QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:37 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Mười với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

1- Cách đây hơn 90 năm, ngày 7-11-1917, cuộc cách mạng XHCN làm “rung chuyển thế giới” do V.I. Lê-nin vĩ đại lãnh đạo đã thắng lợi ở nước Nga. Đây là một trong những cuộc cách mạng có ý nghĩa vĩ đại nhất, bởi nó mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển của xã hội loài người, mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Cuộc cách mạng ấy ngay lập tức đã được triệu triệu người lao động cần lao trên thế giới đồng tình, hưởng ứng. Mặc cho các thế lực áp bức, bóc lột, từ chỗ bàng hoàng, giận dữ, đến chỗ tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc và phản kích hết sức quyết liệt, song Cách mạng Tháng Mười vẫn giữ nguyên giá trị “vạch thời đại”, vẫn là niềm cổ vũ cho những ai có lương tri với khát vọng vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Từ sau Cách mạng Tháng Mười đến nay, lịch sử đã lùi xa gần một thế kỷ. Quãng thời gian đó, mặc dù đã trải qua nhiều biến cố khốc liệt; chế độ XHCN ở quê hương Cách mạng Tháng Mười và các nước Đông Âu sụp đổ; cách mạng thế giới lâm vào thoái trào và có bước thụt lùi nghiêm trọng; song, dường như lịch sử càng lùi xa thì giá trị của cuộc Cách mạng càng toả sáng. Trong “một thế giới không thể chấp nhận được” của thời kỳ CNTB toàn cầu hoá, Cách mạng Tháng Mười vẫn là biểu tượng cho những khát vọng chân chính của nhân loại tiến bộ. Cuộc đại khủng hoảng của CNTB vào những năm 1929-1933; sự ra đời của hệ thống các nước XHCN sau năm 1945 và cùng với nó là phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các dân tộc thuộc địa; sự hồi phục bước đầu của phong trào XHCN ở châu Âu; sự phát triển của phong trào cánh tả ở các nước Mỹ La tinh; những thành công của công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam;… là những minh chứng cho thấy sức sống vĩ đại của học thuyết Mác-Lê-nin và của Cách mạng Tháng Mười.

Trong lịch sử nhân loại, đã từng có nhiều cuộc cách mạng có vai trò đặc biệt, làm thay đổi diện mạo của thế giới, thay đổi số phận của các dân tộc, song Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhất. Cách mạng tháng Mười không chỉ là sự thay đổi chính quyền từ tay giai cấp thống trị bóc lột sang tay giai cấp vô sản và nhân dân lao động, mà cơ bản hơn, nó thủ tiêu mọi hình thức áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội mới – xã hội XHCN. Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, vượt qua nhiều thử thách hiểm nghèo, Cách mạng Tháng Mười không chỉ trụ vững mà còn đạt được nhiều thành tựu to lớn; không chỉ đập tan sự can thiệp vũ trang của chủ nghĩa đế quốc, kết thúc nội chiến, mà còn biến nước Nga Sa hoàng từ chỗ là “nhà tù của các dân tộc”, trở thành một liên bang, mà ở đó, các dân tộc đều bình đẳng, hợp tác và cùng tiến bộ, tạo ra tiềm lực cho đất nước đủ sức đánh bại chủ nghĩa phát-xít, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng XHCN.

Những thập kỷ sau khi Liên bang Xô viết được thành lập, nhân loại đã chứng kiến những thành tựu to lớn trên quê hương Cách mạng Tháng Mười. Liên Xô trở thành lực lượng quyết định nhất tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người khỏi thảm họa huỷ diệt. Chỉ trong vòng 20 năm sau chiến tranh, Liên Xô đã đạt được những thành tựu vĩ đại trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng; là nước đầu tiên khai phá con đường chinh phục vũ trụ, đưa năng lượng hạt nhân vào phục vụ mục đích hoà bình; tiến tới những đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Liên Xô đã trở thành trụ cột của hoà bình thế giới, có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế. Sự thực khách quan đó không một thế lực nào có thể phủ nhận và xuyên tạc.

Không chỉ đem lại cho giai cấp vô sản và những người lao động toàn nước Nga một cuộc đời mới, Cách mạng Tháng Mười còn làm thức tỉnh toàn thể nhân loại, nhất là với các dân tộc thuộc địa, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, quyết định vận mệnh của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã làm thay đổi trật tự thế giới theo chiều hướng tiến bộ của lịch sử, tạo ra cơ sở và khai phá con đường phát triển mới cho các quốc gia, dân tộc theo xu hướng độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Không chỉ làm lung lay tận gốc rễ chủ nghĩa đế quốc ở trung tâm của nền thống trị của nó, Cách mạng Tháng Mười còn là đòn chí mạng đánh vào hậu phương của chủ nghĩa đế quốc, đánh dập những chiếc vòi bạch tuộc của chủ nghĩa đế quốc đang vươn dài ra các xứ thuộc địa và phụ thuộc; cổ vũ, phát động cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ở châu á, châu Phi, châu Mỹ; đồng thời, chỉ cho họ con đường và khả năng tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng ấy. Làn gió Cách mạng XHCN Tháng Mười và nước Nga Xô viết đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, bởi nó đáp ứng khát vọng giải phóng xã hội, giải phóng con người một cách triệt để và sâu xa. Đó là sự khác biệt về chất so với các cuộc cách mạng tư sản, mở ra kỷ nguyên mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của các dân tộc bị nô dịch và phụ thuộc trên thế giới.

Là biểu tượng của niềm tin, Cách mạng Tháng Mười đã trở thành tiêu điểm thu hút và tập hợp các lực lượng tiến bộ đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của nhân loại. Quá trình quốc tế hoá cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc đưa đến sự hình thành liên minh phong trào vô sản và phong trào giải phóng dân tộc. Tháng 3/1919, Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III được thành lập, đánh dấu bước ngoặt về sự phát triển tinh thần liên hiệp, đoàn kết của những người vô sản và các dân tộc bị áp bức trong trận tuyến đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Vì lý tưởng Cách mạng Tháng Mười, vì nền hoà bình cho nhân loại, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN mà còn cứu loài người khỏi hoạ diệt chủng phát-xít, tạo điều kiện cho cách mạng nhiều nước phát triển và giành thắng lợi. Bởi vậy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi những điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi, một loạt các nước ở Đông Âu, châu Á, châu Mỹ đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và đi theo con đường XHCN, trong đó có thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phong trào cách mạng dân tộc dân chủ ở các nước Á-Phi, Mỹ La tinh, cùng với các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở các nước tư bản đã hợp thành dòng thác chung của phong trào cách mạng thế giới đi lên CNXH. Bộ mặt hành tinh đã đổi thay khi CNXH trở thành một hệ thống đưa thế giới vận động, phát triển theo xu hướng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Sự phát triển của hệ thống XHCN thế giới, của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước đã trở thành đặc điểm và nội dung lớn của thời đại.

Cùng với những giá trị vĩ đại đó, Cách mạng Tháng Mười còn chứng minh cho ta một kiểu mẫu về cách giải quyết các vấn đề cơ bản của cách mạng như: vấn đề chuyên chính vô sản; xây dựng lực lượng đồng minh của giai cấp vô sản; vấn đề dân tộc và thuộc địa; chiến tranh và hoà bình; vấn đề xây dựng chính đảng cách mạng; về mối quan hệ giữa cách mạng XHCN ở một nước và cách mạng thế giới;... Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện CNTB đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; đã làm cho CNXH từ lý thuyết trở thành hiện thực. Lý luận của C. Mác, vì thế, đã trở thành sức mạnh vật chất cải tạo thế giới. Điều đó bắt buộc chủ nghĩa đế quốc, CNTB phải có những điều chỉnh để thích nghi, tồn tại.

2- Đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa và ảnh hưởng vô cùng to lớn, sâu sắc trên nhiều phương diện, cả về lý luận và thực tiễn, trong thời kỳ trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; cả trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cũng như trong cách mạng XHCN và sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay.

Ngay từ khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, khi đến với Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin (7/1920), Nguyễn ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Dưới tác động “thức tỉnh” của Cách mạng Tháng Mười, được Luận cương của V.I. Lê-nin soi sáng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc, chỉ có đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động toàn thế giới khỏi bị “đọa đầy đau khổ”, khỏi mọi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, phong kiến. Người khẳng định: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”1.

Đi theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, cách mạng Việt Nam đã vượt nhiều thác ghềnh để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nền dân chủ cộng hoà và Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc và ở Đông Nam Á. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã huy động sức mạnh vĩ đại của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để làm nên chiến công oanh liệt, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước quá độ đi lên CNXH. Đó là những bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Có thể nói, không có đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc đúng đắn, không có chủ nghĩa Mác – Lê-nin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười, không có sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô và các nước XHCN anh em thì không thể có thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, sự lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, phù hợp với quá trình tiến hoá của lịch sử dân tộc và xu thế của thời đại.

Bước vào thời kỳ đổi mới, một lần nữa, bài học về việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH lại được Đảng ta vận dụng một cách sáng tạo. Nhờ vậy, cách mạng nước ta đã vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Kiên định mục tiêu và kiên trì những nguyên tắc trong đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Để đi lên CNXH, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH, HĐH; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”2. Đường lối, chủ trương đó đang từng bước được hiện thực hoá và chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà chúng ta xác định chắc chắn sẽ thành hiện thực.

3- Thế giới ngày nay có những điểm khác so với năm 1917 và càng khác xa so với thời kỳ C. Mác cách đây gần 160 năm, nhưng lịch sử nhìn chung vẫn không đi ra ngoài những quy luật đã được chủ nghĩa Mác - Lê-nin khám phá. Tính chất thời đại được vạch ra từ Cách mạng Tháng Mười, đến nay vẫn không thay đổi. Loài người vẫn đang trong thời đại quá độ lên CNXH. Những  biến cố ở Liên Xô và Đông Âu tuy đã làm cho phong trào XHCN thế giới lâm vào thoái trào, ở một mức độ nào đó đã kéo dài tiến trình quá độ lên CNXH, nhưng những nước XHCN còn lại đã khẳng định sức sống của mình, vượt qua những thời điểm ngặt nghèo để tiếp tục tạo lập những tiền đề mới cho bước phát triển mới của CNXH trong quá trình cải cách, mở cửa, đổi mới (Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba…). Đó là những biểu hiện sinh động về một giai đoạn mới trong quá trình trưởng thành của CNXH và là minh chứng cho khả năng và nội dung bỏ qua chế độ TBCN để đi lên CNXH. Tương lai của CNXH trên phạm vi thế giới phụ thuộc rất lớn và trực tiếp vào thắng lợi của những cuộc cải cách, đổi mới như thế. Điều đó đặt ra cho những người XHCN chân chính và các đảng mác-xít phải luôn tìm kiếm hình thức mới, nội dung mới cho CNXH phù hợp với đặc điểm của mỗi nước và của thời đại. Việc vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê-nin phải là một thể thống nhất không tách rời. Chỉ có trên cơ sở nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; trung thành và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lê-nin; ra sức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm của các thế lực thù địch phủ định, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuyên tạc giá trị Cách mạng Tháng Mười, mới xác định đúng đắn mục tiêu, con đường, biện pháp, hình thức, bước đi phù hợp của CNXH ở mỗi nước.

Chứng kiến những đổi thay của nhân loại trong giai đoạn CNTB toàn cầu hoá hiện nay, chúng ta thấy, mặc dầu đã có những điều chỉnh nhất định, song bản chất bóc lột của CNTB vẫn không hề thay đổi. Xã hội đó vẫn tích tụ trong nó những khả năng tiềm tàng cho khủng hoảng và bất ổn. Sự phân cực giàu có và nghèo đói, nguy cơ chiến tranh hạt nhân và nạn khủng bố quốc tế cùng nhiều vấn nạn khác phát sinh từ CNTB, mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là một ví dụ, đang đẩy CNTB tiến nhanh trên con đường bị phủ định. Rốt cuộc, nhân loại vẫn cần một lý tưởng mới, một con đường mới mà Cách mạng Tháng Mười là hiện thân. Có lẽ, sự hồi phục của phong trào XHCN ở châu Âu; sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cánh tả ở một loạt nước Mỹ La tinh; sự thành công bước đầu trong công cuộc cải cách ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam;… đang là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi theo một hướng khác, tốt đẹp hơn của nhân loại.

Từ những điều kiện, tiền đề và khả năng hiện thực, chúng ta tin tưởng, CNXH nhất định sẽ vượt qua thử thách để có bước phát triển mới. Đúng như Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (2001) đã nhận định: “CNXH trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”3. CNXH được Cách mạng Tháng Mười khai sáng vẫn đang theo xu hướng tiến lên phía trước, tiếp tục phát triển trong lòng nhân loại, hấp thu tinh hoa nhân loại và nở hoa kết trái. Lý tưởng XHCN vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới. Cùng với dòng chảy thời gian, từ sâu thẳm trong ký ức mỗi chúng ta, những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại vẫn còn hiển hiện sinh động trong đời sống của nhân loại. Đó là những mục tiêu cao cả mà nhân loại tiến bộ đang đoàn kết và nỗ lực đấu tranh vươn tới: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

GS,TS. Lê Hữu Nghĩa

_______________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb. CTQG, H. 2000, tr. 280.

2- ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H. 2006,  tr. 69.

3- ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H. 2001, tr. 65.

           

 

Ý kiến bạn đọc (0)