QPTD -Thứ Hai, 05/09/2011, 23:44 (GMT+7)
Bộ đội Công binh chủ động, tích cực tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, địa hình trải dọc theo bán đảo Đông Dương; vì vậy, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt là, hiện tượng bão lụt ở khu vực miền Trung, lũ quét ở khu vực miền núi phía Bắc và lụt lội trên diện rộng ở miền Nam. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, năm 2007 có 7 cơn bão đổ bộ vào nước ta, làm 462 người chết, 33 người mất tích và 856 người bị thương; đồng thời, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn lao động đang nổi lên như một thách thức lớn, trên nhiều lĩnh vực, với tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Năm 2007, đã xảy ra 23 vụ sập đổ công trình, hầm lò, nhiều vụ sạt lở gây ách tắc giao thông... Tình hình đó đặt ra cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) những yêu cầu rất cao, đòi hỏi các lực lượng phải thường xuyên chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Binh chủng Công binh với chức năng cơ bản là tham mưu cho Bộ Quốc phòng và chỉ đạo công binh toàn quân về tổ chức lực lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia PCTT-TKCN, những năm qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giảm nhẹ thiên tai. Tháng 10 năm 2007, cơn bão số 5 gây ra 4 đợt lũ lụt liên tục ở các tỉnh miền Trung. Do chủ động trong công tác chuẩn bị nên khi có lệnh của Bộ Quốc phòng, Binh chủng đã triển khai ngay 42 đầu phương tiện và gần 100 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Công binh Sông Thao tham gia ứng cứu người và tài sản. Kết quả đã ứng cứu được 1.772 lượt người và vận chuyển an toàn 220 tấn hàng cứu trợ đến với nhân dân vùng bão lụt. Trong vụ ứng cứu sự cố sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ và khắc phục sự cố sạt lở mỏ đá tại bản Vẽ - Nghệ An, Binh chủng đã sử dụng nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Đáng chú ý là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Công binh (BĐCB) luôn có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, thời điểm quan trọng nhất; đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt của quân đội trong PCTT-TKCN, và là lực lượng có khả năng ứng cứu nhanh nhất, hiệu quả nhất. Kết quả thực hiện nhiệm vụ không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế-xã hội, mà còn để lại tình cảm sâu sắc trong nhân dân các địa phương, tô đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân dân; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận khu vực phòng thủ trên từng địa bàn. Đồng thời, còn khẳng định bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng của quân đội nói chung và BĐCB nói riêng; xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với những thành tích trong công tác PCTT-TKCN, Binh chủng đã được Bộ Quốc phòng và các địa phương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Những năm tới, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nên tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị công binh cần chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt, chủ động, tích cực, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTT-TKCN. Trong đó, vấn đề quan trọng trước hết là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về nhiệm vụ PCTT-TKCN; làm cho bộ đội hiểu rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nói chung và của BĐCB nói riêng. Chỉ thị số 08/2008/CT-TTg ngày 28-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ xác định: quân đội là một lực lượng chủ lực trong PCTT-TKCN. Quán triệt tinh thần đó, Bộ Quốc phòng xác định và giao nhiệm vụ cho Binh chủng Công binh là lực lượng nòng cốt của quân đội tham gia PCTT-TKCN. Đặc điểm của nhiệm vụ này là tính bất thường cao, địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, khó khăn, phức tạp, nguy hiểm. Trong thực tế, BĐCB luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, thường phân công nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất. Đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nặng nề của BĐCB. Vì vậy, các đơn vị cần chú trọng xây dựng cho bộ đội có ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao trước tính mạng, tài sản của nhân dân. Tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo đối với nhiệm vụ PCTT-TKCN; coi trọng việc phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác đảng, công tác chính trị trong ứng cứu, tìm kiếm, cứu nạn cần tập trung động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy bản chất, truyền thống của BĐCB, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xả thân vì nhân dân; đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những tấm gương điển hình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị cũng cần bồi dưỡng để mỗi cán bộ, chiến sĩ công binh là một tuyên truyền viên phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; phổ biến những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về PCTT-TKCN, khơi dậy truyền thống tương thân, tương ái, nâng cao ý thức cộng đồng trong nhân dân.

PCTT-TKCN là một nhiệm vụ phức tạp, nguy hiểm. Vì vậy, để việc thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ công binh phải có trình độ chuyên môn cao. Do đó, cùng với công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị còn phải tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập PCTT-TKCN. Hiện nay, hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện về PCTT-TKCN đang được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện, bảo đảm tính chuyên sâu đối với từng nhiệm vụ. Yêu cầu các đơn vị phải chấp hành nghiêm túc, bảo đảm huấn luyện đúng, đủ chương trình, nội dung, thời gian theo quy định. Chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội sử dụng thuần thục phương tiện, trang bị tìm kiếm, cứu nạn với luyện tập, diễn tập theo phương án, kế hoạch; bảo đảm có lệnh là cơ động được ngay, đến vị trí trong thời gian nhanh nhất và làm nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Muốn vậy, công tác chuẩn bị sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN phải chu đáo, đồng bộ về phương tiện, trang bị, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ được giao, như: phòng chống, ứng cứu bão lụt, tìm kiếm cứu nạn sập đổ công trình, phân lũ hoặc ứng cứu, giải tỏa giao thông... Trước mùa mưa bão hằng năm, các đơn vị công binh phải phối hợp với địa phương tổ chức trinh sát thực địa, nắm tình hình thủy văn, địa hình, dân cư, dự kiến các tình huống có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án, kế hoạch PCTT-TKCN; thường xuyên kiểm tra, bổ sung lượng vật chất dự trữ theo quy định ở từng cấp. Ngoài ra, các đơn vị còn phải theo dõi diễn biến tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin, tăng cường duy trì kíp trực chỉ huy, trực ban và phân đội trực sẵn sàng cơ động để chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra; nhất là đối với các đơn vị công binh đứng chân ở vùng trọng điểm về bão lụt.

Thiên tai thường xảy ra bất thường, trên diện rộng, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vì vậy, để công tác PCTT-TKCN đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia. Thực tiễn cho thấy, giữa các cấp còn xảy ra một số trường hợp chỉ đạo, điều hành chưa thống nhất, gây nên sự chồng chéo về nhiệm vụ và lúng túng cho đơn vị thực hiện. Do đó, yêu cầu sự chỉ đạo, chỉ huy phải thống nhất, sự phối hợp, hiệp đồng phải chặt chẽ cả trước và trong khi thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế phối hợp, thống nhất hành động của các lực lượng tham gia; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng cơ động của Bộ, quân khu và lực lượng tại chỗ. Vấn đề quan trọng là phải phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, vai trò của các tổ chức quần chúng, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (con người, phương tiện, chỉ huy, vật chất). Việc sử dụng BĐCB phải được lệnh của cấp có thẩm quyền; tính toán quy mô thích hợp, trong các nhiệm vụ quan trọng, đúng tính chất của lực lượng nòng cốt; tránh hiện tượng chỉ coi trọng vai trò của bộ đội chủ lực, dẫn đến coi nhẹ vai trò của lực lượng tại chỗ, như: Đoàn thanh niên, dân quân, tự vệ... Việc phối hợp bảo đảm thông tin phải nhanh nhạy, chính xác, kịp thời, thông suốt trong mọi tình huống; đặc biệt là, thống nhất hiệp đồng thông tin cấp cứu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bằng nhiều hình thức như: vô tuyến điện, bắn pháo hiệu cấp cứu, pháo hiệu cảnh báo lũ... Cùng với việc phối hợp, hiệp đồng trong tổng thể các lực lượng tham gia, các đơn vị công binh cần chú trọng hiệp đồng nội bộ trong điều kiện lực lượng phân tán khi làm nhiệm vụ.

Trên cơ sở quy định của Bộ Quốc phòng, các đơn vị cần tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng lực lượng tinh nhuệ, trang bị gọn nhẹ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt các quy định về tổ chức, biên chế của tiểu đoàn công binh kiêm nhiệm TKCN. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban thường trực PCTT-TKCN các cấp. Bên cạnh đó, cơ quan quân sự và cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng công binh dự bị động viên. Đó là lực lượng quan trọng để thực hiện phương châm 4 tại chỗ, góp phần xử trí kịp thời các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Đồng thời với xây dựng về tổ chức, biên chế, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, củng cố hệ thống phương tiện, trang bị, vật tư, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ PCTT-TKCN; bảo đảm đồng bộ về trang bị, phương tiện đi đôi với bảo đảm hệ số kỹ thuật cao. Hiện nay, Binh chủng đang tập trung đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa phương tiện, trang bị, đúng chủng loại theo tính chất nhiệm vụ của đơn vị kiêm nhiệm, chuyên trách, vừa bảo đảm cho nhiệm vụ PCTT-TKCN trước mắt, vừa tính đến yếu tố cơ bản lâu dài, bảo đảm công binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, tập trung mua sắm, sản xuất các loại phương tiện vượt sông nhẹ, như: ĐL-10, VSN-1500 để trang bị cho lực lượng vũ trang địa phương và đơn vị công binh đứng chân trên các địa bàn trọng điểm về bão lụt; trong đó, mỗi Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện từ 4 - 6 phương tiện. Tuy nhiên, các đơn vị cần phát huy, tận dụng mọi phương tiện, trang bị hiện có, chú trọng kết hợp giữa phương tiện, trang bị hiện đại với các loại thô sơ, tự tạo như thuyền, bè... Mặt khác, trong điều kiện phương tiện, trang bị hoạt động ở môi trường sông nước nhanh xuống cấp, các đơn vị còn phải coi trọng công tác bảo đảm kỹ thuật. Sau mỗi đợt thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN cần thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, không ngừng nâng cao chất lượng trang bị. Thường xuyên thực hiện tốt cuộc vận động “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, tạo chuyển biến vững chắc trong công tác kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả  công tác PCTT-TKCN, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thiếu tướng Dương Đức Hòa

Tư lệnh Binh chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)