QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:30 (GMT+7)
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, chức việc tôn giáo ở Bắc Ninh - kết quả và kinh nghiệm

Bắc Ninh là tỉnh có đông đồng bào tôn giáo (chủ yếu là Thiên chúa giáo và Phật giáo), với 122.324 tín đồ (chiếm 11,7% tổng số dân), 388 chức sắc, chức việc và 858 cơ sở thờ tự. Mặc dù là địa phương có diện tích không lớn, nhưng Thiên chúa giáo ở Bắc Ninh có ảnh hưởng rất lớn đối với các giáo phận trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nhà thờ lớn ở thành phố Bắc Ninh, nhà thờ Tử Lê ở Lương Tài là những trung tâm Thiên chúa giáo trong hệ thống nhà thờ của các tỉnh phía Bắc. Phật giáo có lịch sử lâu đời, với những di tích Phật giáo nổi tiếng, như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, … và có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, tâm linh của một bộ phận nhân dân.

Thực tiễn ở Bắc Ninh cho thấy, đại bộ phận tín đồ các tôn giáo là nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vị chức sắc, chức việc tôn giáo có vai trò quan trọng và có uy tín cao trong đời sống tinh thần của giáo dân, tăng ni, phật tử. Vì vậy, trong quá trình triển khai công tác giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN), Tỉnh đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, nhằm giúp họ nâng cao nhận thức đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho giáo dân, tăng ni, phật tử. Đến nay, Tỉnh đã mở được 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 228 chức sắc, chức việc các tôn giáo, đạt tỷ lệ 91,2% (so với tổng số được triệu tập) và là địa phương đầu tiên của Quân khu 1 tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, được Quân khu đánh giá cao.

Sau khóa học, các vị chức sắc, chức việc đều biểu thị sự đồng tình, nhất trí cao và cho rằng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng quê hương, xóm làng, giúp nhau “xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng tinh thần “tương thân, tương ái”, “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Thông qua bồi dưỡng kiến thức QP-AN, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo hiểu biết sâu sắc hơn về quan điểm, chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình trong cộng đồng tín hữu, phật tử; từ đó, làm tốt vai trò người đại diện cho tôn giáo mình ở địa phương, xác định trách nhiệm, uy tín của mình trong việc phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện các chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, cơ sở. Đồng bào tôn giáo đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và giáo lý tôn giáo “Đạo pháp- Dân tộc và CNXH”, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, làm tốt “việc đạo, việc đời”. Thông qua học tập, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo nhận thức đầy đủ hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhất là việc lợi dụng tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời, thấy rõ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tôn giáo và quyền tự do, tín ngưỡng của nhân dân.

Từ thực tiễn triển khai công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn, chúng tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm bước đầu như sau.

Một là, tổ chức tốt việc quán triệt đường lối, quan điểm bảo vệ Tổ quốc và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Trong đó, tập trung quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 12-02-2001 và Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị; Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, ngày 01-5-2001, Nghị định số 116/ 2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về GDQP-AN và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng GDQP-AN Trung ương. Phương pháp quán triệt được tiến hành từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh đến các ban, ngành chức năng có liên quan. Đây là vấn đề rất quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, vì đối tượng của công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN có tính đặc thù riêng so với các đối tượng khác. Mặt khác, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên của Quân khu 1 tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo nên chưa có kinh nghiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Do đó, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tình hình, đặc điểm cụ thể trên địa bàn, Tỉnh chủ trương tiến hành từng bước, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, các cấp và các tổ chức tôn giáo. Trước hết, Tỉnh tập trung thực hiện tốt việc khảo sát, nắm chắc đặc điểm, tổ chức của từng tôn giáo trên địa bàn; hoàn chỉnh các văn bản, chỉ thị về việc tổ chức lớp học. Đồng thời, tổ chức đoàn cán bộ đi nghiên cứu kinh nghiệm của các địa phương của Quân khu 3 đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Hai là, phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan, ban, ngành chức năng, nhất là cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Tỉnh, giúp Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các văn bản liên quan, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, ban, ngành chức năng thống nhất tổ chức thực hiện. Với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng GDQP-AN Tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã phối hợp với Sở Nội vụ, ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo Tỉnh ủy để thống nhất nội dung, chương trình và thời gian tiến hành. Sau đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức gặp gỡ, trao đổi trước với Toà Giám mục, Ban trị sự Phật giáo Tỉnh, các vị Linh mục quản hạt, Ban đại diện Phật giáo huyện (thành phố) tiến hành khảo sát, nắm chắc thực trạng, số lượng, hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ, cương vị đảm nhiệm của các chức sắc, chức việc tôn giáo, giúp UBND Tỉnh ra quyết định triệu tập. Đây là một nội dung hết sức quan trọng, vì nếu khảo sát kỹ, chọn được đúng đối tượng, đúng thành phần sẽ góp phần tạo nên thành công cho lớp học. Hội đồng GDQP-AN đã tham mưu cho UBND Tỉnh chỉ đạo Ban Tôn giáo Tỉnh ủy phối hợp, thống nhất với Tòa Giám mục đề nghị người đứng đầu các tôn giáo có thư, thông bạch yêu cầu các chức sắc, chức việc ở cơ sở chấp hành quy định triệu tập và tham gia đầy đủ các buổi học tập.

Ba là, làm tốt công tác chuẩn bị phục vụ cho tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, bao gồm xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, đội ngũ giáo viên, bảo đảm cơ sở vật chất. Tỉnh xác định đây là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nhiệm vụ, vì vậy, phải tiến hành chu đáo, từng bước và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. Các vị chức sắc, chức việc tôn giáo là những người được đào tạo cơ bản và có kiến thức về triết học, xã hội, lịch sử, địa lý, giáo lý,… nên việc xây dựng nội dung, chương trình và lựa chọn giáo viên được Tỉnh hết sức coi trọng. Trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên và khảo sát thực tế, Tỉnh quyết định dựa vào nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3 và đối tượng 4 để xây dựng nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề: tình hình tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; một số vấn đề quản lý nhà nước về QP-AN, thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận an ninh nhân dân cấp xã, phường, thị trấn; phòng chống chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tôn giáo; Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Pháp lệnh Dự bị động viên… Ngoài ra, các chức sắc, chức việc tôn giáo được thông tin về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền QPTD vững mạnh, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Đây là những vấn đề có tính thực tiễn cao và liên quan đến đời sống, xã hội và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Về giáo viên, Tỉnh cân nhắc, lựa chọn những đồng chí có nhiều kinh nghiệm và kiến thức toàn diện; đó là những cán bộ chủ chốt của Ban Tôn giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị và BCHQS Tỉnh. Mỗi đồng chí được giao 1- 2 chuyên đề, được tạo điều kiện về thời gian, tài liệu để nghiên cứu, chuẩn bị trước. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, từ tài liệu phục vụ việc học tập, nghiên cứu đến việc tổ chức phương tiện đi lại, bảo đảm ăn, nghỉ được tính toán trên cơ sở phù hợp với tập quán sinh hoạt của từng tôn giáo.

Bốn là, thực hành tổ chức lớp bồi dưỡng chặt chẽ, chu đáo. Tỉnh chỉ đạo Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ và Liên đoàn Lao động Tỉnh tổ chức bảo đảm chu đáo, chăm lo cả về vật chất, tinh thần cho chức sắc, chức việc các tôn giáo trong quá trình học tập. BCHQS Tỉnh phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức xe đưa, đón học viên từ các huyện về trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Việc bảo đảm chế độ ăn kiêng, ăn chay theo phong tục và tập quán sinh hoạt của từng tôn giáo được coi trọng đặc biệt, nhằm làm cho các vị chức sắc, chức việc thực sự thoải mái như đang sinh hoạt bình thường. Mặc dù tiến hành trong thời gian ngắn, nhưng ban tổ chức lớp học vẫn tổ chức phân công một bộ phận chuyên trách phục vụ ăn uống và đã có sự tìm hiểu kỹ về khẩu vị cũng như thực đơn cho các đối tượng. Công tác bảo đảm nghỉ ngơi được tổ chức tập trung, riêng đối với các vị chức sắc Thiên chúa giáo, ban tổ chức bố trí xe đưa về nhà thờ buổi tối để đảm bảo hành lễ theo phong tục.

Kết quả của lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo vừa qua mới chỉ là bước đầu. Hiện nay, Tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động của từng địa phương, cơ sở với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn, nhằm phát huy vai trò của các vị chức sắc, chức việc vào thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động giáo dân, tăng ni, phật tử; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với các chức sắc, chức việc, để họ thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào giáo dân.

Qua thực tiễn công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo ở Bắc Ninh, chúng tôi thấy, để triển khai thực hiện thống nhất, đạt hiệu quả cao, cần có sự thống nhất giáo trình, tài liệu, nội dung, chương trình trong phạm vi cả nước.

Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, Tỉnh thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, cơ sở, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân “xây dựng Bắc Ninh thành một tỉnh ổn định về chính trị- xã hội, giàu về kinh tế, vững mạnh về QP-AN, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015”, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 17 đã đề ra.

Đại tá Ngô Xuân Thứ

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)