QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 22:39 (GMT+7)
Chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta mới được phát huy đầy đủ

Các thế lực thù địch với CNXH của nước ta đang rêu rao rằng ở Việt Nam không có dân chủ, rằng muốn thực hiện dân chủ thì phải đa nguyên, đa đảng, phải xóa bỏ vai trò “độc tôn” lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Họ vu cáo, xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là “độc tài”, là “đàn áp” nhân dân, v.v. Đó là sự bịa đặt hết sức trắng trợn.

 Sự thật thì dân chủ là một khái niệm thuộc về chính trị, mà chính trị nói một cách khái quát nhất là “quan hệ giữa các giai cấp”. Vì vậy không thể nói dân chủ một cách trừu tượng, chung chung. Dân chủ là một hình thái chính trị gắn liền với sự tồn tại giai cấp, nhà nước.

Các nền dân chủ trước kia đều là dân chủ của một thiểu số thống trị xã hội, còn nhân dân lao động chiếm đại bộ phận dân cư lại bị thống trị, mất quyền dân chủ. Ngay nền dân chủ tư sản ở một số nước hiện nay thì cũng không còn là dân chủ của toàn bộ giai cấp tư sản nữa, mà thực chất là dân chủ của tầng lớp thiểu số các nhà đại tư bản, đại biểu cho lợi ích các đại công ty tư bản xuyên quốc gia.

Khác về bản chất với nền dân chủ tư sản, dân chủ XHCN là nền dân chủ của đa số, mà đa số đó không gì khác là nhân dân lao động. Chính nhân dân lao động (bao gồm những người hoạt động trực tiếp sản xuất, những người làm dịch vụ, những người hoạt động quản lý sản xuất, dịch vụ) ở đâu cũng chiếm đa số trong dân cư. Nhân dân lao động khi nghĩ về dân chủ, mong ước về dân chủ, là suy nghĩ và mong ước về thứ dân chủ của đa số đó, dân chủ hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử loài người.

Nền dân chủ của đa số, dân chủ đối với đa số, đã là tuyệt đẹp rồi, song còn tuyệt đẹp ở chỗ nó đòi hỏi và tạo điều kiện để nhân dân có giác ngộ về lợi ích của đa số, có công ăn việc làm, được học hành, có hiểu biết và nâng cao dần năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội... Trong nền dân chủ XHCN thì nhà nước là quyền lực của nhân dân, mọi quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân. Một nền dân chủ rất cao và chưa từng có trong lịch sử như thế chỉ có thể phát triển dần từ thấp lên cao, tùy theo đà phát triển kinh tế và nâng cao dân trí. Một nền dân chủ đẹp đẽ và tinh tế như thế, tất nhiên còn phải trải qua nhiều thể nghiệm về cơ chế, hình thức cụ thể để thể hiện và bảo đảm thực sự dân chủ của đa số.

Xưa nay, dân chủ vốn là khát vọng của nhân loại tiến bộ, trước hết của nhân dân lao động, nó càng là nhu cầu của đời sống chính trị hiện đại. Cùng với những yêu cầu về dân sinh, những yêu cầu về dân chủ đang vừa là mục tiêu, vừa là động lực mạnh mẽ thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân lao động trong nhiều quốc gia trên thế giới. Lợi dụng nhu cầu chính đáng và tiến bộ đó, các thế lực thù địch đã ra sức kích động , xuyên tạc; nhân danh nào là phong trào dân chủ, nào là lực lượng dân chủ, nào là vì dân chủ, nhưng thực chất là làm mất trật tự xã hội, là phá hoại nền dân chủ thực sự của nhân dân. Họ cố tình nhắm mắt làm ngơ về những đổi thay to lớn trong sinh hoạt dân chủ từ ngày nước ta bước vào thời kỳ đổi mới.

Hơn 20 năm qua, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xã hội, cùng với những đổi mới về kinh tế, đã diễn ra đổi mới từng bước hệ thống chính trị. Tuy rằng có nơi, có lúc đổi mới trên lĩnh vực chính trị chưa theo kịp và chưa đồng bộ với những đổi mới về kinh tế, nhưng không thể phủ nhận những bước đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, mà trước hết và chủ yếu là tăng cường sinh hoạt dân chủ trong xã hội. Chưa bao giờ sinh hoạt xã hội ta lại cởi mở như hiện nay. Chúng ta đã phát triển thông tin hai chiều trong nhân dân, có thông tin thuận và có cả thông tin ngược; có thông tin từ trên xuống và cả thông tin từ dưới lên. Các báo cáo chính trị trình Đại hội toàn quốc của Đảng không chỉ thảo luận trong nội bộ Đảng mà còn công bố công khai để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Nhiều chủ trương và chính sách lớn cùng những văn bản pháp luật của Nhà nước đều được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân ngay từ lúc dự thảo. Ở Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được coi là người phản biện xã hội về các chính sách, các quyết định lớn của Đảng và Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức tôn trọng và nêu cao vai trò của nhân dân trong việc giám sát đảng viên, công chức và báo chí được coi là một công cụ quan trọng.

Tuy rằng có nơi, có lúc quyền dân chủ của nhân dân còn bị vi phạm, song tình trạng đó bị phê phán nghiêm khắc và yêu cầu phải sửa chữa. Chúng ta có đầy đủ thực tiễn để nhận thức sâu sắc rằng, dân chủ của đa số là một nền dân chủ rất tinh tế: một mặt, đòi hỏi xã hội rất cởi mở, mọi tài năng được phát huy; mặt khác, yêu cầu kỷ cương, phép nước, mọi người phải chấp hành đúng các quy định, để đảm bảo thực sự quyền và lợi ích chính đáng của đa số. Vì thế nền dân chủ XHCN là một nền dân chủ có tổ chức, có lãnh đạo. Người cổ vũ nền dân chủ XHCN, đồng thời là người tổ chức và lãnh đạo nền dân chủ XHCN đó, không ai khác và không thể ai khác là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là một chân lý cụ thể. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Từ trước đến nay, trong Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam đều ghi nhận Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Thực tiễn lịch sử càng chứng minh như thế. 78 năm qua, kể từ ngày thành lập, Đảng đã chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Đảng đã tổ chức và lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại độc lập cho nước nhà; đã tổ chức và lãnh đạo các cuộc kháng chiến thắng lợi, thực hiện thống nhất đất nước, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám; đã và đang tổ chức, lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH. Tất cả, đó là lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc. Từ ngày thành lập đến nay và từ nay về sau, Đảng ta luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH - đó là mục tiêu, là lý tưởng, là lợi ích cơ bản nhất và sâu xa nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cũng cho thấy, những khuyết điểm nhất thời của Đảng, của một bộ phận đảng viên không phù hợp với mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó thì đều được phát hiện, được phê phán, được xử lý, được sửa chữa kịp thời. Chỉ có một đảng trung thành tuyệt đối với lợi ích của nhân dân, của dân tộc như thế mới có thể tổ chức, lãnh đạo, phát huy nền dân chủ XHCN - một nền dân chủ mà bản chất là đảm bảo quyền và lợi ích của đa số trong nhân dân, trong dân tộc.

Một nền dân chủ mà có tổ chức, có lãnh đạo để đảm bảo quyền và lợi ích của đa số trong nhân dân, trong dân tộc, để phát huy dân chủ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, của dân tộc, thì đó là nền dân chủ cao nhất, chứ không thể nói là vi phạm dân chủ. Hơn nữa, quyền và lợi ích của đa số trong nhân dân, trong dân tộc đều được thể hiện thành pháp luật, thành vai trò tổ chức, lãnh đạo nền dân chủ XHCN, xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một nhà nước quản lý đất nước, xã hội bằng pháp luật; mà pháp luật, đó là ý chí, là lợi ích, là quyền lực của đa số trong nhân dân. Hơn nữa, toàn bộ nhà nước, toàn bộ hoạt động của nhà nước cũng đều phục tùng lợi ích, quyền lực của đa số trong nhân dân và là thành tựu xây dựng của đa số trong nhân dân. Rõ ràng, nền dân chủ XHCN và nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất, là cùng một bản chất, và đó là bản chất của chế độ xã hội mới mà nhân dân ta đang xây dựng. Một chế độ xã hội có nền dân chủ XHCN gắn liền với nhà nước pháp quyền XHCN là một chế độ xã hội tốt đẹp, là mơ ước từ lâu của loài người tiến bộ, và từ lâu loài người đã đặt tên cho nó là CNXH. Về mọi phương diện, cả lý luận và thực tiễn, nhất là thực tiễn lịch sử ở nước ta, cho thấy: quá trình đó phải do và chỉ do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì xã hội XHCN mới trở thành hiện thực.

Nước ta đã từng có thời gian tồn tại nhiều đảng, có đảng cầm quyền (Đảng Cộng sản Việt Nam) và một số đảng đối lập. Nhưng chính lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, các cuộc kháng chiến chống thực dân cũ và mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đào thải các đảng đối lập. Cũng có thời gian nước ta có một số đảng của các tầng lớp nhân dân yêu nước, tiến bộ, chung lưng đấu cật, đoàn kết với Đảng Cộng sản Việt Nam trong Mặt trận dân tộc thống nhất, chiến đấu theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho lý tưởng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Và, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, các đảng đó đã tuyên bố tự giải tán. Kể từ đó, nhất là trong bối cảnh mới, nước ta không có nhu cầu đa đảng, càng không có nhu cầu đảng đối lập, đối trọng, cũng không có nhu cầu hai đảng cộng sản để cạnh tranh. Trong Cương lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố “tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nước nhà - nhân dân ta đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Như thế, Đảng Cộng sản là đảng duy nhất và là đảng cầm quyền ở nước ta là kết quả tất yếu, là sản phẩm tất yếu của lịch sử cách mạng nước ta, là luật cơ bản của nước ta. Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa đảng, đòi có đảng đối lập là trái với Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ở Việt Nam, chỉ có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì nền dân chủ XHCN mới được phát huy, nhà nước pháp quyền XHCN mới được xây dựng, CNXH mới trở thành hiện thực. Đương nhiên, Đảng ta luôn luôn rèn luyện, tự đổi mới, tự chỉnh đốn, luôn luôn đảm bảo đường lối chính trị đúng đắn, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, không ngoài mục đích đảm bảo mọi quyền lực và lợi ích đều thuộc về nhân dân, để khỏi phụ lòng tin của nhân dân.

VŨ HỮU NGOẠN

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu

chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Ý kiến bạn đọc (0)