QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:37 (GMT+7)
Bước phát triển mới trong công tác giáo dục quốc phòng toàn dân ở Thái Bình

Giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân là một công tác quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương. Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của GDQP là nhằm bồi đắp lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng và nâng cao ý thức, trách nhiệm cho toàn dân đối với công cuộc củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt quan điểm đó và ý thức được vị trí quan trọng của một tỉnh ven biển trong thế phòng thủ trên hướng biển của Quân khu 3, những năm qua, nhất là 5 năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân Tỉnh, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong Tỉnh, công tác GDQP ở Thái Bình có bước phát triển đáng mừng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
Trong quá trình thực hiện công tác GDQP toàn dân, Tỉnh chú trọng triển khai sâu rộng tới mọi đối tượng, trong đó tập trung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh (BDKT QP-AN) cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành. Bởi lẽ, cán bộ các cấp, các ngành từ Tỉnh đến cơ sở là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, nên rất cần được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực này, trước hết và quan trọng nhất là nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược, quan điểm, đường lối quốc phòng của Đảng, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Trên cơ sở đó, họ mới có tầm nhìn, đánh giá đúng tình hình, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, cơ sở một cách hiệu quả. Qua 5 năm đẩy mạnh GDQP, Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc phân cấp BDKTQP-AN cho các đối tượng cán bộ. Đối với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh (đối tượng 1), thực hiện theo chỉ tiêu của trên, Tỉnh đã cử 7 đồng chí tham gia BDKTQP-AN tại Học viện Quốc phòng, đạt tỉ lệ 53,8%. Đối với cán bộ chủ chốt cấp huyện, thành phố và trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh (đối tượng 2), đã tổ chức bồi dưỡng được 5 lớp, cho 158 đồng chí, đạt tỉ lệ 80%. Đáng chú ý là, theo quy định phân cấp bồi dưỡng của Bộ Quốc phòng thì đối tượng này do Quân khu đảm nhiệm và nếu thực hiện đúng như vậy, tức là dựa hoàn toàn vào Quân khu, thì mỗi năm sẽ có rất ít cán bộ được bồi dưỡng (khoảng 10% tổng số cán bộ), như thế sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ QP-AN ở địa phương. Vì thế, Tỉnh đã chủ động đề nghị Quân khu thực hiện theo phương thức kết hợp "trên dưới cùng làm", một mặt vẫn gửi cán bộ tham gia bồi dưỡng tại Quân khu, mặt khác tổ chức lớp bồi dưỡng ngay tại Tỉnh bằng nguồn kinh phí của Tỉnh, còn giáo viên và chương trình bồi dưỡng do Trường quân sự Quân khu đảm nhiệm. Theo cách trên, Tỉnh đã tổ chức được một lớp cho 114 đồng chí, đạt chất lượng tốt. Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và cán bộ trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể huyện, thành phố (đối tượng 3) do Tỉnh chịu trách nhiệm bồi dưỡng, đã tổ chức được 33 lớp cho 4074 đồng chí, đạt tỉ lệ 91,5%. Như vậy, cho đến nay Tỉnh đã hoàn thành về cơ bản BDKTQP-AN cho cán bộ thuộc diện đối tượng này. Đối với cán bộ thôn, làng, tổ dân phố, mặc dù đây chưa phải là đối tượng thuộc diện phải BDKTQP-AN theo quy định của Bộ Quốc phòng, nhưng xét thấy cần thiết, xuất phát từ nhiệm vụ QP-AN ở cơ sở và thực tiễn xây dựng cơ sở nên Tỉnh đã chủ động chỉ đạo các huyện, thành phố thuộc Tỉnh tổ chức được 16 lớp (mỗi lớp 5 ngày) cho 4702 đồng chí, đạt tỉ lệ 90%, chất lượng bảo đảm.
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, có trên 1,8 triệu dân, có 3 tôn giáo chính là Thiên chúa giáo, Phật giáo và Tin lành, có 1040 cơ sở thờ tự; 23 vạn tín đồ, phật tử, 697 chức sắc, chiếm tỉ lệ khoảng 12,7% số dân toàn Tỉnh. Từ đặc điểm trên, được sự chỉ đạo của Quân khu, năm 2004 Tỉnh đã triển khai BDKTQP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo được 645 vị, đạt tỉ lệ 92,%; trong đó, Thiên chúa giáo được 376/398 vị bằng 94,5%, Phật giáo được 267/297 vị, bằng 90% và Tin lành 2 vị, bằng 100%. Có thể nói đây là một thành công rất đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực, nhạy bén của Tỉnh. Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước (phạm vi cấp tỉnh) thực hiện BDKTQP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo và đã thực hiện tốt. Từ thực tiễn cho thấy, việc làm này có ý nghĩa quan trọng, một mặt nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của các vị chức sắc, chức việc tôn giáo và qua họ tới đồng bào có đạo đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà trực tiếp là nhiệm vụ quốc phòng- an ninh ở địa phương; mặt khác, tăng cường niềm tin của đồng bào tôn giáo đối với Đảng, củng cố, thắt chặt mối đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn giáo phấn đấu vì sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
GDQP cho học sinh, sinh viên được Tỉnh thường xuyên quan tâm vì đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược đào tạo con người mới XHCN của Đảng, nhằm giáo dục lòng yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh, hệ thống nhà trường gồm có 48 trường, trong đó có 3 trường đại học, cao đẳng, 6 trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và 39 trường phổ thông trung học (chưa tính trường Chính trị và trường Quân sự Tỉnh). Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng GDQP Tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh và Sở Giáo dục-Đào tạo cùng các ngành, đoàn thể Tỉnh, công tác GDQP cho học sinh, sinh viên được thực hiện nền nếp, chất lượng; GDQP thực sự là môn học chính khóa trong các nhà trường. Trong 5 năm qua đã GDQP được trên 322 nghìn lượt học sinh, sinh viên, đạt tỉ lệ 99,6%. Đáng chú ý là, các nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng kết hợp học chính khóa và ngoại khóa cho học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tổ chức hành quân dã ngoại, tham quan, cắm trại và tổ chức các buổi nói chuyện về lịch sử, truyền thống, về Bộ đội Cụ Hồ cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, Tỉnh còn tổ chức các cuộc hội thi, hội thao GDQP theo cụm trường cấp tỉnh, cấp quân khu. Năm 2003, Thái Bình vinh dự được chọn làm đơn vị điểm tổ chức Hội thi GDQP cho học sinh, sinh viên để Quân khu nghiên cứu, rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn. Hội thi được tổ chức với sự tham gia của 17 đoàn, 170 vận động viên là học sinh, sinh viên được tuyển chọn tại các cụm nhà trường trên địa bàn Tỉnh, thi 5 nội dung trong chương trình môn học GDQP. Hội thi đã đạt kết quả rất tốt, được Bộ Quốc phòng, Quân khu và các tỉnh bạn đến tham quan đánh giá cao.
Xét đến cùng, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương là do nhân dân thực hiện, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt, mà muốn thực hiện tốt thì trước hết phải làm tốt công tác GDQP. Vì thế, Tỉnh thường xuyên quan tâm GDQP cho các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang và đã tạo được chuyển biến tích cực. Đối với nhân dân, việc tuyên truyền, GDQP được thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực, kết hợp giữa tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh nội bộ với sinh hoạt của các tổ dân phố, thôn, làng. Trong đó, có một hình thức rất hiệu quả là tuyên truyền thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động thăm hỏi tặng quà những gia đình chính sách trong dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ (27/7), ngày thành lập Quân đội nhân dân và ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12), hoặc tổ chức lễ nhận hài cốt liệt sĩ, lễ tiễn đưa thanh niên nhập ngũ, đón bộ đội xuất ngũ trở về địa phương... Những hoạt động cụ thể, đầy ý nghĩa đó là cách tuyên truyền GDQP trực tiếp và thiết thực nhất đối với nhân dân. Riêng với lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên, về cơ bản hình thức, biện pháp GDQP được thực hiện qua hoạt động giáo dục, huấn luyện quân sự, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ kết hợp với những đợt sinh hoạt tập trung, thực hiện nhiệm vụ QP-AN, công tác dân vận ở địa phương, cơ sở.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được trong công tác GDQP toàn dân có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của Tỉnh là tăng cường nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quản lý nhà nước về quốc phòng ở địa phương. Mặt khác, không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cho toàn dân, phòng chống hiệu quả chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên địa bàn Tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội.
Qua thực tiễn nhiều năm thực hiện công tác GDQP ở địa phương, chúng tôi thấy rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thiết thực của công tác này, điều quan trọng trước hết là cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trên cơ sở phát huy vai trò tham mưu của Hội đồng GDQP cùng cấp, kết hợp với sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể. Đối với Thái Bình, ngay từ năm 2001, sau khi tổ chức quán triệt Chỉ thị 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh đã có Chỉ thị về thực hiện công tác quốc phòng địa phương, Chỉ thị tăng cường GDQP, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện chặt chẽ. Hằng năm, Tỉnh thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, thanh tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự nói chung, GDQP nói riêng, qua đó có biện pháp thực hiện ngày càng hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng nữa là, trong quá trình GDQP phải thực hiện toàn diện, quan tâm tới mọi đối tượng, trước hết là đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành thuộc diện đối tượng mà Tỉnh chịu trách nhiệm BDKTQP-AN (đối tượng 3, 4). Có thể nói, với đối tượng này, Thái Bình đã thực hiện khá tốt từ khâu xây dựng kế hoạch, xây dựng nội dung chương trình đến việc chuẩn bị giáo viên, bảo đảm vật chất, tài liệu và tổ chức lớp học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Ngoài việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung, còn chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ thông qua các hoạt động QP-AN, quán triệt triển khai nhiệm vụ, tổ chức hội nghị liên ngành phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP-AN, diễn tập khu vực phòng thủ địa phương. Nhờ đó, trình độ, năng lực của cán bộ ngày càng nâng lên, vận dụng tốt kiến thức được trang bị (lý luận) xử lý các tình huống QP-AN ở địa phương, cơ sở. Trong công tác GDQP, Hội đồng GDQP (tỉnh, huyện) và cơ quan thường trực có vai trò rất quan trọng. Vấn đề mấu chốt, cấp thiết hiện nay là phải coi trọng củng cố kiện toàn tổ chức (số lượng, chất lượng, cơ cấu, thành phần), gắn chặt với nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả hoạt động của Hội đồng và qua đó mới đẩy mạnh được công tác GDQP toàn dân ở địa phương, cơ sở.
Trên đây là một số biện pháp, kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra của Tỉnh qua 5 năm quán triệt và thực hiện Chỉ thị 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP. Điều rất đáng mừng  đối với Thái Bình là, đầu năm 2001 Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba "Vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp GDQP". Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng, trong công tác này của Tỉnh đang còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi Tỉnh phải tiếp tục đổi mới và nỗ lực hơn nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu,  qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới.
 
Đại tá Trịnh Duy Huỳnh
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)