QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:11 (GMT+7)
Chế độ chính ủy, chính trị viên – truyền thống và thực tiễn

Trên thế giới ít có một quân đội nào mà suốt chặng đường cách mạng vẫn giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, như Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Chúng ta tự hào về QĐND cách mạng, lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà quân đội ta luôn giữ được bản chất, truyền thống của mình. Sức mạnh của quân đội ta bắt nguồn từ sức mạnh của cách mạng Việt Nam, theo con đường chủ nghĩa Mác –Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới. Từ khi ra đời và suốt cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, đánh bại mọi kẻ thù, giành và giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa, QĐND luôn được Đảng và Bác Hồ quan tâm xây dựng về chính trị. Tư tưởng đó được thể hiện ngay từ những ngày đầu cuộc cách mạng, năm 1930-1931 với các đội tự vệ đỏ công-nông, mà những người đứng đầu là những đảng viên cộng sản kiên cường nhất. Để chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945, Bác Hồ đã khẳng định, muốn chống lại bạo lực phản cách mạng, phải có công cụ bạo lực vũ trang cách mạng do Đảng tổ chức và trực tiếp lãnh đạo làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh giành chính quyền. Đội quân đó phải thấm nhuần quan điểm lấy chính trị làm gốc, chính trị trước, quân sự sau. Bác quyết định thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao trực tiếp chỉ đạo xây dựng; hai đồng chí cách mạng trung kiên là đồng chí Xích Thắng và đồng chí Hoàng Sâm được giao làm chính trị viên và đội trưởng. Cơ chế một người chỉ huy gắn với chế độ chính trị viên đã được hình thành ngay từ buổi ban đầu của quân đội ta. Nhờ vậy, đội quân tuy còn nhỏ bé và non trẻ, nhưng với một cơ chế đúng đắn, phát huy được vai trò của chính trị viên và đội trưởng, nên ngay từ đầu đã giành được thắng lợi giòn giã tại Phai Khắt và Nà Ngần. Đội quân đó đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng, mà trước hết là chất lượng chính trị, vượt qua muôn vàn thử thách khốc liệt, cùng toàn dân chiến đấu, chiến thắng oanh liệt những tên đế quốc đầu sỏ, giành và giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Nhân tố quyết định bảo đảm cho quân đội ta chiến thắng đó là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, với một cơ chế phù hợp: chế độ chính ủy, chính trị viên gắn với chế độ một người chỉ huy, đồng thời phát huy vai trò tổ chức thực hiện của lãnh đạo và chỉ huy đơn vị. Thực tiễn qua hai cuộc kháng chiến, trong xây dựng thời bình cũng như trong chiến đấu cho thấy, bản lĩnh chính trị, năng lực tổ chức, đoàn kết thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy có ý nghĩa quyết định trong thực thi nhiệm vụ của đơn vị, đặc biệt là trong những thời điểm thử thách khốc liệt nhất của chiến tranh...
Thực tế lịch sử đã khẳng định như vậy, nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, vẫn có người cho rằng chế độ chính ủy, chính trị viên chỉ phù hợp với thời kì đầu của quân đội. Ngày nay quân đội ta đã trưởng thành, cán bộ chỉ huy đều là đảng viên, đã được thử thách nhiều nên chế độ đó không còn thích hợp nữa. Đặc biệt là trong chiến tranh hiện đại “bấm nút” nếu duy trì chế độ đó thì sẽ mất thời cơ! Đó là những quan niệm, nhận thức lệch lạc. ở đây cần hiểu rõ tư tưởng của Đảng và Bác Hồ là đội quân cách mạng phải đi vững trên hai chân: chính trị và quân sự, chính trị trước, quân sự sau, mọi hoạt động của quân đội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Đó là cơ sở cho việc Đảng ta đề ra cơ chế thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. QĐND càng phát triển, cơ chế đó ngày càng được hoàn thiện. Chiến tranh càng khốc liệt, trang bị, vũ khí, phương tiện càng hiện đại, thử thách càng ác liệt, càng đòi hỏi quân đội ta vững vàng về chính trị, phát huy cơ chế lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng đối với QĐND. Vì vậy, không có cơ sở để nói rằng, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chế độ chính ủy, chính trị viên không còn phù hợp nữa. Trái lại, tình hình mới đang đặt ra yêu cầu rất cao trong xây dựng quân đội ta về chính trị, phải bảo đảm cho QĐND thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; yêu cầu của thời kỳ mới đòi hỏi càng phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với QĐND.
Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên khắp mọi mặt trận, từ cấp chiến lược, chiến trường và chiến đấu, những cán bộ chính trị dày dạn bản lĩnh bên cạnh người chỉ huy đầy tài năng, đã lãnh đạo và chỉ huy đơn vị giành được những chiến thắng oanh liệt. Cơ chế chính ủy, chính trị viên chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị, người chỉ huy chủ trì về quân sự là phù hợp, là nhân tố bảo đảm sức mạnh của quân đội ta. Sức mạnh đó bắt nguồn từ mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất về ý chí và trách nhiệm, về ý chí và hành động của hai người đứng đầu đơn vị. Sức mạnh đó chứng tỏ sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội thông qua việc thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên là đúng đắn, đã được trải nghiệm qua quá trình của hai cuộc kháng chiến, là hoàn toàn phù hợp trong tình hình mới.
Ngay từ những ngày đầu, trong một so sánh lực lượng không cân sức, nhưng nhờ có cơ chế đúng đắn của Đảng và bản lĩnh của các chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy nên đã đoàn kết và nhân lên sức mạnh của mọi cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị, bảo đảm cho quân đội ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Còn nhớ, trong chiến dịch Đông Xuân 1954, trên chiến trường chính Điện Biên Phủ cũng như trên các chiến trường phối hợp, vai trò  của  chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các đơn vị hết sức to lớn; họ là trung tâm đoàn kết, cổ vũ, động viên, khích lệ đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy bộ đội ta chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt, đánh thắng kẻ thù. Đặc biệt, trên chiến trường Điện Biên Phủ, trong một quyết định mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho là “khó khăn nhất” đã thể hiện tài thao lược, trí thông minh, sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm của người Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Hồ Chủ tịch và nhân dân, lãnh đạo, chỉ huy toàn mặt trận chấp nhận mọi khó khăn trước mắt để vượt lên và đi đến chiến thắng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy phải đối đầu với một tên đế quốc hùng mạnh nhất thời đại, nhưng cuối cùng chúng ta đã chiến thắng bằng đại thắng mùa Xuân 1975, quét sạch quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng vang dội đó trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, tài thao lược của bộ thống soái tối cao, của Tổng tư lệnh, Tổng chính ủy, đến các chính ủy, chính trị viên và cán bộ chỉ huy các cấp trên các chiến trường. Trong cuộc thử thách lịch sử này, một lần nữa chúng ta càng thấy vai trò của đường lối chính trị, của ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ta nói chung và của cán bộ chỉ huy, chính ủy, chính trị viên nói riêng. Trước một tên đế quốc giàu có, tàn bạo và nguy hiểm nhất thời đại, vấn đề đặt ra là, chúng ta có dám đánh Mỹ hay không? Và bằng cách nào để chiến thắng kẻ thù hùng mạnh đó? Bằng sự phân tích một cách toàn diện và khoa học, với ý chí cách mạng tiến công, Bác Hồ và Đảng ta đã hạ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Vấn đề đặt ra là thực hiện quyết tâm đó trên chiến trường như thế nào? Lấy gì để đánh và đánh như thế nào để chiến thắng kẻ thù? Băn khoăn và trăn trở của người lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường là có cơ sở, không phải vì sợ địch, vì dao động, bi quan, mà vấn đề là, trong điều kiện của ta phải tìm ra cách đánh như thế nào để chiến thắng? Trước tình hình đó, đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người "Tổng chính ủy" của QĐND Việt Nam đã nêu lên tư tưởng chỉ đạo hành động: Phải dám đánh rồi mới tìm ra cách đánh để chiến thắng địch. Tư tưởng chỉ đạo đó đã định hướng hành động cho toàn quân. Và qua thực tiễn trên chiến trường, chính đồng chí đã đề ra khẩu hiệu vừa mang tính tư tưởng, vừa mang tính nghệ thuật: "Bám thắt lưng địch mà đánh", nhằm phát huy mặt mạnh cơ bản về chính trị, tinh thần của ta và hạn chế mặt mạnh về trang bị kỹ thuật và hỏa lực của địch; khoét sâu mặt yếu cơ bản của chúng là ỷ lại vào hỏa lực, không dám đánh gần. Tư tưởng chỉ đạo đó đã thấm nhuần sâu sắc tới người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên, họ đã quán triệt và chỉ huy, lãnh đạo đơn vị thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, làm xoay chuyển cục diện trên chiến trường. Những trận đánh gần, tiêu diệt gọn các đơn vị Mỹ ngày càng nhiều, dẫn đến sự sụp đổ của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của địch.
Trên chiến trường Tây Nguyên, chiến trường có điều kiện tiêu diệt lớn quân địch, lúc bấy giờ đồng chí Chu Huy Mân là Chính ủy kiêm Tư lệnh, trong hội nghị giao nhiệm vụ cho các trung đoàn thực hiện quyết tâm "bám thắt lưng địch mà đánh", đồng chí đã giao cho các đồng chí chính ủy mỗi người một cuộn dây thừng, với yêu cầu phải bắt cho được tù binh Mỹ. Với cách giao nhiệm vụ như thế, đồng chí Tư lệnh kiêm Chính ủy đã nói rõ trách nhiệm của các chính ủy, người đứng đầu về Đảng, người chịu trách nhiệm cao nhất về CTĐ, CTCT, cùng với người chỉ huy phải thực hiện bằng được quyết tâm chiến lược của Trung ương. Và như chúng ta đã biết, trên chiến trường Tây Nguyên, cùng với những chỉ huy dũng cảm, tài ba, những chính ủy, chính trị viên có bản lĩnh vững vàng, có tác phong "Hăng hái, xông xáo, tích cực, sôi nổi, cẩn thận, cụ thể, tỉ mỉ" đã nắm vững quyết tâm của Đảng, tổ chức, động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của toàn đơn vị, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Nhiều trận đánh oanh liệt của quân đội ta đã làm cho lính Mỹ kinh hồn bạt vía, nhiều tên xâm lược đã bị tiêu diệt, bị bắt làm tù binh.
Quyết tâm thắng Mỹ lan tỏa khắp hai miền Nam - Bắc. Thiếu úy Nguyễn Viết Xuân, người chính trị viên đại đội cao xạ của Sư đoàn 325, trong một cuộc chiến đấu với máy bay địch, đơn vị thương vong nhiều, bản thân đồng chí bị thương nặng, nhưng với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng chí đã động viên đơn vị giữ vững trận địa chiến đấu. Mệnh lệnh "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" của người chính trị viên đã khích lệ, động viên toàn đơn vị chiến đấu và chiến thắng. Tốp máy bay địch bị pháo ta đánh trả quyết liệt, bắn rơi một chiếc, số còn lại tháo chạy; và đó cũng là lúc Nguyễn Viết Xuân vĩnh biệt đồng đội. Chiến công mà người chính trị viên đại đội, đại diện cho hàng ngàn chính ủy, chính trị viên trên chiến trường, đã đi vào lịch sử như một tấm gương bất tử của người cán bộ chính trị viên QĐND Việt Nam tiêu biểu.
Thực tiễn vô cùng phong phú, với những tấm gương sáng chói của người chính ủy, chính trị viên cùng với người chỉ huy trong quân đội ta đã góp phần to lớn vào chiến thắng chung của dân tộc. Làm sao có thể phát huy truyền thống đó trong tình hình mới đầy phức tạp và biến động hiện nay? Cách tốt nhất là phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, với chất lượng cao nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phải ý thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về thực hiện cơ chế mới; mỗi người trên cương vị của mình, phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và các mối quan hệ, không ngừng đoàn kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp chung của quân đội, của đơn vị. Mọi cán bộ, chiến sĩ tăng cường đoàn kết, phấn đấu xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"; quyết tâm thực hiện con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
 

Ý kiến bạn đọc (0)