QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:36 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Tám và việc phát huy cơ chế “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; khơi nguồn cho các thắng lợi tiếp theo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Những bài học của Cách mạng Tháng Tám đã đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, trong đó có việc phát huy cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong giai đoạn hiện nay. 

  

Một trong những bài học quý của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là: sự thống nhất cao độ giữa ý Đảng và lòng dân. Nhờ có sự thống nhất đó, nên trong điều kiện một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu; chịu sự thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến; dù chỉ có gần 5.000 đảng viên, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành thành công cuộc cách mạng “long trời, lở đất”. Có được sự thống nhất đó, là do Đảng có đường lối đúng đắn, sáng tạo; thể hiện tập trung ở việc: giương cao ngọn cờ dân tộc - dân chủ, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, nhằm mục tiêu xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên CNXH. Cùng với đó, Đảng đã có sách lược chỉ đạo trong cách mạng phù hợp: “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, với tư tưởng “đại đoàn kết” và tiến hành sách lược phân hóa hàng ngũ kẻ thù, chọn đúng thời cơ, tiến công kiên quyết và khéo léo; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang rộng khắp để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền...

Ý Đảng hợp lòng dân được thể hiện rõ nét ở chỗ: sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng được kết hợp chặt chẽ, kịp thời với tính chủ động, sáng tạo của cơ sở và quần chúng nhân dân; qua đó, đã tranh thủ được thời cơ khởi nghĩa và phát huy cao độ những yếu tố cơ bản cả về tư tưởng và tổ chức, bảo đảm cho Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi.

Thứ nhất, tính chủ động của các địa phương, đặc biệt là các cơ sở làng, xã đã chớp thời cơ khởi nghĩa để giành chính quyền. Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, tại Tân Trào, Hội nghị Đảng toàn quốc đã họp để ra quyết định Tổng khởi nghĩa và sau đó, ngày 16 và 17, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã quyết định các vấn đề cơ bản của cách mạng: Quốc kỳ, Quốc ca, bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời),... Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã được thành lập (ngày 13 tháng 8); ngay tối hôm đó, đã ban bố Quân lệnh số 1, phát động các địa phương nổi dậy giành chính quyền, với tư tưởng chỉ đạo: “tập trung, thống nhất, kịp thời”. Tuy nhiên, ở một số nơi, khi Lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương chưa kịp đến, nhiều địa phương đã chủ động tổ chức quần chúng nổi dậy giành chính quyền, như Ba Tơ, Quảng Ngãi (ngày 12 tháng 8). Đến ngày 18 tháng 8, hầu hết các tỉnh miền Bắc, ở cấp xã, huyện và nhất là 4 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam, Việt Minh đã giành được chính quyền. Chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945, tại Ngọ Môn (Huế), trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, Phái đoàn Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chấp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại và tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.

 Cách mạng Tháng Tám tuy diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn về mọi mặt, nhất là phương tiện thông tin liên lạc còn rất lạc hậu, nhưng mọi chỉ đạo của Trung ương vẫn kịp thời đến với cơ sở và quần chúng nhân dân. Chỉ trong khoảng thời gian 15 ngày, chúng ta đã lật đổ được chế độ cũ, thiết lập được chính quyền nhân dân trên phạm vi cả nước. Có được kết quả đó là nhờ có sự thống nhất cao độ về ý chí và hành động trong cả nước (từ Trung ương đến cơ sở, từ vùng sâu đến vùng xa, cả trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân), không chỉ biểu hiện quyết tâm giành độc lập tự do, mà còn biểu hiện rõ nghệ thuật chớp thời cơ, chủ động phát động quần chúng giành chính quyền theo tinh thần Chỉ thị của Trung ương, ngày 12 tháng 3 năm 1945: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Thứ hai, sự vận hành thông suốt của mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Việt Minh. Nhận rõ vai trò của Mặt trận trong tổ chức rộng rãi lực lượng cách mạng, mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng đều chủ trương tổ chức Mặt trận: Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương. Mặt trận Việt Minh ra đời trên cơ sở tinh thần hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941). Hội nghị xác định: cuộc cách mạng trước mắt của nhân dân ta là cách mạng giải phóng dân tộc, đặt lên hàng đầu là vấn đề giải phóng dân tộc, đòi độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc. Mặt trận Việt Minh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ các hình thức tổ chức mặt trận trước đây, tránh được những sai lầm tả khuynh: cô độc, hẹp hòi, chỉ phát triển lực lượng trong công, nông, không tận dụng những khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để đưa phong trào tiến lên và những sai lầm hữu khuynh khác, như: bệnh hợp pháp, sao nhãng việc củng cố tổ chức bí mật của Đảng, hợp tác vô nguyên tắc với bọn tơ-rôt-xkit... Chương trình Việt Minh ra đời đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, được đông đảo mọi lực lượng, mọi thành phần yêu nước tham gia tích cực. 

Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng không công khai hoạt động. Với số lượng đảng viên còn ít, một số đảng viên bị kẻ thù giam cầm trong các nhà tù, nên Mặt trận Việt Minh là chủ thể chính trị duy nhất đóng vai trò quyết định việc tập hợp, huấn luyện cho quần chúng tiến hành đấu tranh cách mạng và nổi dậy giành chính quyền. Nhiều địa phương và cấp bộ không có tổ chức Đảng hiện hữu, nhưng mọi hoạt động của Mặt trận trong cả nước đều thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã kết hợp truyền bá “chủ nghĩa”, “đưa chính trị vào nhân dân” thông qua Cương lĩnh, đường lối của mình và quán triệt tư tưởng của Cương lĩnh, đường lối vào Chương trình hoạt động của Việt Minh. Từ thực tiễn hoạt động của Mặt trận, Đảng đã đào luyện được đội hậu bị quân hùng hậu đáp ứng cho các phong trào cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền công nông được thiết lập, nhưng Đảng vẫn khẳng định vai trò của mình là thành viên của Mặt trận Việt Minh và tôn vinh vai trò của Mặt trận trong cơ cấu thể chế chính trị lúc đó. Trong Quốc hội, Việt Minh nhân danh tổ chức chính trị của toàn dân đấu tranh chống lại các Đảng Việt quốc, Việt cách, bảo vệ chính quyền và động viên nhân dân cả nước chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến chống thực Pháp dân xâm lược...

Từ việc phân tích những nét đặc sắc nổi bật trong Cách mạng Tháng Tám, chúng ta có thể nghiên cứu, vận dụng, phát huy tính ưu việt của nền dân chủ XHCN trong thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong giai đoạn hiện nay.

 Trong cơ chế đó, có ba chủ thể: Đảng, Nhà nước và nhân dân với các chức năng khác nhau. Nếu nhận thức biệt lập từng chủ thể thì có thể dẫn đến mâu thuẫn: nói nhân dân làm chủ, nhưng chỉ thấy nhân dân là đối tượng của lãnh đạo và của quản lý. Theo chúng tôi, ở đây cần nhận thức rõ thực chất bên trong về sự thống nhất biện chứng giữa các chức năng của các chủ thể, xuất phát từ bản chất của chế độ do nhân dân làm chủ. Sự thống nhất biện chứng đó cần được hiểu: Nhân dân với đội tiên phong, bộ tham mưu là Đảng Cộng sản, làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, thực hiện sự quản lý xã hội, quản lý đất nước; trong đó, nhân dân tự quản lý mình bằng công cụ quyền lực do mình bầu ra, theo quy chế dân chủ trực tiếp hoặc gián tiếp, hoạt động tuân thủ pháp chế thể hiện ý chí của nhân dân, gọi là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Như vậy, dân là gốc trong sự vận hành của cơ chế được thể hiện ở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước định ra là từ dân, vì dân và được nhân dân thực hiện. Mỗi đảng viên, cán bộ trong các tổ chức đảng và Nhà nước cũng là dân, “công bộc” của dân, không phải tầng lớp riêng biệt; mọi người đều có chung quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân, hướng tới mục tiêu cao nhất là thực thi quyền làm chủ của nhân dân.

Nhận thức đúng về mối quan hệ biện chứng của các thành tố trong vận hành cơ chế sẽ tạo được sự đồng thuận xã hội, đảm bảo thống nhất giữa “lòng Dân, ý Đảng và phép Nước”; tác động tích cực đến đời sống cộng đồng, thực hiện hài hòa về dân chủ và kỷ luật, kỷ cương; quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân. Đó là bản chất của nền dân chủ XHCN mà mọi hoạt động lãnh đạo và quản lý cần phải quán triệt sâu sắc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi sự chống phá Đảng, chống phá chế độ của các thế lực thù địch luôn hướng trọng tâm vào phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, làm cho dân đối lập với Đảng, Nhà nước; chúng lợi dụng những khiếm khuyết của Đảng và Chính quyền trong lãnh đạo, quản lý để cường điệu hóa, dựng chuyện, xuyên tạc, cố tình phủ nhận mọi thành tựu trong xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; bôi nhọ nhân cách các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Để tăng cường sự thống nhất chính trị tinh thần, sự đồng thuận xã hội, thực hiện hài hòa các mối quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong vận hành cơ chế, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề sau:

1. Mở rộng áp dụng hình thức đối thoại trực tiếp với nhân dân. Đây là giải pháp cơ bản cả trước mắt và lâu dài, nhằm phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân. Với thành phần tham dự rộng, hẹp khác nhau, tùy thuộc vào nội dung quan trọng và độ mật, giữa tổ chức Đảng, Nhà nước các cấp với những đối tượng (tập thể và cá nhân) thảo luận, đề xuất ý kiến đóng góp, phản biện về những vấn đề xã hội quan tâm để tiếp thu những ý tưởng tốt, phát triển lý luận và điều chỉnh, hoàn thiện chủ trương, chính sách hoặc để giải tỏa những vấn đề bức xúc lan truyền trong dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những cuộc đối thoại có tính chuyên đề như vậy chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, những nhà hoạt động xã hội có kinh nghiệm, các lão thành cách mạng và có giá trị hết sức thiết thực.

2. Tăng cường vị thế của Mặt trận Tổ quốc các cấp nhằm phản ánh đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân trong vận hành của cơ chế. Mặt trận với các đoàn thể, tổ chức thành viên của mình ở các cấp là đại diện cho các tầng lớp dân cư, thực hiện vai trò làm chủ của nhân dân trong vận hành cơ chế tại mỗi cấp; thể hiện tính chất làm chủ của nhân dân là có tổ chức, có tính cộng đồng và Mặt trận chính là một chủ thể trong vận hành cơ chế. Vấn đề đặt ra ở đây là, nếu dừng lại ở quan niệm: Mặt trận chỉ có “quyền giám sát phản biệnquyết định và quyền hưởng thụ thành quả cách mạng của mình là vẫn thu hẹp quyền làm chủ của nhân dân. Trong đổi mới công tác Mặt trận, cần nghiên cứu thấu đáo những bài học của mối quan hệ Đảng và Mặt trận Việt Minh để bảo đảm thực sự Mặt trận Tổ quốc là tổ chức của nhân dân làm chủ, không để “công sở hóa”, “hành chính hóa” hoạt động của Mặt trận; tập trung khắc phục tư tưởng coi tổ chức Mặt trận ở mỗi cấp là cấp dưới của cấp ủy đảng và tổ chức chính quyền trong vận hành cơ chế tại cấp đó. Đối với Đảng, Nhà nước và cán bộ, công chức”; dân chỉ được “biết, bàn, làm, kiểm tra”, mà không nêu quyền

3. Để phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân trong vận hành cơ chế, Mặt trận phải đề cao trách nhiệm trong những quyết sách của Đảng và Nhà nước, chủ động đề xuất với cấp ủy và chính quyền hoặc cùng tham gia với cấp ủy và chính quyền, trực tiếp là các tổ chức dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) quyết định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân trong thực hiện các quyết sách đó; cùng với cơ quan tổ chức - cán bộ của Đảng và Nhà nước làm tốt công tác nhân sự: phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đề xuất nhân sự cho các tổ chức dân cử,... Làm tốt những vấn đề đó, sẽ góp phần tích cực ngăn ngừa và khắc phục được sự suy thoái về chính trị, đạo đức trong xã hội, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” và bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch. Với cơ cấu Đảng Cộng sản là thành viên trong hệ thống chính trị; Đảng phát huy tốt vai trò tiên phong của đội ngũ đảng viên trong các tổ chức chính trị - xã hội, trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhất định toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ tiến hành thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong giai đoạn mới.

Đại tá, PGS. HỒ KIẾM VIỆT

 

Ý kiến bạn đọc (0)