Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:11 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xây dựng lực lượng dự bị động viên hậu cần (DBĐVHC) là một nội dung quan trọng của công tác hậu cần khu vực phòng thủ (KVPT). Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về chi phí quân sự cho nền kinh tế đất nước, tăng khả năng bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Những năm qua, thực hiện Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên (DBĐV) và kế hoạch của Chính phủ giao, các tỉnh (thành phố) đã quan tâm xây dựng được lực lượng DBĐV hùng hậu với hàng vạn quân nhân dự bị (QNDB) và hàng ngàn phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, chất lượng xây dựng lực lượng DBĐV nói chung, lực lượng DBĐVHC nói riêng có mặt còn hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp có tính khả thi trong thời gian tới. Bài viết này chỉ đề cập một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tạo nguồn và tổ chức sắp xếp lực lượng DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) hiện nay.
Xây dựng lực lượng DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) phải đạt được các mục tiêu: đủ chỉ tiêu, đúng tiêu chuẩn quy định, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, được quản lý chặt chẽ và có khả năng huy động cao. Điều đó được đánh giá bởi chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình xây dựng và kết quả xây dựng lực lượng DBĐVHC.
Tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng lực lượng DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) được thể hiện trên các mặt: tạo nguồn DBĐVHC; tổ chức, biên chế đơn vị DBĐVHC; quản lý, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra đơn vị DBĐVHC; bảo đảm hậu cần, trang bị kỹ thuật, tài chính cho xây dựng lực lượng DBĐVHC; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐVHC; tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; kết quả xây dựng và khả năng huy động lực lượng DBĐVHC. Trong mỗi nhóm này đều có các nhóm tiêu chí cụ thể. Trong từng tiêu chí được xác định các chỉ số đánh giá cụ thể (tốt, khá, đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu). Chẳng hạn, tiêu chí đánh giá về sắp xếp QNDB vào các đơn vị DBĐVHC được phản ánh bằng các chỉ số: sắp xếp người có trình độ chuyên môn quân sự, chuyên môn kỹ thuật, hậu cần phù hợp hoặc tương ứng với chức danh trong biên chế; sắp xếp đúng thứ tự ưu tiên, QNDB hạng 1 trước, hạng 2 sau. Kết hợp giữa sắp xếp đúng chuyên nghiệp quân sự với thu hẹp địa bàn động viên. Bổ nhiệm sĩ quan dự bị vào các chức vụ trong đơn vị DBĐVHC phải đạt được các yêu cầu cơ bản: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức danh đảm nhiệm. Sắp xếp hạ sĩ quan, chiến sĩ dự bị vào đơn vị DBĐVHC gồm nam QNDB nhóm A và nhóm B (chủ yếu là nhóm B) và một số nữ QNDB nhóm B vào các vị trí thích hợp. Có tỷ lệ QNDB dự phòng hợp lý (khoảng 10%).
Từ những vấn đề cơ bản trên và để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, chủ động tạo nguồn DBĐV cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thành phố) từ quân nhân xuất ngũ. Hiện nay, phần lớn hạ sĩ quan, chiến sĩ DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) được biên chế ở các phân đội DBĐVHC (quân y, vận tải) nhưng hầu hết các phân đội này không có khung thường trực (khung A), mà đều do lực lượng DBĐVHC quản lý. Vì thế, việc tạo nguồn DBĐV cho các phân đội DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) từ quân nhân xuất ngũ để làm nòng cốt là hết sức cần thiết. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế và kế hoạch xây dựng lực lượng DBĐVHC KVPT, cơ quan quân sự cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thường trực của quân khu, của Bộ trong quá trình tuyển quân nhằm thống nhất phân vùng tuyển quân phù hợp, để có nhiều quân nhân của địa phương được thực hiện nghĩa vụ ở các đơn vị chuyên ngành có thể tạo nguồn DBĐVHC cho các đơn vị trong KVPT địa phương. Đồng thời, trong quá trình quân nhân tại ngũ, cần có sự phối hợp với các đơn vị tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, kết hợp với huấn luyện chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ hậu cần cho quân nhân.
Khi quân nhân xuất ngũ được đơn vị thường trực bàn giao cho địa phương, cơ quan quân sự các huyện (quận) cần tổ chức tiếp nhận chu đáo, thống kê đầy đủ về cả số lượng và chất lượng, trên cơ sở đó sắp xếp hợp lý quân nhân xuất ngũ có chuyên môn quân sự đúng hoặc gần đúng vào các phân đội DBĐVHC. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ, tạo việc làm ổn định, giúp họ yên tâm tham gia lực lượng DBĐVHC của địa phương. Đối với quân nhân xuất ngũ ở vùng nông thôn, cần hướng cho họ có ngành nghề phổ thông để vừa dễ xin việc làm, vừa có điều kiện xây dựng lực lượng DBĐV, như: lái xe, thợ cơ khí... Đối với quân nhân xuất ngũ ở các thành phố, thị xã, cần tập trung hướng nghiệp cho họ những ngành nghề có kỹ thuật cao, đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở kinh tế lớn. Thực tế hiện nay ở các thành phố, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng,...nhiều cơ sở kinh tế của Trung ương và thành phố sẵn sàng nhận quân nhân xuất ngũ về làm việc, nhưng khi kiểm tra tay nghề thì phần đông chưa đáp ứng yêu cầu.
Để tạo cho quân nhân xuất ngũ có được nghề thích hợp, cơ quan quân sự địa phương cần đề nghị chính quyền cùng cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội tạo điều kiện về tài chính, giảm mức đóng phí học nghề để họ có điều kiện học tập. Hiện nay, mỗi quân khu có một trường (trung tâm) dạy nghề, cần ưu tiên dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực, chủ động liên hệ với một số trung tâm dạy nghề lớn trên địa bàn để dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ.
Hai là, tạo nguồn sĩ quan dự bị và lực lượng chuyên môn kỹ thuật cao có ngành nghề tương ứng chuyên ngành hậu cần từ sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và từ công chức Nhà nước thuộc các tổ chức, các cơ sở kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành, cơ quan quân sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tạo nguồn sĩ quan DBĐVHC và lực lượng chuyên môn kỹ thuật cao từ sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã huy động hàng chục trường đại học, trung học chuyên nghiệp làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ chuyên môn, cung cấp cho quân đội 30.000 người (đến năm 1971), góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Lực lượng cán bộ, công chức Nhà nước trong các cơ quan, doanh nghiệp của các chuyên ngành hậu cần được đào tạo cơ bản, có số lượng lớn, luôn gắn với địa bàn là nguồn quan trọng để đào tạo thành nguồn cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao cho lực lượng DBĐVHC, nhất là cho các phân đội vận tải, quân y.
Hiện nay, các quân khu đều tổ chức đào tạo sĩ quan dự bị, nhưng thường chỉ phổ cập một số kiến thức quân sự chung, chưa đi sâu vào các chuyên ngành nên chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa sát với yêu cầu của các đơn vị DBĐVHC. Do vậy, trong các đợt tập trung huấn luyện sĩ quan dự bị, cần có kế hoạch cụ thể, đào tạo theo chuyên ngành; cần có một số chuyên đề riêng cho hậu cần (vận tải, quân y). Ngoài những nội dung phổ cập quân sự chung, phải bổ sung một số nội dung chuyên môn hậu cần thường xuyên và nhất là đảm bảo hậu cần trong chiến đấu.
Ba là, đẩy mạnh huấn luyện chuyển hạng QNDB (hạng 2 lên hạng 1). Thực tế hiện nay nguồn DBĐVHC từ quân nhân xuất ngũ giảm (do lực lượng thường trực giảm); vì vậy, phần lớn lực lượng DBĐVHC thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố) được tạo nguồn từ các tổ chức kinh tế - xã hội. (thành phố Hà Nội, tỷ lệ này tới 90%, ở nhiều tỉnh khoảng 70-80%). Mặc dù phần lớn công chức Nhà nước có học vấn, khả năng chuyên môn kỹ thuật cao (nhất là ở các thành phố), nhưng hiểu biết về quân sự nói chung, chuyên môn hậu cần nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là hậu cần trong chiến đấu. Đây cũng là đòi hỏi cấp thiết đối với cơ quan quân sự các tỉnh (thành phố) trong việc tổ chức huấn luyện chuyển hạng DBĐVHC từ hạng 2 lên hạng 1.
Trên cơ sở Chương trình huấn luyện lực lượng DBĐV của Bộ Tổng Tham mưu đã ban hành cho đơn vị DBĐVHC, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện cho phân đội DBĐV vận tải ô tô, huấn luyện nhân viên quân vận, áp tải và huấn luyện phân đội DBĐV quân y. Đối với QNDB thuộc phân đội vận tải bộ, cần huấn luyện bổ sung một số nội dung và phương pháp vận chuyển vật chất, thương binh ở địa hình trống trải, nơi địch đánh phá ngăn chặn; tổ chức bảo vệ phân đội vận tải trên đường vận chuyển. Với QNDB thuộc phân đội quân y, ngoài những nội dung đã quy định, cần bổ sung thêm các nội dung: tổ chức và phương pháp triển khai đội phẫu thuật, cứu chữa bước đầu, cứu chữa cơ bản, bảo đảm quân y trong tác chiến phòng thủ tỉnh (thành phố), trong chống thảm hoạ…
Bốn là, xây dựng mô hình đơn vị DBĐVHC hợp lý. Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, cơ quan quân sự các tỉnh (thành phố) đã quan tâm xây dựng được các phân đội DBĐVHC có đủ thành phần theo quy định. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp các lực lượng, phương tiện kỹ thuật của các đơn vị này có chỗ chưa hợp lý. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý lực lượng DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố). Đối với tiểu đoàn quân y (hoặc đội điều trị) DBĐVHC nên giao cho cấp huyện (quận) xây dựng. Hiện nay, các bệnh viện cấp huyện đều có khả năng đáp ứng đủ nguồn cả về nhân lực và chuyên môn kỹ thuật. Theo đó, mỗi thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, hai đến ba quận nội thành xây dựng một tiểu đoàn quân y hoặc đội điều trị DBĐVHC. Khung cán bộ tiểu đoàn quân y, hoặc đội điều trị và một ban Ngoại phải dựa vào bệnh viện lớn, còn ban Ngoại và ban Nội xây dựng ở các bệnh viện nhỏ hơn. Nên chọn được kíp mổ hoặc ban Ngoại ở cùng một bệnh viện sẽ thuận tiện cho việc tập trung và nâng cao chất lượng huấn luyện cũng như thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đối với đại đội quân y của trung đoàn bộ đội địa phương tỉnh, nên giao cho các huyện xây dựng.
Đối với Ban Chỉ huy tiểu đoàn vận tải và đại đội vận tải ô tô, nên giao cho hai đến ba doanh nghiệp (hoặc đoàn) vận tải ô tô xây dựng, gồm cả nhân lực và phương tiện vận tải (xe ô tô). Đoàn vận tải lớn xây dựng một Ban Chỉ huy tiểu đoàn hoặc chỉ huy đại đội vận tải bộ và một trung đội vận tải ô tô. Các doanh nghiệp, đoàn vận tải ô tô khác xây dựng các trung đội vận tải ô tô còn lại. Còn các đại đội vận tải Bộ trực tiếp giao cho các huyện xây dựng. Theo chúng tôi, tổ chức tiểu đoàn, đại đội vận tải như trên sẽ thuận tiện cho việc quản lý, tổ chức huấn luyện và khi cần thiết có thể thực hiện nhiệm vụ được ngay.
Để thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình và tổ chức huấn luyện đơn vị DBĐVHC đạt chất lượng, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh (thành phố) cần bố trí ít nhất mỗi đơn vị DBĐVHC một sĩ quan vận tải, quân y của phòng Hậu cần quản lý, không nên giao toàn bộ cho sĩ quan dự bị đảm nhiệm như một số địa phương hiện nay.
Xây dựng lực lượng DBĐVHC KVPT gồm nhiều nội dung, cần được tiếp tục nghiên cứu trong quá trình thực hiện. Những vấn đề trình bày trên đây mong muốn góp phần giải quyết một số khó khăn, hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng DBĐVHC KVPT tỉnh (thành phố) trong tình hình mới.
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Hùng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011