QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 18:01 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Bình Phước với công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới

 Bình Phước là tỉnh miền núi, có 240km đường biên giới với nước bạn Cam-pu-chia. Toàn tỉnh có 41 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 22%; các tôn giáo có đông tín đồ là Phật giáo, Công giáo và Tin lành (riêng đạo Tin lành có tới 90% tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số). Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào đang từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, góp phần củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, tình hình địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, cũng đang còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” và những khó khăn về kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định về chính trị, xã hội.

ý thức sâu sắc tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước xác định: tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động và tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của BĐBP Tỉnh.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó, BĐBP Tỉnh đã tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới quốc gia. Nhận thức rõ thực trạng đồng bào khu vực biên giới còn nghèo, trình độ dân trí thấp, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào nông nghiệp; nhưng trình độ, phương thức canh tác của đồng bào lại lạc hậu, năng suất lao động thấp, nên đời sống nhiều hộ rất khó khăn… Chính vì thế, giúp dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới là biện pháp vừa có ý nghĩa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài. Với nhận thức đó, BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn, hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi có năng suất cao để đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân. Thời gian qua, BĐBP Tỉnh cùng với địa phương đã phối hợp xây dựng mô hình “trồng lúa nước” ở xã Lộc Thiện (Lộc Ninh). Đây là mô hình “điểm” cấp tỉnh, giúp đồng bào từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác mới, kết hợp chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao theo hướng sản xuất tập trung, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. BĐBP Tỉnh đã tận tình hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phương pháp bảo quản, sơ chế sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, làm tăng giá trị sản phẩm… Nhờ vận dụng mô hình điểm, nhiều hộ đã thoát khỏi khó khăn kinh tế khi giáp hạt, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho 29 hộ trên địa bàn xã biên giới Lộc Thiện.

BĐBP Tỉnh còn đóng góp hàng trăm ngày công để lao động sản xuất giúp dân tu sửa hàng chục ki-lô-mét đường liên thôn, ấp… Các đội công tác chuyên trách phát huy truyền thống “thầy giáo quân hàm xanh”, đi cơ sở tìm hiểu, vận động đồng bào, tổ chức 4 lớp học văn hóa, xóa mù chữ,  phổ cập giáo dục tiểu học cho 129 em, đưa 52 em trở lại lớp chống tái mù chữ. Các đội quân dân y kết hợp của BĐBP Tỉnh cùng đội công tác của 2 bệnh viện: Chợ Rẫy, Trưng Vương (thành phố Hồ Chí Minh) hằng năm đều duy trì phối hợp khám, chữa bệnh, tổ chức phòng chống dịch bệnh, tẩm mùng, phun thuốc diệt muỗi, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người (đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới), giá trị hàng chục triệu đồng, góp phần dập tắt một số ổ dịch (tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết,…), bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Để xây dựng các mô hình điểm sáng văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số, BĐBP Tỉnh chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh… xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng ban, ngành thực hiện. Vào các ngày lễ, Tết, tổ chức giao lưu, kết nghĩa, văn hóa, văn nghệ… phục vụ đồng bào. Tại những địa phương được chọn để xây dựng điểm như Bù Tam, Phước Tiến, Thiện Cư (Bù Đốp), Lộc An, Lộc Tấn (Lộc Ninh), Bù Gia Mập (Phước Long)…, đồng bào đều nhiệt tình hưởng ứng các phong trào, thực hiện ăn, ở vệ sinh, bài trừ mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi..., cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng. BĐBP Tỉnh còn tăng cường cán bộ cho 15 xã biên giới, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng cơ sở chính trị, củng cố, kiện toàn 19 chi bộ, 24 thôn ấp, 36 chi hội Phụ nữ, 12 Hội đồng già làng và 333 tổ an ninh nhân dân; tham mưu cho địa phương lựa chọn nhiều thanh niên người dân tộc đưa đi đào tạo cán bộ cơ sở… Nhờ vậy, lòng tin của dân với Đảng, chính quyền và mối quan hệ quân dân được củng cố, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 BĐBP Tỉnh luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước ta về quốc phòng - an ninh và các hiệp định về biên giới quốc gia, các chính sách về dân tộc, tôn giáo cho nhân dân. Để thực hiện, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng, các đội công tác chuyên trách trong triển khai nhiệm vụ phải luôn dựa vào cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự chỉ đạo của ngành Dân vận các cấp và sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức đoàn thể để đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động đồng bào. BĐBP Tỉnh còn chủ động phối hợp với các đội công tác 123 của BCHQS Tỉnh, đội công tác của Công an… để tuyên truyền, quán triệt tinh thần Hiệp định bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 của Nhà nước, Nghị quyết 03/NQ-TU về “Xây dựng và tăng cường bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới” cho đồng bào dân tộc. Phối hợp với Hội Nông dân Tỉnh thực hiện chương trình “Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ biên giới” giai đoạn 2006-2010. Các đội công tác VĐQC còn tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản, phum, sóc, chức sắc, chức việc các tôn giáo để giáo dục, tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia các phong trào bảo vệ an ninh biên giới.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu nơi nào coi nhẹ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thì nơi đó tình hình an ninh, trật tự sẽ dễ phức tạp, lực lượng phản động sẽ có điều kiện hoạt động xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta; kích động, lôi kéo bà con dân tộc, tổ chức khiếu kiện, chia rẽ mối đoàn kết toàn dân. Ngược lại, ở đâu coi trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thì ở đó “thế trận lòng dân” được tăng cường, bọn phản động không có “đất” để chống phá, an ninh trật tự được bảo đảm ổn định. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã chỉ đạo các đội công tác vận dụng linh hoạt các phương thức tuyên truyền để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Kết hợp tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng với tuyên truyền nhỏ, lẻ cho từng cá nhân, từng hộ đồng bào khi tham gia lao động, sản xuất giúp dân, hoặc trong dạy học và khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí… Năm 2007, BĐBP Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 474 buổi cho hơn 1.400 lượt người, tuyên truyền nhỏ, lẻ cho 1.401 hộ đồng bào dân tộc; duy trì định kỳ phát chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên truyền hình cho nhân dân và đồng bào các dân tộc trong Tỉnh.

BĐBP Tỉnh còn giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Ban phối hợp giữ gìn, bảo vệ biên giới ở cơ sở. Thành phần của Ban có từ 7-9 thành viên (Bí thư hoặc Chủ tịch xã làm trưởng ban, Đồn trưởng hoặc Chính trị viên đồn làm phó trưởng ban thường trực, thành viên còn lại là cán bộ đồn biên phòng và cán bộ các đoàn thể địa phương…). Hoạt động của Ban theo quy chế riêng, trong đó tập trung vào tổ chức phối hợp lực lượng giải quyết những vụ việc xảy ra liên quan tới an ninh biên giới như xâm canh, xâm cư, buôn lậu, vượt biên trái phép. Bên cạnh đó, các mô hình “Phong trào bảo vệ an ninh biên giới” ở địa bàn Đồn Biên phòng 793, mô hình “Ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật” ở địa bàn Đồn Biên phòng 789, 785… được BĐBP Tỉnh cùng với địa phương tập trung xây dựng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, an ninh trật tự thôn, ấp” được đẩy mạnh, các lực lượng đã phối hợp tốt việc duy trì tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc theo hiện trạng. Nhờ đó, các hiện tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới giảm hẳn so với trước đây, công tác đối ngoại biên phòng được thực hiện tốt. Năm qua, BĐBP Tỉnh đã tổ chức gặp gỡ chính quyền cấp xã khu vực biên giới và lực lượng biên phòng của bạn được 4 lần để trao đổi, thông báo tình hình và phối hợp hoạt động xây dựng bảo vệ biên giới chống vượt biên, xâm nhập trái phép. Kết quả, đã tạm giữ và trao trả 10 người dân Cam-pu-chia vi phạm biên giới, bắt giữ 13 vụ, có 31 đối tượng vượt biên buôn lậu…

Cùng với những hoạt động trên, BĐBP Tỉnh thường xuyên kiện toàn, củng cố lực lượng chuyên trách, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng thời kỳ mới. Thực tiễn cho thấy, để thực hiện tốt công tác VĐQC nhất thiết phải có lực lượng chuyên trách và lực lượng này phải giỏi chuyên môn, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, giao tiếp được nhiều tiếng dân tộc... Do đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên coi trọng củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng và bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ chuyên trách. Trong đó, ưu tiên việc lựa chọn những đồng chí cán bộ là người dân tộc, có năng lực, có kiến thức và kinh nghiệm để bổ sung cho đội ngũ. Kết hợp tổ chức tập huấn, đào tạo tại chỗ với gửi đi bổ túc tập trung tại các trường của Tỉnh, của Bộ để bồi dưỡng chuyên môn. Trong giáo dục, huấn luyện, chú trọng truyền đạt những nội dung về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của địa phương, của từng dân tộc, cập nhật một số tình huống mới và các giải pháp hóa giải. Ngoài ra, BĐBP Tỉnh còn khuyến khích phong trào tự học tiếng dân tộc của cán bộ, chiến sĩ; thực hiện phương châm “người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, người đi trước dạy người đi sau” và “chỉ tiêu” hằng ngày trước khi đi cơ sở, mỗi người phải thuộc ít nhất 5 từ thông dụng đã được các đồn biên phòng, các đội công tác duy trì thường xuyên... Nhờ đó, chất lượng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách VĐQC không ngừng được nâng cao, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Nhiều đồng chí đã thông thạo 2-3 thứ tiếng dân tộc, nên rất thuận lợi khi thâm nhập và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng biên giới thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc đường biên, cộc mốc biên giới quốc gia.

 Đại tá Nguyễn Thế Đại

Chính ủy BĐBP Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)