QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:29 (GMT+7)
“Binh pháp dân gian Liễu Đôi” - một hình thức giáo dục truyền thống, giáo dục quốc phòng đặc thù, thiết thực, hiệu quả

Liễu Đôi xưa là một xã gồm 5 thôn, thuộc tổng Mỹ Xá. Sau Cách mạng tháng 8 - 1945, Liễu Đôi thuộc về xã Liêm Túc (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Đây là vùng văn hóa dân gian nổi tiếng của miền đất xứ Nam xưa : “Chưa đâu như ở Liễu Đôi, mỗi tên xóm, tên làng, mỗi tên cồn, tên đống, một khoảnh mạ, một con đường đều có sự tích, đều ít nhiều gắn với một câu chuyện về quá khứ chiến đấu oanh liệt của quê hương"1.

Nói đến văn hóa dân gian Liễu Đôi, trước hết phải nói tới Hội vật võ nổi tiếng nhất tỉnh Hà Nam. Nguồn gốc của Hội vật võ là để tưởng nhớ và tôn vinh những người anh hùng đã hy sinh cho quê hương, đất nước như chàng trai họ Đoàn, nữ tướng họ Bùi. Hội vật võ Liễu Đôi là lễ hội của tinh thần thượng võ. Tục ngữ Liễu Đôi có câu: "Chạy hồi loan, gan võ trận", nghĩa là: muốn chạy giỏi thì phải tham gia chạy hồi loan, muốn có gan thì phải học võ trận. Tục chạy hồi loan tiến hành vào đêm rằm tháng hai. Ba thôn Đông, Sấu, Tháp rước bát hương đình làng mình về chùa Ba Chạ tế lễ. Nửa đêm, khi lễ xong, trai làng nào (thường là các đô vật) bê bát hương của làng ấy mà chạy thục mạng về đình làng mình, dân làng chạy theo cổ vũ. Làng nào thắng, làng ấy sẽ được rước thanh gươm thiêng về thờ. Còn "võ trận" là tên tập binh pháp dân gian rất độc đáo ở vùng này. Hiện người ta đã sưu tầm được hàng trăm câu "võ trận". Cách học tập, giữ gìn binh pháp dân gian của người dân Liễu Đôi quả là độc đáo có một không hai, còn được lưu trong tục lệ thiêng: Lễ Trảm tự (chém chữ). Lễ Trảm tự được tiến hành vào đêm 30 Tết hằng năm tại chùa Ba Chạ. Sắp đến giao thừa, các tộc trưởng đeo gươm vào quỳ trước bàn thờ Thánh Tiên, trước mặt có một băng giấy, trên đó có ghi các chữ đầu trang của "Võ trận". Đúng giao thừa, đèn nến vụt tắt, mỗi tộc trưởng rút gươm chém một nhát lên băng giấy trước mặt, chém được bao nhiêu nhận lấy bấy nhiêu. Xong lễ, đèn nến bật sáng, xem đoạn băng mình chém được thì biết năm ấy họ mình phải học từ trang nào đến trang nào của "Võ trận". Nhiều năm như thế, binh pháp dân gian đã ngấm vào máu thịt người dân Liễu Đôi cho đến tận ngày nay.
           
 “Binh pháp dân gian Liễu Đôi” được đúc kết từ trong cuộc sống chiến đấu chống xâm lược bền bỉ và oanh liệt của nhân dân. Bởi vậy, từng câu, từng chữ của nó đều chan chứa lòng yêu nước, thương nòi, ý chí xả thân vì nước, giá trị của nó không dừng lại ở phương diện lý luận chiến tranh, mà chủ yếu là những tổng kết thực tiễn chiến đấu rất phong phú, sinh động, mang một ý nghĩa mới mẻ, không kém phần hiện đại.
Trước hết, xác định: trong chiến tranh, số phận của mỗi cá nhân phải được đặt dưới vận mệnh của dân tộc. Tính mệnh dẫu mất, song tinh thần vì nước không thể mất; tướng sĩ dẫu có hy sinh, nhưng chủ quyền đất nước phải vững bền: "Vong mệnh tồn tâm, vong thần tồn chủ". Đó là lý do để một dân tộc đất không rộng, người không đông, lại phải đối đầu với rất nhiều cuộc xâm lăng của mọi loại kẻ thù, nhưng không bao giờ chịu khuất phục, dù phải trải qua bao năm tháng "nếm mật nằm gai", bao mất mát hy sinh, nhưng cuối cùng vẫn là người toàn thắng. Trong “Binh pháp dân gian Liễu Đôi”, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Muốn thắng giặc, tướng sĩ đều phải tài giỏi, phải có phẩm chất hơn hẳn kẻ thù: "Tướng như thiết trụ, quân như tỳ hổ"; hoặc "Tướng suý đại danh, quân thanh đại nộ", nghĩa là tướng cần có danh tiếng lớn mới có uy vũ đối với quân đội và kẻ thù, quân cần có khí thế lớn, nộ khí lớn mới có sức mạnh chiến đấu. Nhưng, tướng sĩ dù tài giỏi đến đâu, cũng phải có nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là gốc, là sức mạnh của quân đội; người làm tướng mà tàn bạo, bất nhân thì quân đội sẽ tan rã như cây đứt rễ, không cứu vãn nổi: "Cây đứt rễ hoa tàn, tướng bại nhân quân rã".
Thứ hai, đề cao tinh thần đoàn kết một lòng khi lâm trận. "Cung nỏ như lò nung, tâm đồng như thiên thạch", nghĩa là, sức mạnh chiến đấu phải được thể hiện sôi sục, nóng bỏng trên cánh cung, cánh nỏ, còn tình đoàn kết, đồng tâm trong chiến đấu phải như một khối đá cứng. Tướng sĩ phải trên dưới một lòng và nhân dân nơi nơi phải đoàn kết mới tạo nên sức mạnh. “Binh pháp Liễu Đôi” chỉ ra rằng, người tài giỏi có vô vàn trong nhân dân: "Vạn đồng hương ẩm, vạn dặm thánh hiền". Nghĩa là, mọi xóm làng, thôn dân đồng lòng, đồng chí thì trên vạn dặm đất Tổ quốc, tất cả đều thành người tài giỏi. Quân đội muốn nhân lên sức mạnh, phải tập hợp được sức mạnh của nhân dân. Động viên được nhân dân mọi làng, mọi xã thì chỉ một đêm đã có hàng trăm cơ mưu thần diệu do nhân dân hiến kế: "Truyền làng sang truyền chạ, nhất dạ bách mưu thần". Vì vậy, đi đôi với đánh giặc ngoài trận tuyến, cần chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ở các thôn xóm thì mới đương đầu được với một kẻ địch mạnh.
Thứ ba, “Binh pháp dân gian Liễu Đôi” đã đề cập một cách khá toàn diện những vấn đề liên quan đến chiến tranh toàn dân, từ việc xây dựng lực lượng quân đội đến việc đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, từ việc thủ đến việc công, từ việc nội bộ quân ta đến việc ứng xử với kẻ thù... Chẳng hạn, coi nghệ thuật thu phục nhân tâm là cái trước hết trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh chống xâm lược. "Nhân tâm đặt trước, mưu lược đặt sau", nghĩa là lấy nhân tâm làm trọng, lo thu phục nhân tâm, lo củng cố lòng tin của nhân dân trước rồi mới tính mưu lược chiến hòa, tiến thoái. Đề cao việc đánh giặc bằng trí chứ không chỉ bằng sức. "Nhất nhân hiến kế hơn tam đế ngoạ triều", nghĩa là một người biết bàn mưu tính kế ngoài chiến trường quý hơn ba ông hoàng đế ngồi không trong triều. Đánh giặc bằng trí thì mệnh lệnh cho quân đội phải sáng rõ như mặt trời mọc buổi sáng: "Lệnh chấp ư binh, nhật xuất ư thần". Khẳng định, yếu tố bí mật, bất ngờ phải đi liền với mưu kế, bởi không bí mật được lực lượng thì không thể chế ngự được kẻ thù, không có mưu kế thì không thể tổ chức tấn công hiệu quả được: "Vô tàng vô chế, vô kế vô công". Trong đánh giặc, phải hết sức linh hoạt, khi tiến công, khi phòng ngự, ứng biến khôn lường. Phòng ngự thì phải vững chắc, sắc nhọn như núi đá chọc trời, tiến công thì phải dữ dội như hổ vồ trước mặt, rồng vây sau lưng: “Đỡ chi sơn thạch chỉ thiên, công chi hổ tiến rồng tỏa". Trong từng hoàn cảnh, tùy thuộc vào địa hình, địa vật, lực lượng để luôn giành thế chủ động, mai phục, chặn đường: “ Mai phục như thần xuất, kỳ phục như thiên sa" khiến địch không kịp trở tay. Dùng kế đánh cắt ngang đội hình địch thì lực lượng ta tuy nhỏ nhưng cũng có thể đánh thắng lực lượng lớn của địch: “Đón đường phục cắt, chuột nhắt dắt trâu”. Thời cơ là điều kiện tối cần thiết để đánh thắng giặc, do đó phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đừng bỏ lỡ: “Thiên tuế nhất cơ, vạn tuế nhất cơ". Khi quân giặc đông và mạnh, dàn trận khắp nơi, thì ta phải biết chọn chỗ hiểm yếu nhất mà đánh: “Trường túc đa mao, chí theo điểm huyệt”. Khi địch hành binh, ta phải đánh chặn chúng trên các đường hiểm : “Địch vận hành, ta khoanh đường hiểm". “Binh pháp dân gian Liễu Đôi” nhắc nhở, trong chiến tranh không được xem thường vấn đề ăn no mặc ấm của quân đội: "Cầm binh chớ khinh thực túc". Nhiều khi chỉ đủ nước uống cho quân đội đã tránh được một tai vạ lớn, chỉ đủ cỏ cho ngựa ăn đã làm nên được chiến công to: "Gáo nước dập tắt lửa, cỏ ngựa đốt cháy thành".
 “Binh pháp dân gian Liễu Đôi” đi đến những tổng kết, như kết thúc chiến tranh bao giờ cũng phải bằng những trận quyết chiến chiến lược: "Võ đại trận, bất đại thành". Và khi địch đã quay giáo quy hàng, ta phải rộng lượng khoan hồng cho chúng: "Lai giáo quy hàng, rộng đường tâm phúc". Nhưng dù chiến tranh đã kết thúc thì bản chất của kẻ thù vẫn không thay đổi: "Thay lông vẫn là quạ, thay dạ vẫn là thuồng luồng"; đừng đặt nhiều niềm hy vọng vào lòng thương xót của kẻ thù với chúng ta: "Hổ khóc thương mồi, trăn ngồi thương thịt". Bởi vậy, trong bối cảnh đất nước thanh bình, vẫn không được lơ là cảnh giác, không được xem nhẹ việc quân cơ và phải chăm lo xây dựng lực lượng, rèn đúc vũ khí, thao binh, luyện tướng... sẵn sàng chiến đấu: “Hoàn công thu giáo, cẩn cáo rèn đao", "Kình lặng sóng yên, sửa khiên mài giáo".
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng và Nhà nước ta hết sức chú trọng đến giáo dục quốc phòng, an ninh, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong những năm qua, công tác này đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, Nghị quyết Đại hội Đảng X, xác định: “ Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, có nội dung phù hợp với từng đối tượng ...”. Mục tiêu cao nhất của giáo dục quốc phòng là nâng cao ý thức, kiến thức quốc phòng cho toàn dân, qua đó để nhân dân tự giác, tích cực, trách nhiệm cao trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Qua nghiên cứu, có thể khẳng định “Binh pháp dân gian Liễu Đôi” là một hình thức giáo dục quốc phòng, giáo dục truyền thống yêu nước dưới dạng lễ hội mang tính đặc thù. Do rất tâm đắc với cách giáo dục, gìn giữ binh pháp dân gian của địa phương này, chúng tôi nghĩ, để nâng cao hiệu quả giáo dục hơn nữa, cần bổ sung nội dung, mở rộng đối tượng tham gia là học sinh (cấp tiểu học và trung học cơ sở). Mặt khác, chúng ta cần học tập phương pháp giáo dục quốc phòng toàn dân truyền thống, mạnh dạn đổi mới hình thức chuyển tải một số nội dung giáo dục tri thức quốc phòng bằng phương pháp văn hóa dân gian (Fonclo). Nghĩa là, tùy từng nội dung có thể “diễn ca hóa”, “vè hóa”, “dân ca hóa”... để người dân dễ nhớ, dễ thuộc. Tất nhiên, làm được việc này không đơn giản, người dân chỉ nhớ nội dung tri thức quốc phòng, an ninh qua “Fonclo” khi nó hay, gây nhiều hứng thú. Vì vậy, có thể tổ chức những hội thi giữa các xã, các phường, các khu phố, khối phố... xem đơn vị nào làm được việc này hay nhất, tốt nhất. Bởi lễ hội, hội thi là cơ hội, là điều kiện cho những sáng tạo văn hóa mang lại niềm vui vô bờ cho nhân dân, tạo mối cộng cảm sâu sắc khiến mọi người gần nhau hơn. Chắc chắn rằng, khi mọi người dân đã nhập tâm tri thức thì ý thức sẽ được nâng cao.
Dân tộc ta có nền văn hóa rực rỡ, đậm đà bản sắc. Mỗi vùng quê Việt Nam hằng năm đều có lễ hội, đó là di sản văn hóa vô giá của dân tộc cần được giữ gìn, phát huy, phát triển. Và điều quan trọng là, các lễ hội khi được tổ chức cần thể hiện rõ định hướng với mục tiêu văn hóa và quốc phòng, thiết thực góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
 
ThS. Nguyễn Văn Thắng
Viện Văn hóa và phát triển
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
 
1- Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà- Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi (Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị khảo sát, sưu tầm, biên soạn), Nxb Văn học, H.1995, tr. 12.
 

Ý kiến bạn đọc (0)