QPTD -Thứ Ba, 09/08/2011, 22:46 (GMT+7)
Các thành tựu thực hiện quyền con người ở Việt Nam

Một trong những thành tựu lớn nhất của lịch sử nhân loại là cuộc đấu tranh của các dân tộc chống lại áp bức, bất công và phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, mà ở đó con người được giải phóng và được hưởng mọi quyền tự do cơ bản. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của mình, nhân dân Việt Nam bằng cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập đã đóng góp vào giá trị chung đó của nhân loại.

Trong lịch sử cận đại và hiện đại, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những năm tháng là dân của một nước thuộc địa, bị tước đoạt mọi quyền tự do cơ bản nhất và sau đó, đã phải chịu muôn vàn hy sinh để giành lại nền độc lập của mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta lại tiếp tục phải đổ xương máu để bảo vệ nền độc lập cũng như việc thụ hưởng các quyền con người mà độc lập, tự do đã mang lại. Do đó, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha coi trọng những giá trị của các quyền và tự do của con người; trong đó, có quyền thiêng liêng, cơ bản nhất là quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Thực tế ở Việt Nam cũng như tại các nơi khác trên thế giới, giải phóng con người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; quyền con người gắn với quyền dân tộc tự quyết và chủ quyền quốc gia.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - đã khẳng định "tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Ngay trong lời nói đầu của Bản Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập - cũng đã khẳng định việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân là một trong những nguyên tắc cao nhất chỉ đạo các hoạt động của Nhà nước Việt Nam.

Hiện nay, khi nói đến quyền con người, chúng ta có thể nói đến quyền theo các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, dân sự, chính trị và theo các nhóm quyền dân tộc, quyền các nhóm người (như trẻ em, phụ nữ, người tàn tật) và quyền cá nhân. Quan điểm của chúng ta là các quyền con người phải được tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện và có tầm quan trọng như nhau; đồng thời, quyền con người một mặt mang tính phổ biến, nhưng khi xem xét cần tính tới đặc thù về văn hoá, lịch sử, trình độ phát triển của từng quốc gia; mỗi quốc gia có trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ các quyền tự do cơ bản trên cơ sở điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá của mình. Đây cũng là những nội dung được đề cao trong Tuyên bố và Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền tổ chức tại Viên (thủ đô nước Áo), năm 1993. Xuất phát từ quan điểm đó, việc đối thoại, hợp tác quốc tế về quyền con người phải dựa trên các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quán về quyền con người, luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm sự nghiệp CNH, HĐH đất nước thắng lợi.

Kể từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) cho tới nay, Việt Nam đã có 4 lần sửa đổi Hiến pháp; trong đó, quyền con người ngày càng được quy định toàn diện, đầy đủ hơn. Bản Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ nội dung quyền, các biện pháp bảo đảm cho các quyền con người ở Việt Nam; trong đó, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, bình đẳng; có quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng nam nữ, quyền bầu cử, ứng cử, khiếu nại, tố cáo, lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do kinh doanh, sở hữu hợp pháp của cá nhân, tự do đi lại ở trong nước và ra nước ngoài, lao động, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ...

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng nhiều luật để đảm bảo toàn diện việc thực hiện các quyền con người và đã được các nước đánh giá cao tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5 vừa qua. Cụ thể là chỉ riêng từ năm 1986 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành, sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó có các luật quan trọng, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đặc xá, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo... Điểm cần nhấn mạnh là trong quá trình xây dựng, các dự thảo văn bản luật và dưới luật đều được giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã gia nhập hầu hết các điều ước nhân quyền quốc tế chủ chốt, trong đó có "Công ước về Quyền dân sự, chính trị ", "Công ước về Quyền Kinh tế, xã hội, văn hoá"; "Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc "Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ",  là nước thứ hai trên thế giới và nước Châu Á đầu tiên tham gia "Công ước Quyền trẻ em"; phê chuẩn 17 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Ngày 22-10-2007, Việt Nam đã ký "Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật"' và hiện đang nghiên cứu việc tham gia "Công ước Chống tra tấn". Những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước.

Nhà nước Việt Nam cũng luôn chú trọng xây dựng và hoàn thiện các cơ chế kiểm tra, giám sát và thực hiện pháp luật. Trước hết và quan trọng nhất là việc nhân dân thông qua cơ quan đại diện cao nhất là Quốc hội để thực hiện các quyền quan trọng là lập pháp, giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến xã hội. Quyền con người ở Việt Nam còn được bảo đảm bởi các cơ quan trong hệ thống hành pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Đồng thời, nhân dân cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến thông qua các cơ chế dân cử cấp. địa phương, các quy trình khiếu nại, tố cáo, thanh tra, khiếu kiện..., theo tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Chính từ chính sách nhất quán, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đảm bảo quyền con người và sự tham gia của toàn dân, cuộc sống và quyền của người dân đã được đảm bảo ngày càng đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, dân sự. Những thay đổi tích cực này đã diễn ra ngay trong những năm tháng kháng chiến. Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục đạt ở mức trên 7%/năm trong một thời gian dài, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 5 lần; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm 4 lần (từ 60% xuống còn 13,8%) và được LHQ, nhiều đối tác phát triển nhìn nhận.là một trong số những nước đạt thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-5%, hiện gần 99% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô-tô đến trung tâm xã, 100% số huyện, 95% số xã các vùng này đã có điện; 90-95% trẻ em trong độ tuổi đến trường, 100% các huyện có trường trung học phổ thông. Có 30 dân tộc ở Việt Nam có chữ viết, trong đó 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số đã được soạn cho giáo trình giảng dạy, đưa vào dạy tại các trường tiểu học và trung học phổ thông dân tộc ở 25 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Đài Truyền hình Việt Nam phát một kênh riêng bằng 10 thứ tiếng dân tộc và Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất hơn 4.000 chương trình bằng 13 thứ tiếng dân tộc.

Người dân có điều kiện tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do chính họ lập ra để đại diện cho lợi ích của mình. Hiện có nhiều đoàn thể lớn gồm hàng triệu thành viên, như: Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ở phạm vi toàn quốc có 380 hội, hàng nghìn hội ở cấp địa phương với hàng chục nghìn chi nhánh cơ sở. Số tổ chức công đoàn ở cấp quốc gia là 18, cùng hoạt động với 6.020 tổ chức công đoàn địa phương.

Thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, của nhân dân; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đến năm 2008, Việt Nam có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, 68 đài phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất, 01 hãng thông tấn, 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử, 55 nhà xuất bản, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ. Đặc biệt là số người tiếp cận Intemet chiếm gần 24% dân số, cao hơn mức trung bình ở châu Á là 18%. Có 95% số xã đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có trạm truyền thanh; nhiều xã có trạm truyền thanh, phát thanh bằng tiếng dân tộc. Ngoài hệ thống thông tin, báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với báo chí, truyền hình của các hãng quốc tế.

Với chính sách của Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, cuộc sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam hiện nay rất sôi động, phong phú với trên 20 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, bao gồm các tôn giáo lớn trên thế giới là: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo; trên 80% dân số có tín ngưỡng. Các sinh hoạt tôn giáo, các ngày lễ lớn của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức ở Hà Nội năm 2008 với sự tham gia của 4.000 tăng ni, phật tử; trong đó, có 2.000 vị chức sắc đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới vào năm 2010. Các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài…

Đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia ngày càng sâu, rộng trong đời sống chính trị của đất nước. Quốc hội khoá XII (nhiệm kỳ 2007-2012) có 87 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 18% số đại biểu Quốc hội. Đại biểu là người các dân tộc thiểu số trong Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là gần 25%, cấp huyện là 20% cấp xã là 24%. Các vị là người dân tộc thiểu số cũng giữ vị trí lãnh đạo ở nhiều cơ quan của Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, kể cả ở những cấp cao nhất. Việt Nam đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đảm bảo quyền của người phụ nữ, được Uỷ ban Công ước CEDAW ghi nhận và Ngân hàng Thế giới cùng Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá là "quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh chóng nhất về khoảng cách giới trong 20 năm qua ở châu Á". Trẻ em, người tàn tật được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, xã hội và gia đình, theo chính sách ưu tiên của Nhà nước, truyền thống lâu đời của dân tộc, được hưởng sự chăm sóc, bảo vệ ngày càng tốt hơn trong các lĩnh vực y tế giáo dục...

Ngày 8-5-2009, Việt Nam đã trình bày báo cáo về việc thực hiện và đảm bảo quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nhiều nước đã phát biểu thể hiện sự cảm phục lịch sử, truyền thống bảo vệ và xây dựng đất nước của ta, đánh giá cao các thành tựu mà ta đã đạt được về một mặt trong công cuộc Đổi mới; trong đó có việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là trong các lĩnh vực: xoá đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của phụ nữ, trẻ em, của đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, cũng như y tế, giáo dục, văn hoá, việc làm...; đồng thời, ủng hộ những nỗ lực, cam kết của Việt Nam nhằm tiếp tục đảm bảo tốt hơn nữa việc hưởng thụ các quyền của người dân.

Những thành tựu trong công cuộc bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ XHCN với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam, giữa chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người là trọng tâm trong sự phát triển đất nước, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong việc thúc đẩy thực hiện quyền con người.

Kể từ khi nước ta giành được độc lập, trong suốt hơn 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tạo dựng nên nền tảng vững chắc cho một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, văn minh, mà ở đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là với công cuộc Đổi mới được tiến hành hơn 20 năm qua, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực: kinh tế phát triển nhanh, đất nước hòa bình và ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt và các quyền của mọi người dân về kinh tế văn hóa, xã hội, dân sự, chính trị đều được bảo đảm và tăng cường. Đó là những minh chứng rõ ràng phản bác những ý kiến có dụng ý xấu, những luận điệu vu cáo về dân chủ, quyền con người ở Việt Nam.

Những thành tựu mà chúng ta đạt được thể hiện sinh động ý chí và quyết tâm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc không ngừng thúc đẩy các quyền con người ở Việt Nam, tiếp tục tạo nên động lực cho xã hội, củng cố thêm niềm tin, tập hợp sức mạnh, sự đoàn kết của toàn dân để chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", tất cả vì con người và cho con người.

PHẠM BÌNH MINH

Ủy viên BCHTƯ Đảng,

Thứ trưởng Thường trực, Bộ Ngoại giao

 

Ý kiến bạn đọc (0)