 hướng. Hướng chủ yếu do Sư đoàn Dù đảm nhiệm, tiến công theo trục đường số 1 đánh chiếm thị xã Quảng Trị và một số cao điểm phía Tây. Hướng thứ yếu do Sư đoàn Thủy quân lục chiến đảm nhiệm, tiến công khu vực Hải Lăng, Triệu Phong. Đến ngày 16-9, địch chiếm được thị xã Quảng Trị. Giai đoạn 2: từ 17-9-1972 đến 31- 01-1973, địch tiến công ái Tử, Đông Hà, Cửa Việt. Về phía ta, sau khi rút về bắc sông Thạch Hãn, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định và bổ sung quyết tâm “giữ vững vùng giải phóng, đồng thời tranh thủ củng cố lực lượng, chuẩn bị điều kiện mở đòn phản công, nhằm đẩy lùi, tiến tới đánh bại cuộc tiến công của địch”. Căn cứ vào tình hình chung và nhiệm vụ được giao, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức phân chia khu vực phòng ngự, điều chỉnh lực lượng, tăng cường cơ sở vật chất, củng cố công sự, trận địa... Trên thực tế, giai đoạn này ta mới hoàn toàn chuyển sang cách đánh của CDPN. Về phương pháp tác chiến, chiến dịch xác định “lấy phòng ngự vững chắc trận địa kết hợp tích cực vận động phản đột kích, phản kích tiêu diệt địch, giữ vững địa bàn phòng ngự; lấy đánh nhỏ, tiêu diệt địch rộng rãi là chính; tích cực chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường và tạo điều kiện tiêu diệt các mũi tiến công lớn của địch”.
Quá trình chiến dịch đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Các lực lượng của ta đã tổ chức phòng ngự kiên cường, kết hợp với liên tục phản kích, phản đột kích tiêu diệt, tiêu hao địch. Đặc biệt là cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành Cổ diễn ra trong 81 ngày đêm vô cùng gian khổ, ác liệt. Đó là bản anh hùng ca về lòng trung thành, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Sau 35 năm nhìn lại, chúng ta thấy, CDPN Quảng Trị đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về chính trị, tư tưởng và nghệ thuật quân sự. Đó là cơ sở thực tiễn quý báu để nghiên cứu, phát triển nghệ thuật CDPN trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).
Từ lý luận quân sự và thực tiễn CDPN Quảng Trị chúng ta thấy, về nhận thức, cần xác định phòng ngự là một hình thức tác chiến cơ bản trong chiến tranh, kể cả chiến tranh giải phóng. Để xác định hình thức tác chiến chiến dịch phù hợp, điều quan trọng mấu chốt là phải dựa trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện tình hình địch-ta, địa hình. Trong CDPN Quảng Trị, ta chuyển từ hình thức tác chiến tiến công sang hình thức phòng ngự là sự chuyển biến quan trọng về nhận thức- đây là CDPN đầu tiên, duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta ở chiến trường miền Nam. Ban đầu, ta đánh giá về địch chưa đầy đủ, chưa lường hết tình huống Mỹ huy động không quân, hải quân lớn gấp 2 lần chiến dịch Khe Sanh, và lần đầu tiên quân ngụy tập trung cả 2 sư đoàn mạnh nhất trên một chiến trường. Do đó, thời kỳ đầu của chiến dịch, ta lúng túng về lựa chọn hình thức, phương pháp tác chiến; chuyển vào phòng ngự trong điều kiện bị động, không có thời gian chuẩn bị trước. Trong chiến tranh BVTQ, CDPN sẽ mang tính tổng hợp cao hơn, tình huống diễn ra mau lẹ, phức tạp, sự chuyển hóa giữa các hình thức tác chiến diễn ra nhanh hơn. Do đó, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy phải có tư duy chiến lược, chiến thuật tốt, nhanh chóng, chủ động xác định hình thức tác chiến phù hợp, làm cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, nhất là phát huy các tiềm lực của khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương.
Một trong những thành công khác của CDPN Quảng Trị vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay là, ngay từ đầu chiến dịch đã xác định chính xác tư tưởng phòng ngự: tích cực, kiên cường, vững chắc. Tư tưởng đó thể hiện rõ tinh thần cách mạng tiến công. Trong quá trình phòng ngự ở thị xã và Thành Cổ, ta đã thực hiện phản kích lớn 6 lần vào bên sườn, phía sau quân địch. Đặc biệt là, sử dụng Sư đoàn 320 tiến hành phản đột kích bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt các cụm quân địch ở cảng Cửa Việt, khôi phục lại địa bàn.
Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch (nếu xảy ra), có thể CDPN sẽ được tổ chức phổ biến hơn, với thành phần, lực lượng tham gia lớn và trang bị hiện đại, phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng ở mức độ cao hơn, nhưng tư tưởng chủ đạo, bản chất của phòng ngự vẫn phải là: tích cực, chủ động, kiên cường, vững chắc. Các yếu tố đó là một thể thống nhất, hoàn chỉnh, được thực hiện đầy đủ cả trong giai đoạn tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Chủ động đánh địch từ xa, bằng nhiều hình thức, nhiều lực lượng, với mọi thứ vũ khí, kể cả việc tổ chức tiến công hệ thống vũ khí, trang bị công nghệ cao của địch. Tư tưởng tích cực phải được thể hiện trong mọi giai đoạn, mọi biện pháp chiến đấu cũng như trong công tác bảo đảm. Mặt khác, phải thấy rõ, trong CDPN Quảng Trị cũng như trong chiến tranh hiện đại, địch luôn coi trọng phát huy sức mạnh không quân để hỗ trợ cho tiến công. Do đó, ta phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh với đánh trả một cách phù hợp. Chú trọng tổ chức lực lượng phòng không 3 thứ quân đánh các phương tiện bay của địch, nhất là địch đổ bộ đường không. Hệ thống công sự, trận địa trong CDPN đóng vai trò là hạt nhân để giữ vững các KVPT then chốt, khu vực, địa bàn phòng ngự chủ yếu và tiêu hao, tiêu diệt, sát thương quân địch, tạo thời cơ để chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt địch. Do vậy, yêu cầu đặt ra là, hệ thống công sự, trận địa phải vững chắc, liên hoàn, vừa bảo đảm giữ vững khu vực trận địa phòng ngự, vừa thuận tiện cho cơ động tiến công tiêu diệt địch.
CDPN Quảng Trị còn cho thấy vấn đề quan trọng trong nghệ thuật quân sự là, xác định cách đánh chiến dịch phải phù hợp với tương quan lực lượng và đặc điểm địa hình, thời tiết. Trong giai đoạn 1 của chiến dịch, do chưa có kinh nghiệm tác chiến phòng ngự, ta liên tục mở các cuộc phản kích nên thương vong cao. Sau khi rút kinh nghiệm, ta đã thực hiện phương pháp phòng ngự vững chắc trận địa là chính, kết hợp với lựa chọn thời cơ phản kích, phản đột kích khôi phục trận địa, tiêu diệt lực lượng địch. Để bảo đảm lực lượng bám trụ, chiến đấu liên tục, dài ngày, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã thực hiện chế độ luân phiên; mỗi đơn vị sau một thời gian phòng ngự nhất định, được rút về phía sau củng cố, bổ sung lực lượng, phương tiện. Phương pháp tổ chức tác chiến "phòng ngự khu vực" được vận dụng, phát triển trong chiến tranh BVTQ, đòi hỏi phải dựa vào địa hình có lợi, các làng, xã chiến đấu, thế trận của KVPT địa phương để lập thế trận chiến dịch vững chắc. Kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chủ lực, phòng ngự vững chắc ở các trọng điểm với tác chiến phòng thủ của LLVT địa phương bằng các hành động tiến công kiên quyết, liên tục, rộng khắp, để ngăn chặn, tiêu diệt, tiêu hao, sát thương quân địch. Tuy nhiên, trước ưu thế hỏa lực của địch, phải hết sức thận trọng, kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh với đánh trả bằng các hình thức phù hợp. Trong CDPN, về loại hình chiến dịch là phòng ngự, nhưng về hoạt động tác chiến thì có sự đan xen phòng ngự với tiến công một cách linh hoạt. Yêu cầu khi thực hành cơ động tiến công phải nắm vững thời cơ, tập trung lực lượng thích hợp, dùng cách đánh nhanh, mạnh, dứt điểm trong thời gian ngắn, bằng hiệp đồng binh chủng. Trong trường hợp chuyển từ tiến công, phản công sang phòng ngự phải đặc biệt chú trọng xác định lực lượng, hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu của địch. Trên cơ sở đó, tổ chức triển khai lực lượng, tổ chức hệ thống hỏa lực, hệ thống vật cản, hình thành thế trận phòng ngự, sẵn sàng ngăn chặn, đánh bại tiến công của địch.
Một trong những nét nổi bật của CDPN Quảng Trị là công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) được tiến hành chặt chẽ, chu đáo trong mọi thời điểm của chiến dịch, xây dựng nên những tập thể, cá nhân với tinh thần "Thép", luôn luôn vững vàng trước mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ngày nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch và tác động nhiều mặt của đời sống xã hội, càng đòi hỏi lực lượng vũ trang phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo đó, CTĐ,CTCT trong CDPN phải tập trung xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, lòng tin vào thắng lợi của chiến dịch; phát huy vai trò gương mẫu, tính tích cực, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong giai đoạn thực hành chiến đấu nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt. Cơ quan chính trị các cấp phải bám sát diễn biến chiến dịch để tiến hành công tác tổ chức, chính sách, đặc biệt là chính sách thương binh, tử sĩ. Bên cạnh đó, phải chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả CTĐ,CTCT; kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với các mặt đấu tranh chính trị, ngoại giao, địch vận...
 Cùng với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, thắng lợi ở Quảng Trị năm 1972 đã làm thay đổi thế và lực của ta trên chiến trường, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc địch phải ký hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo thời cơ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. CDPN Quảng Trị là một trong những trang vàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cho đến hôm nay, sau 35 năm, nhìn lại, chúng ta vẫn thấy từ chiến trường ác liệt năm xưa, những giá trị to lớn về tư tưởng, nghệ thuật quân sự, làm cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong chiến tranh BVTQ ngày nay.
Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng
 

Ý kiến bạn đọc (0)