QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:21 (GMT+7)
Bình luận: Việc xây dựng các “siêu căn cứ quân sự” và triển vọng thực hiện chiến lược của Mỹ ở I-rắc

Từ lâu nay, vấn đề I-rắc luôn được coi là “nhân tố quan trọng hàng đầu” trong sự lựa chọn chiến lược, điều chỉnh chính sách đối ngoại và ngày càng gắn chặt với những lợi ích quan trọng của Mỹ. Là nước có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ ba thế giới, lại nằm ở trung tâm khu vực trọng điểm địa- chiến lược Trung Đông, I-rắc dưới chính thể Xát-đam Hút-xen được coi là “cái gai”, một quốc gia “bất hảo” thách thức các lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Chính vì vậy, chỉ trong vòng hơn một thập kỷ, Mỹ đã hai lần phát động chiến tranh chống I-rắc. Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 nhưng chưa lật đổ chính thể Xát-đam Hút-xen. Phải đến cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003, chỉ trong vòng ba tuần lễ, chế độ Xat-đam Hút-xen bị xoá sổ. Tuy nhiên, đã bước sang năm thứ tư, với cái giá hàng ngàn quân Mỹ bị thương vong, hàng trăm tỷ đô-la tốn phí, thế nhưng vẫn chưa bình định được I-rắc mà còn bị sa lầy, “tiến thoái lưỡng nan”. Mục tiêu tối hậu của Mỹ ở I-rắc là phải ra được khỏi “vũng lầy”, rút quân về nước, lập lại trật tự, ổn định tình hình I-rắc với một chính quyền thân Mỹ, có thể đại diện cho các lợi ích chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế ở I-rắc nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung. Mục tiêu này, cho tới nay vẫn thấy chưa sáng sủa lắm.

Trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước đòi rút quân Mỹ tại I-rắc về nước, báo chí nước ngoài cho biết, gần đây chính quyền Mỹ đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này. Tổng thống G.W.Bu-sơ đã có “sáng kiến” là xây dựng một mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” trên khắp lãnh thổ I-rắc. Chính quyền của ông G.W.Bu-sơ đã đề nghị Quốc hội thông qua một khoản ngân sách một tỷ USD cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại I-rắc trong thời gian 2005-2006. Ông G.W.Bu-sơ còn đề nghị thông qua một khoản ngân sách khẩn cấp 248 triệu USD dành riêng cho việc xây dựng các căn cứ quân sự tại I-rắc.
Tờ “Thời báo Niu Yóoc” trích dẫn lời các quan chức cấp cao chính quyền Bu-sơ rằng Mỹ đang lập kế hoạch duy trì quan hệ quân sự lâu dài với chính phủ mới ở I-rắc nhằm cho phép Lầu Năm Góc tiếp cận các căn cứ quân sự và thực hiện các “dự án gây ảnh hưởng của Mỹ tại trung tâm khu vực gây bất ổn định của thế giới”. Tờ báo trên khẳng định, theo lời các quan chức trên thì hiện có 4 căn cứ quân sự có thể đang được tiếp tục xây dựng nhằm cung cấp cho quân đội Mỹ những chỗ đứng vững chắc để có thể triển khai các hoạt động rộng khắp I-rắc trên các mặt hậu cần, yểm trợ không quân và điều động lực lượng. Tại miền Nam I-rắc có căn cứ Ta-lin xây dựng hết 110 triệu USD, có thể đồn trú được 2 sư đoàn lục quân. Căn cứ An A-sát ở miền Tây, là doanh trại lớn nhất của thuỷ quân lục chiến Mỹ, trải rộng trên diện tích 19 dặm vuông, xây dựng hạ tầng quân sự hết 43,6 triệu USD. Căn cứ này có đủ các trung tâm giải trí và tiêu khiển cỡ lớn, kể cả các hộp đêm, dành cho 17.000 lính Mỹ đang đồn trú. Căn cứ Ba-lát ở miền Trung, hiện được coi như là một trong những “siêu căn cứ quân sự”quan trọng nhất của Mỹ ở I-rắc, trải rộng trên diện tích 14 dặm vuông, có 2500 người phục vụ, tổng số tiền xây dựng hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị gần 400 triệu USD. Đây thực sự là một căn cứ hậu cần khổng lồ phục vụ toàn bộ các chiến dịch quân sự của Mỹ tại I-rắc. Tại căn cứ này có hàng trăm máy bay các loại (F-16, C-5, C-130) cùng nhiều máy bay vận tải, máy bay tiêm kích khác và các loại trực thăng. Ngoài hạ tầng , trang thiết bị quân sự hiện đại, Ba-lát còn có bể bơi đạt tiêu chuẩn thế vận hội mùa hè, một rạp chiếu phim cỡ lớn và hàng loạt trung tâm giải trí tầm cỡ quốc tế. Ngoài ra còn có các căn cứ khác, như An Qua-ra ở Cuốc-đi-xtan (miền Bắc I-rắc), v.v.
Như vậy, mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” của Mỹ ở I-rắc đã và đang hình thành và sẽ ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện. Vấn đề đặt ra là chúng sẽ phát huy tác dụng gì cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở I-rắc nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung ?
Bất cứ một sự vật nào cũng có mặt phải, mặt trái; mặt lợi, mặt hại; cái được, cái mất. Bỏ ra hàng tỷ USD xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” ở I-rắc, chắc chắn Nhà Trắng  và Lầu Năm Góc đã phải tính toán rất chi ly, kỹ càng để sao cho khỏi “lợi bất cập hại”. Là người ngoài cuộc, với cách nhìn khách quan, xin có đôi lời bàn về vấn đề này.    
Thứ nhất, việc xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” kiểu như vậy, Mỹ có thể thực hiện rút dần một phần binh lực, để số quân Mỹ còn lại có thể chuyển sang đóng vai trò là “lực lượng cân bằng”, “lực lượng răn đe”, “lực lượng hỗ trợ” cho các lực lượng vũ trang I-rắc do Mỹ giúp xây dựng để trấn áp các lực lượng nổi dậy. Như vậy, có thể giảm thương vong cho quân Mỹ, giảm sức ép của dư luận nhân dân Mỹ, nhân dân I-rắc đòi rút quân Mỹ về nước.
Thứ hai, việc xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” kiểu như vậy, thực chất vẫn bảo đảm được “sự có mặt về quân sự” của Mỹ, đáp ứng yêu cầu của phe bảo thủ trong chính giới Mỹ. Như Chủ tịch Uỷ ban chính sách Trung Đông của Quốc hội Mỹ, Fo-rây-man từng nhấn mạnh: “Tại I-rắc, quân đội của chúng ta có thể đi theo bất kỳ hướng nào để đi đến bất kỳ nơi nào muốn đến, trừ một phương hướng - rút lui. Một khi chúng ta tiến lên, chúng ta không thể rút lui… Nếu chúng ta ở đó, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm đối với những sự việc nảy sinh ở đó.” Trên thực tế, thiết lập các căn cứ quân sự ở Trung Đông luôn là mục tiêu mà các nhân vật trong phe bảo thủ của chính quyền Mỹ theo đuổi bấy lâu nay. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo thành động lực cho Mỹ phát động các cuộc chiến tranh ở I-rắc để thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Cựu Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Mỹ, ông Ga-ry Hác cho biết: “ Các nhân vật bảo thủ trong Nhà Trắng đã nhiều lần nói rõ ý tưởng rằng Mỹ phải thiết lập một chính phủ “mến khách” tại I-rắc để có thể sử dụng nước này như một căn cứ ở Trung Đông trong vòng 100 năm tới”. Trước mắt, mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” đó còn làm bàn đạp tiến công khi cần thiết đối với các nước mà Oa-sinh-tơn xếp vào “trục ác quỷ” ở khu vực này. Như tờ nguyệt san “The Middle East” của An-giê-ri ngày 4-6-2006 viết: “Khi cuộc chiến I-rắc bước sang năm thứ tư (tức năm 2006), Mỹ đang tiến hành mở rộng một số căn cứ không quân chiến lược quy mô lớn tại I-rắc, và điều này nói lên rằng việc tiếp tục triển khai các lực lượng chiến lược không chỉ phục vụ mục đích trấn áp và đề phòng lực lượng nổi dậy tại I-rắc, mà còn nhằm xây dựng các cứ điểm mạnh để phát động các cuộc tấn công I-ran nếu như không thể tránh khỏi một sự đối đầu giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran”.
Ngoài những tính toán theo chiều thuận, theo “mặt phải” của Mỹ như trên, việc xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” ở I-rắc còn biểu hiện những “mặt trái”, có thể “lợi bất cập hại”.
Một là, việc xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” khổng lồ, kiên cố, tốn kém như vậy vẫn là thể hiện tình thế sa lầy “tiến thoái lưỡng nan”, thể hiện mâu thuẫn không thể khắc phục nổi trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở I-rắc nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung. Hay nói cách khác, đây vẫn là “hạ sách” của Oa-sinh-tơn. Xin nhấn mạnh rằng, “thượng sách” phải là rút hết được quân Mỹ về nước, ổn định được tình hình, thành lập được chính quyền “mến khách” (tức thân Mỹ), bảo đảm được vị thế “lãnh đạo” và các lợi ích của Mỹ ở khu vực trọng điểm chiến lược này của thế giới. Nhưng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” như vậy thực chất lại vẫn thể hiện sự có mặt về quân sự của Mỹ. Và điều này lại góp phần gây mất ổn định ở I-rắc nói riêng, ở Trung Đông nói chung. Dư luận thế giới, và ngay cả chính giới Mỹ, Anh cũng thừa nhận thực tế này. Hai tờ báo “Sunday Telegraph” và “Sunday Mirror” của Anh ngày 5-3-2006 đều đưa tin: Chính phủ Anh và Mỹ thừa nhận sự hiện diện quân sự lâu dài của họ tại I-rắc là cản trở hoà bình… Luân Đôn và Oa-sinh-tơn nhận ra rằng việc họ duy trì quân đội ở I-rắc1 sẽ càng kích động tình hình bất ổn định vốn đang gia tăng. Trường hợp duy nhất khiến cho liên quân ở lại I-rắc là bạo lực leo thang thành nội chiến. Hồi tháng 3-2006, cựu Thủ tướng lâm thời I-rắc L. A-la-vi đã cảnh báo rằng cuộc nội chiến ở I-rắc đã bùng nổ và hiện nó đang ở giai đoạn đầu. Tháng 4-2006, Thứ trưởng Bộ Nội vụ I-rắc H. Ali Ka-man nói rằng: “I-rắc thực sự đã sa vào một cuộc nội chiến “không tuyên bố”. Ông nói: “Hằng ngày, nhiều người Hồi giáo Si-ai, Xăn-ni, Cuốc và người Cơ đốc giáo bị sát hại, điều duy nhất mà người ta chưa chính thức tuyên bố đây là một cuộc nội chiến với sự tham gia của tất cả các phe phái”. Tình hình thực tế hiện nay cũng đang chứng minh cho những nhận định trên. Vậy là sự có mặt về quân sự của Mỹ dù có bằng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” cũng không giải quyết được mất ổn định, nạn khủng bố vẫn diễn ra hằng ngày, nguy cơ nội chiến giữa các sắc tộc, tôn giáo, phe phái của người I-rắc đang trở thành hiện thực, đó là điều Oa-sinh-tơn không hề mong muốn.
Hai là, chính quyền Mỹ đã lựa chọn I-rắc không chỉ là chiến trường trọng điểm trong cuộc “chiến tranh chống khủng bố toàn cầu” giai đoạn hai (sau chiến tranh Áp-ga-ni-xtan) mà còn muốn tái thiết I-rắc thành “tấm gương dân chủ” của các nước A-rập, thực hiện chiến lược “dân chủ hoá” và “Đại Trung Đông”. Sự có mặt về quân sự của Mỹ bằng việc xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự” sẽ chỉ góp phần làm cản trở các mục tiêu chiến lược kể trên. I-rắc đã thông qua một, hai lần bầu cử gọi là “dân chủ” để lập ra chính quyền của người I-rắc, nhưng làm sao có được dân chủ thực sự khi các cuộc bầu cử phải tiến hành trong một đất nước còn có hàng chục vạn quân nước ngoài chiếm đóng, khi nạn khủng bố còn lan tràn ? Không bao giờ có thể thực hiện “dân chủ hoá” ở một quốc gia, có nhiều phe phái xung đột vũ trang và bằng sự có mặt của quân đội nước ngoài.
           
Rõ ràng là, việc xây dựng mạng lưới các “siêu căn cứ quân sự”, tiếp tục khẳng định sự có mặt quân sự của Mỹ ở I-rắc có thể làm thoả mãn nhu cầu của một số chính khách trong chính giới Mỹ, nhưng nó đi ngược nguyện vọng đòi rút quân Mỹ về nước của  dư luận nói chung, đặc biệt là của nhân dân Mỹ, nhân dân I-rắc nói riêng. Và điều quan trọng là, việc đó chỉ làm cho triển vọng thực hiện các mục tiêu chiến lược của Oa-sinh-tơn ở I-rắc nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung thêm xa vời.
 
Nguyễn Trung
 
1- Hiện Anh có 8.000 quân đóng chủ yếu ở 4 tỉnh miền Nam I-rắc. Mỹ có khoảng 136.000 quân triển khai khắp I-rắc.

 

Ý kiến bạn đọc (0)