QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:44 (GMT+7)
Bồi dưỡng phong cách chính ủy, chính trị viên đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hiện nay

Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) trong Quân đội nhân dân Việt Nam” xác định: CU, CTV là người chủ trì về chính trị của đơn vị; chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp uỷ cấp mình về toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT); trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung CTĐ, CTCT theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị. Để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, CU, CTV phải là người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, mẫu mực về đạo đức, lối sống, kỷ luật; là trung tâm đoàn kết và có tín nhiệm cao trong tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng và đơn vị; có kiến thức, năng lực toàn diện, giỏi tiến hành CTĐ, CTCT;... và phải là người có phong cách công tác khoa học, phù hợp với cương vị, chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội tin cậy giao phó.

Phong cách CU, CTV là phẩm chất tổng hợp, bao gồm những phương pháp, biện pháp, cách thức hoạt động và giao tiếp của người CU, CTV, trên cơ sở nhận thức, kinh nghiệm, vốn sống được tích luỹ trong thực tiễn hoạt động xây dựng quân đội. Người CU, CTV có phong cách làm việc khoa học thì chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ sẽ cao, mối quan hệ công tác sẽ được giải quyết hài hoà, uy tín trong tổ chức và đơn vị sẽ được củng cố,... Phong cách CU, CTV được biểu hiện trước hết ở tính đảng, tính nguyên tắc cao trong công việc. Phẩm chất hàng đầu của người CU, CTV là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Phẩm chất này chi phối toàn bộ hoạt động của người cán bộ lãnh đạo. Do đó, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, CU, CTV cũng phải xuất phát từ thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội để xem xét, giải quyết. Mọi hoạt động của CU, CTV phải luôn đặt lợi ích của cách mạng, của quân đội, của tập thể lên trên hết; kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai. CU, CTV là hạt nhân tập hợp, phát huy sức mạnh của các tổ chức và từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ; vì vậy, phải có phong cách thực sự dân chủ và đoàn kết, thống nhất cao. Dân chủ là luôn dựa vào cấp uỷ, tổ chức đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể cấp uỷ để hoàn thành nhiệm vụ; biết học hỏi quần chúng, phát huy mọi tài lực, trí tuệ, kinh nghiệm của quần chúng thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ; không độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, đứng trên tập thể, trên tổ chức. Trong thực hiện nhiệm vụ, CU, CTV phải chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; thường xuyên nghiên cứu, quán triệt đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, đánh giá đúng tình hình mọi mặt của đơn vị, chủ động đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo để cấp uỷ thảo luận, quyết định. CU, CTV phải có trách nhiệm trong việc triển khai, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết; kịp thời đề xuất với cấp uỷ, tổ chức đảng bổ sung, hoàn thiện chủ trương, biện pháp lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Là người chủ trì về chính trị, CU, CTV phải có bản lĩnh vững vàng, nắm vững nguyên tắc, dám chịu trách nhiệm, không né tránh khuyết điểm. Trong hoạt động cũng như trong sinh hoạt hằng ngày, CU, CTV phải cụ thể, sâu sát và có tác phong quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: người cán bộ chính trị trong quân đội phải gần gũi bộ đội, phải là người bạn, người chị, người anh của chiến sĩ. CU,CTV không cụ thể, sâu sát, gần gũi, sẽ không thấu hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội và nhân dân; và vì vậy, không thể vận động, thuyết phục được mọi người cũng như không thể tổ chức thực hiện CTĐ, CTCT có hiệu quả. CU, CTV là cán bộ lãnh đạo, đồng thời là nhà giáo dục, vì vậy, phải có khả năng giáo dục, thuyết phục, nêu gương, thực hiện “lời nói đi đôi với việc làm”. Để thực hiện tốt phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, CU,CTV phải nắm vững các nội dung, hình thức, biện pháp của công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách; bằng chân lý, lẽ phải và tấm gương sáng của mình để giáo dục, thuyết phục, cảm hoá quần chúng; phải thường xuyên quan tâm giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm, đời sống hằng ngày của bộ đội; yêu thương con người, tin tưởng cán bộ, chiến sĩ; kiên quyết chống mọi biểu hiện chủ quan, nóng vội, định kiến cá nhân, quân phiệt, thô bạo, áp đặt trong quá trình giáo dục, thuyết phục. Do yêu cầu của nhiệm vụ, CU, CTV phải luôn rèn luyện cho mình phong cách, tác phong làm việc có kế hoạch, khoa học, chính xác; xây dựng thói quen cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo; tuân thủ quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; tránh các biểu hiện giải quyết công việc tuỳ tiện, chồng chéo. Xuất phát từ cương vị của người chủ trì về chính trị, được tập thể tín nhiệm bầu vào cương vị bí thư,... CU, CTV phải luôn chủ động giải quyết hài hoà các mối quan hệ công tác, theo các quy định đã ban hành; trong đó, đặc biệt chú ý mối quan hệ với cấp uỷ cấp mình và người chỉ huy cùng cấp; bảo đảm nguyên tắc tập thể cấp uỷ (chi bộ) lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; người chỉ huy và CU, CTV phải thực sự là hai “trụ cột” của đơn vị, luôn tâm đầu, ý hợp, là trung tâm của đoàn kết và sức mạnh đơn vị.

Nhìn lại 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 51, cùng với việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ CU, CTV đáp ứng yêu cầu kiện toàn tổ chức theo cơ chế mới, phần lớn CU, CTV được bổ nhiệm đã phát huy được trách nhiệm chính trị, nắm vững chức trách, nhiệm vụ và bước đầu có sự đổi mới về phương pháp, phong cách, tác phong công tác; giữ vững được nguyên tắc trong tiến hành CTĐ, CTCT; tích cực tham gia xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức các hoạt động của đơn vị; mối quan hệ giữa CU, CTV với người chỉ huy cùng cấp phát triển theo hướng tích cực,... góp phần phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, so với yêu cầu, kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, phương pháp, phong cách, tác phong công tác và trách nhiệm của một số CU, CTV còn hạn chế, chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn xây dựng đơn vị. Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X), Báo cáo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã chỉ rõ: Trong giải quyết mối quan hệ công tác của người chỉ huy với CU, CTV ở một số cơ quan, đơn vị, có lúc, có việc chưa đúng với trách nhiệm, quyền hạn của mỗi người. CU, CTV còn thụ động, thiếu quyết đoán...; cá biệt có biểu hiện thiếu tin cậy, tôn trọng nhau,... Tính Đảng, tính nguyên tắc của một số CU, CTV và người chỉ huy chưa cao, chưa đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, làm hạn chế đến kết quả thực hiện nhiệm vụ. 

Trong những năm tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tiếp tục đòi hỏi phải nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng quân đội về mọi mặt, trong đó xây dựng về chính trị vẫn là yếu tố cơ bản nhất. Do đó, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, xây dựng đội ngũ CU, CTV có phẩm chất, năng lực và phong cách công tác khoa học là một đòi hỏi vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết, trước mắt. Để bồi dưỡng phong cách của đội ngũ CU, CTV, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ và người chỉ huy các cấp về việc bồi dưỡng phong cách CU, CTV theo tinh thần Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX). Chúng ta đều biết, Nghị quyết 51 là một bước hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong quân đội; thay vì chế độ phó chỉ huy về chính trị, hình thành nên chế độ CU, CTV, bao gồm chính uỷ, phó chính uỷ và chính trị viên, chính trị viên phó, với chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác có sự phát triển so với cơ chế cũ. Điều đó đặt ra những đòi hỏi mới hơn, cao hơn về phẩm chất, năng lực, phong cách, tác phong công tác của người CU, CTV. Thực tế vừa qua, một số CU, CTV còn “non, yếu”, một phần vì bước chuyển từ vai trò là “người phó giúp việc”, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng, trở thành “người chủ trì về chính trị” không hề đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian để làm quen; phần khác, một số cấp uỷ, cán bộ chủ trì còn có nhận thức lệch lạc, không đúng với tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, cho rằng đó chỉ là sự thay đổi đơn thuần về tên gọi. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa trong toàn quân Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 8, Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) và các quy định, hướng dẫn của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về thực hiện chế độ CU, CTV trong quân đội. Qua đó, làm cho các tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, các tổ chức quần chúng trong quân đội có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị nói chung và đội ngũ CU, CTV nói riêng, từ đó xác định đúng trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong tham gia xây dựng, bồi dưỡng phong cách làm việc của đội ngũ CU, CTV ở các đơn vị hiện nay.

Thứ hai, chú trọng trang bị kiến thức toàn diện, nhất là kiến thức, kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT; tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ CU, CTV. Có thể nói rằng, kiến thức, kỹ năng là một trong những cơ sở quan trọng hình thành nên phong cách của CU, CTV. Do đó, muốn xây dựng phong cách CU,CTV, cần phải đào tạo, bồi dưỡng họ một cách toàn diện và chú trọng đi sâu vào những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành CTĐ, CTCT. CU, CTV phải được trang bị đầy đủ hệ thống kiến thức cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, kỹ thuật, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự; đồng thời, được tạo điều kiện nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và kỹ năng, kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức tiến hành CTĐ, CTCT ở đơn vị. Phẩm chất chính trị, đạo đức là “cái gốc” của phong cách CU, CTV; vì vậy, phải coi trọng giáo dục CU, CTV về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần cảnh giác cách mạng và những phẩm chất cần thiết khác của người lãnh đạo. Thực hiện nội dung, yêu cầu trên, các nhà trường quân đội, trực tiếp là Học viện Chính trị quân sự cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, làm tốt công tác tạo nguồn, tuyển chọn cán bộ đào tạo cán bộ chính trị, CU, CTV một cách kỹ lưỡng; chú ý lựa chọn đầu vào là những cán bộ, hạ sĩ quan, chiến sĩ có năng khiếu về khoa học xã hội và nhân văn, đã trải nghiệm một thời gian trong quân ngũ. Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh mô hình, mục tiêu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ chính trị các cấp, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động, tích cực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ CU,CTV; lấy kết quả nghiên cứu, học tập là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên, CU, CTV hằng năm.

Thứ ba, phát huy tính tích cực, tự giác  học tập, rèn luyện, hoàn thiện phong cách của đội ngũ CU, CTV. Quá trình bồi dưỡng phong cách người CU,CTV là quá trình tác động qua lại giữa chủ thể và đối tượng; là sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo, tự bồi dưỡng, trong đó tự đào tạo, tự bồi dưỡng có vai trò quyết định đến việc hoàn thiện phong cách của bản thân họ. Do đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ CU, CTV tự giác, tích cực tự học tập và rèn luyện, hoàn thiện phong cách công tác của mình. Mỗi CU, CTV cần xác định rõ, tự hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện phong cách công tác là một việc phải thực hiện suốt đời. Điều đó phụ thuộc chính ở nghị lực, quyết tâm và nỗ lực của mỗi cá nhân. Ngay từ khi còn ở nhà trường, người học viên phải tự rèn luyện mình từ việc nhỏ đến việc lớn; phải “học thầy, học bạn”, học làm người cán bộ lãnh đạo, làm bí thư, cấp uỷ, từ cách suy nghĩ đến cách hành động, từ lời nói đến việc làm, từ nền nếp nghiên cứu, học tập đến giải quyết các mối quan hệ với cán bộ, giáo viên nhà trường và tập thể học viên;... Khi đã trở thành cán bộ, CU, CTV, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ và được tập thể, quần chúng tín nhiệm bầu vào cương vị lãnh đạo chủ chốt, thì tự học, tự rèn, tự phê bình và phê bình càng trở nên cần thiết. Không quyết tâm thực hiện như vậy, CU, CTV khó có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, góp phần bồi dưỡng phong cách làm việc của CU, CTV. Quá trình tổ chức bồi dưỡng phong cách người CU,CTV là quá trình làm chuyển đổi nhận thức và phong cách làm việc từ người phó chỉ huy về chính trị lên làm CU,CTV. Đây là quá trình khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, cả về tư tưởng, tổ chức và chính sách, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng mới đạt được hiệu quả. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các lực lượng và đội ngũ CU,CTV nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phong cách làm việc khoa học trong đơn vị; trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với hoạt động này. Cùng với đó, phải xây dựng quy chế, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp uỷ, tổ chức đảng, người chỉ huy, CU, CTV và cơ quan chính trị. Quá trình bồi dưỡng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng và uốn nắn, khắc phục những biểu hiện lệch lạc cả trong nhận thức và quá trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phong cách làm việc khoa học của người CU,CTV.

Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thắng

Học viện Chính trị quân sự

 

Ý kiến bạn đọc (0)