Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:04 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Từ năm 1998, cùng với nhiệm vụ đào tạo cán bộ cao cấp của quân đội, Học viện Quốc phòng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý (gọi tắt là đối tượng 1)1. Đó là những đồng chí giữ cương vị, trọng trách lớn trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước; có vị trí quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN của các bộ, ngành và địa phương. Vì vậy, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Nhận thức rõ điều đó, 10 năm qua Học viện Quốc phòng đã tập trung mọi nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến nay, Học viện đã tổ chức được 27 khóa (đang tổ chức khóa 28) cho hơn 1.500 cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; trong đó có gần 200 đồng chí là ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương. Trong quá trình học tập, học viên được bồi dưỡng có hệ thống đường lối, quan điểm cơ bản của Đảng về QP-AN, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở các bộ, ngành và địa phương. Sau khóa học, nhận thức về QP-AN của học viên được nâng lên. Ở các bộ, ngành, địa phương, công tác QP-AN có sự chuyển biến rõ rệt; nhiệm vụ QP-AN được quan tâm đầy đủ hơn và xác định rõ hơn trong kế hoạch xây dựng, phát triển từng lĩnh vực; được tổng kết chu đáo, chặt chẽ và trở thành chỉ tiêu đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cơ quan và từng cá nhân. Nhiều bộ, ngành đã thực hiện đúng quy định trong Điều 19 Luật Quốc phòng: “Kiến thức quốc phòng là một trong các tiêu chuẩn bắt buộc đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức”.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp cũng còn những khó khăn, hạn chế. Sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện kế hoạch, nội dung, thời gian cho mỗi khóa còn chưa thống nhất. Một số địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch bố trí cán bộ đi học, còn hiện tượng không bảo đảm chỉ tiêu được giao hoặc chưa đúng đối tượng chiêu sinh. Bên cạnh đó, chất lượng một số giảng viên thỉnh giảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, phương pháp sư phạm còn hạn chế; một số bài giảng nội dung còn dàn trải, chưa sâu. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Học viện tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập, sinh hoạt của học viên. Tuy vậy, so với yêu cầu, trang, thiết bị còn chưa đồng bộ, chất lượng còn hạn chế.
Sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Học viện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy-học trong thời gian tới.
Trước hết là, phải quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Căn cứ vào chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Học viện đã tập trung quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, tạo sự thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp. Việc quán triệt được triển khai trước hết trong các tổ chức đảng; cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh tuyên truyền, gắn việc quán triệt, tuyên truyền nhiệm vụ với triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo kế hoạch.
Hai là, thực hiện tốt sự phối hợp giữa Học viện với các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Trong quá trình tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Học viện luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương mà trực tiếp là Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ,...Sự phối hợp, hiệp đồng được thực hiện chặt chẽ từ khâu xây dựng kế hoạch, chương trình, chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất, chiêu sinh đến tổ chức bồi dưỡng. Trong đó, quy trình tổ chức khóa học được thực hiện là: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch, triệu tập học viên, Học viện quản lý và tổ chức khóa học. Sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả đó đã góp phần quan trọng bảo đảm quân số và nâng cao chất lượng từng khóa học.
Ba là, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương pháp bồi dưỡng. Hiện nay, bộ giáo trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước được biên soạn tương đối hoàn chỉnh, cân đối giữa các khối kiến thức về quốc phòng- quân sự- an ninh. Tuy nhiên, trước sự biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và những phát triển mới của khoa học quân sự, Học viện luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; thường xuyên cập nhật những kiến thức mới về QP-AN; đặc biệt là những tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã xác định. Trong đó, tập trung vào nội dung: chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh; kết hợp xây dựng thế trận QPTD với thế trận an ninh nhân dân; nội dung, tổ chức, phương pháp xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố; về kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, hoạt động QP-AN với kinh tế, đối ngoại; nhiệm vụ đấu tranh quốc phòng trong tình hình mới; nội dung, phương pháp lãnh đạo, quản lý công tác QP-AN ở các bộ, ngành, địa phương... Qua đó, nâng cao nhận thức cho học viên về quan điểm, đường lối QP-AN của Đảng; làm cho mỗi học viên thấy rõ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang, mà là sức mạnh tổng hợp của quốc gia, chế độ, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị.
Mặt khác, thông qua tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Học viện còn phát huy trí tuệ của học viên đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước; chủ động tham mưu, đề xuất những vấn đề quan trọng về QP-AN ở tầm chiến lược, như: công tác QP-AN ở các bộ, ngành, địa phương, xây dựng KVPT, về kết hợp kinh tế với QP-AN, đối ngoại...
Cùng với đổi mới nội dung, Học viện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy-học; vận dụng phương pháp dạy-học tích cực, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu của học viên; coi trọng phương pháp kết hợp giới thiệu chuyên đề với hướng dẫn tự nghiên cứu; dành thời gian thích hợp để học viên thảo luận, trao đổi, rút kinh nghiệm phương pháp tổ chức thực hiện công tác QP-AN trong thực tế ở các bộ, ngành, địa phương. Căn cứ vào chương trình từng khóa học, Học viện chú trọng phối hợp chặt chẽ với đơn vị, địa phương tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế ở các địa bàn chiến lược, những điển hình về xây dựng KVPT, mô hình kết hợp kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế... Ngoài ra, Học viện còn giới thiệu mô hình xây dựng, phát triển quốc phòng, quân sự của một số nước trên thế giới qua băng hình, tư liệu, làm cơ sở cho học viên nghiên cứu, nâng cao nhận thức về tình hình quân sự, quốc phòng trên thế giới hiện nay. Để nâng cao chất lượng học tập, Học viện luôn thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; chú trọng dành thời gian cho học viên viết thu hoạch theo các nhóm chuyên đề đã định hướng. Sau mỗi khóa bồi dưỡng, Học viện phối hợp với các cơ quan chức năng, trao đổi, rút kinh nghiệm toàn diện, làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện nội dung, nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bốn là, chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Ngay từ những năm đầu nhận nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã xác định: một trong những khâu quan trọng cần tập trung thực hiện tốt là lựa chọn, xây dựng đội ngũ giảng viên cho nhiệm vụ này. Học viện có thuận lợi rất cơ bản là đội ngũ giảng viên từng bước được chuẩn hóa, có phẩm chất, năng lực tốt, làm cơ sở để lựa chọn những giảng viên có kiến thức chuyên sâu, có trình độ sư phạm tốt, làm nhiệm vụ giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Thực tế cho thấy, do chuẩn bị chu đáo nên đội ngũ giảng viên của Học viện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, tạo ấn tượng tốt đối với học viên. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, Học viện luôn coi trọng việc bồi dưỡng, khuyến khích giảng viên tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ năng lực toàn diện, nhất là khối kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế. Bên cạnh đó, Học viện còn thực hiện chế độ thỉnh giảng, mời những chuyên viên có trình độ cao, chuyên sâu ở từng lĩnh vực trong các bộ, ban, ngành ở Trung ương về giảng bài theo chuyên đề học tập. Để khắc phục hiện tượng một số bài giảng chất lượng chưa cao, Học viện chủ trương phối hợp, rà soát lại số giảng viên thỉnh giảng và tăng cường kiểm tra đề cương, giáo án trước khi lên lớp theo quy định…
Những kết quả đạt được và kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ở Học viện Quốc phòng là rất quan trọng. Trong những năm tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN, chúng tôi đề nghị nghiên cứu, thực hiện một số vấn đề sau:
Trong điều kiện số lượng cán bộ phải bồi dưỡng còn rất lớn, nên mỗi khóa học cần triệu tập khoảng 75 đến 80 đồng chí để tránh lãng phí khi tổ chức khóa học. Về hình thức tổ chức lớp học, thực tế trong đối tượng 1 vẫn còn khoảng cách về chức vụ, mặt bằng kiến thức; do vậy, nên chia đối tượng 1 thành 1A và 1B; trong mỗi năm nên có một lớp cho đối tượng là bộ trưởng, trưởng ban, ngành, đoàn thể trung ương, bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh (đối tượng 1A) với chương trình bồi dưỡng trong 20 ngày. Số còn lại trong đối tượng 1 (đối tượng 1B) thực hiện chương trình bồi dưỡng trong 30 ngày. Một số bài giảng có tính định hướng chiến lược cao, đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo, chủ trì bộ, ngành trực tiếp tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư theo hướng tăng cường trang bị, thiết bị hiện đại, đồng bộ, nhất là hệ thống thiết bị trên giảng đường và trang bị phục vụ học tập dã ngoại; xây dựng một trung tâm mô phỏng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy.
Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Kim thành
Phó Giám đốc Học viện
__________
1- Bao gồm đối tượng là: bộ trưởng, thứ trưởng, các trưởng và phó ban, ngành Trung ương; cán bộ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc và bí thư đảng ủy các tổng công ty trực thuộc Chính phủ; vụ trưởng, viện trưởng, hiệu trưởng các trường đại học trọng điểm.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011