QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 01:07 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Hầu hết mọi nhiệm vụ mà BĐBP đảm nhiệm đều mang tính pháp lý cao. Do đặc thù của nhiệm vụ, các đơn vị BĐBP thường phải đóng quân phân tán và hoạt động trên những địa bàn chiến lược xung yếu của Tổ quốc - nơi kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, dân trí thấp, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; nơi nhạy cảm về công tác đối ngoại biên phòng, các thế lực thù địch tăng cường chống phá;... nên đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP không chỉ nắm vững pháp luật để chấp hành cho đúng, mà còn phải am hiểu sâu sắc, để vận dụng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.

Trước yêu cầu xây dựng BĐBP theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong toàn lực lượng. Hằng năm, căn cứ vào các chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước về công tác PBGDPL trong toàn dân; các quyết định, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về triển khai công tác PBGDPL, Thường vụ Đảng ủy BĐBP ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác này và xây dựng văn bản chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị quán triệt, nghiêm túc tổ chức thực hiện theo phân cấp. Cơ quan chính trị các cấp xây dựng kế hoạch, đề cương, bồi dưỡng báo cáo viên và chủ động hướng dẫn các đơn vị tiến hành công tác PBGDPL phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị mình. Do quan tâm đúng mức và thực hiện tốt khâu quán triệt nhiệm vụ mà nhận thức của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan, đơn vị các cấp trong toàn lực lượng về công tác PBGDPL không ngừng được nâng lên. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ BĐBP đều coi việc học tập, nắm vững pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội là một yêu cầu hết sức cần thiết để thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ biên phòng cũng như tham gia công tác vận động quần chúng.
 Thực hiện kế hoạch PBGDPL do Tổng cục Chính trị ban hành, từ năm 2004 đến nay, các đơn vị BĐBP đã tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khu vực biên giới nắm vững nội dung cơ bản của Luật Biên giới quốc gia, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thi đua khen thưởng, Luật Thanh tra, Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi, bổ sung), Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết liệm, chống lãng phí, Bộ luật Dân sự,... Hằng năm, các đơn vị đều tổ chức quán triệt lại cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân những văn bản quy phạm pháp luật cơ bản, được ban hành trước đó; đồng thời, phổ biến bổ sung những văn bản mới, bảo đảm để mọi người có điều kiện cập nhật kiến thức và thực hiện đầy đủ.  Những văn bản có liên quan nhiều đến tổ chức, xây dựng quân đội như: Luật Quốc phòng; Pháp lệnh Dân quân tự vệ (sửa đổi, bổ sung); Chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng “về việc quản lý, sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trong quân đội”; các quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập;... đều được tổ chức học tập nghiêm túc, có liên hệ, vận dụng vào việc xây dựng cơ quan, đơn vị và quá trình rèn luyện kỷ luật của bộ đội. Đặc biệt, những văn bản có ý nghĩa chỉ đạo đối với công tác biên phòng, các đơn vị không chỉ dừng ở việc học tập, mà còn tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu kỹ, bàn biện pháp vận dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình.
Để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao công tác PBGDPL, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chú trọng phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Năm 2006, Hội đồng cấp Bộ Tư lệnh đã được kiện toàn, do đồng chí Chính ủy làm Chủ tịch; cấp cơ sở (đồn biên phòng) do đồng chí Chính trị viên chỉ đạo chung. Để giúp việc cho Hội đồng, ở mỗi cấp còn tổ chức ra cơ quan thường trực, từ 3-5 đồng chí, trong đó nòng cốt là cán bộ tuyên huấn. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Bộ Tư lệnh và các đầu mối trực thuộc Bộ Tư lệnh đã có Quy chế làm việc chặt chẽ; nhờ đó công tác PBGDPL của BĐBP đã đi vào nền nếp; sự phân công, phân cấp ngày càng rõ ràng hơn; trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân được nâng lên; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác PBGDPL và chấp hành kỷ luật của các đơn vị cũng toàn diện, thực chất và có tác dụng hơn. Nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trương lựa chọn từ số những đồng chí đã được đào tạo cơ bản ở các trường của BĐBP hoặc đã tốt nghiệp đại học luật, có kinh nghiệm thực tiễn (nhất là trinh sát, kiểm soát hành chính), đã qua công tác báo cáo viên cấp tỉnh và cấp Bộ Tư lệnh. Nhờ đó, đội ngũ báo cáo viên cơ bản có kiến thức, hiểu biết sâu về pháp luật và có phương pháp sư phạm phù hợp. Ngoài ra, hằng tháng, các đơn vị còn cử cán bộ tham dự bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật và dự giao ban pháp luật ở địa phương. Đây cũng là một biện pháp thiết thực góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của toàn lực lượng.
 Nét nổi bật trong công tác PBGDPL ở BĐBP những năm qua là, các đơn vị đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp PBGDPL phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc điểm hoạt động của đơn vị mình. Ngoài việc tổ chức học tập các chuyên đề tập trung, nhiều đơn vị còn lồng ghép nội dung PBGDPL vào nhiều loại hình hoạt động khác, như: thông báo chính trị; ngày chính trị-văn hóa-tinh thần ở cơ sở; thi tìm hiểu pháp luật và Điều lệnh quân đội; biểu diễn các tiểu phẩm kịch;... Cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan Tuyên huấn, Báo Biên phòng, Điện ảnh Biên phòng và cơ quan chính trị các cấp phối hợp với các đài, báo ở Trung ương và địa phương thường xuyên có chuyên đề tìm hiểu pháp luật, giải đáp những vấn đề pháp lý liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới. Những cách làm sinh động đó đã góp phần làm cho nội dung pháp luật thấm sâu vào nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Đối với nhân dân các địa bàn xung yếu, các đơn vị, tổ (đội) công tác BĐBP đã chú trọng thực hiện các nội dung PBGDPL trong quá trình làm công tác dân vận, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng “thế trận biên phòng toàn dân” vững mạnh. Việc đưa nội dung PBGDPL vào tập huấn một số chuyên ngành biên phòng cũng được các đơn vị chú trọng thường xuyên. Riêng năm 2006, Bộ Tư lệnh đã mở 6 lớp tập huấn cho hàng trăm cán bộ trinh sát cấp cục, tỉnh và đồn biên phòng; qua đó nâng cao năng lực tiến hành các thủ tục pháp lý trong phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm hành chính; mở 2 lớp tập huấn cho hơn 100 đồng chí là chỉ huy và trợ lý thanh tra cấp tỉnh về nghiệp vụ công tác thanh tra... 
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn lực lượng triển khai thực hiện chương trình ký kết liên tịch giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với Bộ Văn hóa -Thông tin, Bộ Tư pháp và Tổng công ty Bưu chính -Viễn thông Việt Nam trong tổ chức tuyên truyền, PBGDPL, xây dựng ngăn sách, ô sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn biên giới, bưu điện văn hóa xã và các đồn biên phòng. Bộ Tư lệnh cũng chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn về tài chính, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí trên cấp; đồng thời, chủ động đầu tư kinh phí nội bộ đóng các tủ sách, mua thêm sách, báo pháp luật. Đến nay, đã có 95% đơn vị cơ sở BĐBP xây dựng được ngăn sách, ô sách pháp luật (trung bình mỗi ngăn sách, ô sách có 20 đầu sách pháp luật). Những ô sách, ngăn sách này đã thực sự là “bạn đồng hành” của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong lúc thực hành chức trách, nhiệm vụ cũng như giờ nghỉ, ngày nghỉ.
Những cố gắng trong công tác PBGDPL ở các đơn vị BĐBP thời gian qua đã thực sự có tác dụng nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và khả năng thực thi pháp luật của mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP; đồng thời, góp phần hạn chế tỷ lệ vi phạm kỷ luật, pháp luật xuống mức dưới 1% (năm 2006 là 0,37%). Tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, sai sự thật hoặc lợi dụng đơn, thư để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ ngày càng giảm; ý thức pháp luật, trách nhiệm chính trị của nhân dân vùng biên giới, biển đảo trong giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc ngày càng nâng lên.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, BĐBP còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong thực hiện công tác PBGDPL. Sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy một số đơn vị đối với công tác này chưa đúng mức; nặng đề ra chủ trương, kế hoạch, chứ chưa tập trung đi sâu vào nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện. Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp có lúc, có nơi còn chưa tuân thủ đúng Quy chế đã đề ra, thậm chí còn mang tính hình thức, dễ làm, khó bỏ. Năng lực tuyên truyền, PBGDPL của đội ngũ báo cáo viên có mặt còn hạn chế, nhất là trước yêu cầu của đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh phí trên cấp cho hoạt động PBGDPL còn quá ít so với nhu cầu thực tế đặt ra...
Do đó, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP cần quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn nữa đối với công tác PBGDPL trong đơn vị mình; coi đó là một nội dung quan trọng góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của BĐBP các cấp cần đề cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức, phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị, lực lượng và địa phương; chấp hành nghiêm Quy chế hoạt động; tăng cường kiểm tra uốn nắn việc phối hợp và triển khai công tác PBGDPL của các cấp, việc đầu tư kinh phí;... làm cho công tác này được thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn. Trong bối cảnh nước ta đã gia nhập WTO, cần đặc biết chú ý bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ chính trị các cấp những vấn đề về luật pháp và thông lệ quốc tế, nhất là luật pháp của các nước có liên quan đến Việt Nam; đề cao trách nhiệm chính trị của đội ngũ này trong tuyên truyền, PBGDPL đối với đơn vị và nhân dân.
Để tạo điều kiện cho công tác PBGDPL của BĐBP được triển khai thực hiện thuận lợi, lãnh đạo, chỉ huy BĐBP mong muốn Nhà nước cần sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác biên phòng, bảo đảm để việc tuyên truyền, PBGDPL được nhất quán và kịp thời. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách tài chính phù hợp hơn đối với việc thực hiện công tác PBGDPL của BĐBP. Bởi lẽ, đặc thù của BĐBP là địa bàn công tác rất rộng và phức tạp, hoạt động phân tán, nhỏ lẻ, lại thường xuyên phải làm nhiệm vụ đột xuất, ít có điều kiện tổ chức nghiên cứu, học tập tập trung; công tác này có đạt được hiệu quả cao hay không, một mặt rất quan trọng là nhờ vào sách, báo, khẩu hiệu, hoạt động nghệ thuật sân khấu hóa,v.v. Tất cả những loại hình đó đều cần đến nguồn kinh phí hợp lý, làm đòn bẩy để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, nỗ lực chủ quan của từng tập thể, cá nhân BĐBP đối với công tác quan trọng này.
Thiếu tướng Võ Trọng Việt
Chính ủy Bộ đội Biên phòng
 
Ý kiến bạn đọc (0)