QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 00:13 (GMT+7)
Bước phát triển trong công tác giáo dục quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta (tiếp theo)
II. Giáo dục quốc phòng toàn dân – thực trạng và những vấn đề đặt raGiáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân là công tác quan trọng, cần thiết để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi công dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Đối tượng GDQP toàn dân gồm: cán bộ, đảng viên; học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào GDQP cho các tầng lớp nhân dân; trong đó, đề cập đến quá trình phát triển qua các thời kỳ, thực trạng, vấn đề đặt ra hiện nay và những biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng GDQP toàn dân.

  Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, công tác GDQP toàn dân được Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng, nhờ đó đã động viên được toàn dân tham gia kháng chiến chống các kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, GDQP cho các tầng lớp nhân dân chưa được triển khai tổ chức một cách cơ bản, hệ thống, chủ yếu thông qua giáo dục chính trị trong tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng và toàn dân để tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, phổ biến những kiến thức quốc phòng cần thiết phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, BVTQ.

Khi đất nước hòa bình, bước vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH, tăng cường nền quốc phòng toàn dân (QPTD), BVTQ, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP toàn dân. Đặc biệt, Chỉ thị số 62- CT/TW ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới”; Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01-5-2001 của Chính phủ về GDQP, đã tạo cơ sở vững chắc đưa công tác GDQP toàn dân phát triển lên bước mới. Theo đó, GDQP cho toàn dân đã trở thành hệ thống giáo dục có tổ chức, có kế hoạch của Đảng và Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân, được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện ngày càng đi vào nền nếp, đạt kết quả toàn diện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, thống nhất; chương trình, giáo trình, tài liệu GDQP toàn dân được biên soạn thống nhất, đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng. Hội đồng GDQP được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương, quân khu, tỉnh đến cấp huyện và đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả công tác GDQP toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn dân trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh (QP- AN), giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.         
Công tác GDQP cho các tầng lớp nhân dân được thực hiện qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chuyên trang trên báo, chuyên mục trên sóng phát thanh, truyền hình của Trung ương và các địa phương với nội dung, hình thức ngày càng phong phú, đạt kết quả thiết thực. Hội đồng GDQP Trung ương đã làm tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng một số chuyên đề về QP-AN cho lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, nhằm thống nhất định hướng nội dung tuyên truyền GDQP cho toàn dân. Bộ Văn hóa- Thông tin đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng” cho gần 150 cán bộ lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và các địa phương trong cả nước, tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP toàn dân. Các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử , truyền thống cách mạng cho toàn dân, nhân các ngày kỷ niệm lớn, ngày lễ hội của đất nước, địa phương; tổ chức thành công nhiều cuộc thi, nhất là cuộc thi nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề “Âm vang Điện Biên” đã thu hút gần chục triệu người trên khắp mọi miền Tổ quốc tham gia, đạt kết quả cao. Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Một thời hoa lửa” nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam đã thực sự tạo được ấn tượng sâu sắc cho mọi tầng lớp nhân dân về truyền thống vẻ vang của dân tộc, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hội Cựu chiến binh Việt Nam với phong trào “Cựu chiến binh tham gia xây dựng, BVTQ, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN”... Cùng với đó, các địa phương đã chú trọng tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho lãnh đạo chủ chốt, phóng viên báo, đài, báo cáo viên, nhằm định hướng nội dung công tác thông tin, tuyên truyền; duy trì có hiệu quả chuyên trang, chuyên mục QPTD trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các hoạt động quân sự, quốc phòng tại địa phương, như: hội thao, hội thi, diễn tập, công tác dân vận, trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội... Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ QP-AN; âm mưu, thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; yêu cầu nhiệm vụ QP-AN địa phương trong tình hình mới... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận QPTD, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương và cả nước.   
Tuy vậy, công tác GDQP toàn dân còn bộc lộ những mặt hạn chế. Đó là: một số cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành chưa quán triệt, thực hiện đầy đủ yêu cầu các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Đảng, Nhà nước về công tác GDQP toàn dân. Không ít cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP toàn dân. Hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP các cấp (nhất là cấp tỉnh, cấp huyện) chưa được như mong muốn. Nội dung, hình thức GDQP toàn dân chậm được đổi mới; phương pháp tuyên truyền chưa thật phong phú, hấp dẫn; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chất lượng GDQP toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế. Công tác bảo đảm cho GDQP toàn dân chưa được đầu tư thích đáng...
Phát huy kết quả những năm qua và để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP toàn dân, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng nền QPTD, BVTQ trong tình hình mới, ngày 03-5-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới”. Trong thời gian tới, để đưa công tác GDQP toàn dân phát triển vững chắc cả về bề rộng và chiều sâu, theo chúng tôi, cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau:
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Chiến lược BVTQ trong tình hình mới và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác GDQP-AN toàn dân, tạo hành lang pháp lý cho các cấp, các ngành thực hiện đạt hiệu quả. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ GDQP-AN. Theo đó, công tác GDQP-AN toàn dân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là Ban Tuyên giáo Trung ương; các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng GDQP các cấp, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện, phát huy vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GDQP-AN toàn dân.  
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp GDQP-AN cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng theo phương châm "dễ nghe, dễ hiểu, hấp dẫn". Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung vào các ngày kỷ niệm, lễ hội truyền thống của dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân; coi trọng công tác tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, trọng tâm là những vấn đề cơ bản về nhiệm vụ QP-AN, xây dựng nền QPTD, BVTQ trong tình hình mới; tăng cường giáo dục lòng yêu nước, yêu chế độ XHCN, khơi dậy lòng tự hào về lịch sử, truyền thống của Đảng và dân tộc; ý thức sống và làm việc theo pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia, dân tộc; bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Đi đôi với tăng cường thời lượng, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, “văn nghệ hóa” một số nội dung GDQP, tạo không khí nhẹ nhàng, thoải mái, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân theo dõi, hưởng ứng. Thông qua GDQP, nâng cao ý thức, tri thức quốc phòng cho toàn dân, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần có biện pháp phù hợp để phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác GDQP toàn dân, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Trên cơ sở rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không, Câu lạc bộ Hàng hải, tiếp tục nghiên cứu mở rộng các mô hình, các loại hình GDQP toàn dân, vừa thu hút đông đảo lực lượng tham gia luyện tập thể thao quốc phòng, vừa đảm bảo QP-AN các địa phương và cả nước.      
Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương, địa phương. Đây là khâu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP-AN cho các tầng lớp nhân dân. Do vậy, cần có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, định hướng nội dung tuyên truyền, nhất là cập nhật những vấn đề mới về nhiệm vụ QP-AN cho cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương, địa phương. Qua đó, tạo cơ sở nâng cao chất lượng các tin, bài trên chuyên trang, chuyên mục về GDQP toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức quốc phòng cho toàn dân trong sự nghiệp xây dựng nền QPTD vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương và cả nước.
Hồ Quốc Toản
(Số sau: III. Bồi dưỡng kiến thức QP- AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên - kết quả và phương hướng).           
 

Ý kiến bạn đọc (0)