QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:27 (GMT+7)
Bình luận: \\"Dân chủ hoá thế giới\\" có thể chống được chủ nghĩa khủng bố quốc tế?
Trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay, có hai vấn đề rất quan trọng, tác động, ảnh hưởng lớn đến hoà bình, an ninh thế giới mà dư luận hết sức quan tâm, đó là "dân chủ hoá thế giới" kiểu Mỹ và chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

 Phát biểu trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai (1-2005) và trong Thông điệp Liên bang năm 2005 (2-2005), Tổng thống G.W.Bu-sơ đều nhấn mạnh: một trong những nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền Mỹ là tăng cường mở rộng tự do, dân chủ trên toàn thế giới (hay"dân chủ hoá thế giới"), coi đây là bảo đảm quan trọng nhất để ngăn chặn và đánh bại chủ nghĩa khủng bố trong "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu" và bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ trong thế kỷ 21. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ xin bàn về mối quan hệ giữa "dân chủ hoá thế giới" theo kiểu Mỹ và chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

"Dân chủ hoá thế giới" là cách gọi vắn tắt chiến lược toàn cầu: truyền bá, áp đặt những quan niệm giá trị của Mỹ, đặc biệt quan niệm giá trị "tự do", "dân chủ" của Mỹ lên toàn thế giới, nhằm thực hiện "vai trò lãnh đạo thế giới" (thực chất là bá quyền thế giới) mà nhiều đời chính quyền Mỹ theo đuổi với những biện pháp chiến lược giống, hoặc khác nhau. Đến đời Tổng thống G.W.Bu-sơ (con), sau "sự kiện 11-9-2001", ông đã phát động "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu" do Mỹ lãnh đạo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh và gắn kết giữa "dân chủ hoá thế giới" với chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, coi "dân chủ hoá thế giới" theo kiểu Mỹ là biện pháp chiến lược quan trọng hàng đầu để chống chủ nghĩa khủng bố. Đây quả là một "sáng kiến", bước phát triển mới trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Vấn đề đặt ra là phải tìm hiểu "dân chủ" của Mỹ là gì,  liệu "dân chủ hoá thế giới" theo kiểu Mỹ có tính khả thi, có chống được, có loại trừ được chủ nghĩa khủng bố quốc tế không ? Để giải quyết vấn đề đặt ra đó phải xem xét cả về lý luận và thực tiễn.
Nhà cầm quyền Mỹ cho rằng, nếu truyền bá, áp đặt được các giá trị, quy phạm "dân chủ" kiểu Mỹ trên toàn thế giới thì sẽ không còn "mảnh đất cắm dùi" cho chủ nghĩa khủng bố chăng ? Xét về lôgich hình thức hay về mặt nào đó, điều này có vẻ "có lý", nếu đó là thứ dân chủ thật sự dân chủ, thật sự văn minh. Bởi vì, trình độ dân chủ ở một nước nói riêng, trên thế giới nói chung là biểu hiện trình độ văn minh của loài người. Khủng bố giết hại cả thường dân vô tội, phá hoại các giá trị vật chất, tinh thần như chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã và đang tiến hành là những hành động vô cùng dã man, trái đạo lý, phản nhân văn, chống lại nền văn minh nhân loại. Như người phụ trách việc hoạch định chính sách trong Bộ Ngoại giao dưới thời Bin Clin-tơn lập luận rằng, những gốc rễ của Al Qaeda nằm ở sự nghèo đói và thiếu giáo dục của A-rập Xê-út, Ai-cập và Pa-ki-xtan, và rằng những sự thiếu hụt này là do bản chất độc đoán của các nhà nước đó và chỉ có thể chống lại được thông qua dân chủ hoá. Khi các giá trị dân chủ đích thực được phổ biến rộng rãi, trình độ văn minh của con người được nâng cao thì những hành vi dã man, tàn bạo như khủng bố cũng ít dần.
Thế nhưng "dân chủ" và "dân chủ hoá thế giới" kiểu Mỹ thì lại là chuyện khác. Mỹ tự cho rằng quan niệm giá trị "dân chủ" của họ là tuyệt đỉnh, là có tính phổ biến toàn nhân loại, và cần phải truyền bá, phải áp đặt cho toàn thế giới để loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Xin thưa, đó chính là tham vọng sai lầm của Mỹ và đương nhiên là không thể thực hiện được. Bởi vì, dân chủ với ý nghĩa đích thực là người dân được làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ đất nước mình, làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như chính trị, kinh tế, văn hoá... Đó mới chính là nền dân chủ thực sự của nhân dân và do đó nó cũng là động lực phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, dân chủ là một phạm trù mang tính lịch sử, tính giai cấp, là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Do trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều và sự khác biệt về địa lý, về truyền thống lịch sử, văn hoá, về ý thức hệ... nên quan niệm dân chủ, nội dung dân chủ, trình độ dân chủ cũng có khác nhau, không thể đánh đồng, cào bằng vấn đề dân chủ cho mọi quốc gia, càng không thể lấy quan niệm giá trị dân chủ của một nước, hoặc một nhóm nước áp đặt cho toàn thế giới.
Xét riêng về nền dân chủ của một số nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ thì trước hết không thể phủ nhận những thành quả cũng như trình độ phát triển khá cao của họ qua lịch sử hơn 200 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc trong "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ". Họ đã xây dựng được một nền dân chủ phát triển theo đúng hình ảnh của mình. Thế nhưng dân chủ kiểu Mỹ chưa phải là tuyệt đỉnh, là hoàn hảo nhất để có thể truyền bá, áp đặt cho toàn thế giới. Bởi lẽ dân chủ kiểu Mỹ giờ đây vẫn còn đầy rẫy những điều bất ổn, thiếu sót, thậm chí bệnh hoạn. Thực chất đó là thứ "dân chủ" của những người lắm tiền, nhiều của nhất, những nhà tài phiệt, trùm tư bản xuyên quốc gia - những tỷ phú ở Mỹ tuy nhiều nhưng vẫn là thiểu số, chỉ là con số hàng trăm trong tổng số hơn 275 triệu người Mỹ. Trên danh nghĩa, công dân Mỹ đều có quyền bầu cử, ứng cử, nhưng nếu không có hàng triệu đô-la thì làm sao có thể vận động tranh cử, mua phiếu, chạy đua các chức vụ Nghị sĩ, Thống đốc, Tổng thống... ! Báo cáo mới đây của Liên minh đô thị quốc gia Mỹ cho biết: hố ngăn cách giàu nghèo, đặc biệt giữa người da đen và người da trắng ở Mỹ tiếp tục lớn, với giá trị gấp khoảng 10 lần. Hơn 60% người da đen đang trong tình trạng vô gia cư, nạn phân biệt chủng tộc, tình trạng tội phạm, bất công, mất an ninh vẫn còn phổ biến và nghiêm trọng. Đặc biệt, Cục Điều tra Liên bang Mỹ mới đây có một báo cáo mật dài 338 trang điều tra về 22 tổ chức khủng bố ở trên đất Mỹ. Báo chí nước ngoài coi Mỹ là một trong những "nước đẻ nhiều" (thịnh sản quốc) tổ chức khủng bố nhất, có lúc lên tới hơn 800 tổ chức, với hàng triệu thành viên, phân bố khắp 50 bang. Con số 22 của Cục Điều tra Liên bang chỉ là những tổ chức khủng bố lớn nhất, hoạt động điên cuồng nhất ở Mỹ, như Tổ chức Đảng 3K, "Mặt trận giải phóng địa cầu" (ELF), các tổ chức dân binh cực hữu mang tên "Người yêu nước", như "Đảng ái quốc của người da trắng" "Lực lượng vũ trang giải phóng dân tộc Pô-tu-li-ca", v.v. Hiện nay, trên tất cả các xe ta-xi ở Mỹ đều lắp hệ thống thiết bị chống khủng bố. Các hệ thống này có thể giám sát liên tục các xe cộ và mọi người xung quanh. Mỹ cũng đang phải tiến hành "chiến tranh chống khủng bố" ở ngay trên đất nước mình.
Vậy là, Mỹ tự cho mình là dân chủ nhất, và coi "dân chủ hoá thế giới" theo kiểu Mỹ là liều thuốc hiệu nghiệm chống khủng bố, thì đáng lý ra, ở nước Mỹ phải không có, hoặc có rất ít các tổ chức khủng bố, các hành động khủng bố, nhưng sự thực lại trái ngược. Thực tiễn đó cho thấy nền dân chủ của Mỹ là "có vấn đề", là chưa hoàn hảo, nước Mỹ còn là mảnh đất tốt sinh sôi các tổ chức khủng bố. ấy vậy mà chính quyền Mỹ lại mưu toan mang "dân chủ " kiểu Mỹ đi "dân chủ hoá thế giới" để chống khủng bố ! Liệu việc đó có thực tế, có khả thi ? Hay "dân chủ hoá thế giới" để chống khủng bố chỉ là một chiêu bài, một biện pháp chiến lược nhằm thực thi chiến lược toàn cầu thiết lập "trật tự thế giới mới" với bá quyền của Mỹ ?
Trong chiến lược "dân chủ hoá thế giới", Mỹ lấy Trung Đông, Trung á làm trọng điểm, vì theo họ, đó là những khu vực chiến lược trọng yếu, nơi điển hình của tình trạng thiếu dân chủ và chủ nghĩa khủng bố hoạt động tập trung nhất. Tổng thống G.W.Bu-sơ nhấn mạnh, sứ mệnh của Mỹ là phải thúc đẩy và ủng hộ kịp thời, thiết thực các nền dân chủ trẻ tuổi trên khắp thế giới. Mỹ sẽ dành khoảng 120 triệu USD để thành lập "Quỹ tài trợ cho các nền dân chủ trẻ tuổi", 25 triệu USD để thành lập "Uỷ ban tái thiết và ổn định tình hình" và thành lập "Lực lượng phản ứng nhanh" để kịp thời hỗ trợ cho các quốc gia đang tiến hành "cách mạng dân chủ" thuộc không gian hậu Xô - viết ở Trung á và khu vực Trung Đông.
Tại khu vực Trung Đông, Mỹ đã lên chương trình, kế hoạch xây dựng "Dân chủ Đại Trung Đông", trong đó lấy I-rắc làm mô hình trọng điểm "dân chủ hoá" và chống khủng bố. Toàn thế giới đã thấy Mỹ thực hiện chương trình này ở I-rắc bằng cả một cuộc chiến tranh cục bộ, công nghệ cao tàn phá đất nước, giết hại dân thường, lật đổ chính quyền Xát-đam Hút-xen bị coi là độc tài, phản dân chủ, ủng hộ khủng bố, có vũ khí huỷ diệt. Hậu quả như mọi người đã biết, Mỹ dùng chiến tranh chống khủng bố thì lại biến I-rắc thành nơi tụ họp bọn khủng bố quốc tế đông đảo nhất, hành động khủng bố diễn ra thường xuyên, và khốc liệt nhất cho đến tận bây giờ. Còn thứ "dân chủ" mà Mỹ áp đặt, kể cả thông qua các cuộc bầu cử gần đây cũng chưa được người dân I-rắc chấp thuận. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận ở I-rắc cho thấy, phần lớn người dân nước này coi "dân chủ"  của Mỹ là "dân chủ giả hiệu", "dân chủ dưới họng súng", coi kế hoạch "Dân chủ Đại Trung Đông" của Mỹ là chính sách thực dân kiểu mới, hòng thực hiện mưu đồ độc chiếm I-rắc, làm bá chủ Trung Đông cũng như thế giới.
Tại khu vực Trung á và các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây, Mỹ ra sức thúc đẩy, cổ vũ, ủng hộ "dân chủ hoá" kiểu Mỹ bằng các cuộc  "cách mạng màu sắc", "cách mạng đường phố" gây những cơn "chấn động chính trị" ở hàng loạt nước, như  Gru-di-a, U-crai-na, Cư-rơ-gư-xtan, A-déc-bai-dan... Mỹ và một số nước phương Tây thông qua các con đường ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp vào các cuộc bầu cử ở các nước này; thúc đẩy, xúi giục, chi tiền cho các phe phái đối lập mua chuộc quần chúng biểu tình, gây bạo loạn lật đổ các chính phủ "không hợp khẩu vị" với họ. Dư luận cho rằng, đó là hành động can thiệp thô bạo vào nội bộ các nước khác, biến các cuộc bầu cử ở các nước đó thành các cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái, không phản ánh đúng ý nguyện và quyền lợi của đại đa số quần chúng nhân dân. Đó hoàn toàn là "phi dân chủ" và để lại những hậu quả nặng nề cho các nước sở tại. Hiện nay, các nhà lãnh đạo ở Gru-di-a đang phải đối đầu với tình trạng đất nước bị chia rẽ, bị xé nhỏ, bởi nhiều tỉnh, nhiều khu vực của đất nước đòi ly khai, đòi độc lập. Còn ở U-crai-na thì lâm vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, trong thời gian ngắn, liên tiếp hai Chính phủ bị giải tán, hai Thủ tướng bị cách chức. Khủng hoảng chính trị triền miên, đất nước mất ổn định, sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế, khó khăn, đói nghèo, mất ổn định là khó tránh khỏi, và đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố sinh sôi.
Đối với các nước lớn như  Nga, Trung Quốc, Oa-sinh-tơn cũng chẳng ngần ngại dùng "dân chủ hoá" kiểu Mỹ để can thiệp vào nội bộ các nước này. Thời gian gần đây, Chính phủ Nga đã tiến hành điều chỉnh một số chính sách nhằm lập lại kỷ cương, phép nước, bảo vệ an ninh quốc gia, tăng cường chống các loại tội phạm, chống khủng bố. Việc Chính phủ Nga tiến công mạnh mẽ bọn tội phạm kinh tế, điển hình là vụ bắt giữ và kết án tù nhà tài phiệt M. Khô-đô-cốp-xki, cựu Chủ tịch tập đoàn dầu lửa lớn nhất nước Nga Yukos thì bị Mỹ và phương Tây phản đối. Họ cho đó là "bóp nghẹt dân chủ", "trấn áp giới doanh nhân", là "phá hoại tiến trình dân chủ mà nước Nga đang hướng tới", là làm cho nước Nga quay trở lại "chế độ chuyên chế Đại Nga", v.v. Sự chỉ trích, can thiệp thô bạo đó đã làm cho quan hệ Mỹ - Nga có lúc trở nên căng thẳng. Đáp lại sự can thiệp thô bạo bằng "dân chủ hoá" của Mỹ và phương Tây, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố, các chính sách của Nga phải được làm tại nước Nga, chứ không phải tại nước khác. Nước Nga xây dựng một nền dân chủ phù hợp với thực tế của đời sống Nga hiện nay, phù hợp với các truyền thống về lịch sử, văn hoá của đất nước. Tổng thống V. Pu-tin còn nhấn mạnh rằng, ở nước Nga sẽ không bao giờ có một nền dân chủ như ở phương Tây.
Đối với Trung Quốc, Oa-sinh-tơn còn thường xuyên hơn, tăng cường hơn trong việc dùng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền" kiểu Mỹ để can thiệp vào nước này, bị Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cực lực phản đối. Tuy nhiên, giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc đều có quan điểm thống nhất là quyết tâm chống khủng bố. Trên thực tế, giữa họ đã và đang xây dựng mối quan hệ "đối tác chiến lược" và cùng nhau phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Dư luận lo ngại rằng, việc Oa-sinh-tơn dùng "dân chủ hoá" kiểu Mỹ để can thiệp vào nội bộ các nước lớn như Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác nữa có thể sẽ là một nguy cơ gây nên cuộc "chiến tranh lạnh" mới, đầu độc bầu không khí chính trị quốc tế, và đặc biệt làm suy yếu nghiêm trọng "Mặt trận quốc tế chống khủng bố" do chính Mỹ phát động và cầm đầu.
Như vậy, việc Oa-sinh-tơn dùng chiến lược "dân chủ hoá thế giới" theo kiểu Mỹ để chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế là không có cơ sở vững chắc về lý luận và đang bị thực tiễn bác bỏ. Bản thân "dân chủ" kiểu Mỹ còn mang đầy khiếm khuyết, bất ổn mà Mỹ lại muốn mang cái "bất ổn" ấy đi truyền bá, áp đặt cho thiên hạ thì chẳng ai chấp nhận. Hậu quả là chỉ gây nên những "bất ổn định" ở các nước, các khu vực trên thế giới. Điều này chẳng khác nào Mỹ dùng "cái không thể làm được" (áp đặt "dân chủ" kiểu Mỹ lên toàn thế giới) để đi làm cái việc vô cùng khó khăn, phức tạp là chống chủ nghĩa khủng bố - một công việc đòi hỏi sự nỗ lực và "hiệp đồng tác chiến" trên nhiều lĩnh vực của cả cộng đồng quốc tế. Nhưng việc Mỹ dùng chiêu bài "dân chủ hoá" can thiệp vào nội bộ các nước chẳng những gây mất ổn định tại các nước này, mà còn làm suy yếu, thậm chí có nguy cơ làm tan rã mặt trận quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố - hiểm hoạ toàn cầu.
Bởi vậy có thể khẳng định rằng, không thể khác hơn, "dân chủ hoá thế giới" để chống chủ nghĩa khủng bố chỉ là chiêu bài để thực hiện chiến lược toàn cầu "lãnh đạo thế giới" của Mỹ mà thôi.
 
Nguyễn Trung
 

Ý kiến bạn đọc (0)