QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 22:25 (GMT+7)
Bước phát triển đường lối quân sự của Đảng trong tiến trình đổi mới đất nước

Đường lối quân sự của Đảng là hệ thống các quan điểm và chủ trương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu về đổi mới toàn diện đất nước trong 24 năm qua có sự góp phần không nhỏ của việc đổi mới tư duy quân sự mà đường lối quân sự của Đảng đã đề ra.

 

Chủ trương và tiến đến đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta, bắt đầu từ  Đại hội Đảng VI, đến nay đã trải qua 24 năm. Trong hơn hai thập niên này, Đảng ta đã kiên trì và sáng suốt lãnh đạo toàn dân tộc tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, từng bước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đường lối quân sự của Đảng là “hệ thống các quan điểm và chủ trương chỉ đạo” các vấn đề thuộc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tất phải phục tùng đường lối cách mạng và gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng đất nước, góp phần bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH.

Muốn đánh giá đúng bước phát triển của đường lối quân sự, chúng ta phải nhìn lại cả quá trình, nhất là tình hình đất nước trước khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới, được đánh giá là đang trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Từ một điểm xuất phát thấp như vậy, để đi tới ngày nay, bên cạnh bước phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, là sự phát triển từng bước của đường lối quân sự qua các kỳ Đại hội Đảng.

1. Từ Đại hội Đảng VI tới trước Đại hội Đảng VII là bước chuyển hướng chiến lược quan trọng về bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ra khỏi thế bất lợi cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Chúng ta đã thực hiện điều chỉnh chiến lược, quan tâm đến việc bố trí lại đội hình chiến lược để bảo đảm phát huy sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước và đủ sức đối phó với mọi tình huống chiến tranh. Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đi đôi với xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng với an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đặc biệt là việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02/NQ-BCT, ngày 30-7-1987 xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Đây là một Nghị quyết rất cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân trong tình hình mới. Sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) được tăng cường rõ rệt. Đại hội VI và VII của Đảng đã xác định phương hướng lớn của nhiệm vụ QP-AN bảo vệ Tổ quốc gắn liền với xây dựng đất nước. Các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ ba (khóa VII) về QP-AN đã cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

2. Từ Đại hội VII đến Đại hội  IX là bước phá thế bao vây cấm vận, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xâm lược, thường xuyên cảnh giác chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Đại hội VII khẳng định yêu cầu về bảo vệ Tổ quốc: toàn dân luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và thành quả cách mạng. Để tạo môi trường thuận lợi cho “chiến lược đã định” và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đến năm 2000, về đối ngoại, Đảng ta đã nêu rõ chủ trương:  “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa đã tác động sâu sắc tới đường lối quân sự. Thông qua đối ngoại và đối ngoại quân sự, chúng ta đã từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xâm lược. Nghị quyết Đại hội VII khẳng định nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ là nhiệm vụ quan trọng của toàn dân, toàn quân, của toàn bộ hệ thống chính trị; nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ địa phương, xây dựng các khu vực hậu phương chiến lược theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 56/CP của Chính phủ về xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đối với các lực lượng vũ trang, Nghị quyết xác định cơ cấu tổ chức với số quân hợp lý nhưng phải có chất lượng tổng hợp cao, gắn với lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân, tự vệ rộng khắp. Nghị quyết khẳng định tính chất lao động đặc thù của quân đội; gắn chặt nhiệm vụ an ninh quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội với củng cố quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hai lực lượng (bộ đội và công an) trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, đưa Công an nhân dân lên vị trí lực lượng vũ trang, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.  Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã kích thích các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với các nước XHCN còn lại. Đứng trước âm mưu thâm độc đó của các thế lực phản động, Cương lĩnh 1991 của Đảng đã xác định rõ đối tượng của cách mạng Việt Nam là những lực lượng cản trở việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh theo con đường XHCN”, trước hết là các lực lượng thù địch chống độc lập dân tộc và CNXH. Nghị quyết Đại hội VIII tiếp tục đặt âm mưu và hoạt động gây mất ổn định chính trị - xã hội  lên đối tượng hàng đầu, bên cạnh các âm mưu xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, gây tổn hại cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết xác định rõ việc gắn chặt thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, coi đó là 2 mặt có quan hệ khăng khít với nhau của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Sau Đại hội VIII, Đảng ủy Công an Trung ương trình Bộ Chính trị Dự thảo Nghị quyết “Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, được chấp nhận thành Nghị quyết 08 (Khóa XIII) như một Chiến lược an ninh quốc gia; trong đó phân tích đối tượng, âm mưu của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chỉ rõ các mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia, khẳng định cả mối đe dọa bên trong và bên ngoài đều nguy hiểm, nhưng yếu tố bên trong có vai trò quyết định. Trên cơ sở đó, đưa nhiệm vụ phòng chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, yêu cầu phải lấy “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chủ yếu”. Các nghị quyết trên đây cùng với các công trình nghiên cứu khoa học về “Chiến lược QP-AN trong giai đoạn 1991-1995” đã đưa đến “Tư duy mới về QP-AN” và phát triển từ bấy đến nay.

Từ Đại hội VII đến trước Đại hội IX, đất nước ra khỏi khủng hoảng KT-XH, Việt Nam đã khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc, trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, đặt quan hệ ngoại giao với Mỹ, phá vỡ bao vây cấm vận, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh xâm lược, giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, luôn sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống, không để đất nước bị bất ngờ về chiến lược.

3. Từ Đại hội IX đến Đại hội X tới nay là thời kỳ giữ vững hòa bình, ổn định, hội nhập sâu vào đời sống quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế và thực lực, từng bước trở thành nhân tố của hòa bình, phát triển trong khu vực và quốc tế. Nghị quyết Đại hội IX, khi nói về tăng cường QP-AN, đã khẳng định yêu cầu toàn diện về bảo về Tổ quốc XHCN, bổ sung các yêu cầu về bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, về bảo vệ nền văn hóa, sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc; nhấn mạnh các yêu cầu phối hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị-xã hội cho QP-AN, hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ Tổ quốc, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp QP-AN.

Sau Đại hội IX chưa đầy 5 tháng, vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ và phản ứng sau đó của Hoa Kỳ đã buộc các nước phải đề cao cảnh giác. Đầu năm 2002, Học viện Quốc phòng phối hợp với Viện Chiến lược Quân sự đề xuất Chương trình nghiên cứu khoa học về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đến năm 2004, Chương trình nghiên cứu khoa học trên, qua nhiều bước nghiên cứu và nhiều cuộc hội thảo, đã dẫn đến một Đề cương được Đảng ủy quân sự Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị, tiến tới một Tiểu ban soạn thảo Nghị quyết Trung ương 8 đưa ra trình hội nghị Trung ương 8 (Khóa IX). Được tập thể Ban chấp hành Trung ương thảo luận và quyết nghị, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã trở thành bước đột phá về đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH. Trên cơ sở lý luận: bảo vệ Tổ quốc là toàn bộ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, Nghị quyết phân tích tình hình và kiểm điểm nhiệm vụ từ năm 1991 - là lúc có sự tác động nặng nề của việc tan rã hệ thống XHCN, cũng là lúc ta đề ra Cương lĩnh quá độ lên CNXH - đến lúc diễn ra Hội nghị; đã xác định mâu thuẫn gay gắt đang nổi lên trên thế giới giữa một bên là các thế lực hiếu chiến mưu toan thống trị thế giới với một bên là nhân dân lao động và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh, chống chủ nghĩa bá quyền. Đây là lần đầu tiên (từ khi đất nước hòa bình) có một Nghị quyết Trung ương khẳng định: Chúng ta có khả năng giữ vững hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH,HĐH theo định hướng XHCN. Trên cơ sở nhiệm vụ: lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt, gắn chặt nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thêm bạn, bớt thù, Nghị quyết đề xuất nguyên tắc và cách xem xét về đối tượng và đối tác, khẳng định quan điểm: “Xem việc giữ vững môi trường hòa bình để phát triển KT-XH là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”. Nghị quyết nêu lên 6 nhiệm vụ, trong đó nổi lên nhiệm vụ giữ môi trường hòa bình, ổn định, không để xảy ra bạo loạn, “tự diễn biến”, ngăn chặn “Diễn biến hòa bình” và can thiệp quân sự. Nghị quyết cũng chỉ ra 6 giải pháp cho các mặt hoạt động chủ yếu và phân công tổ chức thực hiện để Chiến lược thành hiện thực. Sau này, Nghị quyết Đại hội X đã bổ sung yêu cầu về bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng- văn hóa và an ninh xã hội, an ninh chính trị nội bộ, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại với các bộ, ngành, cơ quan.

 Từ Đại hội X đến nay, đất nước ngày càng hội nhập sâu vào hoạt động mọi mặt trên trường quốc tế, thực lực và vị thế của Việt Nam không ngừng nâng cao, từ làm Chủ tịch không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đến làm Chủ tịch ASEAN năm 2010... Ngày nay, sau những đổi mới sâu sắc về nhiều mặt, trong đó có bước phát triển khá mạnh mẽ về đường lối quân sự, Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình, trở thành thành viên của nhiều tổ chức quyền lực trên thế giới... Đây là thắng lợi to lớn của cả dân tộc trong tiến trình đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ

 

Ý kiến bạn đọc (0)