QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:51 (GMT+7)
Bước phát triển trong công tác giáo dục quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta
LTS: Giáo dục quốc phòng toàn dân là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc  dân, là công tác quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và toàn dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, công tác giáo dục quốc phòng cũng không giống nhau. Nhằm làm rõ bước phát triển trong công tác giáo dục quốc phòng của Đảng ta, từ số này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài  của tác giả Hồ Quốc Toản.

   I. Về giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên

  Học sinh, sinh viên (HS, SV) là một bộ phận ưu tú của thế hệ trẻ Việt Nam, được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đào tạo thành nguồn nhân lực, nhân tài “vừa hồng, vừa chuyên” để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Giáo dục quốc phòng (GDQP) cho HS,SV là một yêu cầu không thể thiếu trong mục tiêu đào tạo của nhà trường, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người mới XHCN; đồng thời, hình thành ở họ những tri thức quốc phòng, kỹ năng quân sự cần thiết, làm cơ sở để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân (QPTD), sẵn sàng tham gia lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).  
GDQP cho HS,SV hiện nay có sự kế thừa, phát triển của môn học Huấn luyện quân sự phổ thông (HLQSPT) được thực hiện ở các trường đại học, trung học chuyên nghiệp (THCN), các trường phổ thông cấp 3 (nay là trung học phổ thông) (THPT) từ năm 1961, theo Nghị định 219/CP của Hội đồng Chính phủ. Từ đó, HLQSPT đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường trong những năm đất nước có chiến tranh. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ chiến tranh BVTQ ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, công tác GDQP cho thế hệ trẻ HS,SV mới được đẩy lên bước mới. Năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 153/HĐBT về “Đẩy mạnh HLQSPT cho HS,SV trong các nhà trường”. Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 107-CT/TW về “Tăng cường công tác GDQP nhân dân, chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng làm nhiệm vụ BVTQ”. Để thực hiện Chỉ thị đó, năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 253/HĐBT quy định về huấn luyện quân sự, đào tạo sĩ quan dự bị trong HS,SV và thành lập các khoa (bộ môn) quân sự ở các trường đại học, cao đẳng. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã điều động gần 400 sĩ quan biệt phái ra các bộ, ban, ngành của Nhà nước để làm tham mưu, quản lý môn học và trực tiếp HLQSPT.   
Nội dung môn học HLQSPT trong thời kỳ đất nước có chiến tranh hoặc chuẩn bị gấp rút cho chiến tranh, chủ yếu là phổ biến cho HS,SV kiến thức quân sự phổ thông, rèn luyện tư thế, động tác và kỹ năng quân sự cơ bản của người chiến sĩ, tạo điều kiện rút ngắn thời gian huấn luyện chiến sĩ mới khi gia nhập quân đội để có thể tham gia chiến đấu. Như vậy, HLQSPT thời kỳ này là nhằm chuẩn bị nhân lực trực tiếp cầm súng chiến đấu, chuẩn bị cho HS,SV nhanh chóng thích nghi với đời sống, sinh hoạt và môi trường hoạt động của quân đội khi nhập ngũ. Hàng triệu HS,SV, sĩ quan dự bị đã gia nhập  quân đội, hoạt động trên khắp các chiến trường, nhất là trong các quân, binh chủng kỹ thuật, các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và đã có những đóng góp xứng đáng trong xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chiến đấu giải phóng dân tộc cũng như trong BVTQ. 
Những năm cuối của thập kỷ 80, khi nước nhà đã có hòa bình, Đảng, Nhà nước và toàn dân ta bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhiệm vụ quốc phòng chủ yếu là xây dựng sức mạnh của nền QPTD, tạo cơ sở để bảo vệ công cuộc hòa bình, xây dựng đất nước, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xâm lược và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống chiến tranh. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới HLQSPT, môn học đã không còn phù hợp, thay bằng môn GDQP cho HS,SV, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ trong thời kỳ mới. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) cũng đã chỉ rõ: “Phải tăng cường công tác GDQP cho toàn dân, trước hết là đối với cán bộ các cấp, các ngành của Đảng, Nhà nước và thế hệ trẻ HS,SV”. Theo đó, GDQP cho HS,SV được xác định là môn học bắt buộc theo luật định (Điều 17, Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi và bổ sung năm 1991). Xuất phát từ vị trí môn học và mục tiêu GDQP cho HS,SV, chương trình gồm ba khối kiến thức lớn: một số vấn đề chủ yếu trong đường lối quân sự của Đảng; những tư duy quân sự cần thiết; một số kỹ năng quân sự cơ bản. Như vậy, GDQP cho HS,SV trong thời kỳ mới đã có bước phát triển về nội hàm, không chỉ chuẩn bị để họ sẵn sàng nhập ngũ, SSCĐ chống kẻ thù xâm lược mà còn phải giáo dục để họ thực hiện tốt nhiệm vụ BVTQ trên cương vị công tác và trách nhiệm công dân của mình trong thời bình, phòng chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ổn định chính trị, tăng cường sức mạnh quốc phòng.   
Trước yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế, ngày 12-02-2001 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 62-CT/TW về “Tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới”; ngày 01-5-2001 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP về GDQP. 
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác GDQP cho HS,SV, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các nhà trường đã triển khai thực hiện và đạt được kết quả trên nhiều mặt. Hệ thống quản lý công tác GDQP cho HS,SV từng bước được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý môn học. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục- Đào tạo (GD- ĐT), Lao động- Thương binh- Xã hội (LĐ-TB-XH)  triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, nội dung GDQP quy định cho từng đối tượng; đã có nhiều giải pháp tích cực trong tổ chức biên chế, đào tạo đội ngũ giáo viên GDQP; công tác bảo đảm cơ sở vật chất cho môn học từng bước được cải thiện. Hệ thống Trung tâm GDQP được quy hoạch, xây dựng trên các địa bàn trong cả nước (16 trung tâm); trong đó, đã có 9 Trung tâm đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng ngày càng nâng lên. Thông qua GDQP, nhận thức về nhiệm vụ BVTQ, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, ý thức về kỷ luật của HS,SV được nâng lên. Mỗi năm có hàng triệu HS,SV các trường THPT, THCN, dạy nghề dài hạn,  đại học, cao đẳng được GDQP; hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đã tham gia đào tạo sĩ quan dự bị, sẵn sàng bổ sung vào lực lượng thường trực khi có nhu cầu. Những kết quả quan trọng về công tác GDQP cho HS,SV mà chúng ta đạt được trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, xây dựng nền QPTD vững mạnh, tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh (QP-AN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
Tuy nhiên, công tác GDQP còn bộc lộ những hạn chế. Đó là: chất lượng GDQP cho HS,SV chưa được như mong muốn; một số nơi tổ chức học tập thiếu chặt chẽ, chạy theo thành tích, nhằm “thanh toán chương trình”, nhất là trong các trường THPT, THCN, dạy nghề. Một số chương trình, nội dung GDQP cho HS,SV bất cập với nhiệm vụ QP- AN trong tình hình mới; tổ chức, phương pháp còn lúng túng. Cơ chế tổ chức thực hiện thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các ngành chức năng; thậm chí, một số nơi thiếu những quy chế, quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý giáo viên và bảo đảm ngân sách. Đó là chưa kể một số cán bộ quản lý trong ngành GD- ĐT, LĐ- TB- XH chưa thực sự coi GDQP là môn học chính khóa trong chương trình giáo GD- ĐT; chưa có sự  chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất quy chế thi, kiểm tra, đánh giá kết quả môn GDQP các cấp THPT, THCN, dạy nghề; đội ngũ giáo viên GDQP vừa thiếu về số lượng (đến hết năm 2006  giáo viên chuyên trách mới đạt 17%) vừa yếu về chất lượng. Bảo đảm cơ sở vật chất cho GDQP chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng GDQP toàn dân, góp phần tăng cường sức mạnh QP-AN, BVTQ khi nước ta là thành viên WTO, ngày 03-5-2007 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP- AN trong tình hình mới”. Đây là cơ sở vững chắc để đưa công tác GDQP-AN phát triển lên tầm cao mới, trong đó GDQP cho HS, SV cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau.
Một là, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo, quản lý GDQP trong hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với môn học. Đẩy mạnh thực hiện quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên môn GDQP. Đồng thời, hoàn thiện quy chế hoạt động của sĩ quan quân đội biệt phái làm tham mưu, quản lý, giảng dạy môn GDQP trong ngành GD- ĐT, LĐ-TB-XH.
Hai là, coi trọng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp  GDQP phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung GDQP cho HS,SV các bậc học trong hệ thống GD-ĐT, phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý; bảo đảm tốt hơn về cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học của từng bậc học. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, nâng cao tính pháp lý hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước để cập nhật vào hệ thống giáo trình, giáo khoa GDQP cho HS,SV. Nghiên cứu, lồng ghép một số nội dung GDQP vào các môn học khác, nhất là môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thể dục... Tích cực đổi mới tổ chức phương pháp GDQP phù hợp với từng đối tượng; tăng cường sinh hoạt ngoại khóa bằng các hình thức thích hợp.  
Ba là, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDQP ngang tầm đòi hỏi. Đây là yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài, có ý nghĩa quyết định đến nâng cao chất lượng GDQP cho HS,SV. Trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng thực chất cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, phấn đấu trong năm năm tới, các trường THPT phải có đủ giáo viên chuyên trách GDQP. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên GDQP, nhất là những vấn đề mới, những nội dung sửa đổi, bổ sung trong giáo trình, giáo khoa. Hoàn thiện hệ thống chính sách đối với đội ngũ giáo viên GDQP. 
Bốn là, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm phương tiện  GDQP. Đầu tư ngân sách, cơ sở vật chất thích đáng,  từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ dạy- học môn GDQP cho HS,SV. Sớm hoàn thành, đưa hệ thống Trung tâm GDQP trên các địa bàn đi vào hoạt động, thu hút số lượng lớn HS,SV vào Trung tâm. Tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm GDQP trong các nhà trường, phân cấp bảo đảm hợp lý; chú trọng bảo đảm đủ vũ khí, khí tài quân dụng, khắc phục tình trạng “học chay”, góp phần nâng cao chất lượng GDQP cho SV,HS, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế.
Hồ Quốc Toản
(Số sau: II.  GDQP toàn dân - thực trạng và những vấn đề đặt ra).
  
 

Ý kiến bạn đọc (0)