QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:51 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với quá trình đổi mới công tác biên phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Đường lối đổi mới đất nước được Đảng ta đề ra từ Đại hội VI, đến nay đã trải qua 4 kỳ Đại hội. Đường lối đó thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng, xác định rõ yêu cầu phải đổi mới toàn diện, tập trung vào những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có quốc phòng-an ninh. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã quán triệt tinh thần đó, thực hiện đổi mới một cách toàn diện công tác biên phòng, trước hết là đổi mới tư duy lý luận gắn với thực tiễn trong công tác biên phòng; nhờ đó, giành được nhiều thành  tựu quan trọng, góp phần  vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trong khoảng thời gian 10 năm đầu của công cuộc đổi mới (1986-1995), thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các đối sách biên phòng nhằm ngăn chặn xung đột, giảm đối đầu, giảm các hoạt động vũ trang; tăng cường hoạt động phòng chống gián điệp, tình báo, chiến tranh tâm lý, triệt phá các tổ chức phản động; đấu tranh chống xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới và chống các loại tội phạm, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh biên giới; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, đối ngoại biên phòng trên tuyến biên giới; đổi mới công tác kiểm soát xuất-nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới, phục vụ chủ trương mở rộng giao lưu hợp tác với các nước láng giềng. Trên tuyến biển, đảo, BĐBP đã thành lập các hải đoàn, hải đội, tăng thêm các đồn, trạm biên phòng ở ven biển, hải đảo, tăng cường bảo vệ chủ quyền an ninh trên các vùng biển đất nước.

Từ năm  1995 đến nay, quán triệt các Nghị quyết Đại hội VII, VIII, IX, X của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và thực hiện chủ trương “xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng trong công tác biên phòng”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đổi mới công tác biên phòng, bao gồm chủ trương, đối sách đấu tranh, phương pháp bố trí, sử dụng lực lượng, đầu tư trang bị, đổi mới công tác vận động quần chúng, công tác đối ngoại biên phòng, công tác quản lý, kiểm soát hành chính, công tác trinh sát biên phòng..., phù hợp với tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ, đường lối đổi mới đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, BĐBP đã quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm kết hợp quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Đảng, vận dụng sáng tạo các phương châm đối ngoại “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, giữ vững quan điểm, đường lối, nguyên tắc, nhưng linh hoạt, sáng tạo trong trong sách lược, tranh thủ những điểm tương đồng, những lợi ích chung, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Bộ Tư lệnh BĐBP chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu với Đảng, Nhà nước đàm phán với các nước láng giềng ký kết những hiệp định, hiệp nghị để giải quyết các vấn đề trên biên giới, vùng biển; giữ vững chủ quyền lãnh thổ với nguyên tắc mềm dẻo, kiên trì, không để xảy ra đối đầu căng thẳng trên biên giới; tham gia tích cực vào việc phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt-Trung (đã hoàn thành); duy trì quản lý theo hiện trạng và triển khai nhanh công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia; tăng cường quản lý và tăng cột mốc tuyến biên giới Việt Nam - Lào. BĐBP cũng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc phân định vịnh Bắc Bộ và các vùng biển chồng lấn, bảo vệ tài nguyên đất nước. Lực lượng biên phòng đã ngăn chặn, xử lý có hiệu quả nhiều vụ vượt biên, xâm nhập qua biên giới; xua đuổi, bắt giữ  nhiều tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta; các đồn cửa khẩu quốc gia, quốc tế thực hiện đổi mới thủ tục hành chính, rút ngắn thời hạn kiểm tra, kiểm soát người qua lại biên giới, cửa khẩu, đảm bảo tốt yêu cầu hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. BĐBP chủ động thực hiện việc mở rộng quan hệ hợp tác với chính quyền các địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong trao đổi thông tin tình hình, tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới, phối hợp chống vượt biên, xâm nhập, chống tội phạm và giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biên giới. Ngoài ra, BĐBP còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội, công an đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trên khu vực biên giới, nhất là tội phạm về ma túy; tích cực làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn biên giới xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng vùng biên giới, biển đảo ngày càng phát triển về mọi mặt.

Trong công tác xây dựng lực lượng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP luôn quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đổi mới tác phong, phương pháp công tác; tăng cường trang bị, kỹ thuật; không ngừng nâng cao đời sống vật chất , tinh thần cho bộ đội. Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học... được coi trọng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ Quốc phòng đã quan tâm tập trung xây dựng hành lang pháp lý, nhất là Luật Biên giới quốc gia, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới nói chung, cho công tác biên phòng nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, công tác biên phòng vẫn còn những hạn chế, thiếu sót: một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chậm đổi mới về tư duy, do đó, cách nghĩ, cách làm vẫn còn xơ cứng, kinh nghiệm chủ nghĩa, không thấy tình hình đã thay đổi, đòi hỏi phải có cách làm mới, nên sinh ra trì trệ, bảo thủ. Nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về mối quan hệ giữa đối tượng và đối tác, giữa hợp tác và đấu tranh, “mở cửa” và “gác cửa”... không rõ, nên trong hành động vừa có biểu hiện hữu khuynh, vừa có biểu hiện tả khuynh. Có những đơn vị, việc thực hiện đổi mới chủ trương, đối sách có lúc, có việc còn chậm; bố trí, sử dụng lực lượng còn chưa kịp thời, hiệu quả thấp; đổi mới các biện pháp công tác biên phòng chưa thật toàn diện và thiếu đồng bộ. Riêng công tác đối ngoại biên phòng vẫn chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, cơ bản, nên đến nay vẫn chưa hoàn thiện được lý luận về công tác đối ngoại của BĐBP một cách có hệ thống, toàn diện. Một số đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành ở địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng chưa chủ động, thiếu thường xuyên, chưa có chiều sâu, nên hiệu quả phối hợp chưa cao.

Từ thực tiễn đổi mới công tác biên phòng, thực hiện nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó trong thời gian qua, những vấn đề mà BĐBP cần rút ra để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác này trong tình mới, đó là:

1. Nắm vững chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước; các hiệp định, hiệp nghị về biên giới, vùng biển mà Nhà nước ta đã ký kết, nhất là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực; tình hình thực tiễn các tuyến biên giới, trên cơ sở đó,vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình cụ thể, từng lúc từng nơi với yêu cầu là phải giữ vững nguyên tắc và định hướng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng chính là căn cứ, điểm xuất phát trước hết của mọi đổi mới trong công tác biên phòng. Đồng thời, đổi mới công tác biên phòng phải phục tùng, phục vụ yêu cầu của đường lối đổi mới. Mặt khác, thực tiễn các tuyến biên giới vừa là nơi đặt ra các yêu cầu phải đổi mới công tác biên phòng, vừa là mảnh đất để kiểm nghiệm sự đúng đắn của những nội dung đổi mới này. Do đó, xa rời chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, thoát ly thực tiễn đều đưa đến những mất định hướng và thất bại. Tuy nhiên, phải nhận thức rõ rằng, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng là định hướng chung cho mọi ngành, mọi lực lượng, trong khi đó thực tiễn lại rất phong phú, đa dạng, cho nên việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào từng nơi, từng lúc, từng trường hợp cụ thể đòi hỏi phải rất sáng tạo, linh hoạt.

2. Đổi mới công tác biên phòng phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi và cách làm thích hợp.  Mỗi nội dung về đổi mới công tác biên phòng chính là những nội dung cơ bản của việc đổi mới, bởi nó có vị trí, nội dung, vai trò khác nhau, phương pháp tổ chức thực hiện khác nhau, nhưng có quan hệ, hỗ trợ, tác động lẫn nhau. Tiến hành đổi mới toàn diện, đồng bộ các nội dung đó chính là để tạo nên sức mạnh tổng hợp chung; chỉ cần một nội dung làm không tốt là ảnh hưởng xấu đến toàn bộ quá trình đổi mới công tác biên phòng. Mặt khác, phải căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể, khả năng của các đơn vị BĐBP mà tính toán bước đi và cách tiến hành đổi mới sao cho hợp lý. Nhiều khi, ý tưởng đổi mới thì đúng nhưng do chủ quan, nóng vội mà tiến hành đổi mới các nội dung công tác biên phòng một cách vội vàng, thiếu sự chuẩn bị chặt chẽ thì không đạt kết quả cao.

3. Phải tạosự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động từ trên xuống dưới, từ đó xây dựng cho mọi người quyết tâm thực hiện thắng lợi việc đổi mới công tác biên phòng. Quá trình đổi mới công tác biên phòng là quá trình thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ; là quá trình “lao tâm, khổ tứ”, lao động nghiêm túc, vất vả. Do đó, mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải thông suốt trước hết về tư tưởng , thấy được tính tất yếu của việc đổi mới; từ đó, xây dựng ý chí  quyết tâm và trách nhiệm đối với đổi mới. Để làm tốt vấn đề này, phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức; phải coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục và chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho mọi cán bộ, chiến sĩ; phải thường xuyên đấu tranh với mọi biểu hiện bảo thủ, trì trệ, ngại khó; đồng thời là việc đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để tiến hành đổi mới...

Đổi mới công tác biên phòng là kết quả hoạt động tự giác, có lãnh đạo với những định hướng cụ thể.  Kết quả công tác biên phòng phụ thuộc trước hết vào sự lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người chỉ huy. Do đó, đổi mới công tác biên phòng phải gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP.

Thiếu tướng, TS. ĐẶNG VŨ LIÊM

 

Ý kiến bạn đọc (0)