QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:10 (GMT+7)
Cảnh giác và quyết tâm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn \\"diễn biến hoà bình\\", bạo loạn lật đổ ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới
"Diễn biến hoà bình" là một chiến lược tiến công, chống phá các nước XHCN bằng hình thức phi vũ trang là chính của các thế lực thù địch để giành "chiến thắng mà không cần chiến tranh". Đó là một chiến lược phản động, cực kỳ nguy hiểm nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Mác-Lê-nin, phá bỏ chủ nghĩa xã hội (CNXH), xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từng bước chuyển hoá các nước XHCN đi vào quĩ đạo chủ nghĩa tư bản. Để thực hiện chiến lược đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn coi Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng. Chúng tập trung chống phá ta một cách toàn diện, với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, trong đó vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới là một trọng điểm của chúng.

Là một quốc gia thống nhất bao gồm 54 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta cư trú ở những nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đây là những địa bàn chiến lược, xung yếu, là "phên dậu", trấn giữ , bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến trước đây, núi rừng Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ...là những khu căn cứ địa vững chắc của cách mạng, cung cấp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, ngày nay những vùng đất này đang bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá hết sức quyết liệt. Chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc để chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân, chia rẽ giữa đồng bào miền xuôi với miền ngược, giữa người Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số. Lợi dụng địa hình và địa bàn cư trú phức tạp, chúng tiến hành truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập các tổ chức phản động. Lợi dụng đời sống của đồng bào còn khó khăn, sự thoái hoá, biến chất, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, phủ nhận CNXH trên đất nước ta. Thủ đoạn hoạt động chính của chúng là tung tin thất thiệt, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, vu cáo chính quyền các cấp phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, tàn quân của các tổ chức phản động trước đây như FULRO, nguỵ quân, nguỵ quyền và các phần tử bất mãn. Một mặt, chúng tìm cách tập hợp những người có thành tích "bất hảo", có tiềm năng hợp tác với phương Tây để tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng chống đối. Mặt khác, chúng lợi dụng những khó khăn về đời sống và trình độ dân trí còn có những mặt hạn chế của đồng bào các dân tộc thiểu số, những yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương, cơ sở ở một số nơi để kích động, chia rẽ, nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, chế độ XHCN. Thủ đoạn thực hiện "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch được tiến hành lặng lẽ nhưng rất ráo riết trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó lấy việc gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm mất ổn định tình hình ở các địa bàn chiến lược là mục tiêu quan trọng hàng đầu của chúng.

Trên địa bàn Tây Nguyên, những gì đã diễn ra trong những năm qua càng cho chúng ta thấy rõ những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, bản chất xấu xa của cái gọi là "Nhà nước Đề Ga tự trị" và những kẻ đứng đằng sau nó. Nhằm phá hoại công cuộc đổi mới và sự nghiệp lao động hoà bình của nhân dân các dân tộc, chúng ra sức kích động, lôi kéo, gây sức ép, tổ chức gây bạo loạn lật đổ chính quyền; khoét sâu hận thù dân tộc, chia rẽ người Kinh và người Thượng, xúi giục những người nhẹ dạ, cả tin đòi đất đai, đòi quyền "dân tộc tự trị'. Bằng sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, ở trong thì lừa gạt, xúi giục, gợi ra "miền đất hứa" ở bên kia đại dương để tạo nên dòng người ra đi bất hợp pháp. Còn bên ngoài thì tập trung xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo; vu cáo chính quyền đàn áp, cấm đoán, buộc người dân tộc thiểu số phải ra đi... Làm như vậy, các thế lực thù địch mong đạt được mục đích: Tây Nguyên thường xuyên mất ổn định, luôn đầy hận thù, nghi kỵ, đối đầu. Hơn nữa, qua đó họ càng lớn tiếng cáo buộc Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, người dân tộc thiểu số bị phân biệt đối xử, bị chính quyền đàn áp, người Kinh chèn ép... Từ đó chúng hô hào lập trại tị nạn ở bên kia biên giới và biến nó thành căn cứ chứa chấp những kẻ quá khích, trở về quấy rối, phá hoại sự ổn định trên địa bàn. ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, chúng sử dụng chiêu bài "xưng vua", "đón chúa", lập ra cái gọi là"vương quốc Mông', "xứ Thái tự trị" để lôi kéo, lừa phỉnh đồng bào các dân tộc thiểu số.  ở một số địa phương, chúng tung tin "vua" đã về và ai không theo "vua" sẽ bị trừng phạt, để gây sức ép đối với đồng bào. Một số nơi chúng lén lút truyền đạo trái pháp luật, âm mưu thay thế những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số (như thờ cúng tổ tiên) bằng các nghi lễ xa lạ... làm cho trong các dòng tộc, trong nhiều gia đình xung khắc với nhau, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ sâu sắc... Thực hiện được âm mưu đó, chúng sẽ đạt được mục tiêu kép: không những làm mai một các phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của các dân tộc, mà còn gây ra  mất ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn. Còn ở Tây Nam Bộ, các thế lực chống phá cách mạng lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại nhằm khơi dậy những mâu thuẫn dân tộc chống phá các chủ trương, chính sách đoàn kết giữa chính phủ và nhân dân hai nước láng giềng; kích động đồng bào Khơ-me đòi tự trị, " giải phóng Khơ-me-Crôm". Lợi dụng mâu thuẫn về đất đai trong nhân dân để kích động chống đối chính quyền. Lợi dụng địa bàn biên giới, nơi bà con các dân tộc thường qua lại thăm thân để hoạt động phá hoại làm mất ổn định khu vực, chia rẽ tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước,v.v.
Như vậy, trong thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", chống phá nước ta trên các địa bàn đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, các thế lực thù địch đã ý thức rõ vị trí, ý nghĩa chiến  lược của các vùng đất này, đồng thời chúng cũng theo dõi nắm chắc những thiếu sót, khuyết điểm của chính quyền cơ sở, dùng đủ mọi mưu mô xảo quyệt để chống phá ta. Mục tiêu của chúng là làm cho các địa bàn này luôn luôn mất ổn định. Phương thức và thủ đoạn thực hiện của chúng rất toàn diện cả về chính trị-tư tưởng, văn hoá-xã hội và quốc phòng-an ninh; có sự kết hợp chặt chẽ giữa chống đối trong nước và ngoài nước, sự phối hợp của các lực lượng chống đối  trên các địa bàn cả nước... Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh này là hết sức gay go, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác và có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, trên  nhiều lĩnh vực, với nhiều lực lượng tham gia, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trước đây, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng với nhân dân cả nước đổ bao nhiêu xương máu, hy sinh mới giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, giữ yên bờ cõi. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bằng lao động sáng tạo, nhiệt tình, hăng say của  nhân dân các dân tộc và sự phối hợp, giúp đỡ của cả nước, những năm qua, các vùng đất này đã có những biến đổi mạnh mẽ. Trên địa bàn Tây Nam Bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 là 10,41%, GDP bình quân đầu người là 493 USD; các hộ nghèo nay chỉ còn 11,05%; tỷ lệ nông dân được dùng điện lưới là 87,9%. Còn các tỉnh ở Tây Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, sức mạnh quốc phòng, an ninh được tăng cường và củng cố ngày càng vững chắc; lòng tin của người dân đối với Đảng, đối với chế độ càng tăng lên.., nhờ đó đã vô hiệu hoá được các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc địa bàn vùng dân tộc, miền núi, biên giới của Tổ quốc. Tuy nhiên, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đòi hỏi chúng ta phải tập trung xây dựng các địa bàn này thật sự vững mạnh về mọi mặt. Không ngừng chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; quan tâm xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc; củng cố "thế trận lòng dân", xây dựng lực lượng  vũ trang địa phương vững mạnh, đủ sức phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, phòng chống có hiệu quả mọi hoạt động  phá hoại của các thế lực thù địch ngay trên địa bàn.
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, một lòng, một dạ theo Đảng, theo cách mạng của đồng bào các dân tộc. Qua đó nâng cao giác ngộ ý thức dân tộc, đề cao lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trong đó có lợi ích của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn"diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch để đồng bào các dân tộc hiểu rõ bản chất, luôn đề cao cảnh giác, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ phá hoại của chúng. Chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh; củng cố các tổ chức quần chúng, như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...đồng thời phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, làm nòng cốt, tạo thành lực lượng đấu tranh phòng chống"diễn biến hoà bình" mạnh mẽ, rộng khắp ở địa phương, cơ sở. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng nhân dân bàn bạc tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, không để phát sinh thành "điểm nóng". Chủ động nắm chắc tình hình địa phương, phát hiện và xử lý kịp thời những mâu thuẫn trong nhân dân theo đúng pháp luật, không để địch lợi dụng kích động, biến mâu thuẫn nội bộ thành mâu thuẫn đối kháng. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xoá đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhà nước cần có những dự án có tính khả thi, sát yêu cầu thực tế của nhân dân, như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, điện, nước sinh hoạt, bưu chính-viễn thông, phát thanh-truyền hình và các trung tâm thương mại, dịch vụ... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh ở các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới. Đồng thời không ngừng nâng cao trình độ dân trí, phát triển giáo dục, y tế; chăm lo xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Đây vừa là yêu cầu bức thiết của việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của đồng bào các dân tộc, vừa là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng chống"diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới.
 
Đại tá, ts. Trần Nam Chuân
           
 

Ý kiến bạn đọc (0)