QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:30 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Đăk Nông với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc trên địa bàn vùng núi, biên giới

Tỉnh biên giới Đăk Nông có vị trí chiến lược quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh ở Nam Tây Nguyên. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế Tây Nguyên đã được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và ở Đăk Nông nói riêng đã từng bước được cải thiện; kinh tế phát triển, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định, góp phần  xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở  một vùng biên giới Tổ quốc thời kỳ mới.

Tuy nhiên, địa bàn tỉnh Đăk Nông cũng như khu vực Tây Nguyên đang tiềm ẩn nhiều vấn đề nhạy cảm về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền,... Các thế lực phản động, thù địch đang ra sức lợi dụng những tiêu cực, yếu kém trong quản lý hành chính và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ trên địa bàn Tỉnh, nhất là ở vùng biên giới. Xuất phát từ đặc điểm, tình hình phức tạp trên, việc thực hiện công tác vận động quần chúng (VĐQC), tuyên truyền cho tầng lớp nhân dân trong Tỉnh, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số  về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động để họ chủ động, tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể và các lực lượng vũ trang nói chung, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng.
ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình, những năm qua, BĐBP Tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp của địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc, góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Cộng đồng dân cư của Đăk Nông có 34 dân tộc anh em, trong đó các dân tộc thiểu số phần lớn sinh sống trên tuyến biên giới, địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề nông, phương thức canh tác lạc hậu, thậm chí vẫn còn tình trạng du canh, du cư, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi đó, các thế lực phản động, thù địch tăng cường đẩy các hoạt động ra sát biên giới để truyền đạo trái pháp luật; kích động, lôi kéo một số người trong đồng bào dân tộc thiểu số chống đối chính quyền, tổ chức vượt biên sang Cam-pu-chia, với chiêu bài sẽ bảo lãnh gia đình đi nước ngoài, gieo rắc ảo tưởng về một cuộc sống sung sướng nơi đất khách. Vì vậy, vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài đối với Đăk Nông là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số  miền núi, biên giới. Đây là chủ trương, chính sách của Đảng và cũng là biện pháp thiết thực nhất làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với đồng bào.
Với tinh thần đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã cùng các ngành chức năng và đoàn thể quần chúng trên địa bàn chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình 132, 134, 135, 168 của Chính phủ về giao đất, giao rừng, dự án cấp đất ở, đất sản xuất, công trình điện, kết hợp AN-QP với cụm dân cư trên địa bàn biên giới. Chỉ đạo các đơn vị, đồn biên phòng, các lực lượng VĐQC, cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, chủ động triển khai các chủ trương của địa phương về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện. Trong quá trình thực hiện, BĐBP thường xuyên phối hợp các đội 123 của BCHQS Tỉnh và lực lượng khuyến nông, khuyến lâm của địa phương tuyên truyền các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế miền núi của Đảng và Nhà nước ta, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại; vận động, thuyết phục đồng bào mạnh dạn đưa các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình canh tác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây, con phù hợp, cải thiện điều kiện ăn, ở và môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng.
 Để giúp đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã thường xuyên cử các tổ, đội công tác xuống các địa bàn còn nhiều khó khăn, kết hợp với các đoàn thể địa phương phát động các phong trào xây dựng quỹ ủng hộ người nghèo, tu sửa đường sá, trường học, bệnh xá,... Chỉ trong hai năm 2004- 2005, BĐBP Tỉnh phối hợp lực lượng thanh niên tình nguyện của trường Đại học bán công thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Thủy sản Nha Trang và thanh niên địa phương xây dựng 10 nhà mới, tu sửa 15 căn hộ, 7 nhà tình thương, làm 5 công trình nước sạch, sửa chữa 15 km đường giao thông nông thôn, tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 4.300 lượt đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Phối hợp khai hoang, phục hóa được 30 ha chuyên canh trồng lúa nước ở Đăk Huýt, xã Quảng Trực (Đăk Rlấp), tổ chức 10 lớp ôn tập hè 1 tháng cho 290 học sinh tiểu học, mở 2 lớp xóa mù cho 120 người dân tại xã Đăk Wil; xây dựng, củng cố 32 thôn văn hóa gồm 4.860 hộ gia đình văn hóa, tổ chức chiếu phim 12 buổi phục vụ hàng ngàn lượt người,... Những việc làm đó góp phần cải thiện sinh hoạt, ổn định đời sống, giúp dân từng bước xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, tạo sự gắn bó giữa dân với Đảng, chính quyền và sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc trên địa bàn, củng cố mối quan hệ máu thịt quân dân.
Cùng với những hoạt động trên, BĐBP Tỉnh còn chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện. Tuyến biên giới của Đăk Nông dài 140 km, đi qua 6 xã thuộc 4 huyện, mật độ dân cư không đều, nhiều vùng hẻo lánh, địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, nhất là giao thông, thông tin liên lạc rất khó khăn... Hệ thống chính trị cơ sở các xã, huyện biên giới của Tỉnh  tuy đã được củng cố, kiện toàn một bước, nhưng  chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu phát triển mới.
Nhằm góp phần xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn biên giới vững mạnh toàn diện, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, các đồn biên phòng phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở cùng các ban, ngành chức năng cấp trên cơ sở tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng hoạt động, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở. Cùng với việc duy trì 6 cán bộ tăng cường cho 6 xã biên giới, vào những thời điểm cần thiết, đơn vị còn tổ chức các tổ, đội chuyên trách bám địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, phát hiện và lựa chọn những nhân tố tích cực giới thiệu cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho các tổ chức, đoàn thể của địa phương. BĐBP Tỉnh còn lựa chọn nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số đề nghị Tỉnh đưa đi đào tạo ở trường Thiếu sinh quân và đi học theo chế độ cử tuyển,... góp phần thực hiện chủ trương tạo nguồn cán bộ cơ sở kế cận. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho các trưởng (phó) thôn, trưởng (phó) các tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản nhằm phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; giúp chính quyền gặp gỡ, động viên, giúp đỡ già làng, trưởng bản để thông qua họ tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy mạnh sản xuất, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ thôn bản. Phối hợp với dân quân và lực lượng thường trực Tỉnh, tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động (người, phương tiện) trong khu vực biên phòng. Riêng năm 2005, BĐBP Tỉnh tham mưu cho địa phương thành lập 7 chi bộ, 6 thôn mới, kiện toàn 5 chi đoàn, 3 hội Nông dân,... vận động 163 đối tượng ra tự thú, phát động quần chúng giao nộp 76 khẩu súng, 400 viên đạn các loại; tình trạng vượt biên xâm nhập trái pháp luật qua biên giới được ngăn chặn kịp thời.
Thực hiện qui chế phối hợp hoạt động giữa xã - đồn - thôn - bản - hộ gia đình, các đồn biên phòng, các đội chuyên trách còn tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các hộ dân tộc ở 6 xã biên giới ký giao ước thực hiện phong trào tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản, bon, phát huy dân chủ cơ sở, giữ vững kỷ cương pháp luật. Nhiều phong trào như “Quần chúng bảo vệ an ninh biên giới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu vực dân cư”... đang từng bước đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Không những thế, BĐBP Tỉnh còn thường xuyên duy trì mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia. Định kỳ giao ban thông báo tình hình khu vực biên giới cho bạn để phối hợp chống vượt biên, xâm nhập.  
Một trong những thành công và cũng là phương hướng công tác VĐQC của BĐBP Tỉnh thời gian tới là không ngừng củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác VĐQC thời kỳ mới. Thực tiễn công tác VĐQC của BĐBP Tỉnh những năm qua cho thấy, lực lượng chuyên trách có chuyên môn giỏi, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là giao tiếp được bằng tiếng dân tộc thì công tác VĐQC rất hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số  tin yêu, cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở đồng tình và hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho các tổ, đội công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để có được những phẩm chất đó, đòi hỏi phải thường xuyên củng cố, xây dựng và bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho lực lượng chuyên trách. Ngoài việc tổ chức giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, huấn luyện chuyên môn cho các lực lượng chuyên trách theo quy định, chúng tôi còn gửi đi bổ túc tập trung ở các trường của Bộ và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ. Thực hiện giáo dục, huấn luyện toàn diện cả về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế- xã hội, phong tục, tập quán của địa phương, của từng dân tộc, đặc biệt là tổ chức dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các tổ (đội) công tác VĐQC. Kinh nghiệm cho thấy: nếu lực lượng chuyên trách có khả năng, trình độ nói và hiểu tiếng dân tộc thiểu số sẽ rất thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, qui định của địa phương. Mặt khác, còn giúp đồng bào nhận thức rõ thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Để việc tổ chức học tiếng dân tộc hiệu quả, chúng tôi chú trọng tuyển chọn những đồng chí là người dân tộc thiểu số ở địa phương có đủ phẩm chất và năng lực, biên chế cho các tổ, đội chuyên trách làm công tác VĐQC trong đồng bào dân tộc thiểu số. Việc làm này rất thuận lợi trong việc tổ chức học tiếng dân tộc tại bon, nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán từng dân tộc trên địa bàn công tác. Nhờ đó, chất lượng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách VĐQC của BĐBP tỉnh Đăk Nông không ngừng được nâng cao, hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đại tá Lê Văn Thông
Tỉnh ủy viên - Chỉ huy trưởng
Bộ đội Biên phòng Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)