QPTD -Thứ Ba, 30/08/2011, 23:54 (GMT+7)
Cải cách hành chính với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Ngày nay, quy luật đó được biểu hiện tập trung trong hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, đã được Đảng ta xác định là: xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ này, những năm qua, nhất là trong  hơn 20 năm đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta không ngừng đổi mới, củng cố xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về mọi mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh (QP-AN). Xây dựng và hoàn thiện nhà nước, trọng tâm là cải cách hành chính, luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương và các biện pháp cải cách hành chính đã được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII); Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 6 (lần 2), Trung ương 7 (khoá VIII); Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX)...  Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: để phát triển đất nước mạnh mẽ hơn và bền vững hơn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, coi cải cách hành chính là một khâu quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trưng ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước”. Nghị quyết đã thể hiện chủ trương và quyết tâm chính trị của Đảng ta về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu: “xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực; hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế; đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.

Việt Nam đang trên đà hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, có nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội (KT-XH), QP-AN được đặt ra cho cả giai đoạn trước mắt và lâu dài. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi Nhà nước phải huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân (ANND); kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH. Trong bối cảnh đó, cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch và từng bước hiện đại hoá để quản lý có hiệu lực và hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời kỳ mới. Để đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần phải tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp; trong đó, tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:

Trước hết, tiếp tục cải cách, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường tiềm lực QP-AN. Những năm qua, chúng ta đã tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, các thể chế về nhà nước pháp quyền XHCN. Trong đó, đã tập trung rà soát, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, tạo môi trường hành chính - pháp lý thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy KT-XH phát triển và tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN.

Cải cách nền hành chính nhà nước đã làm chuyển biến đáng kể hệ thống thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng ngày càng phù hợp với thực tiễn nước ta và luật pháp, thông lệ quốc tế. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được hình thành khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh các thành phần kinh tế. Thể chế về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, của hệ thống hành chính và công chức, công vụ được chú trọng đổi mới để bảo đảm thích ứng với yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện cơ chế kinh tế mới.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, tạo điều kiện để Nhà nước quản lý bằng pháp luật, người dân sống và làm việc theo pháp luật là tiền đề tạo sự ổn định cho xã hội. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, luật pháp để bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, dân chủ hoá đời sống xã hội đã có bước tiến tích cực. Các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, về giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức, về công khai ngân sách, cải cách thủ tục hành chính… đã tạo điều kiện để nhân dân tham gia trực tiếp vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần thiết thực vào ổn định chính trị, xã hội và huy động các nguồn lực, nhất là nội lực để phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực QP-AN.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các thể chế, pháp luật về an ninh, quốc phòng, như ban hành Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, các văn bản pháp quy về giáo dục QP-AN… đã góp phần thực hiện đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trên các lĩnh vực. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới.   

Hai là, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, tổ chức hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua cải cách, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước đã được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn, quản lý nhà nước tốt hơn; chất lượng cán bộ, công chức được nâng lên; hệ thống tài chính công được tích cực xây dựng và từng bước hoàn thiện, hiệu lực hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước được tăng cường hơn…Những kết quả này đã trực tiếp góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, tạo tiền đề để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, QP-AN ở cơ sở được tăng cường, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, quá trình cải cách hành chính sẽ tiếp tục làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước, theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại và đúng với vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo tinh gọn, hợp lý. Đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp Trung ương - địa phương, tăng cường hơn nữa tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trên các nhiệm vụ được phân cấp. Tập trung xây dựng các Bộ, để làm tốt chức năng chủ yếu là xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đối với các lĩnh vực được phân công, tổ chức chỉ đạo, thực hiện và đôn đốc việc kiểm tra, thanh tra việc chấp hành. Theo tinh thần đó, Chính phủ tiếp tục làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trong đó, chú trọng thực hiện những vấn đề đã được Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) xác định: "Đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hoá thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc thực hiện chủ trương này phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả".

Đối với chính quyền địa phương sẽ khẩn trương xây dựng và đưa vào thực hiện quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Kiện toàn thống nhất hệ thống các cơ quan chuyên môn của các cấp chính quyền. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Tích cực thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng trong các cơ quan hành chính. Thực hiện thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định phê chuẩn. Xây dựng chính quyền cơ sở gần dân, vững mạnh toàn diện coi đó là yếu tố quan trọng để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (quận, thị xã) vững chắc.

Công tác quân sự, quốc phòng (QS,QP) địa phương được tổ chức thực hiện ở từng địa phương trong cả nước. Mỗi địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế, truyền thống, phong tục tập quán, trình độ dân trí khác nhau. Do đó, trong quá trình thực hiện, nếu các địa phương nắm vững nhiệm vụ QS,QP, có chủ trương, biện pháp sát hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ sở thì công tác QS,QP mới đạt hiệu quả thiết thực.

Đối với các cơ quan tham mưu về công tác QS,QP ở địa phương như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thành phố), Ban Chỉ huy Quân sự huyện (quận…) phải thường xuyên được củng cố, kiện toàn để từng bước đáp ứng nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Đảng, giỏi về chuyên môn, tận tuỵ phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính. Thực tiễn cách mạng nước ta luôn khẳng định, con người là nhân tố quyết định, bảo đảm sự thành công của cách mạng. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, cũng cần coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất cách mạng, nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Đối với những cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất, tham nhũng, quan liêu, vi phạm pháp luật cần phải kịp thời nghiêm trị theo đúng pháp luật.

Bốn là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân nhằm huy động được sức mạnh của nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" thực sự vững chắc. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, giải quyết tốt mối quan hệ với dân, làm cho dân tin tưởng vào chính quyền sẽ phát huy được sức mạnh đại đoàn  kết toàn dân. Trong thời gian tới, cải cách hành chính tiếp tục tập trung cải cách mạnh và làm đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính. Xây dựng và đưa vào thực hiện các quy định về quyền được thông tin của người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan hành chính. Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân trong quá trình quản lý hành chính; hạn chế tối đa các oan sai và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quá trình cán bộ, công chức Nhà nước thi hành công vụ; khẩn trương xây dựng để ban hành Luật về bồi thường nhà nước. Tạo lập cơ sở pháp luật nhằm bảo đảm quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước ngày càng thực chất và có hiệu quả; đảm bảo cho người dân, cho tổ chức là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật được tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Nhà nước thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm quyền được thông tin của nhân dân.

Khẩn trương xây dựng các quy định về chế độ công khai, như: công khai thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan hành chính; quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc của dân, của các tổ chức; công khai ngân sách, tài chính; công khai báo cáo kiểm toán; công khai tài sản của cán bộ, công chức và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức... theo quy định của pháp luật.

Năm là, đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng, xây dựng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN hiện nay. Lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền QPTD và nền ANND, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội và công an, điều quan trọng hàng đầu, có tính nguyên tắc là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động QP-AN. Trên cơ sở đó, đảm bảo cho quân đội và công an thống nhất ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ và nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng nền QPTD và ANND vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, tích cực đổi mới công tác giáo dục QP-AN cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và cho toàn dân. Củng cố, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, công an ở cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự, công an ở cơ sở. Đồng thời, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên, công an ở cơ sở và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn để đảm bảo cho các lực lượng này thực sự là lực lượng nòng cốt xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương cơ sở.

Các chủ trương, giải pháp về cải cách hành chính mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đề ra, xét đến cùng, là nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới; trong đó, đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhằm "Xây dựng nền QPTD và ANND vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ".

TS. TRẦN VĂN TUẤN

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

 

Ý kiến bạn đọc (0)