QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:32 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”

Khu vực biên giới nước ta có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nơi đây vẫn là khu vực nghèo nhất so với cả nước: hiện còn 29 huyện nghèo, chiếm 47,5% trong tổng số huyện nghèo của toàn quốc; có 388 xã đặc biệt khó khăn; số hộ đói nghèo còn trên 30% (có nơi 70%); 109.467 hộ chưa có điện thắp sáng, 192.141 hộ chưa được dùng nước sạch, còn 13.709 hộ đói, 104.557 hộ không có đất sản xuất1. Nhiều thôn bản xa xôi, hẻo lánh ở khu vực biên giới thiếu cầu đường, lớp học, trạm xá; đi lại còn khó khăn; trang thiết bị y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh, vừa thiếu, vừa lạc hậu; nhiều hộ còn phải ở nhà tạm; còn gần 1.700 phòng học tạm; số người mù chữ, trẻ em thất học chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt, tỉ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, các chương trình y tế cộng đồng còn thấp. Nhiều nơi ở biên giới (nhất là vùng sâu, vùng xa) còn “đói” thông tin, thậm chí “trắng” thông tin và còn nhiều tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội... Lợi dụng tình trạng trên, các thế lực thù địch đã tăng cường xuyên tạc, chống phá, gây khó khăn cho nhiệm vụ bảo vệ vành đai biên giới quốc gia nói riêng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, nhằm khắc phục tình trạng đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước thực hiện Đợt vận động (ĐVĐ) “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”. ĐVĐ nhằm hướng sự đóng góp, ủng hộ của các tập thể, cá nhân vào xây dựng các công trình dân sinh, giúp đỡ đồng bào các dân tộc trên biên giới, hải đảo xoá đói, giảm nghèo, xoá nhà dột nát, xoá mù chữ, v.v. Qua đó, góp phần giảm bớt những khó khăn của khu vực biên giới, hải đảo; trực tiếp động viên, cổ vũ đồng bào và các lực lượng trụ vững nơi biên cương Tổ quốc, góp phần tăng cường “thế trận lòng dân”, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. ĐVĐ bắt đầu từ tháng 10-2008 và sẽ kết thúc vào tháng 12-2009, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (cuối tháng 01-2009), dự kiến xây 1.030 nhà “Đại đoàn kết”, 18 công trình dân sinh; giai đoạn 2 tiếp theo đến 31-12-2009, dự kiến xây dựng 1.000 ngôi nhà “Đại đoàn kết” và 111 công trình dân sinh.

Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Tổ chức ĐVĐ đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền về ĐVĐ. MTTQ và BĐBP đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền, làm rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung ĐVĐ; giáo dục, động viên ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước hướng về biên giới, hải đảo; nêu cụ thể các địa chỉ khó khăn ở khu vực biên giới, hải đảo cần giúp đỡ và kết quả ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân đối với người nghèo nơi biên giới, hải đảo. Trong quá trình thực hiện ĐVĐ, cùng với công tác tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và MTTQ các tỉnh (thành phố) phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy (BCH) BĐBP tỉnh (thành phố) và Báo QĐND tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí và vật chất vào “Quỹ vì người nghèo” để xây dựng các công trình cho người nghèo và nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo. Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và ở một số tỉnh (thành phố) lớn để kêu gọi, vận động quyên góp ủng hộ kinh phí hoặc vật chất để thực hiện ĐVĐ. Bộ Tư lệnh BĐBP có kế hoạch và phân công cán bộ từ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đến cán bộ các cục, phòng (cơ quan Bộ Tư lệnh), lãnh đạo, chỉ huy biên phòng các tỉnh (thành phố) trực tiếp vận động các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào “Quỹ vì người nghèo”.

Ủy ban MTTQ và BCH Biên phòng các tỉnh (thành phố) đã xây dựng kế hoạch, báo cáo xin chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy (thành ủy), thành lập Ban Chỉ đạo (do Chỉ huy trưởng BCH Biên phòng làm Trưởng Ban) thực hiện. BĐBP các tỉnh (thành phố) đã chủ trì phối hợp với MTTQ tỉnh (thành phố) tổ chức các đoàn khảo sát, lựa chọn nhà ở, công trình dân sinh cần xây dựng. Trong quá trình thực hiện, các đoàn khảo sát luôn tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công bằng; trong đó, tập trung vào các hộ có nhà ở còn tạm bợ, rách nát; trường lớp, phòng khám dân y, cầu tạm... thuộc các xã biên giới; lựa chọn, thống kê, lập danh sách (có xác nhận của địa phương) báo cáo về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP. Ban Tổ chức ĐVĐ của các địa phương đã tập trung chỉ đạo, bình chọn các hộ nghèo để tặng nhà “Đại đoàn kết” đúng quy trình, quy định của MTTQ và địa phương. Việc tập trung xoá nhà tạm cho các gia đình chính sách phải bảo đảm được yêu cầu tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ các thôn, bản biên giới, cộng đồng dân cư, các dòng họ; tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Trên cơ sở các nhà ở, công trình dân sinh cần xây dựng, căn cứ vào khả năng, tình hình thực tế, Ban Tổ chức ĐVĐ đã phân bổ chỉ tiêu, kinh phí cho BCH Biên phòng các tỉnh (thành phố), chỉ huy các đơn vị để xây dựng các công trình cụ thể. Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức 3 hội nghị ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, mời chỉ huy trưởng và chính ủy BCH Biên phòng các tỉnh (thành phố), các đơn vị về dự để giao chỉ tiêu và coi đây là nhiệm vụ chính trị; đồng thời, xác định lấy việc hoàn thành chỉ tiêu trong ĐVĐ làm một tiêu chí để nhận xét, đánh giá cán bộ và đề bạt quân hàm, nâng lương cho sĩ quan.

Sau khi Ban Tổ chức phân bổ chỉ tiêu, kinh phí, MTTQ và BĐBP các tỉnh (thành phố) đã chủ trì, triển khai cho các xã (giao cho Thường trực Ủy ban MTTQ xã và Ban Chỉ huy đồn Biên phòng) trực tiếp xây dựng các công trình. Trong quá trình thực hiện, hằng tháng, theo định kỳ, các đơn vị báo cáo tình hình về thường trực Ban Chỉ đạo ĐVĐ để rút kinh nghiệm, khắc phục sai sót, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Khi xây dựng các công trình (nhất là nhà ở) về mặt quy cách không áp đặt, mà do địa phương quy định để phù hợp với tập quán của từng nơi, của mỗi dân tộc. Mỗi nhà “Đại đoàn kết” có giá trị từ 30-50 triệu đồng, được xây dựng từ quỹ “Vì người nghèo” và đóng góp bằng ngày công của cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng cộng đồng dân cư xóm, bản, ấp, dòng họ.

Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, huy động được sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng công trình. Ở Nghệ An, BCH BĐBP Tỉnh đã đầu tư triển khai một xưởng mộc tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương để làm nhà cho dân. BCH BĐBP Lai Châu đã phát động đợt thi đua đột kích, tổ chức cho bộ đội (kể cả các đồng chí trong BCH) hành quân dã ngoại xuống bản, chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho đồng bào La Hủ (huyện Mường Tè), là một bản 100% người dân không biết tiếng Việt, không biết tiêu tiền, đau ốm không dùng thuốc, sống cách biệt với xã hội; cán bộ, chiến sĩ phải lội suối, vượt núi một ngày đường mới đưa vật tư làm nhà đến được bản. Thành phố Hải Phòng đã tranh thủ sự ủng hộ của các công ty vận tải biển để vận chuyển nguyên vật liệu ra các đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải để làm nhà cho dân, với thời gian khẩn trương nhất. Ở Nam Định, bên cạnh việc xây dựng nhà mới, các đơn vị còn tận dụng nguyên vật liệu cũ làm công trình phụ, tạo thành một căn hộ hoàn chỉnh, v.v. Nhờ tổ chức chặt chẽ, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị có nhiều sáng tạo trong thực hiện, nên kết thúc giai đoạn 1 ĐVĐ, trong cả nước đã xây dựng vượt 730 nhà so với chỉ tiêu đề ra; nhiều tỉnh (thành phố) vượt chỉ tiêu từ 10 nhà trở lên, như: Nghệ An 86/50 nhà, Long An 130/20 nhà, Đồng Tháp 463/20 nhà, Kiên Giang 78/50 nhà... Bước vào giai đoạn 2 ĐVĐ, một số địa phương có tiến độ xây dựng công trình nhanh, gần hoàn thành hoặc đã vượt chỉ tiêu được giao. Đến đầu tháng 9-2009, BĐBP trên cả nước đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 2.207 căn nhà “Đại đoàn kết” có giá trị hơn 80 tỉ đồng và 36 công trình dân sinh có giá trị gần 6 tỉ đồng. Ngành Hậu cần BĐBP đã tặng 1.600 bộ chăn, màn cho các hộ được xây dựng nhà “Đại đoàn kết”. Giai đoạn 2 của ĐVĐ, ngoài xóa nhà tạm và xây dựng các công trình dân sinh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP tập trung chỉ đạo bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở Nghệ An và dân tộc La Hủ ở Lai Châu. Tại địa bàn các dân tộc trên sinh sống đã và đang có hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ BĐBP đến giúp dân quy hoạch thôn bản, làm đường, dựng nhà, vệ sinh nơi ăn ở, khám chữa bệnh miễn phí cho dân, tìm đất phát triển sản xuất, làm thủy lợi nhỏ, dạy chữ cho đồng bào, v.v. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã tăng cường các hoạt động dân vận tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh... trên địa bàn biên giới. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã vận động được 1.605 học sinh bỏ học đến trường, 1.275 trẻ em trong độ tuổi đến trường; tiếp tục duy trì các lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Cán bộ, chiến sĩ quân y các đơn vị phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh cho hơn 70 nghìn lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá gần 1 tỉ đồng; tiêm phòng cho gần 17 nghìn trẻ em, tẩm chất chống muỗi cho gần 19 nghìn chiếc màn. Các đơn vị đã sửa chữa hàng trăm ngôi nhà, hàng chục cầu, sửa chữa hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông và kênh mương nội đồng... Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã kết hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam bồi dưỡng kiến thức phát triển kinh tế - xã hội cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả ĐVĐ “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã khẳng định đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn; với sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cá nhân và tổ chức xã hội, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, của mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng quân dân cả nước đã tích cực tham gia vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn biên giới, hải đảo. Điều đó đã góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết quân dân, nêu cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân đối với việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới.

Trong thời gian tới, để góp phần xây dựng các khu vực biên giới, hải đảo vững mạnh, BĐBP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt ĐVĐ “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” và cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp ủy, các ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương; của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đối với ĐVĐ này nói riêng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới nói chung; đồng thời, đề nghị Đảng, Nhà nước sớm có chiến lược bảo vệ biên giới, hải đảo để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng VÕ TRỌNG VIỆT

Chính ủy Bộ đội Biên phòng

_________

1- Các số liệu lấy từ Nghị quyết 30a/2008-NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo và bền vững đối với 61 huyện nghèo”.

 

Ý kiến bạn đọc (0)