Thứ Bảy, 26/04/2025, 09:55 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong chiến lược toàn cầu nhằm xác lập vai trò “lãnh đạo thế giới” của chính quyền Mỹ thì việc từng bước thực hiện “dân chủ hoá thế giới” theo mô hình của Mỹ và phương Tây là mục tiêu nhất quán, không thay đổi. Để thực hiện mục tiêu đó, họ có rất nhiều biện pháp, thủ đoạn chiến lược khác nhau nhằm thích ứng với tình hình cụ thể ở từng nơi, từng lúc. Trong đó, tạo dựng nên các cuộc “cách mạng sắc màu” (CMSM) là một trong những biện pháp chiến lược quan trọng nổi lên trong những năm gần đây. Hàng loạt cuộc CMSM, cụ thể như “cách mạng màu cam”, “cách mạng màu chanh”, “cách mạng màu hoa tuy-líp”, “cách mạng nhung”, v.v. đã diễn ra ở nhiều nước; đặc biệt là ở các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây1. Tuy cách gọi khác nhau, nhưng các cuộc “cách mạng” này đều có nội dung tương tự: khi các cuộc bầu cử diễn ra, nếu kết quả bầu cử không có lợi, thì các phe phái đối lập được sự hỗ trợ từ bên ngoài, kích động, mua chuộc quần chúng xuống đường biểu tình, gây bạo loạn lật đổ chính quyền đương nhiệm, dựng lên chính quyền đi theo mô hình “dân chủ” của Mỹ và phương Tây.
Từ CIA đến NED và CMSM.
Để hiểu rõ hơn về CMSM, có lẽ cũng cần hiểu thêm về những công cụ tạo dựng nên nó.
Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, các hoạt động bí mật can thiệp lật đổ trên thế giới của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bị phát hiện và lên án mạnh mẽ. Để tránh búa rìu dư luận, các giới chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã cho ra đời các tổ chức có thể làm nhiệm vụ của CIA mà vẫn giữ được “bàn tay sạch”, không bị lên án. Thời chính quyền Linh-đơn Giôn-xơn đã thiết lập “cơ chế cộng đồng – cá nhân”, rồi “tổ chức chính trị Mỹ” (APF) cung cấp tài liệu, thông tin cho các hoạt động “phát triển dân chủ”.
Ngày 18-11-1983, dưới thời Tổng thống Đô-nan Ri-gân, tổ chức “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” (Nationnal Endowment for Democracy - NED) đã ra đời thay thế cho APF. Tuy tự xưng là tổ chức phi lợi nhuận, song hoạt động của NED không khác mấy so với CIA. Theo đánh giá của Lau-ut – chuyên gia nghiên cứu về CIA - mục tiêu của NED là “xuất khẩu dân chủ” sang các nước mà Mỹ cho là “không dân chủ”. Năm 1991, chính On-lin – thành viên sáng lập NED cũng nói rằng: “Phần lớn những công việc mà chúng ta đang thực hiện đã được CIA bí mật tiến hành từ trước đó”.
NED hoạt động xuyên quốc gia thông qua rất nhiều tổ chức thành viên phối thuộc, như: “Viện Cộng hòa quốc tế” (IRI), “Viện Dân chủ quốc gia về đối ngoại” (NDI), “Trung tâm các xí nghiệp tư vấn quốc tế”(CIPE), “Viện Liên hiệp mậu dịch tự do” (FTUI), “Quỹ quốc tế hỗ trợ hệ thống bầu cử” (IFES), “Trung tâm Liên đới lao động quốc tế Mỹ” (ACILS),v.v. Qua hơn 20 năm thành lập, NED và các tổ chức thành viên phối thuộc đã “thúc đẩy dân chủ” ở khắp nơi: thao túng thành công các cuộc bầu cử ở Ni-ca-ra-goa (1990), ở Mông Cổ (1996), lật đổ chế độ dân cử ở Bun-ga-ri (1990) và ở An-ba-ni (1991). Chính NED đã góp phần quan trọng làm đảo lộn, thay đổi sắc màu chính trị ở các nước Đông Âu, Liên Xô trước đây.
Dưới thời chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm G.W.Bu-sơ, việc “thúc đẩy dân chủ”, “dân chủ hoá thế giới” được nhấn mạnh “không chỉ là chiến lược mà còn là sứ mệnh cao cả” của Mỹ; được đặt lên hàng ưu tiên trong đường lối đối ngoại, được coi là phương thức quan trọng nhất để chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chính quyền G.W.Bu-sơ thực hiện “dân chủ hóa thế giới” bằng một chiến lược tổng thể, kết hợp các biện pháp, thủ đoạn về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá - xã hội và khoa học – công nghệ… Trong “Thông điệp Liên bang” năm 2006, Tổng thống G.W.Bu-sơ còn nêu khả năng khi cần có thể dùng “lực lượng phản ứng nhanh” chi viện, ủng hộ những lực lượng chính trị đối lập nổi dậy ở các nước để thành lập chính quyền “dân chủ” phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Để hỗ trợ cho các hoạt động đó, Mỹ đã chi ra một khối lượng tiền không nhỏ. Trước đây, ngân sách hằng năm mà Quốc hội Mỹ chuẩn chi cho hoạt động của NED khoảng 40 triệu USD. Gần đây, để đẩy mạnh tốc độ “dân chủ hoá thế giới”, Tổng thống G.W.Bu-sơ đề nghị và Quốc hội Mỹ đã chuẩn chi việc gia tăng ngân sách cho NED. Theo đó, năm 2005 tăng lên 80 triệu USD, năm 2006 đã tăng lên 95 triệu USD. Với nguồn kinh phí khá dồi dào, NED đã góp phần tạo ra hàng loạt các cuộc CMSM ở các nước thuộc “không gian hậu Xô Viết”, như Gru-di-a, U-crai-na, Cư-rơ-gư-xtan… Các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác không đi theo quỹ đạo “dân chủ” kiểu Mỹ và phương Tây cũng đã và đang nằm trong “tầm ngắm” của CMSM. Gây dựng, ủng hộ phe phái đối lập, xía vào các vấn đề nhạy cảm về tự do, dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo... là việc làm quen thuộc của những thế lực chủ mưu CMSM.
Như vậy, từ CIA đến NED, hình thức tổ chức, tên gọi có khác nhau, nhưng mục tiêu “dân chủ hóa thế giới” theo mô hình của Mỹ và phương Tây là không thay đổi, và CMSM là bước phát triển mới, một biện pháp chiến lược đang được ưa dùng.
Một biện pháp chiến lược phản dân chủ, ngược dòng thời đại.
Theo quan điểm của Mỹ và phương Tây, CMSM là để “thúc đẩy dân chủ”, thực hiện “dân chủ hoá thế giới”; nhưng trái lại, đây là một biện pháp chiến lược phản dân chủ, đi ngược dòng thời đại khi xem xét về bản chất, mục tiêu thực sự (phục vụ bá quyền của Mỹ) cũng như các biện pháp, thủ đoạn thực thi của nó.
Có thể thấy, nét nổi bật trong các cuộc CMSM là, việc áp đặt quan niệm giá trị, mô hình "dân chủ" của Mỹ và phương Tây cho toàn thế giới bằng mọi thủ đoạn. Đó là việc làm phản dân chủ.
Nghiên cứu “kịch bản” phổ biến ở các cuộc CMSM cho thấy rõ điều đó.
Trước hết là thành lập bộ máy chỉ đạo CMSM bao gồm các tổ chức tình báo, gián điệp núp dưới các danh nghĩa khác nhau, tạo dựng “ngọn cờ” và tập hợp lực lượng phe phái đối lập.
Thứ hai, thành lập các quỹ tài trợ, chi tiền cho các hoạt động và mua chuộc quần chúng biểu tình, mua phiếu bầu cho phe đối lập.
Thứ ba, sử dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng tiến hành tuyên truyền tâm lý chiến, tạo dựng dư luận trong và ngoài nước ủng hộ CMSM.
Thứ tư, chọn thời điểm nổ ra CMSM thích hợp. Thời điểm thích hợp cho CMSM thường là khi nước sở tại tổ chức bầu cử; hoặc khi xảy ra khủng hoảng kinh tế – xã hội, xung đột tôn giáo, sắc tộc, các vụ tham nhũng lớn bị phanh phui, khi nội bộ chính quyền có dấu hiệu suy yếu.
Thứ năm, thao túng quá trình diễn biến và kết quả bầu cử. Khi diễn biến hoặc kết quả bầu cử bất lợi cho phe đối lập, thì lập tức kích động biểu tình phản đối với lý do “có gian lận”, hoặc “không minh bạch”, đòi hủy bỏ kết quả bầu cử, bầu cử lại. Thậm chí phe đối lập còn ngang nhiên tuyên bố thắng cử. Khi chính quyền nước sở tại còn đang lúng túng đối phó thì Mỹ và phương Tây nhanh chóng công nhận phe đối lập thắng cử; đồng thời, tuyên bố các biện pháp răn đe, trừng phạt nếu chính quyền sở tại phủ nhận chiến thắng của phe đối lập, dù chưa có kết quả bầu cử chính thức.
Áp đặt “dân chủ” bằng kịch bản như vậy là điều hết sức phi dân chủ. Bởi vì, “dân chủ” thực sự là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân, không thể do áp đặt mà có được. “Dân chủ” còn là phạm trù vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Tính phổ biến với ý nghĩa đích thực và chung nhất, là người dân trong một quốc gia phải được làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước mình, làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như làm chủ về chính trị, làm chủ về kinh tế, văn hoá,v.v. Tính đặc thù bị chi phối bởi trình độ phát triển kinh tế – xã hội không đồng đều và sự khác biệt về địa lý, về truyền thống lịch sử, văn hoá, về ý thức hệ,... Bởi vậy, quan niệm dân chủ, nội dung dân chủ, trình độ dân chủ còn có khác nhau là một thực tế khách quan. Không thể đánh đồng, cào bằng vấn đề dân chủ cho mọi quốc gia. Không thể tuyệt đối hoá tính đặc thù thành tính phổ biến. Bất kỳ nước nào, nhóm nước nào cũng không thể và không có quyền tuyệt đối hoá tính đặc thù về dân chủ của mình thành tính phổ biến cho toàn thế giới, càng không thể và không có quyền áp đặt quan niệm giá trị dân chủ của mình cho nước khác và cho toàn thế giới. Làm như vậy là duy ý chí, phản khoa học, phi dân chủ. “Áp đặt” và “dân chủ” là hai khái niệm đối nghịch nhau; khi đã áp đặt thì đừng nói đến dân chủ, và đã là dân chủ thì không bao giờ có sự áp đặt.
Không thể phủ nhận những thành tựu đạt được trong nền dân chủ ở Mỹ và phương Tây so với các chế độ nô lệ, hay phong kiến trước đó. Tuy nhiên, nền dân chủ tư sản dù đã phát triển đến trình độ cao như ở Mỹ và phương Tây, vẫn chưa thể là mục tiêu cuối cùng của loài người. Hơn nữa, nền “dân chủ” ở Mỹ cũng còn đầy rẫy những điều bất ổn, thậm chí bệnh hoạn. Về bản chất, đó là thứ “dân chủ” của những người lắm tiền, nhiều của nhất (những tỷ phú ở Mỹ chỉ là thiểu số trong tổng số khoảng 275 triệu người Mỹ). Ngày nay, trong xã hội Mỹ vẫn còn hơn 60% số người da đen sống trong tình trạng vô gia cư. Nạn phân biệt chủng tộc, tình trạng bất công, tội ác, mất an ninh vẫn còn phổ biến, nhiều khi rất nghiêm trọng. Trên danh nghĩa, công dân Mỹ đều có quyền bầu cử, ứng cử đến cả chức Tổng thống, nhưng nếu không có hàng chục triệu đô-la thì làm sao có thể vận động tranh cử, chạy đua vào Nhà Trắng! Hàng trăm năm nay, các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vẫn chỉ chủ yếu diễn ra giữa hai chính đảng tư sản là Dân chủ và Cộng hoà, nhưng thực chất là “hai trong một”. Nước Mỹ có nhà nước từ năm 1776, nhưng cũng phải đến năm 1920 phụ nữ mới có quyền bầu cử; đến năm 1965 mới trao cho người da đen có quyền công dân đó. Ấy vậy mà người ta vẫn muốn áp đặt “dân chủ” kiểu Mỹ lên toàn thế giới, thông qua các cuộc CMSM thì chẳng là phi lý, phi dân chủ lắm sao!
Nghiên cứu các cuộc CMSM xảy ra ở một số nước trên thế giới trong những năm qua thấy rất rõ rằng: CMSM không phải là để mang lại dân chủ thực sự cho nhân dân các nước sở tại, mà trái lại, đã tước đi quyền dân chủ của họ.
Trong các quyền dân chủ thì dân chủ về chính trị là một trong những quyền cơ bản nhất. Cụ thể là quyền bầu cử phải được bảo đảm, công dân phải có quyền tự do bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình, kết quả bầu cử phải được tôn trọng tuyệt đối. Tìm hiểu các cuộc CMSM vừa qua thì thấy rằng, cái quyền dân chủ cơ bản này của người dân đã bị vi phạm, bị “đánh cắp”, thậm chí bị tước đoạt trắng trợn. Về hình thức, công dân các nước đó đều có quyền đi bầu cử, nhưng nếu diễn biến và kết quả bầu cử không theo đúng ý đồ của Mỹ và phương Tây, thì lập tức họ sẽ “lên tiếng” can thiệp trắng trợn để lật lại thế cờ. Các cuộc “cách mạng nhung” ở Nam Tư năm 2000 (Mỹ chi 41 triệu USD), “cách mạng da cam” ở U-crai-na hồi cuối năm 2004, đầu năm 2005 (Mỹ chi tới 250 triệu USD) và các cuộc CMSM sau đó ở Gru-di-a, Cư-rơ-gư-xtan…, đều diễn ra theo kịch bản đó. Khi Mỹ và phương Tây (thông qua các NED, các NGO – tổ chức phi chính phủ) đã bỏ tiền và nhúng tay vào, nếu ban lãnh đạo của nước sở tại không có đường lối, chính sách đúng đắn, không giữ được ổn định chính trị và khối đoàn kết các dân tộc, thì thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về những người “dân chủ” thân phương Tây, chứ không có chuyện thắng lợi thuộc về ý chí hay quyền dân chủ của nhân dân nước sở tại.
Qua đó, chỉ có thể rút ra kết luận: những kẻ chủ mưu, khởi xướng, viết kịch bản, đạo diễn, chi tiền cho CMSM gọi là để “xuất khẩu” dân chủ, “dân chủ hoá thế giới”, nhưng thực tế đã không hề mang lại dân chủ thực sự cho nhân dân các nước; trái lại, nhân dân bị tước đi quyền dân chủ cơ bản của mình.
Những phân tích nói trên cho thấy: CMSM chính là một sản phẩm đi ngược dòng thời đại. Bởi dòng chính của thời đại ngày nay vẫn là hoà bình, hợp tác, hội nhập để phát triển bền vững. Trong quan hệ giữa các quốc gia, thì tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi vẫn là dòng chính. Phấn đấu cho từng quốc gia, cho xã hội loài người được “công bằng, dân chủ, văn minh” vẫn là dòng chính của thời đại. So với các tiêu chí như vậy, rõ ràng CMSM đã đi ngược tất cả. CMSM là sự can thiệp, áp đặt, tước đoạt quyền dân chủ của nhân dân các nước. Chính vì vậy, nhân dân các nước ngày càng thức tỉnh, không mắc mưu và ngày càng lên án, tẩy chay CMSM. Tập trung phát triển kinh tế-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội hiện đại để tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia là phương thức ngăn chặn và đẩy lùi mọi mầm mống, nguy cơ có thể gây ra CMSM.
Nguyễn Trung
____________
1- Có tài liệu nghiên cứu cho rằng, cụm từ CMSM xuất hiện lần đầu từ thế kỷ 16. Năm 1566, cuộc cách mạng ở Hà Lan bùng nổ. Do bất phân thắng bại giữa hai thế lực cũ và mới đã đi đến kết quả dung hoà: Quận công Vin-hem O-ran (Winhelm Ogange – cam, màu da cam) đại diện cho tầng lớp quý tộc mới ở nước ngoài về Hà Lan nắm quyền. Người ta gọi đó là “cách mạng màu da cam”.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011