QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:34 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên vùng biển, thềm lục địa Tổ quốc

Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên các vùng biển, ngày 28-3-1998, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá X) nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam. Ngày 28-8-1998 lực lượng CSB Việt Nam được thành lập, với chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước quản lý về an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan, mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên. Với chức năng đó, CSB thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế; thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; tham gia tìm kiếm cứu nạn và khắc phục, ứng phó các sự cố trên biển; phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa và chống các hành vi buôn lậu, cướp biển… CSB còn thực hiện hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ; thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ yêu cầu của trên và các cơ quan liên quan; phối hợp với các lực lượng khác để bảo vệ tài nguyên, tài sản Nhà nước, người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Tổ quốc. 

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, lực lượng CSB Việt Nam cần phải được tổ chức chặt chẽ, có biên chế hợp lý, trang bị, phương tiện hiện đại và đội ngũ cán bộ, nhân viên có phẩm chất tốt, trình độ cao, đủ sức kiểm soát mọi diễn biến trên biển cũng như các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển. Những năm đầu mới thành lập, lực lượng CSB  gặp nhiều khó khăn, nhất là về trang bị, phương tiện, nguồn nhân lực, trình độ nghiệp vụ… Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân chủng Hải quân, với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ, qua 10 năm xây dựng và thực hiện nhiệm vụ, đến nay CSB Việt Nam đã có sự phát triển tích cực về nhiều mặt: tổ chức biên chế lực lượng, trang bị, phương tiện hoạt động và trình độ, năng lực nghiệp vụ. Hiện nay, Cục CSB Việt Nam đã có 21 cơ quan, đơn vị trực thuộc, trong đó có 4 Vùng CSB với các Hải đội tàu; có lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma tuý… Hệ thống tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy được củng cố, kiện toàn, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất từ Đảng uỷ, chỉ huy Cục đến các cơ quan, đơn vị. Mười năm qua, với từng bước đi vững chắc, hoạt động của CSB đã thực sự góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và khả năng gìn giữ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Để đạt được kết quả trên, những năm qua, Đảng uỷ Cục CSB đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, trong đó lấy việc nâng cao chất lượng chính trị làm giải pháp hàng đầu để nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn lực lượng. Đảng uỷ Cục đã hết sức chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Hằng năm, qua phân tích chất lượng, có 75% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 95,2% tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thực hiện nhiệm vụ độc lập, dài ngày trên biển trong điều kiện khó khăn, môi trường phức tạp, nhạy cảm, phải trực tiếp đấu tranh với nhiều loại tội phạm… nên sự vững vàng về quan điểm, lập trường, bản lĩnh chính trị là yêu rất cao đối với cán bộ, chiến sĩ CSB. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Cục đã  tích cực giáo dục nâng cao nhận  thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, tầm quan trọng, tiềm năng của biển đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đi sâu làm rõ các nội dung trong chiến lược biển của Đảng và những yêu cầu đặt ra đối với đơn vị, để từ đó vận dụng vào từng mặt công tác cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ được giao của từng quân nhân. Tăng cường giáo dục đi đôi với quản lý, duy trì kỷ luật; trong đó chú trọng việc giáo dục, thuyết phục và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của lực lượng vũ trang, của Hải quân nhân dân Việt Nam và của lực lượng CSB… Các cấp chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các hoạt động tội phạm trên biển, qua đó nêu  cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm của mỗi người; chú trọng xây dựng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức "Bộ đội Cụ Hồ"… Để đáp ứng yêu cầu tổ chức biên chế lực lượng và năng lực nghiệp vụ theo chức năng, cùng với việc đề đạt, báo cáo xin trên bổ sung cán bộ, Đảng uỷ, chỉ huy Cục đã chủ động, tích cực tạo nguồn nhân lực bằng nhiều giải pháp, như: tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp; hợp tác với CSB các nước trong khu vực để cử cán bộ đi nghiên cứu, học tập; đồng thời, chú trọng làm tốt công tác nghiên cứu, tự biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ… nhằm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên ngành CSB đáp ứng xu hướng phát triển của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Để bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ tinh thông nghiệp vụ, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra, cấp uỷ, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn  bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của từng vùng, từng hải đội, biên đội để làm tốt công tác kế hoạch, chuẩn bị huấn luyện và tổ chức huấn luyện. Chủ động huấn luyện thuần thục về nghiệp vụ, chuyên ngành CSB; đồng thời, dự kiến tình hình và không ngừng đổi mới phương pháp huấn luyện, nhằm đối phó có hiệu quả với  các tình huống bất ngờ xảy ra trên biển. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ việc huấn luyện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chuyên sâu nghiệp vụ, sát các phương án tác chiến, cứu nạn trên biển, chống cướp biển, cướp có vũ trang… Trong đó, coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra...

Hoạt động của CSB có tính đặc thù, do vậy phải tổ chức huấn luyện theo phương thức kết hợp, vừa thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng vừa thực hiện  nhiệm vụ quản lý biển. Thời gian qua, các đơn vị CSB đã tổ chức thành công các chuyến tuần tra chung trên biển với lực lượng Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia trên vùng biển Tây Nam; phối hợp kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ với lực lượng Ngư Chính - Ngư Cảng Trung Quốc. Cục cũng đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng không quân, công an, đơn vị tàu hải quân, biên phòng diễn tập các tình huống trên biển, như: cứu hộ cứu nạn, vây bắt tàu buôn lậu và tàu  vận chuyển các chất ma tuý, chống cướp biển… sát với thực tế; thiết lập Trung tâm chia sẻ thông tin trong khuôn khổ Hiệp định về chống cướp biển, cướp có vũ trang; tổ chức chặt chẽ các hoạt động, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa và DK1. Đến nay, toàn lực lượng đã tổ chức được gần 700 chuyến hoạt động, với hàng trăm nghìn hải lý an toàn; kiểm tra, phát hiện và xử phạt hàng nghìn lượt tàu thuyền vi phạm, thu, nộp vào ngân sách Nhà nước gần 12 tỷ đồng, theo đúng quy định pháp luật. Từ năm 2005, lực lượng chuyên trách Phòng chống tội phạm ma tuý CSB Việt Nam được thành lập; đã tích cực triển khai xây dựng lực lượng, chủ động phối hợp với lực lượng PC15 và PC17 các tỉnh khu vực ven biển, triển khai kế hoạch phòng, chống, kiểm soát và đấu tranh triệt phá tội phạm ma tuý… Đặc biệt, tháng 5-2008, lực lượng này đã tham gia cùng các cơ quan của Bộ Công an, công an tỉnh Quảng Ninh đấu tranh, phá án thành công chuyên án lớn có nhân tố nước ngoài; thu giữ 8,8 tấn cần sa tinh chất và bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, lực lượng đã ứng cứu kịp thời hàng chục tàu, thuyền, cùng hàng trăm ngư dân đánh cá gặp nạn trên biển, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả việc quản lý an ninh, trật tự, an toàn, bảo vệ ngư dân yên tâm làm ăn, sinh sống, phát triển kinh tế trên biển.         

Hiệu lực quản lý nhà nước đối với các vùng biển, thềm lục địa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc nhận thức và tự giác chấp hành các điều luật về biển, vùng đặc quyền kinh tế biển… của nhân dân là rất quan trọng. Chính vì vậy, Đảng uỷ, chỉ huy Cục đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực biên soạn tài liệu, bồi dưỡng báo cáo viên, thành lập các tổ công tác tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan tới biển, thềm lục địa và chức năng của CSB đối với các địa phương ven biển; kết hợp cấp phát tờ rơi về những điều cần thiết khi đi biển, giúp nhân dân hiểu, chấp hành đúng pháp luật khi làm ăn trên biển. Cục đã  thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Nhà nước xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý biển, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng. Chủ động đề xuất, soạn thảo, xây dựng “Dự án xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2001-2010” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTG ngày 15-8-2002 và triển khai kịp thời đề án đó, đem lại hiệu quả thiết thực. Để bảo đảm phương tiện phục vụ công tác, Cục đã đề xuất và được cấp kinh phí đóng mới hàng chục tàu tuần tra, tàu kéo cứu nạn hiện đại; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác và sinh hoạt, như: doanh trại, cầu cảng, mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ.

Hiện nay, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường; đặc biệt, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hoá bất hợp pháp, hiện tượng tranh chấp ngư trường, đánh bắt, khai thác trái phép nguồn lợi thuỷ sản ngày một gia tăng; hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và cướp có vũ trang diễn ra phức tạp... Điều đó đòi hỏi phải tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên các vùng biển, thềm lục địa Tổ quốc, mà CSB đóng vai trò nòng cốt. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, lực lượng CSB phải triển khai toàn diện các mặt công tác, trong đó tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ CSB có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Hai là, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu, biên chế tổ chức lực lượng, trang bị kỹ thuật theo hướng gọn, mạnh, đủ năng lực đáp ứng tình hình mới. Tích cực xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh tiến độ thực hiện phân kỳ II dự án xây dựng lực lượng CSB Việt Nam giai đoạn 2001 -2010.

Ba là, triển khai thực hiện nghiêm Pháp lệnh Lực lượng CSB (sửa đổi), nhằm tiếp tục xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Bùi Sỹ Trinh

Chính ủy Cục Cảnh sát biển

 

Ý kiến bạn đọc (0)