QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:24 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trên địa bàn biên giới

Địa bàn biên giới là nơi sinh sống, làm ăn của hầu hết đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy chiếm một tỷ lệ không lớn so với tổng số dân cư cả nước, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với yêu cầu gìn giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định, yên bình và phát triển của đất nước ở mọi thời kỳ lịch sử, đặc biệt trong thời kỳ tăng cường mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng vấn đề dân tộc, có những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới nói riêng. Địa bàn biên giới là địa bàn công tác chủ yếu, thường xuyên của bộ đội Biên phòng (BĐBP); mọi cán bộ, chiến sĩ gương mẫu thực hiện, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới hiểu rõ và làm đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là một yêu cầu cơ bản thuộc về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP. Điều này đã được BĐBP quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong nhiều năm qua, hiện nay càng được tăng cường, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả theo sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ.
Quá trình BĐBP thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước hiện nay chịu sự tác động thường xuyên, sâu sắc của nhiều yếu tố, nhất là sự tăng cường chống phá dưới nhiều hình thức, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Lợi dụng những khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, sự hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước còn nhiều mặt hạn chế, các thế lực thù địch đã ra sức xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Chúng ráo riết thực hiện các hoạt động xuyên tạc, dụ dỗ, kích động nhằm chia rẽ quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; gây hoài nghi giữa đồng bào dân tộc thiểu số với cấp ủy, chính quyền địa phương; gây sức ép, lôi kéo những đồng bào nhẹ dạ cả tin vào các hoạt động gây rối làm mất ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Hiện tượng di dịch cư tự do ở vùng Tây Bắc; bạo loạn, vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật, lập ra cái gọi là "Nhà nước Đề Ga tự trị" phản động ở Tây Nguyên trong những năm gần đây đã cho thấy rõ điều đó.
Từ thực tế làm nhiệm vụ, gắn liền với địa bàn biên giới và đồng bào các dân tộc thiểu số, BĐBP thấy rằng, sở dĩ các thế lực thù địch có điều kiện lợi dụng chống phá ta trên các địa bàn này là do có sự hạn chế về nhận thức đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước của đồng bào; sự bất cập cả về nhận thức và tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng đó, cùng các giải pháp tổng thể khác, yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng là hết sức cần thiết. Do đó Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã hết sức chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng kết hợp với giáo dục bồi dưỡng chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, pháp luật Nhà nước và đạo đức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn biên giới. Đó là cơ sở để BĐBP phát huy cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, đồng thời mới có thể tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới hiểu đúng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; có thể phân biệt rõ đúng, sai trước những thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Các đơn vị đã chú trọng làm rõ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc; về dân tộc, tôn giáo; về phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc... thông qua việc tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ... Toàn lực lượng đã tổ chức nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị đối với lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên địa bàn miền núi, biên giới của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Từ việc phân tích thực tế tình hình trên địa bàn biên giới, các đơn vị BĐBP đã chú trọng làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, giao lưu hợp tác quốc tế để chống phá Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc trên từng địa bàn. Quá trình nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện chính sách dân tộc, BĐBP đã kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, tư tưởng với xác định nhiệm vụ, chức trách; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể sát với chức năng, nhiệm vụ, thực tế tình hình địa bàn biên phòng. Do đó những nội dung, yêu cầu về thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong các đơn vị BĐBP đã đi vào nền nếp, có hiệu quả tích cực, thiết thực.
BĐBP đã chủ động tích cực xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp với hệ thống chính trị địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác này phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể ở địa phương. Thực hiện Chỉ thị 137 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Chỉ thị 127 của Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP và các đơn vị Biên phòng các cấp đã tổ chức ký Quy chế phối hợp với các quân khu, quân chủng, các lực lượng liên quan của Bộ Công an, các ban, ngành như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Ban Dân vận, Ban Dân tộc miền núi, ngành Y tế, Giáo dục-Đào tạo... để thực hiện tốt các chương trình phối hợp giúp đỡ toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới. Để quy chế phối hợp với hệ thống chính trị địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước phát huy tác dụng thiết thực, các đơn vị BĐBP đã thường xuyên rà soát, đánh giá tìm ra các ưu điểm, nhược điểm, thiếu sót qua hoạt động thực tế của các quy chế, từ đó thảo luận, thống nhất những điều khoản cần sửa chữa, bổ sung để quy chế được hoàn thiện, có hiệu lực cao hơn. Việc làm trên đã phát huy tác dụng tích cực trên nhiều mặt hoạt động cả về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... đối với nhiều địa phương trên địa bàn biên giới. BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân địa phương và các tổ chức, đơn vị liên quan tiến hành có hiệu quả việc tuần tra, quản lý chủ quyền đường biên giới; ngăn chặn, truy quét tội phạm, tệ nạn; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép, buôn bán hàng lậu, hàng quốc cấm...; khắc phục thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các điểm sáng văn hóa... Điều quan tâm của các đơn vị Biên phòng trong tiến hành công tác này hiện nay là kiên quyết khắc phục những biểu hiện, cách làm nặng về hình thức, thiếu tính hiệu quả trong hoạt động phối hợp. Bồi dưỡng phương pháp làm việc khoa học, sâu sát nắm bắt thực tiễn cơ sở để có chủ trương, kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp là một yêu cầu đang được các đơn vị BĐBP phấn đấu thực hiện.
Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận hiện nay là một phương thức rất quan trọng để BĐBP nâng cao trách nhiệm, năng lực cũng như hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới. Các hình thức dân vận cơ bản của quân đội ta đã được BĐBP vận dụng thực hiện ở các địa bàn đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới đạt hiệu quả tốt và hiện nay đang được tiếp tục phát huy trên thực tế. Thực hiện công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã có mặt ở hầu khắp các bản, làng biên giới, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân; nghe dân nói, nói để dân hiểu và làm để dân tin. Hình ảnh BĐBP giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số học chữ, khám chữa bệnh, phát thuốc; hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, chọn lựa giống vật nuôi, cây trồng... đã trở nên quen thuộc, gần gũi với đồng bào nơi đây. Đồng bào tin yêu và nghe theo những điều BĐBP hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích nên đã hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các đồn Biên phòng ngày càng thật sự là điểm sáng văn hóa, là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.
Phối hợp với lực lượng ở địa phương, BĐBP đã lập ra các tổ công tác tham gia đội công tác liên ngành do địa phương chủ trì tổ chức, nhằm giải quyết những vấn đề búc xúc, những "điểm nóng" ở các địa phương. Tổ công tác của BĐBP hoạt động theo chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự điều hành trực tiếp của các cấp chỉ huy đồn Biên phòng và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh; kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân, hỗ trợ các lực lượng khác tiếp xúc với dân để truyền đạt các chủ trương giải quyết của cấp ủy, chính quyền sở tại, giúp dân giải tỏa những bức xúc nhất thời, mau chóng ổn định tình hình.
Nhiều đơn vị BĐBP ở các tỉnh đã tổ chức tốt việc lập các tổ, đội công tác và đưa cán bộ biên phòng về tăng cường cho các địa phương, thiết thực nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của các địa phương. Trong lực lượng BĐBP cả nước hiện nay có 356 tổ, đội công tác địa bàn, 425 cán bộ, sĩ quan tăng cường cho cơ sở, đảm nhiệm các cương vị bí thư, chủ tịch, phó bí thư, phó chủ tịch xã, trưởng công an xã, xã đội trưởng và các chức danh khác. Trong đội ngũ cán bộ BĐBP hiện có 302 đồng chí tham gia Hội đồng nhân dân các cấp, 37 đồng chí tham gia Ban chấp hành tỉnh ủy, thành ủy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân vận và công tác, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị, chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền các địa phương nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng địa bàn vững mạnh, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, cảnh giác ngăn ngừa, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc và những khó khăn, hạn chế của địa bàn miền núi, biên giới để chống phá cách mạng nước ta.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới là một nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề của BĐBP hiện nay. Chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong mọi điều kiện và hoàn cảnh phải bám sát và thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; đồng thời phải luôn luôn bồi dưỡng, phát huy đầy đủ phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", lăn lộn, gắn bó với thực tiễn đời sống của đồng bào để có phương pháp, tác phong công tác phù hợp, là những đảm bảo cơ bản để BĐBP vượt qua mọi thách thức, khó khăn, hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, Nhà nước và quân đội hiện nay.
 
Thiếu tướng Võ Trọng Việt
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)