QPTD -Thứ Bảy, 20/08/2011, 23:51 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy và các tội phạm khác, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới

Đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác trên khu vực biên giới là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Hiện nay, việc thực hiện nhiệm vụ này đang có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi BĐBP phải phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Phòng chống tội phạm (PCTP) ma túy, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà Đảng, Chính phủ giao cho BĐBP - với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt. Đặc biệt, sau những năm đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, các tuyến biên giới, bờ biển nước ta trở nên sầm uất, nhộn nhịp; những cửa khẩu, hải cảng trở thành cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, nhất là tội phạm ma túy cũng lợi dụng điều đó để (gia tăng) hoạt động, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới càng diễn biến phức tạp.

Xuất phát từ đặc điểm, tình hình trên và trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, ngày 11-10-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1078/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tổ chức lực lượng chuyên trách PCTP ma túy của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát Biển”. Theo đó, ngày 29-11-2004, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 156/QĐ-BQP về việc thành lập lực lượng chuyên trách PCTP ma túy thuộc BĐBP. Ngày 28-01-2005, Cục PCTP ma túy - Bộ Tư lệnh BĐBP chính thức ra mắt hoạt động. Đây là dấu mốc lịch sử ghi lại một sự kiện quan trọng: từ nay, trên các tuyến biên giới, bờ biển của Tổ quốc có thêm một lực lượng chuyên trách, nòng cốt, làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy và các tội phạm khác, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong những ngày đầu thành lập, Cục PCTP ma túy gặp rất nhiều khó khăn: quân số chưa đủ, trình độ chuyên môn không đều, kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này còn ít... Trong khi đó, yêu cầu đặt ra với việc thực hiện nhiệm vụ lại cao: phải ngăn chặn tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới với số lượng lớn; xoá bỏ diện tích trồng cây thuốc phiện; kiềm chế sự gia tăng người nghiện ma túy và tái nghiện ở khu vực biên giới,v.v. Để giải quyết mâu thuẫn này, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng triển khai đề án PCTP ma túy của BĐBP thành hai giai đoạn.

Giai đoạn I (từ năm 2005 - 2008), với quân số biên chế ban đầu, chỉ tập trung triển khai một bộ máy tổ chức gọn nhẹ ở Cục PCTP ma túy và 22 tỉnh (thành) trọng điểm để vừa giải quyết được yêu cầu ngăn chặn tội phạm ma túy trước mắt, vừa rút kinh nghiệm. Giai đoạn II (từ năm 2008-2010), tăng cường năng lực đấu tranh PCTP ma túy của BĐBP. Để thực hiện có hiệu quả Đề án, Cục đã triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, tập trung vào giải quyết tốt những nội dung trọng tâm, cấp thiết.

Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, xử lý tình huống cụ thể, lực lượng PCTP ma túy của BĐBP đã nhanh chóng tiếp cận với tình hình mới, hòa nhập vào các biện pháp bảo vệ biên giới của BĐBP. Cục PCTP ma túy đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện “Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010” của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đã tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Nghị quyết chuyên đề số 10 và Kế hoạch số 2126/KH-BTL về tổ chức thực hiện nghị quyết “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTP ma túy và xây dựng lực lượng chuyên trách PCTP ma túy của BĐBP trong tình hình mới”. Đồng thời, đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng PCTP ma túy các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ các kế hoạch công tác nghiệp vụ, mở hồ sơ điều tra cơ bản địa bàn trọng điểm, tuyến, lĩnh vực và sưu tập ngoại biên đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Qua điều tra cơ bản, Cục PCTP ma túy đã nắm được tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy; đẩy mạnh các biện pháp công tác nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm tra nghiệp vụ; phát triển mạng lưới trinh sát, cả về số lượng và chất lượng, tạo nguồn xác lập chuyên án ngày càng nhiều và hiệu quả.

Việc triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản đã đạt kết quả trên các mặt: hoạt động phòng, chống các tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy. Cục đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền, địa phương vận động xoá nhổ hầu hết diện tích trồng cây thuốc phiện và cây cần sa, giảm thiểu nguồn cung ma túy tại chỗ ở khu vực biên giới; phát hiện và phối hợp quản lý các đối tượng nghiện hút; tham gia cai nghiện, kiềm chế tỷ lệ gia tăng “con nghiện” (giảm từ 25-30%) ở khu vực biên giới. Kết quả đấu tranh thành công tăng dần từ chuyên án nhỏ đến lớn. Những kết quả PCTP ma túy  trong những năm triển khai Đề án (giai đoạn I), tuy còn khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra và thực tế của tình hình, song đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả tội phạm và tệ nạn ma túy ở khu vực biên giới, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu tranh với các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ bên ngoài vào nước ta. So với trước đây, khi chưa có lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong việc PCTP ma túy của BĐBP, công tác PCTP ma túy có nhiều hạn chế; tình hình rất phức tạp, các loại tội phạm, đặc biệt loại tội phạm ma túy hoạt động trắng trợn qua các hành lang, cửa khẩu biên giới, vào nội địa với số lượng ma túy lớn. Hiện nay, chúng đã phải dè chừng, thay đổi phương thức, thủ đoạn; các toán, nhóm vận chuyển ma túy qua biên giới thường được tổ chức chặt chẽ hơn, trang bị thêm các loại vũ khí, nhất là vũ khí nóng. Cũng vì thế, việc phòng, chống loại tội phạm này càng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm hơn.

Giai đoạn II, thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực đấu tranh PCTP ma túy của BĐBP giai đoạn 2008-2010". Theo Quyết định số 382/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lực lượng PCTP ma túy của BĐBP được tăng cường quân số biên chế, nên đã kiện toàn về mô hình tổ chức lực lượng PCTP ma túy ở cả 3 cấp và trên khắp 44 tỉnh (thành) có biên giới. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đối với BĐBP nói chung và lực lượng PCTP ma túy nói riêng trong tình hình mới. Điều đó, một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của BĐBP trong công tác PCTP ma túy trên các tuyến biên giới. Đây cũng là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự phát triển trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng BĐBP, đồng thời cũng cho thấy tầm quan trọng của công tác PCTP ma túy trên các tuyến biên giới trong tình hình mới. Trong giai đoạn này, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em không giảm. Phương thức, thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh hơn. Lực lượng PCTP ma túy tuy đã được kiện toàn theo tổ chức, biên chế mới nhưng chưa thật ổn định, quân số còn thiếu nhiều và chất lượng không đồng đều. Việc tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ PCTP khác, tuy bước đầu đạt được kết quả nhất định nhưng chưa có bổ sung biên chế nên khó có thể nâng cao chất lượng hiệu quả đấu tranh. Trước tình hình trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ PCTP ma túy năm cuối (2010) của giai đoạn II, Đảng ủy, Chỉ huy Cục PCTP ma túy - Bộ Tư lệnh BĐBP đã và đang tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh công tác năm 2010 của cấp trên và cấp mình; tập trung tham mưu cho Bộ Tư lệnh những chủ trương, đối sách thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch PCTP ma túy và tội phạm khác của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công tội phạm ma tuý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm, trọng tâm là chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán người trên các tuyến biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị BĐBP phối hợp chặt chẽ với địa phương nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm ở nội, ngoại biên; tập trung vào hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý, đặc biệt là vận chuyển ma tuý có vũ trang trên tuyến biên giới Việt - Lào; tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán người, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, chất nổ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình; thông qua triển khai có hiệu quả phương thức hoạt động trinh sát ngoại biên, trinh sát kỹ thuật. Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; chú trọng điều tra cơ bản sâu các tuyến, địa bàn và hoạt động trọng điểm của tội phạm ma tuý và buôn lậu. Tập trung sưu tập các địa bàn, tụ điểm trên một số tuyến trọng điểm về buôn bán, vận chuyển ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán người... phục vụ tốt cho việc nắm tình hình từ xa, chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm ma tuý và các loại tội phạm khác ngay từ ngoài biên giới.

Ba là, tăng cường chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm ma tuý và tội phạm khác. Tập trung xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, tổ chức ma tuý lớn, có vũ trang trên tuyến biên giới Việt - Lào và các chuyên án chống buôn lậu, gian lận thương mại quy mô lớn trên vùng biển Đông Bắc và Bắc miền Trung; triệt phá các đường dây buôn người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc và Tây Nam Bộ; kịp thời ngăn chặn, hạn chế có hiệu quả việc vận chuyển ma tuý qua biên giới vào nước ta, từng bước khôi phục lại trật tự kỷ cương trên biển.

Bốn là, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ PCTP ma tuý và các loại tội phạm khác. Chú trọng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường gắn kết hơn nữa với lực lượng chức năng của Lào, Cam-pu-chia và lực lượng PCTP ma túy các tỉnh đối diện của Trung Quốc, nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, hợp tác đấu tranh nâng cao hiệu quả PCTP ma tuý và các loại tội phạm khác ở khu vực biên giới.

Năm là, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương sơ kết rút kinh nghiệm triển khai điều tra cơ bản tuyến, địa bàn trọng điểm về phòng, chống buôn lậu, buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức tổng kết các chuyên án, vụ án lớn, điển hình; tổ chức tổng kết 3 năm công tác phối hợp đấu tranh PCTP ma túy với Cục PCTP ma túy (Bộ An ninh Lào) và tổng kết 5 năm công tác đấu tranh PCTP ma túy của BĐBP. Tổ chức tốt các lớp tập huấn về công tác ngoại biên, trinh sát kỹ thuật; công tác điều tra hình sự và xử lý vi phạm hành chính cho chỉ huy cấp Phòng, Đoàn, Đội đặc nhiệm. Đề xuất với Bộ Tư lệnh BĐBP mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng PCTP ma túy các cấp; trong đó, ưu tiên tập huấn cho lực lượng trinh sát viên của Cục và các tỉnh (thành) theo từng cụm để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chất lượng công tác của lực lượng trinh sát viên cấp cơ sở.

Thực hiện tốt những nội dung, biện pháp nêu trên, chính là cơ sở để lực lượng PCTP ma túy của BĐBP sẵn sàng thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và kiểm soát ma túy dài hạn (từ năm 2011 đến năm 2020) và tiếp đó là giai đoạn: 2021 đến năm 2030.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN SINH XÔ

Cục trưởng Cục PCTP ma túy-Bộ Tư lệnh BĐBP

 

Ý kiến bạn đọc (0)