QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 00:40 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Mười Nga với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động ở Việt Nam
Cho đến nay, mặc dù còn có những đánh giá khác nhau, song một thực tế không thể chối cãi là, kể từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, lịch sử nhân loại đã bước sang một trang mới với những biến đổi vô cùng sâu sắc. Bằng chứng là, một nước Nga tiểu nông kém phát triển dưới thời Sa Hoàng đã trở thành một cường quốc XHCN và một loạt quốc gia khác ở châu Âu, châu á, châu Phi và châu Mỹ, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã vùng dậy giành quyền độc lập dân tộc; nhiều quốc gia trong số đó đã công khai tuyên bố mục tiêu xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột người, xây dựng một xã hội mà người chủ đích thực là nhân dân lao động. Trào lưu XHCN trở thành một xu hướng; hệ thống XHCN thế giới trở thành một nhân tố quyết định diện mạo của nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười cho thấy sức mạnh vĩ đại của nhân dân lao động và khẳng định, chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười thì người lao động mới trở thành người chủ thực sự của xã hội.
Tuy nhiên, điều đau xót đã xảy ra: sau hơn 70 năm tồn tại, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguyên nhân chủ yếu là những sai lầm chủ quan về đường lối của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự phản bội của những người cầm đầu, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đó là một tổn thất to lớn không chỉ đối với những người cộng sản chân chính mà còn đối với phong trào cách mạng trên toàn thế giới; song sự kiện đó không phải là hồi kết của chủ nghĩa cộng sản, như luận điệu của những thế lực thù địch với CNXH tuyên truyền. Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại vẫn soi sáng con đường phát triển của CNXH trong thế kỷ XXI. Trong xã hội tư bản toàn cầu hoá, trong “một thế giới không thể chấp nhận được” thì lý tưởng XHCN vẫn còn sức sống lâu bền, tầm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn hết sức sâu rộng trong đời sống nhân loại trên khắp hành tinh. Kết luận trên đây được rút ra từ những thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Trung Quốc, Việt Nam…, từ sự hồi phục của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở châu Âu, từ sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cánh tả ở các nước Mỹ - La tinh trong những năm gần đây và cả từ cuộc đấu tranh của nhân dân ở ngay trong lòng những nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. Vì vậy, có thể nói rằng, mặc dù phong trào cộng sản trên thế giới còn gặp muôn vàn khó khăn, song lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn sẽ là lý tưởng, mà rốt cuộc, nhân loại sẽ từng bước vươn tới bằng con đường riêng của từng dân tộc.
Với Việt Nam, không nghi ngờ gì nữa, Cách mạng Tháng Mười đã để lại dấu ấn sâu sắc chưa từng có. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra một bước ngoặt mới cho dân tộc ta, đúng như  Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “Cách mạng Tháng Mười như mặt trời chói lọi, xóa tan màn đêm tối, soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi đến thắng lợi”. Người viết: “… từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền”. Khi đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo, Người khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Kể từ sau sự lựa chọn đó, Cách mạng Tháng Mười đã trở thành tấm gương cổ vũ cho dân tộc Việt Nam vùng dậy giành quyền độc lập dân tộc và các quyền cơ bản của con người. Theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được soi sáng bởi ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Thành công của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, một mặt cho thấy sức mạnh vĩ đại của nhân dân lao động Việt Nam; mặt khác, khẳng định, chỉ có đi theo con đường cách mạng vô sản, noi theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười thì không những có độc lập dân tộc thật sự mà nhân dân lao động mới từng bước được giải phóng. Qua hơn 20 năm đổi mới, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được càng khẳng định sự thật đó. Hơn 20 năm qua, không chỉ mức sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể, quyền dân chủ được mở rộng và phát huy mà đời sống tinh thần của xã hội cũng có nhiều bước tiến đáng kể. Những kết quả trên đây do tác động của nhiều nhân tố, song suy cho cùng, do Đảng ta đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân lao động.
Nhìn lại chặng đường 20 năm đổi mới, tại Đại hội X, Đảng ta  đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn mà bài học kinh nghiệm thứ 3 là: “Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân”, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới. “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Dựa vào nhân dân, xuất phát từ thực tiễn và thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát hiện nhân tố mới, từng bước tìm ra quy luật phát triển, đó là chìa khóa của thành công”.
Tổng kết của Đảng ta đã cho thấy rằng, giữa Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Việt Nam có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ.
Nếu như trong Cách mạng Tháng Mười, những người cộng sản Nga chân chính đã dựa vào nhân dân lao động, tổ chức, tập hợp họ vùng dậy lật đổ ách thống trị của Nga hoàng, giành chính quyền về tay công - nông thì ở Việt Nam, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chỉ với khoảng 5.000 đảng viên, nhưng biết dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, những người cộng sản Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng “long trời lở đất”, chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, thiết lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 Nếu như trong Cách mạng Tháng Mười, những người cộng sản Nga dựa vào nhân dân để bảo vệ chính quyền trước sự can thiệp của các thế lực đế quốc cấu kết với các thế lực phản động trong nước thì ở Việt Nam, những người cộng sản cũng nhờ nhân dân mà đấu tranh thắng lợi chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ…
Nếu như trong quá trình xây dựng chế độ xã hội mới ở nước Nga xô- viết, nhờ sự lao động quên mình của nhân dân mà chỉ sau 20 năm, tiềm lực đất nước được tăng cường, đủ sức đương đầu với cuộc chiến tranh phát-xít thì ở Việt Nam, cũng nhờ  sức mạnh của nhân dân mà đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; ngày nay đang tiếp tục giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới…
Ở đây, kết luận chung được rút ra là, để sự nghiệp cách mạng đi đến thành công, phải huy động được sức mạnh của quảng đại nhân dân lao động và chỉ có dưới chế độ xã hội mới, quyền làm chủ của nhân dân lao động mới được phát huy để phục vụ lợi ích chân chính của người lao động.
Nhận thức sâu sắc vấn đề trên đây, trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta luôn ý thức về sự cần thiết phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ gìn bản chất giai cấp công nhân của Đảng, ngăn ngừa nguy cơ “chệch hướng” XHCN, kiên định mục tiêu CNXH… Vì lẽ ấy, Đảng chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN… Đường lối, chủ trương này, suy cho cùng, không chỉ nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà quan trọng hơn là nhằm phục vụ lợi ích chân chính của nhân dân lao động. Cũng vì mục đích trên mà Đảng ta, tại Đại hội X, đã khẳng định, phải phát huy dân chủ, xem dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới, “thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”. “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”.
Đường lối, chủ trương trên đây là kết quả của quá trình tìm tòi công phu của Đảng ta đã được khảo nghiệm, kiểm chứng của lịch sử. Nhờ vậy, tuyệt đại bộ phận người dân Việt Nam ủng hộ sự nghiệp đổi mới. Mặc dù dưới tác động của kinh tế thị trường, phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội diễn ra là khó tránh khỏi, song mọi người Việt Nam đều cảm nhận được sự thay đổi của đất nước và bản thân họ đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Điều này chứng minh rằng, công cuộc đổi mới ở nước ta, về thực chất, là phục vụ lợi ích cơ bản của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân, và chính nhân dân cũng là động lực to lớn của đổi mới.
Từ sự kiện chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, bài học cần thiết phải rút ra là, một khi lợi ích chân chính của người lao động không được thực hiện đầy đủ, quyền làm chủ của nhân dân không được tôn trọng và phát huy, thì đó là nguyên nhân nội sinh làm suy yếu chế độ. Trong điều kiện ấy, chính quyền không được quảng đại quần chúng nhân dân ủng hộ và sự sụp đổ là khó tránh khỏi.
Trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nhân loại, được cổ vũ bởi Cách mạng Tháng Mười, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách to lớn, giành độc lập, thống nhất cho dân tộc, đưa lại quyền làm chủ chân chính cho nhân dân lao động. Trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, thông qua nhiều hình thức, biện pháp, mà cơ bản và quan trọng nhất là thông qua Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhà nước ấy, như Bác Hồ viết: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ… có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Nhờ vậy đã động viên, tập hợp được sức mạnh to lớn của nhân dân, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ở đây, điều cần nhận thức sâu sắc và nhất quán là, quyền làm chủ của nhân dân lao động chỉ được phát huy và phục vụ cho lợi ích chân chính của nhân dân khi bản chất giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững và tăng cường, khi Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì lẽ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thực sự trong sạch, hiệu lực, hiệu quả phải đặc biệt được coi trọng.
Tuy nhiên, trong những năm qua, ở nước ta, trên lĩnh vực này còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Văn kiện Đại hội X của Đảng  nhận định: “Dân chủ ở nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm”. “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi…, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.
Những hạn chế, bất cập trên đây diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa trên các lĩnh vực của đời sống hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” và những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường. Những tác động đó càng gia tăng hiệu ứng tiêu cực khi trình độ kinh tế - xã hội của chúng ta còn thấp, dân trí chưa cao, việc chấp hành pháp luật của nhân dân chưa nghiêm. Vì lẽ ấy, nhiều khi quyền làm chủ của nhân dân lao động bị vi phạm mà nguyên nhân không chỉ từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, mà còn từ phía những người dân.
Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trên đây, đòi hỏi chúng ta phải thực thi một cách đồng bộ nhiều giải pháp. Một mặt, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, hiệu lực hiệu quả; mặt khác, phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí… Đồng thời, phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng cơ chế giám sát và phản biện xã hội của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đối với cán bộ, công chức.
Để thực hiện thắng lợi đường lối, vấn đề có tính quyết định là, sức mạnh vĩ đại của nhân dân lao động phải được huy động, quyền làm chủ của nhân dân phải được phát huy cao độ thông qua một cơ chế, chính sách phù hợp. Chúng ta tin tưởng rằng, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, cách mạng nước ta sẽ tiếp tục tiến lên và chỉ có đi theo con đường đó, quyền làm chủ của nhân dân lao động mới được bảo đảm, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mới được thực hiện.
GS, TS. Lê Hữu Nghĩa
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Giám đốc Học viện
Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
 
Ý kiến bạn đọc (0)