Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:40 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Dư luận thế giới đang hết sức quan tâm, theo dõi những diễn biến phức tạp ở Nam Ô-xê-ti-a, vùng đất của Gru-di-a vừa mới tuyên bố độc lập.
Ngày 7 tháng 8 vừa qua, quân đội Gru-di-a đã bất ngờ mở cuộc tiến công quân sự đánh chiếm thủ phủ Xkhin-va-li của Nam Ô-xê-ti-a. Theo tin của các hãng thông tấn địa phương, cuộc tiến công đã làm hàng nghìn dân thường chết, hàng chục nghìn người phải đi sơ tán, hàng trăm nghìn nhà cửa bị phá hủy. Ngay sau hành động quân sự của Gru-di-a, Nga đã điều động quân đội đánh bật quân đội Gru-di-a ra khỏi Nam Ô-xê-ti-a và mở các cuộc tiến công vào nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Gru-di-a. Ngày 16-8, với trung gian hòa giải của Pháp (đang là chủ tịch luân phiên của EU), Nga, Gru-di-a, Nam Ô-xê-ti-a đã ký thỏa thuận ngừng bắn. Theo thỏa thuận này, Nga và Gru-di-a phải rút quân đội về vị trí ban đầu trước khi nổ ra xung đột. Đến ngày 22-8, Gru-di-a và Nga đã tuyên bố hoàn thành việc rút quân đội đúng theo thỏa thuận đã ký kết. Như vậy, xung đột quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a đã chấm dứt, nhưng dư luận đang hết sức lo ngại bởi những hệ lụy của cuộc xung đột này đang làm quan hệ Nga và phương Tây, đặc biệt, quan hệ Nga và Mỹ trở nên hết sức căng thẳng, tác động tiêu cực đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.
Trong lịch sử của Ô-xê-ti-a, năm 1924, vùng đất này được chia thành hai khu vực: khu vực ở phía Bắc dãy núi Cáp-ca-dơ là nước cộng hòa Bắc Ô-xê-ti-a, thuộc Liên bang Nga; khu vực ở phía Nam dãy núi Cáp-ca-dơ là nước cộng hòa Nam Ô-xê-ti-a, thuộc Gru-di-a. Nước cộng hòa Nam Ô-xê-ti-a nằm cách thủ đô Tbi-li-xi của Gru-di-a khoảng 100 km về phía Bắc, có diện tích khoảng 4.000 km2, dân số khoảng 72.000 người, trong đó, hơn 70% là người gốc Nga. Thời kỳ Liên bang Xô-viết, sự phân chia địa lý này chỉ có ý nghĩa tượng trưng; bởi, các nước cộng hòa đều sống chung trong một Nhà nước Liên bang. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô tan rã, Gru-di-a tuyên bố độc lập và từ đây, nảy sinh xung đột giữa quân chính phủ với lực lượng ly khai ở Nam Ô-xê-ti-a. Sau đó, Nam Ô-xê-ti-a đã tự tuyên bố độc lập. Năm 1992, Nam Ô-xê-ti-a và Gru-di-a đã ký thỏa thuận ngừng bắn, thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Ô-xê-ti-a, gồm Nga, Gru-di-a và Nam Ô-xê-ti-a, do Nga đứng đầu. Năm 2003, sau cuộc "cách mạng hoa hồng", ông Sa-a-ca-svi-li - người theo đường lối thân phương Tây- lên làm Tổng thống Gru-di-a. Từ khi lên nắm quyền, Sa-a-ca-svi-li luôn tìm mọi cách để thực hiện cái mà ông gọi là mục tiêu chiến lược: đưa Gru-di-a gia nhập tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thu hồi hai vùng đất ly khai là Nam Ô- xê-ti-a và Áp-kha-di-a, được coi là thân Nga, làm cho quan hệ giữa Tbi-li-xi với hai vùng đất ly khai này và với Mát-xcơ-va hết sức căng thẳng.
Theo các nhà phân tích quốc tế, quyết định của Tổng thống Gru-di-a Sa-a-ca-svi-li tiến công quân sự vào Nam Ô-xê-ti-a là "quyết định sai lầm" cả về chiến lược và chiến thuật. Về chiến lược, Sa-a-ca-svi-li đã sai lầm khi tưởng rằng Mỹ và phương Tây sẽ "ủng hộ vô điều kiện" hành động quân sự của ông; điều đó cho phép Tbi-li-xi tiến hành chiến dịch quân sự chớp nhoáng đánh chiếm Thủ phủ Xkhin-va-li, đặt Nga và quốc tế vào tình thế đã rồi, để thu phục vùng đất ly khai Nam Ô-xê-ti-a. Sa-a-ca-svi-li cũng lầm tưởng rằng, thông qua hành động quân sự đó, NATO sẽ sớm kết nạp Gru-di-a. Nhưng ông đã không lường được là, dù Gru-di-a là đồng minh, nhưng Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề chiến lược cấp bách cần ưu tiên, như vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, của I-ran, mà việc giải quyết không thể thiếu vai trò đối tác của Nga. Hơn nữa, trong cục diện chiến lược quốc tế, tuy vẫn là siêu cường số 1, nhưng quốc lực tổng hợp của Mỹ đã bị suy giảm. Mỹ lại đang "sa lầy" quân sự ở I-rắc, ở Áp-ga-ni-xtan và nhiều nơi khác. Do vậy, Nhà Trắng đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Nam Ô-xê-ti-a. NATO cũng không thể vì Gru-di-a - quốc gia chưa phải thành viên NATO - để bị lôi cuốn vào cuộc đối đầu quân sự với Nga - một cường quốc đang trỗi dậy và có sức mạnh quân sự khổng lồ. Mặt khác, nhiều thành viên NATO còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng cung cấp của Nga. Về chiến thuật, dù đã được Mỹ và phương Tây viện trợ quân sự, nhưng thực lực quân sự của Gru-di-a vẫn không thể so sánh được với Nga. Do đánh giá sai lầm về khả năng trợ giúp quân sự từ bên ngoài, Sa-a-ca-svi-li đã liều lĩnh "lấy trứng chọi đá", nên thất bại trong cuộc chiến chớp nhoáng ở Nam Ô-xê-ti-a là điều không thể tránh khỏi. Sa-a-ca-svi-li lại phát động cuộc chiến vào thời điểm "nhạy cảm" (đang diễn ra Thế vận hội Ô-lem-píc Bắc Kinh 2008 - sự kiện thể thao thế giới) nên gây sự phản cảm rất lớn trong dư luận thế giới. Nhiều chính khách phương Tây cũng lên án, coi chiến dịch quân sự của Tổng thống Gru-di-a Sa-a-ca-svi-li vào Nam Ô-xê-ti-a là hành động "thiếu suy nghĩ", "không thể hiểu nổi". Họ cũng yêu cầu không trao "quy chế ứng cử viên NATO" cho Gru-di-a vào tháng 12 năm nay, mà để đến khi nào nước này "đi đúng quỹ đạo" .
Với Nga, theo các nhà phân tích quốc tế, quyết định can thiệp quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a là việc làm "vạn bất đắc dĩ", nhưng nước này đã xử lý khôn khéo để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực từ phương Tây. Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã lên án chiến dịch quân sự của Tbi-li-xi là vi phạm Hiệp định năm 1992, là "hành động hủy diệt" thường dân vô tội ở Nam Ô-xê-ti-a (trong đó có nhiều người dân gốc Nga), không thể chấp nhận được; khẳng định, Nga có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng và nhân phẩm công dân Nga ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông cũng phản đối và yêu cầu phương Tây không thực hiện "tiêu chuẩn kép" đối với vấn đề Nam Ô-xê-ti-a. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, hành động quân sự của Nga là tuân thủ Hiệp định mà Nga và Gru-di-a đã ký kết; tỏ ý sẵn sàng cùng với EU, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đóng vai trò chính duy trì hòa bình ở hai khu vực ly khai này… Nhờ vậy, Mát-xcơ-va đã làm phương Tây "tiến thoái lưỡng nan", không thể can thiệp quân sự vào Nam Ô-xê-ti-a. Nhưng ý đồ sâu xa của Mát-xcơ-va là thông qua chiến dịch quân sự này, Nga vạch "ranh giới đỏ" với phương Tây rằng, Nga sẵn sàng và đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia ở "không gian hậu Xô-viết"; đồng thời, cũng tạo lợi thế để ngăn cản mưu đồ gia nhập NATO của Gru-di-a. Tuy nhiên, việc can thiệp quân sự vào Nam Ô-xê-ti-a cũng đặt cho Nga những vấn đề không nhỏ. Trước hết, nó gần như đã đặt dấu "chấm hết" trong quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Tbi-li-xi. Vừa qua, Gru-di-a đã tuyên bố rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đặt tổ chức này trước thách thức không nhỏ. Trong động thái được coi là để lấy lòng phương Tây, U-crai-na đòi xem xét lại hợp đồng về quy chế hoạt động của hải quân Nga trên Biển Đen… Nhưng vấn đề lớn nhất, đồng thời cũng là mối quan ngại sâu sắc nhất của dư luận quốc tế là, hành động quân sự đó có nguy cơ đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Nga với phương Tây, đặc biệt là Nga với Mỹ ở Cáp-ca-dơ và trên thế giới lên tầng nấc mới, hết sức phức tạp.
Các chiến lược gia của Mỹ và nhiều nước phương Tây vốn coi khu vực Trung Á, biển Ca-xpi-a, vùng Cáp-ca-dơ là vị trí trọng yếu trong chiến lược toàn cầu. Theo họ, làm chủ khu vực này là có thể khống chế, kiểm soát lục địa Á, Âu và khu vực Trung Đông. Khu vực này cũng là "rốn dầu" của thế giới. Chính vì thế, từ sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, Nhà Trắng luôn thực hiện chiến lược can dự, giành quyền ảnh hưởng ở khu vực này - khu vực vốn được coi là "sân nhà" của Nga. Nhà Trắng tiến hành chính sách vừa hợp tác, vừa kiềm chế, ngăn chặn đối với Nga: mở rộng biên giới NATO tiến sát biên giới nước Nga; lấy cớ "chống khủng bố", triển khai các căn cứ quân sự ở nhiều nước Trung Á; triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược ở Séc và Ba Lan…, hình thành thế trận quân sự bao vây, kiềm chế Nga. Đối với khu vực Cáp-ca-dơ, Mỹ rất coi trọng vị trí chiến lược của Gru-di-a, bởi nước này nằm trên tuyến đường dẫn dầu chiến lược: Ba-cu - Tbi-li-xi - Xây-xan - Địa Trung Hải của Mỹ và phương Tây (nhằm giảm ảnh hưởng của Nga). Gru-di-a cũng là "cửa ngõ" để Mỹ tiến vào các nước SNG, thiết lập thế bao vây quân sự đối với Nga từ hướng Tây. Những năm qua, Mỹ đã tốn nhiều công sức gây dựng ảnh hưởng ở Gru-di-a, thiết kế "cách mạng hoa hồng" để lật đổ chính thể thân Nga, thay vào đó bằng chính thể thân Mỹ; đổ tiền của đầu tư quân sự và bảo trợ để Gru-di-a gia nhập NATO… Có thể nói, Gru-di-a là "át chủ bài" của Mỹ trong chiến lược bá quyền ở khu vực Cáp-ca-dơ. Hành động quân sự của Nga đối với Gru-di-a ở Nam Ô-xê-ti-a vừa qua là "bài học" cho Mỹ về sự nhận thức thực tiễn hơn "một nước Nga mới", để từ đó có những chính sách phù hợp trong cuộc cạnh tranh địa-chiến lược với Nga ở Cáp-ca-dơ và trên toàn cầu. Chưa ai biết chính sách tiếp theo của Mỹ đối với Nga là gì; nhưng như nhiều chuyên gia dự đoán, nó sẽ là chính sách gây áp lực toàn diện để "dằn mặt" Nga. Trong phiên họp khẩn cấp vừa qua của Hội đồng NATO, Ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ đã thẳng thừng tuyên bố, Mỹ không cho phép Nga giành lợi thế chiến lược ở Cáp-ca-dơ. Mỹ cũng ráo riết tiến hành các hành động gây sức ép với Nga về "dân chủ"; gây sức ép quốc tế về quy chế đối với hai khu vực ly khai Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a; ráo riết vận động NATO thành lập mặt trận chống Nga. Một số quan chức Mỹ còn đe dọa sẽ loại Nga ra khỏi nhóm G8 và cản trở con đường gia nhập WTO, xem xét lại quan hệ Mỹ - Nga. Vừa qua, Mỹ đã ký với Ba Lan hiệp ước triển khai tại nước này 10 tên lửa đánh chặn, một bước đi tiếp theo tiến tới thành lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) tại Đông Âu. Với danh nghĩa mang hàng cứu trợ nhân đạo cho Gru-di-a, Mỹ và một số thành viên NATO đã điều động nhiều tầu chiến hiện đại đến vùng Biển Đen. Hành động này làm cho Nga lo ngại và đã phản đối những hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở khu vực Biển Đen, Cáp -ca-dơ, bởi các hoạt động đó làm cho tình hình ở đây thêm phức tạp.
Cuộc xung đột quân sự Nga - Gru-di-a ở Nam Ô-xê-ti-a vừa qua, như đánh giá của nhiều nhà phân tích quốc tế, là "giọt nước làm tràn ly", có nguy cơ đẩy cục diện tranh giành ảnh hưởng giữa Nga với phương Tây ở khu vực này và trên toàn cầu sang giai đoạn đối đầu, căng thẳng. Để trả đũa hành động quân sự của Nga tại Gru-di-a, NATO đã tuyên bố "không tiếp tục các quan hệ bình thường với Nga". Ngay lập tức, Nga cũng quyết định tạm ngừng mọi hợp tác quân sự Nga-NATO. Trước việc Mỹ đẩy nhanh việc triển khai NMD ở Đông Âu, Nga cũng đáp trả bằng tuyên bố sẽ triển khai các tên lửa chiến thuật nhằm vào Ba Lan và Séc, nếu NMD được triển khai ở các nước này. Nga cũng có thể bố trí các tên lửa đạn đạo ở những khu vực sát biên giới của các nước thành viên NATO. Nhiều quan chức Nga cũng tuyên bố để ngỏ khả năng rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (IMF)… Mới đây, Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a đã chính thức đề nghị Nga công nhận nền độc lập của họ, và ngày 26 tháng 8, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã ký Sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng này. Đây là một động thái mà nhiều nhà phân tích dự báo sẽ gây ra những căng thẳng mới trong quan hệ giữa Nga và một số nước phương Tây.
Dư luận thế giới bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp đang diễn ra ở Gru-di-a, yêu cầu các bên kiềm chế, không làm tình hình thêm phức tạp; tiến hành đàm phán hòa bình, trên tinh thần tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, để tìm giải pháp thích hợp, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của các bên liên quan, góp phần xây dựng khu vực Cáp-ca-dơ thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đang quan tâm theo dõi diễn biến tình hình chung quanh vấn đề này. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, phù hợp các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Minh Đức
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011