QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:01 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam với nhiệm vụ quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển
Cục Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam được thành lập ngày 28-8-1998. Đây là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn, duy trì thực thi pháp luật của Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Trải qua 9 năm xây dựng, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, CSB Việt Nam đã chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, CSB Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lượt chiếc tàu làm nhiệm vụ trên biển, tiến hành kiểm tra trên 4.000 tàu thuyền có dấu hiệu vi phạm, lập biên bản và xử phạt hơn 1.000 tàu thuyền vi phạm (trong đó có gần 100 tàu thuyền của nước ngoài), thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng; xua đuổi hàng nghìn lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; bắt giữ nhiều tội phạm ma tuý; cứu giúp nhiều ngư dân gặp sự cố, thiên tai, cướp có vũ trang trên biển… Sau khi Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực, CSB - với vai trò là cơ quan chủ trì - đã phối hợp với các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cục  Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các địa phương ven biển tổ chức tuần tra, giám sát, quản lý và duy trì việc thực thi các hiệp định, kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng các điều khoản mà hai nước đã ký kết.

Đi đôi với hoạt động tuần tra, kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ CSB còn tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật biển Việt Nam, các điều ước quốc tế, cách phát tín hiệu cần ứng cứu khi gặp nạn cho hàng nghìn lượt tàu thuyền của ngư dân ta; đồng thời, chủ động tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của CSB để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, tạo ý thức tự giác, trách nhiệm và thói quen chấp hành pháp luật cho nhân dân làm ăn trên biển.

Những kết quả trên đã khẳng định hiệu lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và an ninh, trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Đây cũng là kết quả hoạt động thực tiễn phản ánh sự trưởng thành một bước rất quan trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của lực lượng CSB Việt Nam.
Tuy nhiên, những gì đã làm được vừa qua đối với lực lượng CSB mới chỉ là bước đầu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về Chiến lược biển đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có lực lượng CSB, rất nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSB, vì thế, có sự phát triển với yêu cầu ngày càng cao. Theo đó, trong thời bình, CSB được xác định là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, đồng thời là cơ quan chủ trì hiệp đồng với các lực lượng (Hải quân, Biên phòng, lực lượng bán vũ trang trên biển và các lực lượng khác) trong việc thực thi pháp luật của Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên; bảo vệ tài nguyên biển; phòng, chống ô nhiễm môi trường biển; đấu tranh chống khủng bố, chống cướp biển có vũ trang, chống tội phạm ma túy và tham gia cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển kinh tế biển. Trong thời chiến, cùng với các nhiệm vụ trong thời bình, CSB còn tham gia các hoạt động tác chiến bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Như vậy, CSB là lực lượng đa chức năng, nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện trên tất cả các mặt, nhất là về bản lĩnh chính trị, nhận thức, trách nhiệm, biên chế tổ chức, trình độ năng lực, có như vậy mới hoàn thành được mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển của đất nước. Thời gian tới, lực lượng CSB cần triển khai toàn diện các mặt công tác, trong đó tập trung vào một số mặt chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng.
Hiện nay, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp. Việc tranh chấp chủ quyền, hoạt động thăm dò, khai thác trái phép tài nguyên biển; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại; các hoạt động khủng bố, cướp biển có vũ trang ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, lực lượng CSB của ta còn mỏng, phạm vi đảm nhiệm nhiệm vụ rộng (các vùng biển và thềm lục địa của nước ta có diện tích gấp ba lần diện tích lãnh thổ, và gần bằng 1/3 diện tích Biển Đông), trang bị còn thiếu thốn, chưa có điều kiện thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển khi thời tiết phức tạp, đặc biệt là phải trực tiếp đấu tranh với nhiều loại tội phạm. Trong điều kiện như vậy, công tác chính trị, tư tưởng càng phải được đẩy mạnh, phải được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ hơn, sâu hơn và có quyết tâm cao hơn trước nhiệm vụ được giao.
Thực hiện giải pháp này, cơ quan chính trị cùng với tổ chức đảng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải có sự thống nhất về mục tiêu, nội dung và hình thức giáo dục sao cho phù hợp với từng đối tượng và sát với yêu cầu nhiệm vụ. Trước hết, cần quán triệt và triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển và Nghị quyết của Đảng bộ Cục CSB lần thứ hai (2005-2010); tập trung làm rõ các nội dung trong Chiến lược biển mà Đảng ta đã xác định để thấy được những vấn đề có liên quan trực tiếp và những yêu cầu mới đặt ra đối với lực lượng CSB, từ đó vận dụng liên hệ vào từng mặt công tác cụ thể của từng vùng CSB, cụm lực lượng cũng như từng biên đội tàu, theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Do hoạt động phân tán, xa đất liền; mặt khác, lại thường xuyên đứng trước những vấn đề phức tạp, tiếp xúc với nhiều đối tượng, trong đó có tổ chức, cá nhân người nước ngoài, vì vậy, vấn đề xây dựng ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức cách mạng phải là một trong những nội dung giáo dục quan trọng và thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ CSB. Để thực hiện tốt mặt công tác này, cần tăng cường giáo dục đi đôi với quản lý, duy trì kỷ luật ở mỗi đơn vị; lấy giáo dục, thuyết phục, khơi dậy tinh thần yêu biển, yêu tàu, niềm tự hào được mang trên mình quân phục CSB kết hợp với tự phê bình và phê bình để đấu tranh với những suy nghĩ, hành động xa lạ với bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho cán bộ, chiến sĩ CSB tự giác và kiên quyết chấp hành triệt để nhiệm vụ được giao, luôn có khả năng chiến thắng chính bản thân mình trước mọi sự cám dỗ của vật chất. Bên cạnh đó, quá trình giáo dục cũng là quá trình bồi dưỡng, nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch, đồng thời rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ phương pháp xử lý tình hình, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp một cách kiên quyết, khôn khéo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của quốc gia, dân tộc trên các vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
2. Tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ.
Đây là đòi hỏi khách quan xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của CSB. Vấn đề đặt ra hiện nay là các đơn vị phải ý thức được đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của công tác huấn luyện. Chỉ có tập trung huấn luyện trên cơ sở bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới nội dung và hình thức tổ chức huấn luyện thì mới bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Muốn đạt được yêu cầu đó, toàn lực lượng phải đẩy mạnh công tác huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ với tinh thần chủ động, sáng tạo từ khâu kế hoạch, chuẩn bị huấn luyện đến tổ chức huấn luyện. Lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp cần bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của vùng, hải đội, biên đội của mình để xác định nội dung huấn luyện cho phù hợp, bảo đảm huấn luyện toàn diện song có trọng tâm, trong đó dành thời gian thích đáng cho việc huấn luyện, nâng cao tri thức về biển, pháp luật Việt Nam về biển và các quy ước, điều ước quốc tế có liên quan về biển cho bộ đội và huấn luyện các ngành hàng hải, trinh sát; huấn luyện, luyện tập các phương án chiến đấu, các bài tập phán đoán, xử trí tình huống trên biển.
Hoạt động của CSB là hoạt động mang tính đặc thù. Vì vậy, cần tổ chức huấn luyện theo phương thức kết hợp. Đó là kết hợp vừa thực hiện nhiệm vụ vừa huấn luyện; kết hợp huấn luyện trên bờ với huấn luyện trên biển; kết hợp rút kinh nghiệm sau mỗi lần công tác và tranh thủ khoảng thời gian gối đầu giữa hai cuộc hành trình đi biển để huấn luyện cán bộ, chiến sĩ cả về trình độ chỉ huy, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ.
3. Tích cực, chủ động củng cố tổ chức, phát triển lực lượng.
 Hiện nay, Cục CSB đang thực hiện Dự án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển giai đoạn 2001 – 2010, một dự án thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trong nhiều năm qua. Thời gian của dự án không còn nhiều, khối lượng công việc còn lại khá lớn. Để góp phần hoàn thành những khối lượng công việc cuối cùng của dự án, lực lượng CSB cần coi việc củng cố tổ chức, phát triển lực lượng là trách nhiệm, nhiệm vụ của chính mình và quan tâm đến vấn đề này trên cả ba mặt: con người, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật và tri thức, phấn đấu không để vì yếu tố chủ quan từ phía CSB mà làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy Cục, các vùng CSB, các cụm lực lượng phải chủ động hiệp đồng với các cơ quan chức năng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân để sớm ổn định về biên chế, trang bị theo cấu hình mới và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng (vị trí đứng chân của Cục và của các vùng CSB) đã xác định. Riêng khối cơ quan các cấp, cần tiếp tục soạn thảo, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho CSB thực thi nhiệm vụ; mặt khác, có kế hoạch tạo nguồn cán bộ, nhất là đội ngũ thuyền trưởng, chính trị viên tàu, hải đội trưởng và chính trị viên hải đội; từng bước triển khai kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ để lực lượng CSB hiện nay đủ sức làm nòng cốt, đáp ứng với yêu cầu phát triển lực lượng CSB ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Chuẩn đô đốc Phạm Đức Lĩnh

Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)