QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:38 (GMT+7)
Bổ sung, xây dựng các chính sách xã hội góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh

Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách xã hội có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”. Như vậy, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta xác định và cho đó là một trong những giải pháp cơ bản quan trọng trong hệ thống giải pháp tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Có thể khẳng định, đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa kinh nghiệm lịch sử truyền thống giữ nước của dân tộc trong tình hình mới của đất nước. Điều đó đã thể hiện tư duy mới của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc XHCN, về tính toàn diện của sự nghiệp trọng đại này, nhất là sự cấu thành giữa yêu cầu bổ sung, xây dựng và thực hiện tốt các chính sách xã hội nhằm tạo ra hệ thống động lực không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Các chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quan điểm của Đảng ta là những chính sách cụ thể thuộc các lĩnh vực trong hệ thống chính sách xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến quốc phòng, an ninh, trước hết và chủ yếu là đối với các đối tượng tham gia nhiệm vụ quân sự – quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm:
Một là, nhóm các chính sách xã hội tác động đến xây dựng "thế trận lòng dân" - nền tảng của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đây là các chính sách đối với các đối tượng xã hội nói chung, kết quả đạt được của nó trong quá trình thực hiện gắn liền với sự phát triển của xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, thông qua đó góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần và “thế trận lòng dân”.
Hai là, nhóm các chính sách xã hội tác động trực tiếp đến các đối tượng và các lĩnh vực trọng yếu của quốc phòng, an ninh. Sự phù hợp của mỗi chính sách, chế độ trong nhóm chính sách này tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của đối tượng trực tiếp - các cấp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đến tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, cùng với đổi mới kinh tế - xã hội (KTXH), quốc phòng, an ninh cũng có sự đổi mới quan trọng. Đặc biệt, chính sách xã hội liên quan đến quốc phòng, an ninh đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện mọi mặt, trực tiếp góp phần từng bước cải thiện môi trường và chất lượng sống của mỗi người dân, tác động tốt đến quá trình phát triển KTXH, cải thiện, nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; mặt khác, thiết thực góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình đổi mới một cách tổng quát chúng ta thấy, việc bổ sung, xây dựng chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh còn một số hạn chế, bất cập. Nổi lên là nhận thức về mối quan hệ giữa chính sách xã hội với quốc phòng, an ninh chưa sâu sắc; các chính sách xã hội chưa được triển khai toàn diện, chưa thực sự gắn bó với các lĩnh vực, các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; thể chế hóa các chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh còn chậm, thiếu đồng bộ và nhất quán; nhiều vấn đề xã hội chủ trương, giải pháp, chính sách chưa hiệu quả, tích tụ nhiều bức xúc; sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có thời điểm, có nơi chưa được phát huy tốt... đã ảnh hưởng nhất định đến củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X, Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, việc bổ sung, xây dựng các chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng. Đó là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”; “Kết hợp phát triển KTXH với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh”; các chính sách xã hội phải được giải quyết theo tinh thần xã hội hóa trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, mỗi tổ chức và cá nhân, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tình hình thực tế, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có bước đi vững chắc.
Quán triệt các quan điểm đó, phương hướng chung của việc bổ sung, xây dựng các chính sách xã hội tác động đến xây dựng “thế trận lòng dân” là trên cơ sở hướng tới bảo đảm công bằng xã hội, hệ thống chính sách phải luôn luôn chứa đựng năng lực nội sinh, bảo đảm sự phát triển bền vững và khả năng tự bảo vệ (có khả năng phòng ngừa những biến động rủi ro, khả năng loại trừ hậu quả xấu có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh); gắn kết chặt chẽ và ngày càng tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chính sách ưu đãi xã hội (gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự nghiệp quốc phòng, an ninh và công cuộc lao động sáng tạo của nhân dân ta trong  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN) phải thể hiện được sự tiếp tục tôn vinh, chăm sóc chu đáo những người, những gia đình có công với nước trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; mặt khác, phải phản ánh được tính chất phức tạp, nguy hiểm của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, động viên tích cực, kịp thời những người tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đổi mới. Đổi mới chính sách bảo đảm xã hội, hình thành đồng bộ mạng lưới an toàn xã hội và an sinh xã hội bền vững; bảo đảm công bằng, bình đẳng và tạo cơ sở phát triển cho mọi công dân. Xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật, chính sách, thiết chế và chế tài phòng ngừa, ngăn chặn những biến động dẫn đến mất an toàn về trợ cấp và quỹ chi trả bảo hiểm xã hội; giảm thiểu tình trạng gia tăng thất nghiệp gây mất ổn định xã hội, tác động xấu đến việc thực hiện công tác quốc phòng, an ninh. Bảo đảm tiền lương thu nhập, cải thiện điều kiện sống và tăng cường giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về lao động cho các chủ doanh nghiệp và công nhân các khu công nghiệp, ở thành phố lớn nhằm hạn chế các hoạt động biểu tình đông người, đình công, lãn công ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Quản lý chặt chẽ hơn xuất khẩu lao động, bảo đảm hài hòa tăng thu nhập, giữ gìn nhân cách và uy tín quốc gia. Chính sách bảo trợ xã hội tập trung nâng cao chất lượng và tính bền vững của chương trình xóa đói, giảm nghèo, chống tái đói nghèo. Người già, người tàn tật, trẻ lang thang cơ nhỡ phải được quản lý và chăm sóc; thực hiện tốt các chính sách cai nghiện, quản lý và kiểm soát tốt tình trạng HIV, AIDS, tệ mại dâm; nâng cao chất lượng thực hiện các Chương trình 135, 134... của Chính phủ. Có phương án phòng chống và kịp thời khắc phục những biến động xã hội do thiên tai, hỏa hoạn và tai nạn rủi ro có thể diễn ra trong phạm vi lớn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, an  ninh, quốc phòng...
Xây dựng, bổ sung từng bước hoàn chỉnh các chính sách xã hội tác động trực tiếp đến các đối tượng nòng cốt, các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Các chính sách xã hội đối với quân đội, công an (nhất là các chính sách chủ yếu) khi xây dựng, bổ sung cần quán triệt quan điểm Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX (về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công), phải thể hiện được sự ưu đãi đối với lực lượng vũ trang, bảo đảm cho lực lượng nòng cốt  của quốc phòng, an ninh có cuộc sống ổn định cả trước mắt và lâu dài; từng bước cải thiện điều kiện làm việc, chất lượng môi trường sống và hoạt động của lực lượng vũ trang, nhất là ở đơn vị cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Có chính sách hợp lý giữ gìn người tài, thợ lành nghề, tạo sự thu hút nhất định các lực lượng xã hội ưu tú vào phục vụ quốc phòng, an ninh. Đổi mới, bổ sung, ban hành các chính sách, chế độ đối với lực lượng quốc phòng, an ninh ở cơ sở phù hợp với quá trình thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN để họ yên tâm làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách mới đáp ứng yêu cầu phát triển tổ chức, nhiệm vụ, chức năng cũng như tinh giản biên chế quân đội, công an trong thời gian tới. Rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành các quy định mới về phân công nghiên cứu đề xuất, tổ chức thực hiện các chính sách đối với quân đội, công an phù hợp tính chất hoạt động và đặc trưng tổ chức quân sự – quốc phòng, an ninh.
Ban hành đồng bộ, thực hiện lồng ghép các chính sách xã hội xây dựng địa bàn chiến lược, biên giới miền núi, biển đảo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; làm cho mọi người có nhận thức đúng, có năng lực và điều kiện để thường xuyên tham gia giữ gìn an ninh, quốc phòng. Các chủ trương, chính sách nói chung, nhất là chính sách xã hội phải hướng vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chống đói nghèo; cải thiện chất lượng giáo dục, y tế; chủ động phát hiện và tích cực giải quyết những vấn đề bức xúc về đất đai, dân tộc, tôn giáo, tình trạng xâm nhập biên giới trái phép, buôn lậu; hướng dẫn và giải quyết phù hợp với thực tế các mối quan hệ giao lưu biên giới, nhất là việc làm, buôn bán... bảo đảm đúng luật pháp và bảo vệ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Ưu tiên bổ sung, xây dựng các chính sách xã hội đối với lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ tại địa bàn chiến lược, biên giới miền núi, đảo xa để họ yên tâm phấn đấu thực hiện tốt hơn chức năng làm nòng cốt giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh (là chủ yếu), góp phần phát triển KTXH, phân bố lại dân cư; có nhiều chính sách thu hút, khuyến khích đối với người thường xuyên sống xa gia đình, những người làm nhiệm vụ lâu năm ở địa bàn chiến lược này (cả chính sách đãi ngộ; chính sách luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; ưu tiên trong học tập, trong việc đưa gia đình đi lập nghiệp...).
Rà soát, bổ sung, xây dựng các chính sách về xây dựng hậu phương quốc phòng, hậu phương quân đội, công an. Nghiên cứu đề xuất các chủ trương, giải pháp ưu tiên đầu tư phát triển KTXH, phát triển mọi nguồn lực, nhất là tiềm lực con người của hậu phương quốc phòng – cả hậu phương chiến lược, hậu phương chiến dịch và hậu phương khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới và phát triển phù hợp hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng quân sự - quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Có chính sách ưu tiên, điều tiết hợp lý, bổ sung, ban hành và thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với vùng căn cứ cách mạng trong các cuộc kháng chiến. Tiếp tục ghi nhận, tôn vinh những cống hiến, hy sinh của nhân dân vùng căn cứ kháng chiến, nuôi dưỡng và hun đúc tinh thần yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Cùng với sự ưu đãi của Nhà nước, huy động mọi tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đầu tư phát triển KTXH, chăm lo cải thiện điều kiện sống cho nhân dân, đặc biệt những gia đình có công với cách mạng; tu bổ và xây dựng mới các công trình tưởng niệm, cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ...
Thường xuyên chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, công an. Nâng cao tính thiết thực về chăm sóc sức khỏe đối với thân nhân sĩ quan quân đội, công an; tiếp tục mở rộng đến thân nhân mọi cán bộ, chiến sĩ trong quá trình bảo hiểm y tế toàn dân. Sớm nghiên cứu đề xuất chủ trương, giải pháp bảo đảm về nhà ở cho cán bộ quân đội, công an theo luật định; chế độ hỗ trợ học tập cho con cán bộ quân đội, công an trong bối cảnh xã hội hóa giáo dục. Thực hiện chu đáo chính sách đối với những người tham gia kháng chiến; phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã cống hiến, hy sinh và làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Bổ sung các chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh luôn vận động, phát triển cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Quá trình đó đòi hỏi có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; phát huy cao trách nhiệm và năng lực phối hợp của các cấp, các ngành trong việc xây dựng chương trình, nghiên cứu đề xuất thể chế hóa các chính sách và xác lập cơ chế thực hiện phù hợp; không ngừng nêu cao hiệu qủa quản lý nhà nước về lĩnh vực này để tạo ra hiệu quả thiết thực, bền vững, thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã xác định.
 
Đại tá, TS .Trần Văn Minh
 

Ý kiến bạn đọc (0)