QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:59 (GMT+7)
Các thành phần kinh tế, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

1. Hiện nay, trong nền kinh tế ở nước ta, đã hình thành ba cơ cấu kinh tế, đó là: cơ cấu ngành kinh tế-kỹ thuật, thuộc phạm trù lực lượng sản xuất, vẫn được coi như mối quan tâm hàng đầu để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; cơ cấu vùng - lãnh thổ, cũng thuộc phạm trù lực lượng sản xuất; và cơ cấu thành phần kinh tế, thuộc phạm trù quan hệ sản xuất. Quá trình thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất thiết phải xác định cơ cấu thành phần kinh tế, như Đại hội X của Đảng vừa qua đã tiếp tục làm rõ. Bởi một lẽ rất đơn giản là: con người sản xuất trong mối quan hệ giữa người với người; lực lượng sản xuất luôn luôn vận động trong một quan hệ sản xuất nhất định, trong một thực thể kinh tế-chính trị-xã hội nhất định. Đây chính là vấn đề liên quan đến định hướng chính trị cho phát triển kinh tế, không thể thiếu, không thể lẩn tránh. Nếu lẩn tránh vấn đề này trong đường lối, thực chất là lẩn tránh chính trị xã hội chủ nghĩa và đi vào chính trị khác, có thể là không tự giác.

Như đã biết, trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì lực lượng sản xuất là quyết định, quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối, tác động trở lại, tích cực hoặc tiêu cực đối với lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tiễn thường có hai cách xem xét và xử lý phiến diện, đối lập nhau: a/ Chỉ thấy lực lượng sản xuất và vai trò quyết định của nó, không thấy lực lượng sản xuất luôn luôn gắn với một quan hệ sản xuất tương ứng và tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất; b/ Cường điệu tác động trở lại của quan hệ sản xuất đến mức cho rằng, quan hệ sản xuất có thể đi trước lực lượng sản xuất. Đặc điểm nổi bật của lý luận và chính trị tư sản là lờ đi vấn đề quan hệ sản xuất, chính là nhằm bảo vệ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong lý luận và chính trị xã hội chủ nghĩa mô hình cũ thường cường điệu vai trò của quan hệ sản xuất mà không chú ý đầy đủ vai trò quyết định của lực lượng sản xuất, nên dẫn đến những chủ trương, chính sách chủ quan, duy ý chí trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2- Trong nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản, có nhiều thành phần kinh tế mà nền tảng là thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Riêng về kinh tế, nhà nước tư sản cũng phải dùng kinh tế nhà nước và nhiều đòn bẩy kinh tế khác làm công cụ để phát triển thành phần kinh tế nền tảng ấy. Dù muốn hay không, vẫn luôn luôn có sự chi phối của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thể hiện ở sự quản lý của nhà nước tư sản để phát triển lực lượng sản xuất và củng cố chế độ tư bản.
Văn kiện Đại hội X đã nêu: "Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều cần thiết trước hết là nắm vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta". Văn kiện ghi rõ: "Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Vấn đề các thành phần kinh tế liên quan chặt chẽ định hướng xã hội chủ nghĩa là như vậy. Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải sử dụng kinh tế Nhà nước làm một công cụ để bảo đảm phát triển những thành phần kinh tế nền tảng của chủ nghĩa xã hội trong sự phát triển của tất cả các thành phần kinh tế. Vì sao người ta rất quan tâm giúp chúng ta phát triển kinh tế tư nhân chứ không phải phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể? Vì sao Nhà nước ta cần giữ toàn bộ cổ phần hoặc cổ phần chi phối ở những doanh nghiệp Nhà nước then chốt trong những ngành kinh tế then chốt của đất nước, bảo đảm vai trò chủ đạo và hiệu quả của kinh tế Nhà nước? Đương nhiên không thể áp đặt chủ quan. Vấn đề là vai trò bà đỡ của Đảng và Nhà nước ta, bà đỡ cho sự sinh nở theo quy luật khách quan, sự tồn tại và phát triển để giữ được vai trò của nó trong tổng thể nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Có làm rõ và nắm vững quy luật vận động riêng của mỗi thành phần kinh tế mới có chủ trương, chính sách, cơ chế đảm bảo các thành phần kinh tế đều phát triển trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chứ không phải để hạn chế, phân biệt đối xử thành phần này hay thành phần khác. Bởi những lẽ rất đơn giản: các thành phần kinh tế là cơ cấu hợp thành nền kinh tế mà sự phát triển của mỗi thành phần là điều kiện cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế; có sự đan xen sở hữu trong các thành phần kinh tế gắn liền với quan hệ về lợi ích giữa các tầng lớp dân cư; có hành lang pháp lý bình đẳng của mọi thành phần kinh tế... Nếu nói về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước thì chính là kinh tế Nhà nước phải góp phần đảm bảo cho tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế có quy luật vận động của nó nhưng vẫn luôn luôn phải có sự quản lý của nhà nước trong mọi hình thái kinh tế-xã hội, và cũng nên sòng phẳng mà nói rằng, khi cần thiết, không thể thiếu sự can thiệp hành chính của nhà nước như vẫn diễn ra ở mọi nước, kể cả ở những nước tư bản phát triển có "kinh tế thị trường tự do" nhất, mà ai cũng biết.
Đại hội X của Đảng đã đặt kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế nhưng cũng ghi rõ trong đó bao gồm cả cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân. Đó là những thành phần kinh tế khác nhau về chất và tồn tại khách quan, nhưng sự phân hóa của chúng còn đang diễn ra và việc định lượng để đi tới định tính phân biệt những thành phần kinh tế đó cần có thời gian và phải phù hợp quá trình phân hóa, phát triển của chúng theo tư duy mới. Những thành phần kinh tế này đang trên đà phát triển và đều có vai trò thúc đẩy, cả trong phát triển kinh tế tư bản và cả trong định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu quá trình kinh tế đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng chi phối. Xin nhắc lại, trong điều kiện của nước ta, kinh tế cá thể, tiểu chủ không nhất thiết "hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản" mà còn có thể và cần phải trở thành hậu bị quân của chủ nghĩa xã hội; đấy là chưa nói đến bản thân kinh tế tư bản cũng có thể đi vào và dần dần lệ thuộc vào chủ nghĩa xã hội, đương nhiên phải có điều kiện. (Xem "Những xu hướng của quá trình kinh tế hiện nay ở Việt Nam và sự lựa chọn của chúng ta", Quang Cận, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 3/2006). Sự phát triển của các thành phần kinh tế ở nước ta trong thời gian qua cũng như hiện nay và thời gian tới rất cần những người lao động có trình độ tay nghề cao và những doanh nhân quản lý giỏi.
Để xem xét vấn đề kinh tế tư nhân cũng như các thành phần kinh tế khác trong sự phát triển và phân hóa của chúng, cần có một tư duy mới về lao động, về giá trị thặng dư, về tỷ suất lợi nhuận xã hội... trên cơ sở tiếp thu lý luận giá trị thặng dư của C.Mác vận dụng vào điều kiện mới của lực lượng sản xuất ngày càng phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đặc biệt trong điều kiện của kinh tế tri thức trong nền văn minh trí tuệ. Như: vai trò ngày càng quan trọng của lao động trí óc, lực lượng lao động phải được đào tạo, dần dần được trí thức hóa, trong khi lao động chân tay vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Hàm lượng chất xám trong hàng hóa ngày càng tăng. Lao động quản lý là một loại lao động cực kỳ phức tạp, đòi hỏi doanh nhân trong các thành phần kinh tế, nhất là trong kinh tế tri thức, phải trở thành một tầng lớp trí thức đặc biệt. Trong kỷ nguyên thông tin, thông tin vừa là đầu vào vừa là đầu ra, vừa là tư bản vừa là hàng hóa. Những cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ khi từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, sẽ đưa tới sự xuất hiện những trí nghiệp (intelprise), đó không chỉ là một loại hình sản xuất, kinh doanh mới mà còn là một hình thức sở hữu mới: sự liên hiệp của những người lao động trí óc chủ sở hữu...
3- Định hướng xã hội chủ nghĩa không trái với hội nhập quốc tế; không thể vì hội nhập quốc tế mà từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa; không thể cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa cản trở việc hội nhập quốc tế. Đối với nhân dân ta, dân tộc ta, định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề sống còn trong hội nhập quốc tế.
Nền kinh tế toàn cầu, quá trình toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay đương nhiên về khách quan là do yêu cầu phát triển tất yếu của lực lượng sản xuất, nhưng không phải chỉ có thế. Quy luật khách quan đó vẫn luôn luôn vận động trong những mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện thực và chịu sự chi phối của những quan hệ ấy. Hiện nay, đó là những quan hệ phản ánh quy luật của chủ nghĩa tư bản hiện đại trên phạm vi toàn cầu, chịu sự chi phối của chủ nghĩa tư bản không chỉ về kinh tế mà cả về các mặt khác: chính trị, văn hóa, xã hội. Quy luật xã hội khác quy luật tự nhiên là thế. Do vậy, khi nói hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, không thể nói toàn cầu hóa chung chung, trung tính, mà là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa với những thông lệ quốc tế như đã biết. Nhưng những thông lệ quốc tế đó là gì vậy? Đó là những quy định, thể lệ, định chế, thể chế... ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau mà cộng đồng quốc tế xây dựng nên và phải chấp nhận; nó vừa phản ánh yêu cầu phát triển khách quan của lực lượng sản xuất trên quy mô toàn cầu, vừa phản ánh tương quan lực lượng sản xuất, vừa phản ánh tương quan lực lượng, vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các nền kinh tế và cả giữa những lực lượng chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia- dân tộc, chịu sự chi phối và áp đặt của những nền kinh tế mạnh, của những nước lớn, theo quy luật của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ai cũng hiểu "lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng là hơn cả". Các quốc gia- dân tộc khi hội nhập quốc tế hiểu rõ, chấp nhận nhưng phải đấu tranh để góp phần xây dựng những thông lệ đó ngày càng phù hợp hơn, đồng thời vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình để phát triển đất nước theo con đường mà mình lựa chọn. Như vậy có vấn đề cái chung và cái riêng, phải giải quyết mối quan hệ giữa chung và riêng, không đối lập cái chung với cái riêng, không lấy cái chung phủ định cái riêng. Vấn đề này đặt ra đối với mọi quốc gia- dân tộc chứ không riêng đối với những nước lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đối với nước ta, cần xử lý đúng quan hệ giữa cái chung và cái riêng, để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải để từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, đi tới hòa tan trong hội nhập quốc tế. Đương nhiên rất khó khăn nhưng không thể khác, bởi đây là một cuộc đấu tranh rất phức tạp để sống còn và phát triển. Nó đòi hỏi cả bản lĩnh, trí tuệ và sự khôn ngoan.
 
Quang Cận
 

Ý kiến bạn đọc (0)