QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 22:13 (GMT+7)
Bước phát triển trong công tác giáo dục quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta (phần III - tiếp theo)
III. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên - kết quả và phương hướng

Trong lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh (BDKTQP-AN) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), làm cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) và quản lý nhà nước về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong thời kỳ mới. Đặc biệt, từ khi có  Chỉ thị 62- CT/TW của Bộ Chính trị, công tác BDKTQP-AN cho đội ngũ CB,ĐV, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành có bước phát triển toàn diện. Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị, xã hội đã quán triệt sâu sắc và có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện BDKTQP-AN cho đội ngũ CB,ĐV đạt hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, kiến thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác quốc phòng- an ninh (QP-AN). 

Công tác BDKTQP-AN cho CB,ĐV được tiến hành có tổ chức, có kế hoạch của Đảng, Nhà nước với chương trình, nội dung quy định cho từng đối tượng và được phân cấp theo hệ thống nhà trường từ Trung ương đến quân khu, tỉnh, huyện. Theo đó, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, thuộc diện Trung ương quản lý (đối tượng 1) được BDKTQP-AN tại Học viện Quốc phòng; chương trình, nội dung tương đối toàn diện về chiến lược QP-AN, kinh tế, đối ngoại và những quan điểm cơ bản về lãnh đạo, quản lý QP-AN trong tình hình mới (gồm 13 giáo trình, 7 tài liệu chính thức, 3 chuyên đề bổ trợ). Cấp ủy đảng, Hội đồng GDQP các quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, có nền nếp việc BDKTQP-AN cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương (đối tượng 2) tại trường Quân sự quân khu; cán bộ chủ chốt cấp xã, phòng, ban cấp huyện và tương đương (đối tượng 3) bồi dưỡng tại trường Quân sự tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương); trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ và tương đương (đối tượng 4) và cán bộ, công chức nhà nước, đảng viên không thuộc các đối tương trên (đối tượng 5) do cấp ủy, chính quyền cấp huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
 Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn, một số quân khu đã có sự vận dụng linh hoạt trong việc phân cấp tổ chức BDKTQP-AN cho các đối tượng: một bộ phận đối tượng 2 bồi dưỡng tại trường Quân sự tỉnh; các đối tượng 3, 4, 5, bồi dưỡng tại cấp huyện. Sự phân cấp hợp lý này vừa giải quyết được nhu cầu số lượng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho CB,ĐV kết hợp giữa học tập với giải quyết công việc tại địa phương, cơ sở. Nhờ có định hướng đúng và tổ chức thực hiện sáng tạo nên từ năm 2001 đến hết năm 2006 cả nước đã BDKTQP-AN cho 780.157 CB,ĐV; trong đó, đối tượng 1: 1.255 người, đối tượng 2: 10.565 người, đối tượng 3: 107.593 người, đối tượng 4: 255.641 người, đối tượng 5: 405.103 người.
Chương trình, giáo trình, tài liệu BDKTQP-AN cho các đối tượng được Bộ Quốc phòng xây dựng đồng bộ, phù hợp với các đối tượng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển từ thấp lên cao, được ban hành thực hiện thống nhất trong cả nước. Thông qua BDKTQP-AN, đội ngũ CB,ĐV đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ trong tình hình mới; nâng cao kiến thức về QP-AN; nắm vững nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo đối với sự nghiệp BVTQ và công tác QS,QP ở địa phương và ở các bộ, ban, ngành; nội dung, biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD); công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; thấy rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta...Từ đó, xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm theo cương vị công tác trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với QP-AN; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP ở các bộ, ban, ngành và địa phương, cơ sở, góp phần xây dựng nền QPTD vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh BDKTQP-AN cho các đối tượng trên, hàng vạn học viên là cán bộ các cấp, các ngành đào tạo tại các trường chính trị, hành chính, đoàn thể trong hệ thống chính trị được học chương trình GDQP theo quy định thống nhất của từng bậc học. Đó là chưa kể, một số địa phương đã tổ chức gần 100 lớp BDKTQP-AN cho hơn 8.400 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo và đã phát huy tốt kiến thức được học, tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ nêu cao tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; vận động tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết các tôn giáo, chung sức xây dựng đất nước, xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy vậy, công tác BDKTQP-AN cho đội ngũ CB,ĐV còn những mặt hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương và một bộ phận CB,ĐV, trong đó có cả cán bộ chủ chốt, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong công tác này. Thậm chí, một số cán bộ còn ngại đi bồi dưỡng, nhất là cán bộ cấp huyện, các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Việc khảo sát, phân loại đối tượng cán bộ chưa được thực hiện cơ bản, chặt chẽ, nhất là đối với các ngành kinh tế, nên chưa bảo đảm đúng đối tượng và còn bỏ sót đối tượng cần phải  BDKTQP-AN; nhìn chung, tỷ lệ CB,ĐV được bồi dưỡng còn thấp. Phân cấp bồi dưỡng chưa thật hợp lý, xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tiễn. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý BDKTQP-AN còn bất cập với yêu cầu đòi hỏi, nhất là cấp tỉnh, cấp huyện. Chương trình, giáo trình, tài liệu, tổ chức phương pháp bồi dưỡng cho các đối tượng chậm được đổi mới. Chất lượng BDKTQP-AN cho CB,ĐV chưa được như mong muốn. Chưa có kế hoạch BDKTQP-AN cho CB,ĐV trong các Tổng Công ty 90, 91, các doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh...
Phát huy kết quả đã đạt được và để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BDKTQP-AN cho CB,ĐV, tạo cơ sở làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nền QPTD, an ninh nhân dân, đáp ứng nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới, theo chúng tôi cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau.
Trên cơ sở tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Chỉ thị số 62-CT/TW và Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền QPTD, an ninh nhân dân, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của công tác BDKTQP-AN cho CB,ĐV. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả  công tác BDKTQP-AN cho các đối tượng theo mục đích, yêu cầu đặt ra. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi CB,ĐV nhận thức sâu sắc, đầy đủ về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với an ninh nhân dân; chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở từng địa phương và cả nước, bảo vệ môi trường hòa bình để phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế khi nước ta đã là thành viên WTO.         
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện BDKTQP-AN, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành, các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trước mắt, tập trung xây dựng và ban hành Quy chế về BDKTQP-AN, trong đó quy định cụ thể việc tham gia BDKTQP-AN đối với CB,ĐV, coi đó là một tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; đồng thời, chuẩn hóa kiến thức QP-AN đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức quần chúng thuộc hệ thống chính trị của các ngành, địa phương.
Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, rà soát số CB,ĐV do cấp mình quản lý chưa được BDKTQP-AN để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho từng năm, bảo đảm trong nhiệm kỳ công tác, mọi CB,ĐV đều được BDKTQP-AN theo quy định. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, đảng viên; cán bộ chủ chốt ở các Tổng Công ty 90, 91; ở các doanh nghiệp Nhà nước, các loại hình doanh nghiệp khác và các chức sắc, chức việc tôn giáo. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm ở một số địa phương, nghiên cứu mở rộng đối tượng BDKTQP-AN phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn, địa phương, như: chủ hộ gia đình tuyến biên giới; chủ hộ ngư dân trên biển; đoàn viên thanh niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số...    
Thường xuyên bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật và pháp lệnh của Nhà nước đối với nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới để kịp thời đổi mới chương trình, giáo trình, giáo khoa, tài liệu, phương pháp BDKTQP-AN cho các đối tượng. Chú trọng kết hợp bồi dưỡng kiến thức lý luận với nghiên cứu thực tiễn các mô hình kết hợp kinh tế với quốc phòng, các đơn vị quân đội trên địa bàn. Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phân cấp cho các trường Quân sự quân khu; trường Quân sự, trường Chính trị cấp tỉnh; hệ thống trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện (tương đương) và cấp cơ sở xã, phường, thị trấn để BDKTQP-AN cho CB,ĐV, vừa giải quyết nhu cầu số lượng, vừa tạo điều kiện cho CB,ĐV kết hợp học tập với thực hiện chức trách được giao ở địa phương, cơ sở.       
Với khối lượng kiến thức tương đối toàn diện về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến QP-AN, kinh tế- xã hội, đối ngoại và quản lý nhà nước về quốc phòng; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch..., công tác BDKTQP-AN đang đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ giảng viên. Do vậy, cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, không ngừng nâng cao kiến thức toàn diện, nhất là cập nhật kiến thức QP-AN và sự phát triển của các chuyên ngành giảng dạy cho đội ngũ giảng viên tham gia BDKTQP-AN cho CB,ĐV, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Hồ Quốc Toản                 
 

Ý kiến bạn đọc (0)