QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 23:55 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Hà Giang tham gia xây dựng cơ sở chính trị khu vực biên giới vững mạnh

Là tỉnh biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt, nhất là về quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với cả nước. Trong thời gian qua, trên tuyến biên giới của Tỉnh, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc không ngừng được củng cố, phát triển. Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư cho khu vực biên giới. Do vậy, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) đã có những bước phát triển đáng kể, diện mạo biên giới ngày càng được đổi mới, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện... Tuy vậy, khu vực biên giới của Tỉnh hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn: kinh tế chậm phát triển; đời sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn; trình độ dân trí thấp; phong tục, tập quán lạc hậu; cơ sở hạ tầng yếu kém; tỷ lệ đói nghèo cao (trên 46%); năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố QP-AN của cấp uỷ, chính quyền và đội ngũ cán bộ các cấp còn hạn chế;...  Lợi dụng những khó khăn đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước tăng cường hoạt động chống phá. Các loại tội phạm gia tăng, như: buôn bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em đưa qua biên giới; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma tuý; tái trồng cây thuốc phiện; di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật;... làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới thêm phức tạp.

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP); đồng thời, nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc xây dựng, củng cố khu vực biên giới của Tỉnh vững mạnh, những năm qua, lực lượng BĐBP Hà Giang đã triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, làm nòng cốt xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn; trong đó, tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh là nhiệm vụ được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên coi trọng lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tổ chức cho cấp uỷ, chỉ huy các đồn biên phòng, cơ quan chức năng học tập, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy Hà Giang về việc xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và Nghị quyết của Đảng ủy BĐBP “Về việc BĐBP tham gia lao động sản xuất làm kinh tế và xây dựng, phát triển KT-XH ở các xã, phường biên giới, hải đảo”.

Vấn đề được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh quan tâm hàng đầu là: tập trung mọi nỗ lực, giúp các xã, thị trấn biên giới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Bởi lẽ, chỉ có thực hiện tốt điều đó, khu vực biên giới của Tỉnh mới có điều kiện phát triển bền vững. Dựa trên sự phân tích một cách khách quan chất lượng của hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn biên giới, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh uỷ Hà Giang chủ trương điều động cán bộ, sĩ quan BĐBP Tỉnh tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới. Được sự nhất trí của trên, tháng 3-1999, Tỉnh đã lựa chọn, điều động 33 cán bộ biên phòng tăng cường cho 33 xã, thị trấn biên giới, trực tiếp đảm nhiệm các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực đảng uỷ, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân, trưởng (phó) công an xã. Tháng 12-2006, Tỉnh tiếp tục kiện toàn, điều động 34 cán bộ biên phòng tăng cường đợt 2 cho 34 xã, thị trấn biên giới, trực tiếp đảm nhiệm các chức danh bí thư đảng uỷ (01 đồng chí), phó bí thư đảng uỷ (33 đồng chí). Đầu năm 2008, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ phân công 145 đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt đảng ở 145 chi bộ thôn (bản) giáp biên giới. Đội ngũ này có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành ở cơ sở và trực tiếp giúp cơ sở nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của hệ thống chính trị; giữ mối liên hệ thường xuyên với các đồn biên phòng, kịp thời nhận sự chỉ đạo trong quá trình hoạt động. Cùng với đó, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đồn, tổ, trạm công tác biên phòng tăng cường bám, nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn, cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Các bộ phận này đã thường xuyên tổ chức lực lượng xuống các xóm (bản), thực hiện “3 bám” (bám địa bàn, bám dân, bám đối tượng) và “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương); vừa có trách nhiệm nắm địa bàn, tranh thủ già làng, trưởng xóm (bản), tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở cơ sở...

Những hoạt động trên đã góp phần tạo sự chuyển biến đồng bộ về chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị ở các xã, thị trấn biên giới. Các tổ chức đảng được kiện toàn, phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ 1999 đến nay, trên địa bàn các xã, thị trấn biên giới đã có 16 chi bộ cơ sở được nâng lên thành đảng bộ (hiện nay, 34/34 xã, thị trấn biên giới đều có đảng bộ cơ sở); kết nạp được 2.161 đảng viên; thành lập mới được 318 chi bộ, nâng tổng số chi bộ lên 392 (xoá được tình trạng “trắng” đảng viên). Đặc biệt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ xã, thị trấn và chi bộ xóm (bản) được nâng lên rõ rệt; năng lực quán triệt nghị quyết của trên, ra nghị quyết của cấp mình và tổ chức thực hiện nghị quyết được cải thiện; việc chấp hành quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt đảng, phân công cấp uỷ và cán bộ chủ trì theo dõi địa bàn, trên từng mặt công tác,... được chấn chỉnh và ngày càng đi vào nền nếp. Chất lượng hoạt động của tổ chức chính quyền các địa phương cũng được nâng cao. Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn biên giới đã thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ; có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trong quản lý, điều hành nhiệm vụ phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, củng cố QP-AN ở địa phương. Phương pháp, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đã chuyển biến tích cực theo hướng sát dân, gần dân và có trách nhiệm hơn với dân. Ngoài ra, vai trò của Mặt trận và các tổ chức quần chúng cũng được nâng cao; sự phối hợp, hiệp đồng giữa BĐBP với Công an và dân quân xóm (bản) ngày càng chặt chẽ, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tham gia giúp địa phương và nhân dân khu vực biên giới phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và đạt hiệu quả cao. Trong năm 2008, các đơn vị BĐBP Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều dự án KT-XH ở khu vực biên giới, bao gồm: Dự án nâng cấp đường ô tô từ Tùng Vài đi Mốc 18, tuyến đường Thanh Vân – Tùng Vài – Nghĩa Thuận, với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Thông qua thực hiện 13 mô hình BĐBP giúp dân (01 mô hình do Bộ Chỉ huy đảm nhiệm và 12 mô hình do 12 đồn biên phòng đảm nhiệm), các đơn vị BĐBP Tỉnh đã thực sự làm nòng cốt, cùng với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương “xoá đói, giảm nghèo”, sắp xếp, ổn định dân cư, “xoá nhà tạm cho hộ nghèo, người nghèo”. Kết quả năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009 thực hiện Cuộc vận động "Mái ấm nơi biên giới, hải đảo" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, các đơn vị đã phối hợp với địa phương xoá được 42 nhà tạm cho các hộ nghèo, cải thiện và nâng cao một bước đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới.

Cùng với các hoạt động trên, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới cũng được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở nhận thức rõ tính chất phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Chương trình phối hợp hoạt động với các ban, ngành của địa phương: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ tư pháp cho nhân dân; tham gia củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các hội, ngành, hướng về thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới. Công tác đấu tranh chống truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do được chỉ đạo thực hiện đúng đắn, có hiệu quả. Trong năm 2008, BĐBP Tỉnh đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành các địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn; triển khai nghiêm Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Kế hoạch, Hướng dẫn công tác chống truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do trên biên giới; vận động nhiều người không nghe theo kẻ xấu, không di dịch cư tự do,... góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nội dung được các đơn vị BĐBP Hà Giang thực hiện đạt hiệu quả cao. Trước tình hình tội phạm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phòng, chống tội phạm một cách kiên quyết; tập trung vào xây dựng phong trào quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, tham gia phát hiện, phối hợp với BĐBP, Công an, dân quân đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng phạm pháp; đồng thời, trực tiếp xác lập, triển khai các chuyên án nghiệp vụ phòng, chống tội phạm. Trong năm 2008, BĐBP Tỉnh đã thực hiện 08 chuyên án, 7 kế hoạch nghiệp vụ; khởi tố 02 vụ, bắt 28 đối tượng, giải cứu 26 phụ nữ, trẻ em; thu giữ nhiều phương tiện gây án và trả lại nhiều tài sản cho nhân dân. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự, an toàn xã hội và tội phạm ma tuý cũng đạt những kết quả tích cực; các lực lượng BĐBP Tỉnh đã bắt giữ 04 vụ, với 13 đối tượng; khởi tố 02 vụ, với 08 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý; bắt 02 vụ tái trồng cây thuốc phiện...

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm và xây dựng cơ sở chính trị khu vực biên giới vững mạnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh luôn coi trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền đặc biệt và tuyên truyền đối ngoại; tăng cường công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền tại các cửa khẩu, chợ biên giới, làm cho nhân dân nước bạn nắm được các hiệp định về biên giới, Quy chế khu vực biên giới, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng, quản lý biên giới và việc phân giới, cắm mốc cùng các quan điểm về giải quyết các vấn đề trên khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, các lực lượng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị các xã, thị trấn biên giới vững mạnh; trọng tâm là xây dựng các xóm (bản) vững mạnh; xây dựng đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng xóm (bản) về phẩm chất, năng lực, tác phong công tác. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương duy trì, thực hiện có hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới”; xây dựng các cụm dân cư an toàn, xóm (bản) an toàn; chăm lo phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN, làm nền tảng vững chắc xây dựng khu vực biên giới của Tỉnh vững mạnh trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN ĐÌNH HÙNG

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)